Bạn bè Facebook đa số chỉ biết mình là tay phiên dịch cho chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama tới Việt Nam năm 2016. Điều bạn bè không biết là mình đã làm những công việc tương tự từ 20 năm trước đó, bắt đầu từ 1995-1996. Quan hệ Việt Mỹ bắt đầu được phục hồi thì chẳng bao lâu sau mình đã có may mắn tham gia, lúc đó mới 19-20 tuổi, giờ kể lại chẳng ai tin mà chính mình cũng thấy khó tin. Mình hay đùa là mình vừa là con của quan hệ Việt Mỹ 25 năm mà nó cũng lại là con của mình.
Sau gần hai năm làm phiên dịch được tham gia vào nhiều mốc quan trọng của quan hệ Mỹ Việt thời đầu thì năm 1997 mình sang Mỹ lần đầu rồi tới 1998 quay lại đi học cao học ngành kinh tế phát triển ở Đại học Princeton. Học được một năm, vừa cô đơn vừa dốt mình bỏ một môn thi vì tưởng tượng ra thày giáo ghét mình. Bỏ thi như thế thì điểm trung bình bị giảm xuống thấp dưới B, là mức tối thiểu để duy trì học bổng. Mùa hè năm 1999 mình về thực tập ở IMF Hà Nội rồi cuối hè nhận được tin Princeton nhắn là không quay lại nữa. Lúc đó vừa tròn 23 tuổi nhưng đã có kinh nghiệm của người ít nhất 40 tuổi về mọi mặt, mình quá sợ bố mẹ đánh nên đành tìm đường đi Cairo, Ai Cập lúc đó nổi tiếng về quá trình tư nhân hóa liên quan tới một vấn đề nghiên cứu lúc đó mình quan tâm là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam. Mình tới Cairo rồi từ đó lang thang đi các nơi khác, sống phiêu bạt và làm nhiều việc công ích rất đặc sắc. Nhưng rồi mình vẫn có nhiều lúc cô đơn đau khổ vì bị đuổi học khỏi trường học số 1 thế giới. Mình đi Li Băng lang thang, về trải chiếu bán tranh papyrus Ai Cập ở vỉa hè phố ba lô Kaosarn ở Bangkok, rồi về Hà Nội cho con nuôi Việt Nguyễn Operation Smile có vinh dự được nuôi. Sau đó mình bỏ đi Bắc Kinh, Bình Nhưỡng, rồi về Bắc Kinh làm việc cho tới chừng 1 tháng trước sự kiện kể lại trong phần dưới đây thì mình từ Bắc Kinh về lại Hà Nội.

Bài viết dưới đây là một email mình viết cho bạn bè khắp thế giới sau khi được tham gia làm phiên dịch cho chuyến thăm của Tổng thống Clinton tới Hà Nội các ngày 16-18/11/2000, gần 21 năm trước đây. Mình viết bằng tiếng Anh và gần như chưa bao giờ đọc lại kỹ xem ngày đó mình viết cái gì. Mấy ngày gần đây có việc mình gặp lại một người bạn cũ được nhắc tên trong bài này là anh Joe Damond, là Phó Đại diện Thương mại Mỹ và lúc đó là trưởng đoàn Mỹ đàm phán Hiệp định Thương mại song phương Việt Mỹ. Mình lục lại thư cũ và quyết định dịch lại thư để chia sẻ với bạn bè để tung hoa chào mừng những việc vui hay mà có lẽ anh Joe và mình đang muốn tạo dựng như một món quà cho Việt Nam, có lẽ chính là món quà rằng trăm năm cũng từ đây của tin gửi một chút này làm ghi mà mình đã nhắc đến trong bài phát biểu của Tổng thống Obama năm 2016.
Mình xin phép dịch dần, post lên dần thành các status có đánh số thứ tự trên FB. Đây là giọng của một cậu trai lúc đó 24 tuổi, gần nửa tuổi mình bây giờ, nhưng giờ đọc lại mình vẫn thấy có nhiều đồng cảm với người em chính là mình lúc tuổi còn thơ.
