Tôi tin người nào đã từng bị cơ quan an ninh Việt Nam mời/ triệu tập “làm việc” cũng có nhận xét như tôi; rằng họ hỏi nhiều chuyện không liên quan gì đến nội dung ghi trong giấy mời/ triệu tập. Và khi ra về sẽ phải vừa đi vừa tự hỏi: ” Sao họ hỏi các câu linh ta linh tinh như thế nhỉ/”
Nhưng bạn đừng chủ quan trước các câu hỏi: “linh ta, linh tinh” của họ. Bạn phải luôn luôn nhớ: Họ là “lá chắn và thanh kiếm” của chính quyền.
Một lần, làm việc xong trong nội dung giấy triệu tập, họ hỏi tôi: ” Anh có quen Bùi Thanh Hiếu không?”. Tôi trả lời: ” Tôi không quen. Tôi ra tù anh Hiếu đã sang Đức”. Họ lại hỏi: ” Quen nhau trên mang?”. Tôi trả lời: ” Biết thôi! Không quen!” Họ lại hỏi: ” Anh có thích các bài viết của Bùi Thanh Hiếu không?”. Tôi trả lời: ” Tôi có đọc nhưng không quan tâm.” Họ lại hỏi: ” Tại sao?”. Tôi trả lời: ” Tôi với Hiếu khác đề tài, khác phong cách”.
Tưởng thế là xong, họ sẽ để tôi tự do, nhưng không, họ hỏi tiếp: Anh nghĩ gì về cái tên ” Người Buôn gió?. Tôi trả lời: ” Gió trên trời đầy ra. Chẳng ai buôn, chẳng ai mua”. Họ lại nói: ” Chẳng ai buôn, chẳng ai mua, nhưng thằng Hiếu nó ảo tưởng “góp gió thành bão”.
Nói xong họ cười khẩy.
An ninh nghĩ gì, nói gì kệ họ, riêng tôi, tôi nói nghĩa đen, không nói nghĩa bóng. Tôi không biết gì nhiều về Bùi Thanh Hiếu. Tôi ra tù Hiếu đã sang Đức.
Tuy nhiên tôi lại là người biết Bùi Thanh Hiếu sớm nhất trong những người biết Hiếu, lúc chưa người VN nào dùng MXH , chưa ai làm bloger.
Trại tạm giam B.14 – Bộ công an, Thanh Trì Hà Nội. Giữa năm 2009, tiếng then sắt cửa xà lim liền kề bên phải rít lên. ” Có tù mới”- Tôi lẩm bẩm . Tâm lý của tù rất khác người không tù. Tù cũ coi tù mới như khách, rất tò mò, thương cảm và sẵn lòng giúp đỡ hạt muối, lá rau.
Cả ngày hôm sau tôi hát, tôi đọc thơ để làm quen với anh tù mới, để anh tù mới biết cách bức tường xà lim có một người cùng cảnh và khá thân thiện.
Nửa đêm hôm ấy có tiếng gõ vào tường từ xà lim bên phải. Tù tạm giam ở B. 14 muốn nói chuyện với tù xà lim cạnh bên phải rình lúc nửa đêm, hoặc giờ tốp công an trực ca ngồi trong văn phòng chờ đổi gác hoặc giờ họ ăn trưa). Gõ vào tường là ám hiệu mời nhau ra cửa thoáng để nói chuyện.
Anh tù mới hỏi:
– Ai bên ấy hay đọc thơ thế?
Tôi trả lời:
– Tôi đây!
– Chú là nhà thơ hả?
Tôi hỏi lại:
– Sao anh biết?
– Đọc thơ trong tù chỉ có nhà văn, nhà thơ. Chú là Nguyễn Xuân Nghĩa hả?
Tôi lại hỏi:
– Nhà văn, nhà thơ nhan nhản. Sao anh biết tôi là Nguyễn Xuân Nghĩa?
– Nhà văn, nhà thơ đi tù đợt này chỉ có chú.
Tôi rất vui đón nhận các câu bắt quen của người tù mới. Không ngờ người tù mới dội sang tôi một gáo nước có nhiệt độ sát âm.
– Dại thế! đang là nhà văn danh giá thế. Sao chú viết lăng nhăng để phải đi tù!
Tôi thất vọng, quay trở lại sàn nằm im. Lúc bấy giờ thiên hạ chưa dùng từ “bò đỏ” nên tôi cũng không dùng. Trong trường hợp của hắn, nếu dùng, tôi sẽ gọi hắn là “bò đỏ tuột xích”
Sáng hôm sau, viên cai ngục đi qua xà lim tôi, dừng lại trước cửa xà lim người tù ” Bò đỏ tuột xích”; gọi to:
– Bùi Thanh Hiếu! Đi làm việc!
