Lãnh đạo Việt Nam hãy nhìn Ukraine để điều chỉnh chiến lược đu dây của mình

0
41
Đoàn xe kéo dài từ sân bay Antonov tới phía nam gần thị trấn Prybirs, ngoại ô Kiev. (Ảnh: Maxar Technologies).

TIẾNG DÂN

Jackhammer Nguyễn

2-3-2022

Một đoàn xe tăng Nga dài đến 40 dặm ì ạch tiến bên ngoài thủ đô Kiev của Ukraine. Gần hai ngày trời, đoàn xe này không tiến được bao nhiêu vì hư hỏng và … hết xăng!

Đối với tôi đó là hình ảnh về sự rệu rã của nước Nga hiện nay. Nó rất cụ thể, không phải là những con số thống kê về kinh tế trong các nghiên cứu của những nhà khoa học.

Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng lạ thay, hình ảnh đoàn xe tăng đó làm cho tôi liên tưởng đến đoàn xe gắn máy của hơn 1 triệu người Việt Nam bỏ chạy khỏi Sài Gòn và các khu công nghiệp vào mùa thu năm 2021, vì dịch Covid và … đói.

Nếu lấy mốc thời gian năm 1990, tức bốn năm sau quyết định cải tổ kinh tế ở Việt Nam, thì cuộc tháo chạy tán loạn ở Sài Gòn xảy ra sau hơn ba mươi năm, cũng tương đương khoảng thời gian chế độ cộng sản Liên Xô bị xóa bỏ.

Thế nhưng trong khoảng thời gian ba chục năm đó, nước Nga vẫn đóng vai một cường quốc, phủ cái bóng lớn lên Việt Nam, không chỉ về mặt ngoại giao, địa chính trị, mà còn cả về kinh tế nữa.

Điều này thật ra cũng không có gì đáng trách, khi mà Việt Nam và Liên Xô cũ đã từng quá gắn bó về kinh tế và quân sự. Mà không chỉ Việt Nam, ở châu Á, nhiều quốc gia cũng muốn giữ sự cân bằng giữa ba cường quốc quân sự là Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga.

Nhưng sự rệu rã của nước Nga hiện nay và vị trí kém cỏi của nó trong hệ thống quốc tế đương đại, liệu có làm cho những nhà lãnh đạo tại Hà Nội hiện nay đặt lại chính sách đu dây đó, ít nhất là điều chỉnh liều lượng của nó?

Cuộc xâm lăng của Nga ở Ukraine và tiếp theo đó là đòn trừng phạt “tổng hợp” của phương Tây, bao gồm các cường quốc kinh tế châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, cho thấy nước Nga chỉ có hai lợi thế là vũ khí và dầu mỏ giá rẻ (chúng ta không bàn về vũ khí hạt nhân ở đây, điều này hoàn toàn không cần thiết khi nói đến Việt Nam).

Nền kinh tế của Nga không bằng những tiểu bang bình thường của Mỹ, chưa nói đến tiểu bang giàu có nhất là California. Xe tăng Nga đang làm mồi cho các hỏa tiễn tối tân Javelin, còn dầu của Nga đang bế tắc vì các phương tiện thanh toán do phương Tây nắm giữ.

Thế mà, như ông Đinh Hoàng Thắng, cựu đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, chỉ ra rằng, Việt Nam lệ thuộc hầu như toàn bộ về kỹ thuật quân sự vào nước Nga, và phần lớn ngành công nghiệp dầu khí.

Khi nước Nga bị cô lập và cấm vận, Việt Nam không thể mua các thiết bị dầu khí, không thể bảo trì các tàu ngầm Kilo hay máy bay Sukhoi.

