ByHarriet Nguyen16/09/2020
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 3 tháng 11 sắp tới có lẽ là sự kiện chính trị được chú ý và quan tâm nhất trên toàn cầu trong năm nay.
Với những người theo dõi, quan tâm tin tức chính trị – xã hội Hoa Kỳ, các bạn hẳn cũng nắm được tình trạng phân cực sâu sắc trong nội bộ Hoa Kỳ, nhất là kể từ khi ông Donald Trump bất ngờ giành chiến thắng trước cựu ngoại trưởng Mỹ, cựu đệ nhất phu nhân Hillary Clinton vào năm 2016.
Và giờ khi nhiệm kỳ đầu tiên của mình sắp kết thúc với không ít thăng trầm, liệu ông có giữ được những người ủng hộ trung thành hay đã mất họ vào tay cựu phó tổng thống Joe Biden, người thách thức ông trong cuộc đua lần này?
Vào 2016, nhiều đài báo Hoa Kỳ cũng như quốc tế đã dự báo một chiến thắng vang dội cho bà Clinton, nhưng chiến thắng bất ngờ của ông Trump hẳn đã khiến nhiều người nghi ngờ, thậm chí cười vào những cuộc thăm dò dư luận (poll) mà hàng trăm đài báo lẫn các tổ chức nghiên cứu độc lập đưa ra từ cả một năm trước đó đến sát giờ bỏ phiếu.
Dù vậy, trong tình hình cuộc chiến thương mại, các cuộc biểu tình phản đối phân biệt sắc tộc hay đại dịch COVID-19, nước Mỹ vẫn đang đối mặt trước nhiều thách thức, và các cử tri đang đứng trước hai ngã rẽ lớn vào tháng 11 này.
Ai sẽ là người chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 vẫn là câu hỏi mà chúng ta đã mong ngóng từ hàng tháng nay, nếu không muốn nói là có thể từ bốn năm trước.
Sau đây, Luật Khoa sẽ giới thiệu một số trang dự báo bầu cử để quý độc giả có thể theo dõi.
FiveThirtyEight
Nổi bật nhất trong số các nguồn chuyên phân tích và dự báo bầu cử chính là nhóm FiveThirtyEight (538) của Nate Silver và các cộng sự.
FiveThirtyEight được thành lập vào năm 2008, nhưng được biết đến rộng rãi sau khi dự đoán chính xác người chiến thắng trên toàn 50 bang trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012.
FiveThirtyEight sử dụng sabermetrics, một dạng phân tích toán học thường áp dụng trong bóng chày. Họ cũng đánh giá độ tin cậy của các kết quả thăm dò mà họ thu thập được, như số lượng người thăm dò, thời gian thực hiện.
Nhóm này cân nhắc lịch sử và xu hướng bỏ phiếu của từng bang trong các cuộc bầu cử gần đây.
Tuy nhiên, cũng như các trang dự báo khác, họ dự đoán sai cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, khi dự đoán Hillary Clinton có 71,4% cơ hội thắng. Nhưng Nate Silver nói trang của anh dự đoán tỷ lệ thắng của Trump (28,6%) cao hơn các trang khác, theo GQ.
Điểm cộng: Rất chi tiết, giải thích cách họ thu thập số liệu của từng bang và đưa ra dự báo như thế nào. Họ thường đính kèm các bài phân tích, dự báo.
Điểm trừ:
- Có thể hơi phức tạp cho một người bình thường để theo dõi, vì liên quan đến số liệu thống kê từ các mô phỏng (simulation) của cuộc bầu cử.
- Số liệu của FiveThirtyEight chỉ tập trung vào cuộc bầu cử tổng thống, chứ chưa/hoặc sẽ không đề cập đến các cuộc bầu cử Hạ viện và Thượng viện dự kiến sẽ diễn ra cùng ngày 3/11.
Politico
Đây là một trong những trang tin uy tín mà nhiều người theo dõi dự báo bầu cử thường tham khảo.
Tuy nhiên, vào năm 2016, Politico không chỉ đoán sai rằng Hillary Clinton sẽ thắng, mà còn cho rằng người Clinton đánh bại là Jeb Bush chứ không phải Trump. (Thật ra thì điều này là có thể nếu như Jeb Bush trở thành ứng cử viên Đảng Cộng hoà – nhưng điều đó đã không xảy ra)
Politico không ngại thừa nhận sai lầm của mình và hy vọng tờ báo này sẽ rút được bài học từ bốn năm trước.
Điểm cộng:
- Politico đưa ra một cái nhìn tổng quát về cả bốn cuộc đua khác nhau: cuộc đua tổng thống, Hạ viện, Thượng viện và vị trí thống đốc bang.
