Elise Hà
Ngày cuối năm, vô tình nhìn thấy một bức ảnh chụp khoảnh sân trước nhà của bạn được post lên trên Facebook. Cái khoảnh sân rộng trồng rất nhiều hoa, đón rất nhiều nắng và đủ chỗ cho rất nhiều đôi chân trở về sum họp ngày Tết…
Và, đâu đó trong tiềm thức, ký ức lại dẫn lối trở về quãng đời của hơn 20 năm trước đó. Nơi có thể nhìn thấy mình đang đứng trên mảnh sân nhỏ, trước một ngôi nhà trồng hai cây trứng cá rợp bóng mát và một hàng rào dâm bụt lượn quanh.
Nhà chật, mà ngày Tết nữa thì khoảnh sân như một cái phòng khách rộng lớn. Ở đó có một góc chất đầy những thanh củi khô để dành cho ngày 30 Tết nấu bánh tét. Nồi bánh đỏ lửa từ rạng sáng 29 Tết cho đến tận chiều 30 Tết. Nước thì lấy từ giếng cách xa nhà khoảng 50m, mấy cậu cứ luân phiên đi gánh về châm nước giúp bánh chín đều. Ông Ngoại ngồi bên lò bếp, mái tóc bạc trắng, sáng lên sau ngọn lửa, lưng hơi còng xuống vì những năm tháng vất vả trong trại tù Cộng Sản, lâu lâu ông cời than hoặc đút thêm củi khô vào giúp lửa cháy đượm.
Mình đi học ở Saigon, Tết về thăm Ngoại, bước vào khoảnh sân ấy trong ngày giáp Tết, chợt nhận ra ánh mắt của Ông, của Cậu, của Dì đều dừng lại trong một khoảnh khắc rồi phút chốc vỡ òa. Cuộc đời đôi khi nuôi dưỡng niềm tin yêu trong tâm hồn chỉ bằng một ánh mắt. Đứng trước nhau bằng xương bằng thịt, hiểu ra rằng hạnh phúc chỉ đơn giản là còn được nhìn thấy nhau, dù thời gian đã đi qua một chu kỳ dài hết bốn mùa…
Cũng trên khoảnh sân ấy, năm tháng đã biến đổi mình từ một đứa trẻ con chập chững bước đi trở thành một cô thiếu nữ, biết mộng mơ, rung động bởi một nụ cười của ai đó….
Vào những ngày cuối năm trong suốt hành trình tuổi thơ, mình ngửi thấy mùi sên mứt từ nhà hàng xóm bay qua, mùi nói cười của con đường trước nhà khi ai đó trở về và cả mùi mồ hôi, nắng gió của Ông Ngoại lẩn khuất trong cái khoảnh sân rợp bóng mát.
Đời người có bao nhiêu lần sum vầy để biết cách trân trọng và bao nhiêu lần nhìn thấu ra những mất mát để lòng cứ rưng rức xót xa?
Trên mảnh sân bé nhỏ trước mái hiên nhà ấy, trong những giấc mơ của hiện tại, vẫn tin đấy là quãng đời đẹp nhất của Ông Ngoại và mình. Cái nghèo khó không làm chùn bước những khát khao, lấy đi nét lãng mạn của cô cháu gái vào đời. Những thiếu thốn không làm cho tiếng cười phải dè sẻn. Nỗi sợ hãi chưa bao giờ chen vào được những yêu thương biết cách động viên nhau mỗi ngày.
Không phải bên trong ngôi nhà mà là nơi khoảnh sân, chỗ mà Ngoại nhấn bàn đạp chiếc xe đạp, lao ra phố chợ mưu sinh. Nó như cái ranh giới, khi mắt hướng về phía trước thì biết rằng ngôi nhà đang ở sau lưng, và khi trở về thì biết rằng phải gác bỏ lại lo âu, muộn phiền ở ngoài kia, để dành thời gian bên người yêu thương. Vòng lặp ấy sẽ cứ lặp lại một ngày như mọi ngày khi ánh mặt trời ló dạng…
Còn đàn gà mỗi năm Ngoại nuôi trong khoảnh sân nhỏ, cũng chỉ để phục vụ cho bữa cơm gia đình. Con nào để dành ngày Tết, con nào để lại gầy đàn cho năm sau đều được nhắc nhớ. Có những khi đột xuất, một con gà sẽ rời bầy khi nhà có đám giỗ hay hàng xóm có tin vui…,,Khoảnh sân sau Tết sẽ thiếu đi vài tiếng gáy rộn ràng, và thiếu đi vài dấu chân chỉ vừa quen đi lại trong những ngày ngắn ngủi.
Khoảnh sân kia, mình biết, chắc cũng nhiều ký ức như mình…..
Để mỗi khi đến những ngày sát Tết, lại chộn rộn nhìn ngắm người thân trong gia đình, qua lại bao nhiêu bận từ sáng sớm cho đến tối mịt trong cái không gian bé nhỏ ấy để nấu nồi bánh tét, phơi cái sàng mứt, trồng lại một góc rào hoặc hân hoan hong khô một tà áo mới trong nắng ấm…
Mình, như nhiều người khác, luôn cất giữ tháng ngày lớn lên trên khoảnh sân trước nhà. Để dù là đứa trẻ của ngày xưa hay một người lớn bây giờ, đều biết rằng mình từng có những cái Tết hạnh phúc. Bất kể khoảnh sân ấy đã không còn, một vài người thân đã ra đi… thì những mùa Tết trên khoảnh sân ấy vẫn không hề phai nhạt!
Đêm Giao Thừa, ngồi đây trên xứ người, bên ngoài mặt hồ tuyết phủ trắng xoá. Nhớ Ngoại cồn cào, nhủ lòng đừng khóc, mà sao môi mặn chát.
…. Cám ơn cuộc đời cho mình có Ngoại, đôi khi chỉ cần một phần đời ngắn ngủi, cũng đủ truyền thêm sức mạnh, cho Cô bé ngảy xưa đi qua những năm tháng rộng dài của kiếp nhân sinh này…..
…,Phút chốc bỗng ước gì một lần nữa, chỉ một lần cuối cùng thôi, được đón xe đò, về quê ăn Tết với Ngoại
Về nhà đi
con đường của đất cát sẽ làm bàn chân ta bớt đau
mùi hương thơ ấu sẽ mang về một tiềm thức khác
bỏ lại hết những núi cao và mây trắng…
những vực sâu và đá tảng…
cho một lần thảnh thơi…
Về nhà đi
ở nơi đó có những người yêu thương ta đang mỉm cười…💜