————
EMAIL GỬI TỚI BẠN BÈ SAU CHUYẾN THĂM CỦA TỔNG THỐNG CLINTON TỚI HÀ NỘI

Mấy tháng trước lúc một người bạn của tôi bảo tôi là một phóng viên báo New York Times (Thời báo New York) đã liên hệ với cô ấy về chuyến thăm của Tổng thống Clinton đến Việt Nam thì tôi đã biết ngay lập tức là tôi muốn được tham gia vào sự kiện lịch sử này. Tôi tuy thế không có mảy may ý tưởng là tôi sẽ làm việc đó cách nào. Ấy thế nhưng tôi cũng muốn việc này tới mức tôi tự hứa với mình là sẽ làm bằng được. Thế rồi hai tuần trước, Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội đã liên hệ với lời mời tôi làm phiên dịch cho Đại biện Thương mại Đại sứ Charlene Barshefsky trong thời gian chuyến thăm của bà tới Việt Nam cùng Tổng thống Clinton. Và dưới đây xin gửi tới bạn bè những ghi chép của tôi về chuyến thăm của Tổng thống Clinton tới Hà Nội (16-18/11/2000) và cách mà tôi đã được tham gia.
Tin tức về chuyến thăm của Tổng thống Clinton đã được công bố chính thức vài tuần trước đó. Tin tức vừa được công bố thì tin đồn, mà thường là phóng đại, về quy mô của chuyến thăm này: số người, số trực thăng, số súng, số chó, và bất kỳ thứ gì khác nữa khiến người ta hiếu kỳ, đã bắt đầu lan truyền trong các tầng lớp xã hội ở Hà Nội và càng lan truyền thì lại càng khoác thêm nhiều sắc màu thần bí. Các sự kiện xã hội, các buổi hòa nhạc, các buổi diễn kịch, buổi biểu diễn vũ ba lê cũng được lên lịch và chỉnh sửa nội dung với kỳ vọng là Đệ nhất Gia đình Mỹ sẽ mang vinh dự tới cho sự kiện với sự có mặt của họ. Nghe nhiều những tin đồn thổi thần bí này thì thường dân là những người phấn khích nhất. Trong quá khứ, Hà Nội từng đón tiếp nhiều vị thượng khách ngoại quốc nhưng lần này là lần đầu tôi thấy người ta đồng loạt bày tỏ sự nhiệt tình đến vậy về một quốc khách.

Nói về sự phấn khích thì bản thân tôi chắc chắn cũng không phải là một ngoại lệ. Đúng 10 năm trước có một ngày mùa thu năm 1990, bố tôi mời tôi ngồi xuống và “lịch sự” yêu cầu tôi bỏ học tiếng Pháp và thay vào đó xem xét học tiếng Anh. Lý do mà bố tôi đưa ra là tiếng Anh được sử dụng rộng rãi hơn và đang nhanh chóng trở thành ngôn ngữ chủ đạo của truyền thông quốc tế. Tôi, xem xét vấn đề từ góc độ của một cậu trai lãng mạn, lại có hình dung về việc vừa đi bộ dọc Đại lộ Champs Elysees vừa hát bài La vie en rose. Tuy thế, đối mặt với nguy cơ bị cắt toàn bộ ngân sách cho khoa ngoại ngữ, tôi chẳng còn lựa chọn nào nên đành đăng ký theo học một lớp tiếng Anh buổi tối. Cách tiếp cận có phần áp đặt của cha tôi chắc là cũng chẳng có tác dụng gì bởi vì đến cuối của khóa học 6 tháng đó tôi vẫn không thể đặt được một câu hỏi đơn giản bằng tiếng Anh. Thế rồi có một lần này tôi phát ngượng vì không thể hỏi được một ông người Anh này là ông ta nói được bao nhiêu ngôn ngữ. Giáo dục Anh ngữ chính thống của tôi nói thẳng ra là kết thúc ngay lúc đó và tôi quyết định sẽ tự học ngôn ngữ này bằng các phương pháp của riêng tôi. Từ đó tới nay, sau hàng ngàn cuộc gặp với những người nói tiếng Anh, tôi đã đóng vai trò là giáo viên của chính tôi với sự trợ giảng của những người khách du lịch đã đi trên những đường phố Hà Nội kể từ lúc Việt Nam bắt đầu mở cửa ra thế giới. Ngày hôm nay, ngay cả lúc ở Việt Nam thì hàng ngày tôi cũng nói nhiều tiếng Anh hơn tiếng Việt. Anh ngữ đã trở thành công cụ mạnh nhất giúp tôi sống sót dù có đi đâu. Cuối cùng thì bố tôi cũng đã được chứng minh là đúng.