Trong cuộc đối đầu Nga và phương Tây, từ khi kết thúc chiến tranh lạnh đến nay, có lẽ là các nhà “tư tưởng” trong bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam không nên đặt vấn đề ai đúng, ai sai, ai tiến bộ, ai “phản động”, mà hãy đặt vấn đề là ai mạnh hơn, ai có tác động tốt đến đời sống của người dân Việt Nam hơn, ai có thể duy trì hoạt động quân sự của quân đội Việt Nam, hoạt động khai thác dầu khí ngoài biển.

Và điều quan trọng hơn là mô hình chính trị kinh tế xã hội nào tốt hơn.

Hãy nhìn lại những diễn biến ở Ukraine trong cuộc lật đổ vị tổng thống thân Nga, Yanukovitch vào năm 2014. Trong sự kiện Maidan kéo dài gần 100 ngày, người ta thấy dân chúng Ukraine treo cờ cộng đồng châu Âu khắp nơi. Điều đó cho thấy người Ukraine bị thu hút bởi châu Âu, chứ không phải nước Nga, quốc gia rất tương đồng về văn hóa và ngôn ngữ với họ.

Tại sao vậy?

Vì nước Nga cho đến tận ngày nay không chứng minh được là nó có thể đem lại sự sung túc cho đa số dân chúng, mà nước Nga là một quốc gia của các tay tài phiệt giàu nứt đố đổ vách, bên cạnh một đám nông dân nghèo đói, không khác thời đế chế Nga là mấy.

***

Trở lại Việt Nam, cuộc tháo chạy tán loạn của hơn 1 triệu nông dân làm thuê của Việt Nam vào năm 2021, cũng cho thấy mô hình Việt Nam không khác gì mô hình Nga, cũng là một sự phân cách rất rõ rệt giữa một số đông dân chúng nghèo đói, và sự xa hoa của tầng lớp nhà giàu mới nổi. Không phải tự nhiên mà sau hơn 30 năm “đổi mới”, dân chúng Việt Nam vẫn liều mạng ra đi tìm kiếm cuộc sống tốt hơn ở đâu đó trên thế giới, khi thì trong những xưởng lao động khổ sai ở Serbia, các nhà chứa ở Đông Nam Á, hoặc chết thê thảm trong các thùng xe đông lạnh ở Anh.

Công bằng mà nói thì nhà cầm quyền Hà Nội trong những năm qua đã thực hiện khá tốt chính sách đu dây nổi tiếng của họ giữa Mỹ và Trung Quốc, mặc dầu họ bị giằng kéo giữa một bên là lợi lộc cho dân chúng, và một bên là ý thức hệ cũ kỹ với người láng giềng phương Bắc.

Đại dịch Covid -19 cho thấy, rằng chính phương Tây, cụ thể là Hoa Kỳ và cộng đồng Âu châu đã cứu dân chúng Việt Nam, bằng những lô vaccine đầy hiệu quả của họ. Trong khi đó việc giao hảo với Bắc Kinh chỉ đem lại những phiền toái, chưa nói tới những xung đột ngoài biển Đông, như vụ hàng ngàn xe tải bị chặn lại trên biên giới trong thời gian qua.

Nay cuộc chiến Ukraine cho thấy thêm những phiền toái từ quan hệ với nước Nga.

Vào năm 2016, Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, và sau đó có ân giảm, không trừng phạt Việt Nam trong việc mua vũ khí của Nga ngay, mà cho Việt Nam có thời gian để thích ứng. Việc này có lẽ sẽ không kéo dài trong tình trạng đối đầu hiện nay.

Một quốc gia khác ở Đông Nam Á cũng đu dây là Indonesia, vừa qua đã hủy bỏ một hợp đồng vũ khí với Nga, trước khi cuộc xâm lăng Ukraine bắt đầu. Jakarta cũng là một trong hai quốc gia Đông Nam Á, nước kia là Singapore, lên án hành động xâm lược của Nga.

Cho tới nay, Việt Nam không hề lên án tổng thống Putin, dù ông ta nói rằng Ukraine chưa bao giờ là một quốc gia. Tập Cận Bình cũng có thể nói như thế về Việt Nam.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here