Nhà Tuệ có ba chị em, chị của Tuệ đã đi lấy chồng, Tuệ và em trai sống cùng với cha mẹ trên mảnh vườn rộng bát ngát có ao cá to đùng nuôi toàn cá trắm. Tuệ không thích đi học, việc học đối với cô là một cực hình, hết cấp ba cô phải ra Hà Nội vào một trường nội trú vì cha mẹ cô tuy thuộc lớp người bần nông nhưng cầu tiến, ông bà bị cuốn đẩy vào dòng xoáy chạy trường, chạy suất viên chức nhà nước với mong mỏi con mình được ấm tấm thân, y như tất cả các gia đình khác trong cái làng quê nhỏ bé ở Hà Nam này.
Vậy là Tuệ được vào học một trường rất tử tế theo mơ ước của cha mẹ, học viện Cảnh sát hẳn hoi. Cô vốn chân chất, hiền lành như cục đất ấy vậy mà vừa chính thức rời tuổi hoa niên cô đã biết cái giá phải trả cho suất học của cô tại trường này là bao nhiêu tiền, cha mẹ cô phải mất bao nhiêu tấn lúa, bán bao nhiêu lứa gà, lứa vịt mới vừa đủ để cô đậu vào và tốt nghiệp ra trường. Mỗi kỳ thi của cô là mỗi kỳ cha mẹ cô chạy vạy lo lót phong bì để cô có điểm số, bởi đây là luật bất thành văn, học viên nào dù học thật hay học giả thì cũng phải tuân thủ. Do vậy, Tuệ chẳng có chữ nào trong đầu mà vẫn đường hoàng thẳng tiến qua các kỳ thi và ra trường với tấm bằng loại Khá. Mấy năm học nội trú trong trường, cô bơ vơ lạc lõng giữa những cô chiêu cậu ấm, đa số họ cũng vào trường này bằng cách chạy tiền như cô nhưng tính cách thì hoàn toàn khác cô. Vì vậy, Tuệ cứ lủi thủi chỉ chờ mong đến dịp được về nhà, cô tìm niềm vui bằng cách tranh thủ phụ giúp cha mẹ việc đồng áng, cô chẳng đi đâu ra khỏi nhà và cũng không lôi kéo được bất kỳ trai làng nào đến thăm cô, mặc dù cô sở hữu đôi mắt đẹp mê hồn và khuôn mặt đầy đặn như trăng rằm vừa nhú.
Cha mẹ Tuệ vô cùng lo lắng, ông bà suýt xoa khi biết con gái mình đẹp mà vẫn ế ở tuổi 25. Ông bà đợi mãi vẫn không thấy Tuệ dắt gã trai nào về thăm nhà, người trong làng bàn tán, xì xào nói ra nói vào khiến ông bà ngày càng sốt ruột. Cứ dăm ba bữa nửa tháng là Tuệ phải làm lễ cầu duyên, đốt vía, cắt đuổi người âm theo yêu cầu của cha mẹ. Cô ngán đến tận cổ khi phải sửa soạn mâm lễ đón rước những cô những cậu đồng bóng, tiếp đón hết ông thầy cúng này đến bà bói toán kia theo lời giới thiệu của chòm xóm, họ đến nhà cô múa may quay cuồng chút xíu rồi tỉnh bơ đút túi ngon ơ từ vài trăm đến hơn triệu đồng của nhà cô, thế mà cô ế vẫn hoàn ế.
Mỗi khi có ai đó dắt người đến mai mối, Tuệ thường trốn miết trong phòng, cô khó khăn và gượng gạo khi phải từ chối liên tục những người đàn ông mà trong mắt cô, họ người chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm. Sự thờ ơ của Tuệ khiến cha mẹ cô bực bội và giận dữ, ông bà thường trút lên đầu cô những lời miệt thị cay nghiệt. Cha mẹ càng nhiếc móc, cô ngày càng thu mình và khép kín. Tuệ chán nản và ấm ức, muốn phản kháng mà cứ phải câm lặng, cô ao ước một ngày được thoát ra khỏi ngôi nhà này, Tuệ sẽ là cánh chim lao thật nhanh ra khỏi cái làng quê mê tín dị đoan, quanh năm mịt mù nhang khói cầu cúng và cô thề không bao giờ muốn quay trở lại. Tuệ chẳng hiểu vì sao ở cái xứ sở này người ta lại quan trọng chuyện chồng con đến như vậy? Và cha mẹ cô, chắc họ không chút gì thương yêu cô nên họ cứ đi ra đi vào, lỡ nhìn thấy mặt cô là lại than ngắn thở dài, nói bóng nói gió, than thân trách phận xui xẻo mới sinh ra đứa con gái ngớ ngẩn, xinh đẹp mà lại ngờ nghệch như cô. Họ khiến cô cảm thấy mình ngày càng tệ hại, bất tài và bất lực, vì vậy cô thường co rúm người lại mỗi khi trời trở gió, bởi những ngày ấy mẹ cô thường cảm thấy khó chịu trong người, và chắc chắn bà sẽ lôi cô ra chửi sa sả như trút nỗi căm giận. Cô sống mòn mỏi và khắc khoải trong chính căn nhà đã nuôi cô khôn lớn, cô ngơ ngẩn ngóng trông một điều gì đó trong vô vọng…
Tuệ chờ đợi và chờ đợi, rồi thì cái ngày ấy cũng đến!
(còn tiếp)
I don’t think the title of your article matches the content lol. Just kidding, mainly because I had some doubts after reading the article.