Lý do mà tôi đang kể cho các bạn nghe chút ít về lai lịch của tôi không phải là để đưa tôi và chính giữa sân khấu của những gì tôi sắp thuật lại ở đây. Trong một khoảnh khắc nữa, tôi sẽ khiêm nhường đứng sang bên để nhường lại sân khấu cho Ngài William Jefferson Clinton, Tổng thống của Hợp Chúng quốc Hoa Kỳ, và đoàn tùy tùng của Ngài. Nhưng với vai trò là một người song ngữ và là một phiên dịch Anh Việt, tôi buộc phải nói là điều cao nhất mà một người như tôi có thể làm là trợ giúp cho một chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ tới Việt Nam. Đạt được tới mốc đỉnh cao đó chỉ vài ngày trước ngày Chiến thắng (Victory Day) của quan hệ Việt Mỹ, tôi cảm thấy mình chẳng khác gì Nữ hoàng Anh Quốc (một thành ngữ nghĩa là nhất quả đất.)

Tôi cảm thấy thật là cảm động ngồi đó trong sảnh của khách sạn Daewoo Hotel Hà Nội đợi Tổng thống tới đêm đó. Tôi đã đi qua đó để nhận các giấy tờ làm việc của tôi bị giữ lại tới phút cuối do có những phiền phức gì đó làm chậm quá trình kiểm định an ninh, và tôi quyết định ở lại đó một lúc. Khách sạn Daewoo, khách sạn 5-sao lớn nhất của Hà Nội, đã đuổi khách đi từ mấy ngày trước và giờ trông thật ngạc nhiên chỉ có vài người ít ỏi lượn lờ trong sảnh rộng. Ngồi rất thoải mái chễm chệ trên ghế sofa lớn đối diện cửa ra vào nơi người ta đã lắp đặt một máy rà kim loại đồng thời là máy quét X-quang, tôi cảm thấy tôi là một nhân chứng sát cạnh của một chương lịch sử đang được định hình.
Tổng thống Clinton theo lịch sẽ đến vào lúc nửa đêm ngày 16 tháng Mười Một. Tôi nghe người ta nói là từ lúc sớm chừng 8h tối đó thì người dân đã ra đứng sẵn dọc theo hai bên con đường dài 15 dặm nối thành phố với sân bay, hoàn toàn là tự nguyện. Khi nhìn sang bên kia đường, bên bóng tối, của con đường chạy qua khách sạn, tôi có thể nhìn thấy người ta đứng chờ thành đám đông. Từ khoảng cách xa vậy thì tôi cũng không thể nhìn ra khuôn hình nét mặt của họ do cây trồng dọc theo vỉa hè phủ bóng che họ. Một thể khối tối gần như bất động – tôi tự hỏi điều gì đã khiến họ ra đứng đó chờ và điều gì đang diễn ra trong đầu họ?
Có một ngày làm việc dài trước mặt, tôi quyết định đi về sớm để có một đêm ngủ đủ giấc. Bố mẹ tôi, thành viên của những thế hệ đã mất tuổi thanh xuân vì cuộc chiến tranh Việt Nam, nhắc tôi đi ngủ với những lời thế này: “Ngủ đi con, ngủ sớm đi mai còn đến đúng giờ. Cơ hội cả đời chỉ có một lần đừng có làm sai hỏng gì nhé.” Tôi cứ nằm đó một hai tiếng liền không sao ngủ nổi. Lúc này đây khi đất nước tôi đang tiến tới gần sát khoảnh khắc của tái hợp với phần tồi tệ nhất của quá khứ của nó, những suy nghĩ của tôi cứ lan man lẩn quẩn với lịch sử mà Việt Mỹ có chung. Hai đất nước này, kẻ thù tệ nhất của nhau trong quá khứ, nhưng vì những gì hai nước đã làm cho tôi, một nước sinh ra tôi và nước kia cho tôi danh tính trí thức, đối với riêng tôi giờ đã trở thành hai bạn chí thân. Đã đến lúc mà những người bình thường cũng được chung hưởng những niềm vui của tình bạn mới này.