Một cuộc đối thoại nhỏ…

0
42
   
13.05.2023
Bản án 8 năm oan nghiệt mà cộng sản đã tuyên để trừng phạt kỹ sư yêu nước Trần Bang khiến nó không thể tập trung vào công việc suốt cả ngày.
Rời sở làm, nó không còn tâm trạng để về nhà như mọi khi. Nó quyết định ghé quán cafe quen thuộc, chọn một góc nhỏ yên tĩnh để đọc tiếp quyển sách dang dở từ cả tuần nay. Đến nơi thì nó lại gặp mấy bạn trẻ quen nên nó nhập bàn ngồi nói chuyện với họ. Một bạn trẻ có kết bạn FB với nó nên biết về phiên toà và bản án 8 năm bất công mà CS đã tuyên hôm nay với anh Trần Bang.
Sau một số trao đổi, người bạn trẻ A hỏi : “Em không hiểu tại sao một người đã có cuộc sống đủ đầy như vậy lại còn đi đấu tranh làm gì ? Anh ấy may mắn hơn biết bao người rồi. Tại sao anh ấy không tự bằng lòng hưởng thụ cuộc sống để giờ đây lại phải bị tù đày ? Mình đã khổ, còn khiến gia đình cũng phải khổ lây ! Em mà là anh ấy, em sẽ chỉ tập trung lo cho bản thân mình và cho gia đình mình tốt là đủ rồi!”
▶ Nó trả lời : “Đủ với em nhưng lại không đủ với anh ấy ! Vấn đề khác biệt ở đây là tầm nhìn tư duy. Em thì chỉ nghĩ đến hưởng thụ bản thân và cho gia đình mình. Còn anh ấy thì chọn quên đi lợi ích cá nhân của mình và gia đình để đi tìm lợi ích chung cho cộng đồng, cho sự phát triển của đất nước và cho sự tồn vong của dòng sinh mệnh dân tộc”
Bạn trẻ A nhún vai : “Lý tưởng là vậy nhưng kết quả cuối cùng thì sao ? Là sự trả giá bằng 8 năm tù. Liệu ai sẽ còn nhớ đến anh ấy trong thời gian dài đằng đẵng như thế ?”
▶ Nó : ” Sẽ vẫn có những người yêu nước, những người biết trân trọng sự hy sinh cao cả ấy nhớ và tri ơn những người chấp nhận đi tù vì quê hương. Có nhiều người đã dám vượt qua sự sợ hãi để cất lên tiếng nói vì chính trách nhiệm và lương tâm của họ chứ không phải để được ca tụng, bơm thổi vinh danh hão huyền. Nếu chỉ có vậy thì thiếu gì cách làm khác để đánh bóng tên tuổi một cách an toàn thay vì phải trả giá bằng những bản án tù đày dài dằng dặc? “
Một bạn trẻ B nói : “Cá nhân em chỉ cần ở đâu mình cảm thấy bình an, hoà bình là đủ !”
▶ Nó : “Vậy em định nghĩa thế nào là hoà bình ? Với em hoà bình là nơi không có chiến tranh phải không ? Nếu vậy thì quan niệm này bị bó hẹp quá ! Chiến tranh ở thời đại này không còn chỉ là đem quân, đem vũ khí tràn vào tấn công ồ ạt một lãnh thổ khác nữa. Chiến tranh giờ đây tồn tại dưới nhiều hình thức với các cấp độ và lãnh vực khác nhau trong đó có vũ khí sinh học, kỹ thuật, khoa học công nghệ, thực phẩm, can thiệp khí hậu, thay đổi cấu trúc gien, phát triển nhân bản….
Khoan nói đến những điều xa xôi khác nhưng ít nhất là làm sao em có thể có hoà bình, sống bình an thật sự khi đi đến đâu em cũng sợ bị cướp giật, bị lừa đảo, bị ăn phải thức ăn độc hại, môi trường ô nhiễm, dịch bệnh, ốm đau, tai nạn, đạo đức suy đồi trong một xã hội đầy bất công, oan trái ?”
Bạn trẻ C : “Em thấy cuộc sống vầy ổn mà ! Chỉ cần mình lao động chăm chỉ, kiếm ra nhiều tiền là được.”
▶ Nó : “Ổn theo góc nhìn của em còn không ổn với những người có tầm nhìn xa hơn. Chăm chỉ lao động chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Em có cố gắng đến mấy nhưng nếu không có môi trường công bằng và trong sạch để phát triển thì mọi nỗ lực của em cũng sẽ chỉ là dã tràng se cát mà thôi. Bởi vậy im lặng hèn nhát cúi đầu trước những điều bất công là tiếp tay cho nó tồn tại ! Nếu hôm nay người bị bắt là anh ấy thì ngày mai chúng ta hoặc người thân của chúng ta sẽ tiếp tục là nạn nhân tiếp theo của chế độ.”
Bạn trẻ A trở lại : “Chị không nghe câu : Tề gia trị quốc bình thiên hạ sao ? Mình còn biết bao nhiêu vấn đề riêng cần phải lo. Nếu chuyện gia đình mình còn không thể giải quyết được thì làm sao có khả năng lo chuyện thiên hạ được ?”
▶ Nó : “Câu này chỉ đúng ở một thời điểm nào đó thôi. Nước mất nhà tan ! Khi Tổ Quốc lâm nguy, xã hội nhiễu nhương, lòng người ly tán thì làm sao em có thể còn an toàn để chăm lo cho tổ ấm, cho ngôi nhà, cho hạnh phúc riêng của mình được ?
Trong suốt 1000 năm Bắc thuộc làm nô lệ cho Tàu, nếu tiền nhân của chúng ta cũng ích kỷ, hèn nhát chỉ nghĩ đến họ và lợi ích gia đình, không hun đúc tình yêu nước, không nuôi dưỡng ý chí xông pha trận mạc, máu chảy thành sông quyết chiến dành lại Giang Sơn lãnh thổ của Việt Nam thì bây giờ chúng ta đã là người Tàu, nói tiếng Tàu, làm gì còn Việt Nam hay thành phố Đà Nẵng đáng sống để em luôn muốn trở về nữa ?
Vì vậy, em có quyền chọn lối sống “hèn” nhưng đừng áp đặt người khác cũng phải sống như mình. Bởi họ đang chiến đấu cả cho em và cho cả người thân của em đó !”
Thấy tình hình có vẻ hơi căng thẳng, nó chủ động đổi chủ đề, không khí liền nhẹ nhõm, vui vẻ trở lại…
Trước khi rời đi, nó nhẹ nhàng nói với các bạn trẻ : “Chị hy vọng các em đủ yên ổn trong vỏ bọc “an toàn” mà các em tự tạo ra. Tuy nhiên, thế giới này vận động được là nhờ những sự tương tác kết nối, là những sự đóng góp thầm lặng của những người chấp hy sinh cái riêng cho lợi ích chung. Các em sẽ không thể phát triển nếu chỉ đứng quanh quẩn trong vòng tròn của mình, đó chính là cách các em tự đào thải, tự loại trừ mình ra khỏi quỹ đạo biến chuyển của thời cuộc nhanh hơn mà thôi.
Tương tự như chế độ này cũng vậy, nếu không thay đổi thì nó sẽ không thích ứng được với quy luật phát triển của thế giới và sẽ chỉ kéo đất nước này càng ngày càng đi xuống hoặc phát triển một cách què quặt. Như một nơi có vẻ tiện nghi hào nhoáng, được tô vẽ đẹp đẽ nhưng thực tế chỉ là để che đậy những sự mục ruỗng, vỡ nát bên trong.”
Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here