Từ Thức
TỪ KHOA HỌC TỚI MÔI TRƯỜNG
Trung thành với quan điểm của mình, ông không ngần ngại nói chuyện triết học trên các đài truyền hình, và đề cập tới mọi vấn đề thời sự, trong 14 năm, trong chương trình ‘’ Le Sens de l’info ‘’ trên đài phát thanh France Info.
Ông nói : ‘’ Đây là định nghĩa của tôi về văn hóa : văn hóa là cái giúp một người có kiến thức không đè bẹp người khác bằng sự hiểu biết của mình. Khoa học là cái giúp một nhà bác học không lạm dụng cái quyền lực của mình ‘’.
Michel Serres nói triết học không có chuyên môn, triết gia phải tìm hiểu tất cả các bô môn để giải thích đời sống. Tốt nghiệp trường hàng hải, ông cũng là một nhà toán học, một khoa học gia, một nhạc sĩ, văn sĩ, giáo sư văn chương ( tốt nghiệp trường uy tín nhất: École Normale Supérieure ).
Trước khi thế giới để tâm tới môi trường, Michel Serres đã viết cuốn Contrat Naturel, từ 1990, ngày nay là sách gối đầu giuờng cho các phong trào bảo vệ mội sinh.
Trong Contrat Naturel, Michel Serres nói con người không phải là chủ nhân của trái đất, trái lại , sống trên trái đất như một ký sinh trùng ( parasites ), như một loại cây tầm gởi. Ký sinh trùng, nếu không bảo vệ môi trường mình sống, nếu vô trách nhiệm, sẽ tàn phá, giết hại mội trường và chết theo. Vì vậy, con người phải có bổn phận với trái đất, phải ký một giao kèo ( contrat ) với thiên nhiên.
TRIẾT GIA VÀ INTERNET
Trái với những nhà trí thức coi thường Internet, miệt thị ‘’ văn hóa xài liền ‘’ ( culture jetable ), Michel Serres coi những tiến bộ kỹ thuật là một phương tiện tuyệt vời để truyền bá kiến thức. ‘’ Kiến thức khiến con người hạnh phúc hơn, tự do hơn ‘’ ( Le savoir rend heureux, le savoir rend libre )
Ông nói : thời tôi còn trẻ, muốn học hỏi, phải khăn gói lên Paris, giam mình trong các thư viện. Ngày nay, chỉ cần môt cái bấm trên computer. Hình thức truyền thông nào cũng có ưu điểm hay khuyết điểm, lợi hay hại là tùy người xử dụng.
Michel Serres bỏ cả đời cho giáo dục, giải thích những cái rắc rối nhất bằng ngôn ngữ đơn giản nhất, nói với đám đông, qua những chương trình bình dân mà các nhà trí thức khác ngần ngại.
Ông đề cập tới đủ mọi vấn đề, một cách dễ dàng, nhưng không dễ dãi. Là khoa học gia, những điều ông nói đều đặt trên những cơ sở vững chắc.
Theo ông, ‘’ Trong thế giới thứ tư, vấn đề kiến thức nặng hơn là vấn đề kinh tế. Vì vậy, phải truyền bá kiến thức, chia sẻ sự hiểu biết bằng mọi cách‘’. Chỉ có giáo dục mới thay đổi, cải tiến được xã hội.
Tác giả hàng trăm cuốn sách về đủ mọi đề tài, Michel Serres giảng dạy, nhưng không ngưng học hỏi, để khỏi đứng bên lề, khỏi bị thời đại mới bỏ quên. ‘’ Khoa học, là cái người cha dạy con. Kỹ thuật, là cái con dạy cha ‘’ ( La science, c’est ce que le père enseigne à son fils. La technologie, c’est ce que le fils enseigne à son père )
” Petite Poussette ” ( 2012 ) trong đó ông suy nghĩ về vấn đề giáo dục trong thời đại Internet, với 300.000 cuốn, là một best-seller với một đề tài khô khan, ngày nay được nhiều nhà giáo dụng nghiên cứu.
Hai ngày trước khi từ trần, Michel Serres trao cho nhà xuất bản bản thảo cuốn sách cuối cùng- nói về tôn giáo -vì không muốn lỗi hẹn.
LẠC QUAN
Trái với những người bi quan, Michel Serres không hoài cổ, không tin rằng quá khứ đẹp hơn hiện tại, không ngồi than vãn, hối tiếc. Không, với những tiến bộ trên mọi phương diện, hiện tại có thể tốt đẹp hơn quá khứ, với điều kiện mỗi người đóng góp theo khả năng của mình.
Triết lý lạc quan, theo Michel Serres, là động lực để hoạt động, để cải thiện, trong khi tư duy bi quan chỉ đưa tới thái độ thụ dộng, tuyệt vọng.
Lạc quan, nhưng không ngây thơ. Michel Serres nói các thế lực tiền bạc mạnh hơn chúng ta, phải ý thức điều đó, nhưng không phải là lý do để bó tay.
Hãy sống lạc quan với thời đại, đừng quay về với quá khứ, đó là bài học Michel Serres nhắc đi nhắc lại.
Ông nói một triết gia phải đi vòng quanh thế giới 3 lần. Lần thứ nhất để thăm phong cảnh. Lần thứ hai để tìm hiểu dân địa phương. Lần thứ 3 để học hỏi, đi một vòng kiến thức của nhân loại.
‘’ Chúng ta, rất đông, mỗi ngày bước đi, đặt một chân trước chân khác, nhưng không hề ý thức đó là một phép lạ trời cho mỗi buổi sáng ‘’. Đó là triết học, theo Michel Serres : tìm ý nghĩa của đời sống trong mỗi hành động, mỗi cử chỉ thường nhật.
Ưu ái, thân thiện, sẵn sàng thảo luận, trao đổi với mọi người, cái khiêm nhượng cũng mông mênh như kiến thức, Michel Serres là điển hình cho trí thức, theo nghĩa tốt đẹp nhất.
MICHEL SERRES vừa từ trần ( 02 tháng Sáu ). Nếu bạn sinh sống ở Pháp, dù không theo dõi các sinh hoạt văn hóa, xa lạ với triết học, cũng biết mặt và nghe tên Michel Serres, triết gia ” trẻ ” nhất, lạc quan nhật, sống với thời đại, dù đã 88 tuổi.
Trái với những trí thức sống trong tháp ngà, Michel Serres, thuộc Hàn Lâm Viện Pháp, giáo sư triết tại Sorbonne ( Pháp ) và Stanford ( Hoa Kỳ ), chủ trương phải đem triết học, văn hoá, kiến thức đến với đại chúng . Phương châm Michel Serres : ”Philosophie pour tous” ( triết học cho tất cả ) . ‘’ Một triết gia phải giảng dậy, không phải chỉ triết học, nhưng tất cả các kiến thức , cho mọi người ‘’.
Một nhà phê bình gọi Michel Serres là ” triết gia không rốn ” ( philosophe sans nombril ), khác với những trí thức chỉ biết nhìn bụng, ngắm cái rốn của mình.