À! gã này tên là Hiếu. Tôi lẩm bẩm.
Từ đó, hàng đêm, hàng giờ, có thể nói chuyện được với người tù phòng bên tôi không hướng về phía bên phải mà hướng về bên trái; xà lim hàng đêm vọng sang tiếng khóc nhớ thương con chưa đầy năm của một người tù nữ trẻ. Tù ở trại tạm giam B. 14 là tù chính trị, tư tưởng, tù cán bộ cơ quan, nhà nước, xí nghiệp tham nhũng, hối lộ.. Chưa một lần tôi hỏi cô phạm tội gì. Năm đầu tiên ra tù, có lần tôi mô tả tiếng khóc của cô. Tiếng khóc đầy ai oán và hối hận.
Luật tố tụng hình sự Việt Nam lúc bấy giờ quy định sau 3 lần ra quyết định tạm giữ ( mỗi lần 7 ngày ) mà không chứng minh được nghi phạm (có thể có tội), cơ quan điều tra phải gấp hồ sơ, trả tự do cho nghi phạm. (có trường hợp 4 lần).
Bảy hoặc tám ngày sau tôi lại nghe tiếng gõ từ tường bên phải. Tôi ra cửa thoáng; nghe từ bên kia gã tù “bò đỏ tuột xích” thì thào:
– Chú Nghĩa ơi! Cháu đoán ngày mai hoặc ngày kia cháu ra. Họ nghi cháu phạm tội như chú, nhưng không phải. Chú có nhắn gì ra ngoài không?
Vì nhu cầu, tôi phải nhờ đại Bùi Thanh Hiếu, mặc dù tôi vẫn nghĩ hắn là “bò đỏ tuột xích”. Thứ tôi muốn vợ tôi gửi vào là một chiếc áo sơ mi trắng cổ cồn, bộ complet và đôi dày i-lich đen cùng cái cà vạt mầu xanh. Tôi phải đứng trước vành móng ngựa đảng với bộ trang phục của người kiêu hãnh.
( Bùi Thanh Hiếu có viết về chi tiết này trong bài tôi chia sẻ lại 2 ngày trước)
Tôi không nhận được trang phục tôi cần. Sáu năm sau, ra tù, bận rộn đời thường, tôi không tìm hiểu nguyên nhân).
Tôi ra tù cuối năm 2014, thì Bùi Thanh Hiếu đã cùng vợ con sang định cư tại Đức. Nghe vợ kể, bạn bè kể, đọc những trang viết trên internet của Hiếu với bút danh “Người buôn gió”, tôi mới biết Hiếu trong trại B. 14 sáu năm trước là Người buôn Gió hiện tại; là người “của chúng mình”. Gã Hiếu chê tôi viết lăng nhăng để phải đi tù là chiến thuật để tạm giấu đi cái Người Buôn Gió sau này.
Từ đó tôi thường vào trang của Hiếu. Đọc Hiếu, tôi cho rằng Hiếu là GIÓ; loại GIÓ có trọng lượng lớn, GIÓ dồn nén tạo ra áp suất. Tôi gọi Bùi Thanh Hiếu là “Người bố trí ghế cho các vị cán bộ trong tầng lớp chóp bu Đảng& Nhà nước Việt Nam, như một cán bộ Ban Tổ chức TW; vì các dự đoán nhân sự giới lãnh đạo của Hiếu thường đúng.
Mấy ngày nay, sau dư luận ngả về khẳng định rằng Bùi Thanh Hiếu mất tích ở Đức vì về Việt Nam thăm mẹ ốm bị an ninh VN bắt giữ, có bạn phây cho rằng Hiếu dại. Tôi không nghĩ thế! Mẹ ốm Hiếu về chăm sóc mẹ là đúng với tên HIẾU bố mẹ đặt cho anh. Hiếu về VN, có người nói LIỀU. Tôi không nghĩ thế! Hiếu giữ lại cái sự liều trong bóng tối để dùng trong ánh sáng, và vì ánh sáng! Anh xuất thân từ bóng đêm (giới giang hồ) đi ra ánh sáng ( Nhà văn hiện thực phi XHCN) khiến hai mảnh sáng- tối trong cuộc đời anh tương phản một cách dữ dội. Nó khẳng định cho Cái Đúng, cái Sẽ Thắng trong mỗi con người có lương tri như mảng sáng ắt xâm lược thành công mảnh tối khi ai đó đạt đến tư duy để đón nhận ánh sáng.
Hình: Người Buôn Gió khi còn ở Việt Nam.
Ezippi There is definately a lot to find out about this subject. I like all the points you made
Blue Techker You’re so awesome! I don’t believe I have read a single thing like that before. So great to find someone with some original thoughts on this topic. Really.. thank you for starting this up. This website is something that is needed on the internet, someone with a little originality!