Theo thiển ý của tôi, để tự cứu mình, để thoát khỏi nền giáo dục đầy lỗi và giả dối hiện nay, không cách nào khác hơn là đọc sách, tức tự học.
Nhưng quan sát thì thấy một hiện trạng đáng buồn. Cả xã hội không đọc sách.
Nhà văn không đọc sách.
Giáo viên không đọc sách.
Tôi từng nói, người Việt có chuyện trái khoáy, nhiều người sẵn sàng bỏ hằng trăm tỷ đồng cho con du học, nhưng cơ bản vẫn là những người không đọc sách. Do vậy, những kiến thức nền về văn hóa, lịch sử, kinh tế, triết học và pháp luật… hầu như bỏ trống. Sự học, về cơ bản vẫn là lấy tấm bằng hoặc lãnh hội các kiến thức/ kỹ năng để kiếm tiền, để đàn áp, bóc lột, ăn trên ngồi trốc.
Đỉnh cao đời sống tinh thần mang tính phổ quát của người Việt, nói cho cùng cũng chỉ là ăn nhậu, khoe giàu. Chấm hết.
Tôi có vài người bạn, khi lủm bủm có vài đồng tiền, nói tới chuyện đọc sách, họ không ngần ngại nói vỗ mặt: “Do sách mày viết dở quá tao không đọc”.
Thật lạ. Xã hội này dường như con người ta chỉ khiêm tốn, lễ độ khi nghèo. Còn khi lủm bủm vài đồng thì đều trở nên khệnh khạng, xấc láo.
Thực tế là có bao giờ đọc đâu mà biết hay với dở. Nhưng nói chuyện đọc sách, tôi không bao giờ nói là đọc văn tôi. Tôi cũng chưa bao giờ khuyến khích hãy đọc nhiều sách văn chương. Đọc văn chương ít thôi. Hãy đọc những sách tinh hoa khác.
Thật sai lầm khi nghĩ rằng đọc văn mới làm giàu có tâm hồn. Không đâu. Có khi bạn đọc một cuốn sách về kinh tế học mà bạn hiểu được cũng giúp bạn thức tỉnh và tâm hồn mình bỗng lớn lên ghê gớm.
(Nhiều nhà văn cũng sai lầm khi cứ nghĩ đọc nhiều tiểu thuyết sẽ viết được tiểu thuyết hay. Thực tế đọc ngàn cuốn tiểu thuyết nổi tiếng cũng không thể nào cải thiện trang viết của bạn. Cái bạn cần là đọc những thứ mình thiếu. Đọc về núi. Đọc về sông. Đọc về tổ tiên. Đọc về rượu. Những thứ đó, vừa hay ho vừa bổ ích)
Con người đọc sách là con người suy tư. Mà khi suy tư thì bạn đương nhiên sống chậm lại.
Tự học cũng là quá trình tự nhận thức. Kiểu như cái gì bạn tự mình khám phá ra, tự mình làm được, bạn sẽ cảm thấy rất sướng và nhớ nó mãi suốt đời. Ý nghĩa của sự sống hay ý nghĩa của cuộc đời cũng chính là sự khám phá thú vị ấy. Và, như vậy, sách là chiếc chìa khóa, đáng lẽ phải có trong tay thì nhiều người đã vứt nó đi rồi.
(Nghĩ vụn, 2.1.22)
Trần-Nhã-Thuỵ