- Chỉ ra cụ thể vì sao một số bang quan trọng, cần theo dõi vì xu hướng bỏ phiếu tả/hữu không rõ ràng (hay còn gọi là các bang toss-up, tức tỷ lệ ngang ngửa như tung đồng xu).
- Đặc biệt, Politico chỉ ra biến động về xu hướng chính trị của một số bang như từ “thiên hữu” (lean red) sang “ngang ngửa” (toss-up) hay từ “ngang ngửa” sang “thiên tả” (lean blue).
Điểm trừ:
- Không thể hiện xu hướng thay đổi khả năng thắng cử của ứng cử viên (để cho thấy sự ủng hộ cho Biden/Trump tăng/giảm như thế nào khi đến gần ngày bầu cử). Thay vào đó, Politico đưa ra một kết luận dự đoán chung và cập nhật kết luận này.
- Không có mô phỏng kết quả số phiếu đại cử tri (vốn là yếu tố quyết định chiến thắng của ông Trump vào năm 2016).
The Economist
The Economist là một trong những tạp chí lâu đời nhất thế giới và rất có uy tín, thường xuyên đưa ra các dự báo về chính trị và kinh tế.
Khác với nhiều trang dự báo còn lại vốn ở Mỹ, The Economist có nguồn gốc từ giữa thế kỷ 19 ở Anh Quốc và cũng đặt trụ sở chính tại đây. Chủ trương biên tập của báo là chủ nghĩa tự do cổ điển (classical liberalism), tập trung vào chính trị trung dung (centric politics).
The Economist được đánh giá cao về chất lượng bài viết, chuẩn mực báo chí, nội dung và văn phạm.
Điểm cộng:
- Dự báo xu hướng thay đổi tỷ lệ thắng thua của hai ứng viên.
- Dự báo về số phiếu đại cử tri và cả xu hướng thay đổi tỷ lệ chiến thắng số phiếu phổ thông.
- So sánh một số bang giống nhau về sắc tộc và độ tuổi cử tri (demographic) và xu hướng chính trị (tả, hữu, độc lập).
- Có dự báo cho từng bang, cụ thể là các bang toss-up.
- Liệt kê các nguồn thăm dò tham khảo.
Điểm trừ: Các biểu đồ minh hoạ dự báo bầu cử chỉ tập trung vào cuộc bầu cử tổng thống. Các cuộc bầu cử Quốc hội thì được phân tích qua các bài viết.
JHK Forecast
Một trang dự báo độc lập rất chi tiết và thú vị của một… anh chàng sinh viên tên là Jack Kersting ở Đại học Alabama, dự kiến tốt nghiệp năm 2023.
Theo thông tin trên trang này, đây là dự báo kỳ bầu cử tổng thống đầu tiên của Kersting tuy nhiên không phải là dự báo bầu cử đầu tiên. Kersting đã làm một trang dự báo cho đợt bầu cử Quốc hội giữa kỳ vào năm 2018. Anh tuyên bố rằng anh đã dự đoán chính xác người chiến thắng cho gần như tất cả các bang, chỉ trừ Florida và Indiana.
Tuy chỉ mới là một sinh viên năm thứ hai đại học nhưng Kersting đã là một tác giả trên Decision Desk HQ, trang chuyên thu thập, phân tích dữ liệu bầu cử cho các kênh truyền thông lớn gồm cả The Economist, The Atlantic, Vox, FiveThirtyEight…
Kersting có cách xử lý dữ liệu của riêng mình, với bốn loại dữ liệu chính:
- Dữ liệu cơ bản (thiên hướng chính trị của bang, tình hình kinh tế để đánh giá độ tín nhiệm của tổng thống đương nhiệm);
- Dữ liệu nguồn thăm dò ý kiến (chấm điểm như cách của 538, chấm điểm số người có khả năng đi bầu, số người đăng ký đi bầu…);
- Dữ liệu từ phân tích của các chuyên gia;
- So sánh các bang giống nhau về sắc tộc và xu hướng chính trị (giống với mô hình của The Economist).
Điểm cộng: Có gần như tất cả các thông tin dự báo như các trang trên.
- Xu hướng tỷ lệ thắng thua của Biden/Trump cho cả phiếu phổ thông và phiếu đại cử tri;
- Dự báo cụ thể bang nào Biden/Trump đang có ưu thế hơn, kèm thông tin số phiếu đại cử tri của từng bang;
- Dự báo xem ai sẽ có 270 số đại cử tri cần thiết để đắc cử;
- Dự báo về các bang khó đoán (tỷ lệ toss-up);
- Dự báo tỷ lệ thắng/thua ở từng bang;
- Dự báo cả cuộc đua Hạ viện và Thượng viện.
