Mỹ đang nỗ lực nhằm đưa việc xây dựng cáp ngầm của Việt Nam tách khỏi Trung Quốc

0
18
Logo HMN Technology được nhìn thấy trong hình minh họa này, Zenica, Bosnia và Herzegovina, ngày 20 tháng 3 năm 2023. REUTERS/Dado Ruvic/Ảnh lưu trữ Quyền cấp phép mua
   

Reuters

Tác giả: Francesco Guarascio, Phuong Nguyen Joe Brock

Cù Tuấn, biên dịch

18-9-2024

Tóm tắt:

* Các quan chức Mỹ đã họp về tình trạng cáp ngầm của Việt Nam, theo các nguồn tin cho biết

* Nguồn tin cho biết, Mỹ chia sẻ thông tin tình báo với Hà Nội về khả năng cáp ngầm đã bị phá hoại

* Nguồn tin cho biết, Việt Nam sẵn sàng hợp tác với công ty cáp HMN của Trung Quốc

* APTelecom đang nỗ lực thuyết phục Hà Nội không hợp tác với HMN, theo các nguồn tin cho biết.

APG là một trong những tuyến cáp quan trọng kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế. Tuyến được đưa vào vận hành cuối năm 2016 với chiều dài khoảng 10.400 km, cung cấp băng thông tối đa 54 Tbps. Tuyến cáp này có các điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Ảnh: TL

***

HÀ NỘI, ngày 18 tháng 9 (Reuters) – Mỹ đang thúc giục Việt Nam không làm việc với công ty lắp đặt cáp của Trung Quốc HMN Technologies và các công ty Trung Quốc khác trong kế hoạch xây dựng 10 tuyến cáp ngầm mới vào năm 2030, theo các nguồn tin hiểu biết về các cuộc đàm phán cho biết.

Năm tuyến cáp ngầm chính của Việt Nam kết nối với Internet toàn cầu đã liên tục gặp sự cố, khiến việc xây dựng tuyến cáp mới trở thành ưu tiên hàng đầu của chính phủ nước này.

Theo bảy người tham gia hoặc được thông báo về các cuộc đàm phán, kể từ tháng 1, các quan chức và công ty Mỹ đã tổ chức ít nhất sáu cuộc họp với các quan chức và giám đốc điều hành doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài để thảo luận về chiến lược cáp của quốc gia Đông Nam Á này.

“Đây là một cuộc vận động hành lang rất khó khăn”, một quan chức tham dự cuộc họp cho biết.

Các quan chức Mỹ cũng đã chia sẻ riêng thông tin tình báo về khả năng có phá hoại các tuyến cáp ngầm của quốc gia này, năm người cho biết. Reuters đã trao đổi với 12 nguồn tin cho bài viết này, bao gồm các quan chức Việt Nam, các nhà ngoại giao nước ngoài và các giám đốc điều hành trong ngành. Tất cả đều từ chối nêu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề.

Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh ảnh hưởng tại Việt Nam, với việc cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Tập Cận Bình đều đến thăm Việt Nam vào năm ngoái và các tập đoàn từ hai nước đều đầu tư mạnh vào Việt Nam. Việt Nam và Trung Quốc đã công khai thảo luận về việc thúc đẩy “kết nối” kỹ thuật số.

Cùng lúc đó, các tuyến cáp ngầm, nơi truyền tải phần lớn dữ liệu của thế giới, đã trở thành trọng tâm trong cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Washington, do lo sợ hoạt động gián điệp của Bắc Kinh, trước đây đã từng vận động thành công để loại HMN Tech khỏi một dự án khác, theo cuộc điều tra của Reuters.

APTelecom, một công ty tư vấn ít được biết đến, đã tham gia vào các cuộc đàm phán để thuyết phục Hà Nội, theo năm người trong số những người này cho biết. Các cuộc họp và vai trò của APTelecom trong các cuộc họp đó chưa từng được báo cáo trước đây.

HMN Tech và APTelecom không trả lời nhiều yêu cầu bình luận của Reuters.

Nhà Trắng từ chối bình luận. Bộ Thông tin và Truyền thông của Việt Nam không trả lời yêu cầu bình luận. Bộ ngoại giao Trung Quốc cho biết, chiến dịch lobby này của Mỹ “đã vi phạm trắng trợn các quy tắc quốc tế và hình mẫu của việc hoạt động kinh doanh”.

MỞ CỬA CHO TRUNG QUỐC

Cùng lúc 4/5 tuyến cáp quang biển bị sự cố ảnh hưởng tới kết nối internet của Việt Nam đi quốc tế.

Năm nguồn tin cho biết, cho đến nay, các cơ quan chức năng và công ty nhà nước Việt Nam đã thể hiện sự cởi mở trong việc hợp tác với Trung Quốc về vấn đề xây dựng cáp.

Các cuộc họp này nhằm mục đích thuyết phục Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo rằng trong ngành lắp đặt cáp, vốn chỉ dựa vào bốn công ty trên toàn cầu, thì công ty mới nổi HMN Tech sẽ là một lựa chọn tồi, theo bốn người cho biết.

