Chính sách đối ngoại của Biden: Trung Quốc

0
11
Joe Biden trong một cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: WSJ.

LUẬT KHOA

ByHoang Nguyen22/09/2020

Ứng cử viên tổng thống Joe Biden (77 tuổi) có một nền tảng chính sách đối ngoại sâu rộng.

Sinh ra ở Scranton, Pennsylvania, Joe Biden lấy bằng luật tại Đại học Syracuse vào năm 1968. Ông từng là một luật sư công và làm việc trong một công ty luật trước khi bước vào chính trường.

Với tư cách là phó tổng thống trong hai nhiệm kỳ dưới thời Tổng thống Barack Obama, Biden đóng vai trò hàng đầu trong các chính sách về Afghanistan, Iraq, Ukraine và các khu vực có xung đột khác. Là thượng nghị sĩ của bang Delaware từ năm 1973 đến năm 2009, ông đã phục vụ trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện trong vòng ba thập kỷ.

Luật Khoa trân trọng giới thiệu loạt bài về chính sách đối ngoại của ứng cử viên Joe Biden. Loạt bài này được dịch từ bảng tổng hợp của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations – CFR), một viện nghiên cứu lâu đời và có ảnh hưởng lớn ở Hoa Kỳ. Các dữ liệu trong bảng tổng hợp này được cập nhật tới ngày 11/8/2020.


Trung Quốc

Biden coi sự trỗi dậy của Trung Quốc là một thách thức nghiêm trọng. Ông chỉ trích việc Trung Quốc “lạm dụng” các hoạt động thương mại cũng như hồ sơ nhân quyền của nước này, và cảnh báo nước này có thể vượt qua Hoa Kỳ trong các công nghệ mới. Biden cũng nói rằng ông sẽ đẩy lùi Trung Quốc hiệu quả hơn Donald Trump và hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh để gây áp lực lên Bắc Kinh. 

  • Biden đồng ý với Trump rằng Trung Quốc đang vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế, như trợ cấp không công bằng cho các công ty Trung Quốc, phân biệt đối xử các công ty Hoa Kỳ và đánh cắp tài sản trí tuệ. Biden cũng nói rằng một triệu công việc gia công đã bị mất vào tay Trung Quốc.
  • Tuy nhiên, ông cho rằng việc đánh thuế rộng khắp của Trump là “khó đoán định” và “tự làm hại mình”. Thay vào đó, Biden kêu gọi việc chống lại Trung Quốc bằng cách sử dụng các luật thương mại hiện có và xây dựng một mặt trận thống nhất giữa các đồng minh. Ông cảnh báo rằng Trung Quốc đang đầu tư lớn vào năng lượng, hạ tầng, công nghệ và có nguy cơ khiến Hoa Kỳ bị bỏ lại phía sau.
  • Gọi Bắc Kinh là “kẻ đại thắng” trong thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” của Trump vào đầu năm 2020 với Trung Quốc, và cho rằng việc tăng cường mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ sẽ không có tác động đến các hoạt động kinh tế “bất hợp pháp và không công bằng” của Trung Quốc.
  • Chỉ trích Trump vì đã tin vào sự trấn an của Trung Quốc về đại dịch coronavirus, và lệnh cấm đi lại của chính quyền Trump đã không ngăn được du khách từ Trung Quốc. Ông nói rằng sẽ yêu cầu chính phủ Trung Quốc phải trở nên minh bạch hơn.
  • Công kích Trump về phản ứng yếu ớt trước việc Trung Quốc vi phạm các quy trình dân chủ và tự trị của Hong Kong theo luật an ninh quốc gia mới của Bắc Kinh, và tuyên bố rằng sẽ tăng cường các biện pháp cấm vận đối với những cá nhân có trách nhiệm.
  • Cam kết sẽ phục hồi Hoa Kỳ như một cường quốc Thái Bình Dương để nói rõ với Bắc Kinh rằng Washington “sẽ không thoái lui” – bằng cách tăng cường sự hiện diện của hải quân Hoa Kỳ và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước khác trong khu vực, bao gồm Úc, Indonesia, Nhật Bản và Hàn Quốc. 
  • Nói với CFR rằng “các nước tự do” phải đoàn kết khi đối mặt với “chủ nghĩa độc tài công nghệ cao” của Trung Quốc. Và Washington phải định hình “các quy tắc, chuẩn mực và thể chế” sẽ chi phối việc sử dụng các công nghệ mới trên toàn cầu, như trí tuệ nhân tạo.
  • Cho rằng vấn nạn tham nhũng và sự chia rẽ nội bộ của Trung Quốc có nghĩa rằng “họ (Trung Quốc) không phải là đối thủ của chúng tôi (Hoa Kỳ)”, nhưng Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể hợp tác về các lĩnh vực như [biến đổi] khí hậu, vũ khí hạt nhân và các vấn đề khác. Ông cũng tin rằng việc duy trì lợi thế cạnh tranh với Trung Quốc phụ thuộc vào sự đổi mới của Hoa Kỳ, và hợp nhất “sức mạnh kinh tế của các nền dân chủ khác trên thế giới”.
  • Tin rằng kinh nghiệm làm phó tổng thống mang lại cho ông cái nhìn sâu sắc về cách đối phó với đường hướng lãnh đạo của Trung Quốc, đồng thời cho biết ông đã dành nhiều thời gian với Tập Cận Bình hơn bất kỳ nhà lãnh đạo nào khác trên thế giới.
  • Với tư cách là thượng nghị sĩ, Biden đã ủng hộ việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization) vào năm 2001, và điều này đã mang lại cho Trung Quốc mối quan hệ thương mại bình thường và vĩnh viễn với Hoa Kỳ. Trong vai trò là phó tổng thống, ông ủng hộ thỏa thuận thương mại châu Á – Thái Bình Dương của chính quyền Obama và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cho rằng nó sẽ giúp kiểm soát tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
  • Chia sẻ với CFR rằng việc Trung Quốc giam giữ hơn một triệu người Hồi giáo ở khu vực Tân Cương là “vô nhân đạo”. Biden cho rằng Hoa Kỳ “phải lên tiếng”, và ông sẽ ủng hộ các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và công ty liên quan, cũng như ủng hộ sự lên án của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

***

Kỳ tới: Quốc phòng và hợp tác quốc tế

Nguồn : https://www.luatkhoa.org/2020/09/chinh-sach-doi-ngoai-cua-biden-trung-quoc/