Kersting cũng dự báo cuộc bầu cử sơ bộ Đảng Dân chủ trước đó và đã dự đoán đúng là Biden giành chiến thắng. Tuy nhiên, anh dự đoán Sanders có nhiều phiếu cử tri đoàn hơn con số thực tế 500 phiếu.
Điểm trừ:
- Đôi khi trang tải hơi chậm.
- Không có nhiều phân tích nhưng có thể không phải là vấn đề với người thích xem biểu đồ dự đoán hơn là đọc phân tích.
- Dự án này cũng còn khá mới nên tất nhiên là chưa có đủ độ uy tín.
RealClearPolitics
Trang tin bình luận, phân tích chính trị có xu hướng thiên hữu.
Nổi bật nhất là phần dự báo kết quả bầu cử tổng thống và bầu cử Quốc hội bằng việc tính trung bình dựa trên tất cả các cuộc thăm dò có sẵn ở các nguồn dữ liệu khác nhau.
Chính vì vậy, dù thiên hữu, nhưng số liệu dự báo của RealClearPolitics vẫn được giới báo chí trích dẫn rộng rãi.
RealClearPolitics dự đoán đúng là Hillary Clinton thắng phiếu phổ thông, nhưng cũng lại sai khi dự đoán Clinton thắng phiếu đại cử tri một cách sít sao vào năm 2016.
Điểm cộng:
- Dự báo khả năng thắng thua của Biden/Trump cho cả phiếu phổ thông.
- Có bản đồ theo dõi dự báo từng bang cho phiếu đại cử tri.
- Dự báo cả cuộc đua Hạ viện và Thượng viện.
Điểm trừ:
- Không/chưa có dự báo cụ thể của mỗi bang nếu như không có cuộc thăm dò nào cho bang đó.
- Trang không có sử dụng thuật toán riêng nào mà chỉ lấy số trung bình từ các cuộc thăm dò. Dự báo của họ có thể phản ánh đúng kết quả phiếu phổ thông, nhưng có thể sẽ lại mắc sai lầm với phiếu đại cử tri như năm 2016.
Allan Lichtman – Giáo sư tiên tri bầu cử
Allan Lichtman không phải là một trang dự báo, mà là một giáo sư đại học chuyên về lịch sử tại Đại Học Hoa Kỳ ở New York – một nhân vật mà Luật Khoa buộc phải nhắc đến.
Ông có lẽ là người duy nhất trong danh sách này dự báo chính xác kết quả cuộc bầu cử năm 2016 – Donald Trump đánh bại Hillary Clinton và giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Lichtman đã dự đoán chính xác chín cuộc bầu cử tổng thống liên tiếp kể từ cuộc tái đắc cử của Ronald Reagan vào năm 1984.
Lichtman cũng có phương pháp riêng để dự đoán, sử dụng hệ thống “13 yếu tố then chốt”. Nó là một chuỗi 13 câu đúng/sai để dự đoán liệu vị tổng thống đương nhiệm có thể tái đắc cử hay không. Nếu có sáu câu sai trở lên thì khả năng người đó sẽ thua, nếu dưới sáu câu thì người đó sẽ thắng.
Trong một cuộc phỏng vấn với đài CNN vào ngày 8/8/2020, Lichtman nói:
“Bí quyết là phải theo dõi bức tranh toàn cảnh về sức mạnh và hiệu quả của vị tổng thống đương nhiệm. Và đừng chú ý đến các cuộc thăm dò ý kiến, các chuyên gia, những thăng trầm hàng ngày của chiến dịch. Và đó là cách những yếu tố then chốt đánh giá: tập trung vào bức tranh lớn hơn.”
Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng, ông dự đoán Al Gore sẽ giành chiến thắng vào năm 2000 trước George W. Bush, nhưng Tối cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã từ chối quyết định kiểm lại phiếu bang Florida, khiến Al Gore mất cơ hội thắng cử. Và Lichtman vẫn cương quyết bảo vệ kết quả dự đoán của mình.
Allan Lichtman không có trang web riêng, nhưng các bạn có thể theo dõi ông ấy trên Twitter (Lichtman tự nhận là một người theo đảng Dân chủ).
***
Quý độc giả có thể tham khảo một loạt các trang dự báo khác như đã liệt kê ở trang 270towin, một trang tổng hợp liệt kê các dự đoán của các trang khác, chủ yếu chỉ thể hiện dự báo về phiếu phổ thông hoặc đại cử tri.
Nguồn : https://www.luatkhoa.org/2020/09/muon-xem-du-bao-bau-cu-my-thi-vao-dau/