Luật sư không thể vạch áo thân chủ.

0
16476
FUSHIHARA HIROTA TS luật (J.D) Nhật Bản, cử nhân luật Việt Nam, tốt nghiệp khóa đào tạo luật sư Học viện Tư pháp, đại diện một công ty tư vấn của Nhật Bản tại Việt Nam
   
Lê Công Định

Một bài viết mới của anh FUSHIHARA HIROTA, tiến sĩ luật Nhật Bản, cử nhân luật Việt Nam, tốt nghiệp khóa đào tạo luật sư Học viện Tư pháp, đại diện một công ty tư vấn của Nhật Bản tại Việt Nam.

Mong bà Chủ tịch Quốc hội đọc kỹ bài này để hiểu vấn đề trước khi phát biểu. Bài viết tuy của người Nhật, nhưng bằng tiếng Việt, không đến nỗi khó để đọc và hiểu. Nếu vẫn không hiểu, bà Chủ tịch Quốc hội có thể tự vấn xem mình có nên tiếp tục ngồi ghế đó hay không.

**********
(PL)- Mối quan hệ luật sư (LS) và thân chủ bắt đầu hình thành khi thân chủ mang câu chuyện của mình đến với LS.

LS giống như thầy thuốc, linh  mục, người được bệnh nhân kể cho nghe hết mọi sự tình, khi con chiên xưng tội. Khi đã rơi vào vòng lao lý, bị can, bị cáo có quyền tìm đến một địa chỉ tin cậy để nhờ vả và mong nhận được sự trợ giúp. Với bị can, bị cáo, người có thể đặt niềm tin chỉ có thể là LS bảo vệ cho mình.

Khi một ai đó phải tham gia tố tụng với tư cách là bị can hay bị cáo, bất luận là người này đã gây ra tội hay chưa, LS phải tin tưởng thân chủ của mình cho đến giây phút cuối cùng. Đó là nguyên lý thật đơn giản và cơ bản về vai trò của LS. Có như vậy, sự tồn tại của LS nói riêng và giới LS mới được duy trì và có ý nghĩa tồn tại. Sự phản bội bởi một LS với một khách hàng của mình sẽ châm ngòi cho nhiều cảm xúc của thân chủ và gây ra nguy cơ cho sự tồn tại trong xã hội của giới LS.

Luật sư không thể vạch áo thân chủ - ảnh 1
Ông FUSHIHARA HIROTA TS luật (J.D) Nhật Bản, cử nhân luật Việt Nam, tốt nghiệp khóa đào tạo luật sư Học viện Tư pháp,  đại diện một công ty tư vấn của Nhật Bản tại Việt Nam

Bên cạnh nền tảng quan hệ tín thác nêu trên, LS một khi đã tham gia quá trình tố tụng hình sự sẽ phải nhận thức sâu sắc về “nguyên tắc suy đoán vô tội” – một trong những nguyên tắc tối quan trọng trong luật tố tụng hình sự của Việt Nam cũng như các nước phát triển trên thế giới. Nguyên tắc này khẳng định “bất cứ bị can, bị cáo nào đều được coi là vô tội cho đến khi tòa án đã chứng minh về tội phạm thông qua chứng cứ được đánh giá một cách hợp pháp”. Bởi vậy, LS có quyền cho rằng thân chủ của mình là vô tội đến khi phán quyết có hiệu lực. Điều này một mặt nghiêm cấm LS không được ngụy tạo chứng cứ, làm trái với sự thật mà LS biết được. Nhưng cũng không có nghĩa rằng LS phải nói hết những tình tiết khách quan mà LS biết được để gây ra bất lợi cho thân chủ của mình.

Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, một số điều của BLHS được đưa ra xem xét để sửa đổi, bổ sung. Trong đó liên quan đến nghĩa vụ của LS, khoản 3 Điều 19 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS số 100/2015/QH13 quy định: “Người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự nếu không tố giác khách hàng về các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”. Tiêu biểu cho những đại biểu ủng hộ quy định trên, có ý kiến cho rằng LS trong quá trình bào chữa mà anh biết thân chủ của mình đã thực hiện hành vi giết người chôn xác ở sau nhà, trong khi đó gia đình đang đau khổ, tìm kiếm người thân của mình. Các cơ quan tố tụng cũng đang nỗ lực để tìm ra tội phạm, lúc này LS bào chữa phải tố giác thân chủ.

LS thường nhận việc bào chữa sau khi vụ việc xảy ra và thường sau khi cơ quan điều tra thực hiện một số thủ tục hình sự như bắt giữ nghi phạm, khởi tố vụ án, khởi tố bị can… Lúc này LS chỉ có thể tiếp xúc thông tin qua các hồ sơ điều tra, lời khai của thân chủ và có thể biết được những thông tin mà thân chủ chia sẻ riêng cho LS. Những thông tin được thân chủ chia sẻ riêng không để đương nhiên trở thành “chứng cứ đầy đủ” để LS chắc chắn về hành vi phạm tội của thân chủ. Một khi không được thông qua thủ tục đầy đủ và chưa có phán quyết cuối cùng, dù là LS hay thẩm phán cũng phải tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc suy đoán vô tội nêu trên. Chưa kể, nếu thân chủ biết mình bị LS vạch áo, liệu họ có thể cởi mở cho LS xem hết tâm can của mình không?

Ở Nhật Bản, hai nguyên tắc nêu trên là kim chỉ nam cho hoạt động hành nghề của các LS. Tuy nhiên, trong quá trình hành nghề không tránh khỏi việc LS có những phát hiện chủ quan về tội phạm của thân chủ. Khi đó, LS Nhật Bản sẽ xin thôi vai trò LS và giữ kín mọi bí mật suốt cả cuộc đời.

LS luôn phải trung thành với thân chủ. Điều này ai cũng dễ hiểu và tôi tin rằng mọi người đang hiểu như vậy. Nếu LS phải làm việc vì lợi ích của cơ quan điều tra, VKS để hỗ trợ bắt giữ, khởi tố thân chủ thì chắc không có người nào muốn nhờ LS để bào chữa. Trừ khi LS làm nghề kinh doanh mặc cả mức hình phạt, song không có thế giới nào tồn tại thị trường kinh doanh như vậy.

FUSHIHARA HIROTA TS luật (J.D) Nhật Bản, cử nhân luật Việt Nam, tốt nghiệp khóa đào tạo luật sư Học viện Tư pháp, đại diện một công ty tư vấn của Nhật Bản tại Việt Nam
Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here