Các quan chức Mỹ và APTelecom nói rõ rằng, việc lựa chọn các nhà thầu cáp ít kinh nghiệm hơn và ít tiếp cận được các thành phần quan trọng sẽ khiến các công ty Mỹ không còn muốn đầu tư vào Việt Nam, theo hai người tham dự cuộc họp cho biết.

Một trong những người tham dự cho biết “Họ rõ ràng đã nhắm thẳng vào HMN” trong các cuộc họp này.

Washington coi HMN Tech là công ty liên kết của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei và cả hai đều đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ vì lo ngại họ là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia – một cáo buộc mà Huawei đã phủ nhận. HMN Tech nói rằng họ là một công ty độc lập.

Một nguồn tin trong ngành cáp và hiểu rõ tình hình cho biết, APTelecom, được thành lập năm 2009, có hợp đồng nhiều năm với chính phủ Mỹ để thúc đẩy sáng kiến “Mạng sạch” của Washington với các quốc gia nước ngoài, bao gồm cả việc ngăn chặn đầu tư vào Trung Quốc.

Trang web của công ty này không đề cập đến hợp đồng nào với chính phủ. Reuters không thể biết được thời điểm ký kết hợp tác này.

APTelecom cũng đóng vai trò là nhà đàm phán cho các công ty phương Tây đang tìm kiếm các hợp đồng cáp nước ngoài nhạy cảm, theo nguồn tin cho biết. Công ty này đang hợp tác với Google và công ty viễn thông Úc Telstra về một hệ thống cáp ngầm mới kết nối các đảo ở Thái Bình Dương.

HMN Tech chỉ mới bắt đầu hoạt động từ năm 2008, so với việc hoạt động từ nhiều thập kỷ trước của các công ty khác như SubCom của Mỹ, NEC của Nhật Bản và Alcatel Submarine Networks của Pháp.

Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu TeleGeography, công ty Trung Quốc này chủ yếu lắp đặt các tuyến cáp ngắn.

CÓ SỰ PHÁ HOẠI?

Tuyến cáp quang biển APG sẽ phải lùi lịch khắc phục các sự cố trước đó do có phát sinh lỗi mới trên nhánh S1.9 và S9.
Kinh tế đô thị

Theo nhóm nghiên cứu BMI, tất cả các tuyến cáp ngầm chính của Việt Nam đều gặp sự cố và việc này là khá tốn kém – đôi khi xảy ra đồng thời – từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023. Điều đó thúc đẩy Hà Nội đặt ra các mục tiêu xây dựng hệ thống cáp ngầm mới tham vọng hơn trong năm nay.

Nhà phân tích Niccolo Lombati của BMI cho biết, chi phí của việc xây dựng mới dự kiến chưa được công bố nhưng nỗ lực này sẽ là một trong những dự án mở rộng cơ sở hạ tầng internet dưới biển quan trọng nhất của bất kỳ nền kinh tế mới nổi nào.

Trong ít nhất hai cuộc họp với các đối tác Việt Nam trong năm nay, các quan chức Mỹ đã chia sẻ hình ảnh vệ tinh và các thông tin tình báo khác cho thấy tình trạng mất tín hiệu của cáp ngầm có thể là do phá hoại, theo năm nguồn tin cho biết.

Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam kết luận rằng, không có bằng chứng xác đáng và nếu có hành vi phá hoại thì cũng không rõ ai là người thực hiện, theo ba nguồn tin cho biết.

Reuters không thể tìm hiểu thêm về thông tin tình báo, cho thấy có hành động phá hoại.

Công ty viễn thông Mỹ AT&T, một thành viên của tập đoàn sở hữu tuyến cáp nối Việt Nam với Mỹ, đã có ít nhất hai cuộc họp trong năm nay với các quan chức và công ty Việt Nam về vấn đề cáp ngầm, theo ba người được thông báo về vấn đề này cho biết.

Không rõ liệu AT&T có phối hợp với chính quyền Mỹ hay không. AT&T đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Một quan chức Việt Nam, người được thông báo về các cuộc đàm phán giữa chính quyền Việt Nam với HMN Tech về các tuyến cáp đã được lên kế hoạch, cho biết giá thầu của Bắc Kinh rẻ hơn.

Công ty công nghệ tư nhân hàng đầu Việt Nam FPT cho biết năm ngoái rằng, họ sẽ đầu tư vào một tuyến cáp nhánh nối Việt Nam với một tuyến cáp quốc tế do HMN Tech xây dựng. Nhưng hai người được thông báo về vấn đề này cho biết, vẫn chưa có tiến triển nào về kế hoạch này.

FPT đã không trả lời nhiều yêu cầu bình luận của Reuters.

Vào tháng 4, công ty viễn thông nhà nước Việt Nam, Viettel, và Singtel của Singapore đã công bố kế hoạch xây dựng tuyến cáp mới từ miền Nam Việt Nam tới Singapore, tránh đi qua phần lớn Biển Đông mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Tuyến cáp nói trên vẫn chưa được đấu thầu.

Một nhà ngoại giao tại Hà Nội cho biết, “thời gian sẽ trả lời” ai là người chiến thắng trong cuộc đua giành hợp đồng lắp đặt cáp ngầm tại Việt Nam.

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here