“Báo hóa” tạp chí gây nhức nhối xã hội khi nhà báo, phóng viên tác nghiệp ngoài phạm vi, lĩnh vực tôn chỉ mục đích ghi trong giấy phép.
Hôm nay (31/3), tại Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) diễn ra cuộc tọa đàm “Trao đổi nhận diện “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội và “tư nhân hóa” báo chí”.
Thảo luận tại cuộc tọa đàm, đại diện Cục Báo chí, Bộ TT&TT đưa ý kiến: Về bản chất, “báo hóa” tạp chí điện tử là hiện tượng một số tạp chí điện tử không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích; hình thức trình bày, nội dung thông tin thể hiện gây hiểu nhầm thành báo.
“Báo hóa” tạp chí gây nhức nhối xã hội khi nhà báo, phóng viên tác nghiệp ngoài phạm vi, lĩnh vực tôn chỉ mục đích ghi trong giấy phép.
Việc “báo hóa” tạp chí để đăng tin “rửa nguồn” cho trang thông tin điện tử, nhưng nguồn lực hạn chế, không tự sản xuất được số lượng tin, bài lớn, dẫn đến liên kết nội dung trá hình, gây nên tình trạng tư nhân tác động, can thiệp vào hoạt động báo chí.
Thậm chí có dấu hiệu của hoạt động báo chí tư nhân thông qua việc một số cơ quan báo chí giao chuyên trang, chuyên mục cho văn phòng đại diện, nhóm phóng viên hoặc đối tác chịu trách nhiệm toàn bộ nội dung.
Về nội dung, có những tạp chí điện tử không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích. Họ phản ánh vấn đề, nội dung không thuộc lĩnh vực tôn chỉ mục đích ghi trong giấy phép. Ví dụ được đưa ra là nhiều khi tạp chí thuộc lĩnh vực môi trường nhưng lại phản ảnh về đấu thầu đất.
Ngoài ra việc giật tít, câu view với những cái tít mập mờ, đặt câu hỏi nghi vấn, tít không phù hợp với nội dung cũng là chuyện đáng bàn.
Nhiều tạp chí điện tử thông tin vấn đề nội bộ một chiều theo đơn thư, thông tin chưa kiểm chứng. Rồi “có trường hợp vấn đề điều tra đi kèm giật tít kiểu quy chụp, như muốn đưa cả nhà người ta vào vòng lao lý”, lời đại diện Cục Báo chí.
Một số tạp chí thực hiện rửa nguồn tin cho trang thông tin điện tử tổng hợp đăng những tin, bài thời sự, xã hội, giải trí, giật gân, câu khách.
Một số tạp chí có biểu hiện sao chép, tổng hợp thông tin từ các nguồn khác, ít bài tự sản xuất.
Việc đăng lượng tin quá lớn, dẫn nguồn sang trang thông tin điện tử tổng hợp không những có mối quan hệ liên kết mà còn có mối quan hệ chi phối.
Đối với hoạt động tác nghiệp ở các tạp chí điện tử, đại diện Cục Báo chí chỉ ra những vấn đề tồn tại như: tạp chí chuyên ngành, tạp chí khoa học nhưng tác nghiệp điều tra theo đơn thư bạn đọc.
Việc cấp giấy giới thiệu nhiều khi không ghi cụ thể nơi đến làm việc, phóng viên đề nghị cung cấp thông tin không thuộc tôn chỉ mục đích của tạp chí nơi mình làm việc.
Ngoài ra còn có tình trạng phóng viên ở tạp chí yêu cầu đơn vị đến làm việc cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu như cơ quan thanh tra, điều tra; gây sức ép bằng cách liên tục điện thoại, nhắn tin gây phiền hà.
Đại diện Cục báo chí nhắc đến tình trạng phóng viên, cộng tác viên ở tạp chí dùng giấy giới thiệu như thẻ hành nghề và dùng nhiều lần vì giấy giới thiệu có thời hạn đến vài tháng, không ghi đơn vị đến làm việc.
Rồi việc gây sức ép, gây phiền hà doanh nghiệp mà trên mạng gọi là “khủng bố viễn thông” cũng diễn ra.
Một biểu hiện nữa là việc đi tác nghiệp thành nhóm và không báo trước cho đơn vị đến làm việc. Một phóng viên hẹn nhưng sau đó 4,5 phóng viên của nhiều tạp chí cùng đến tác nghiệp, về cùng đăng nội dung giống nhau…
Đại diện Cục báo chí cũng chỉ ra nhiều lộn xộn về tổ chức trong khối tạp chí điện tử khi mà nhiều tạp chí chưa có tổ chức Đảng. Ngoài ra, văn phòng đại diện mở quá nhiều, không đáp ứng đủ các điều kiện hoạt động.
“Có những đơn vị lập đến 8 văn phòng đại diện. Và bằng 1 tờ A4, coi như có 1 văn phòng đại diện được thành lập, tạp chí đó không đầu tư gì cho văn phòng đại diện mà chỉ cần giao cho 1 người phụ trách.
Việc đề nghị cấp quá nhiều thẻ nhà báo cũng cho thấy những bất thường khi số lượng người đề nghị cấp thẻ nhà báo lớn so với quy mô, tính chất của tạp chí…”, lời vị đại diện Cục báo chí.
Khó khăn trong việc xử lý vi phạm
Tại buổi tọa đàm, ông Lê Quang Tự Do – Cục phó Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin Điện tử (Bộ TT&TT) cho rằng, các quy định của pháp luật hiện hành chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng một số trang tin tổng hợp, mạng xã hội lợi dụng các kẽ hở này để “báo hóa”.
Việc xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn và bị kéo dài thời gian do các quy định, chế tài còn bất cập, chưa đầy đủ.
Ông Lê Quang Tự Do cho rằng, các quy định của pháp luật hiện hành bất cập, chưa đầy đủ khiến các địa phương khi xử lý tình trạng “báo hóa” còn hạn chế. Ở đây, có các địa phương hầu hết mới chỉ nhắc nhở.
“Cái đó chúng tôi công nhận, nhưng nếu chúng ta chờ quy định của pháp luật thì vấn đề càng nhức nhối, dễ bị lợi dụng hơn”, lời ông Lê Quang Tự Do.
Tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Mai Hương (Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội) cho biết, trong lĩnh vực báo chí, từ năm 2021 đến nay Sở đã xử lý vi phạm hành chính 2 chuyên trang của báo điện tử, 5 tạp chí điện tử với các hành vi “Thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí” và “Đăng phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng”. Tổng số tiền xử phạt là 327,5 triệu đồng.
Bà Hương cho rằng, Sở có thẩm quyền xử phạt nhưng chế tài và luật chưa đồng bộ là trở ngại.
Đại diện Sở TT&TT TP.HCM cũng đồng quan điểm với việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực báo chí còn nhiều vướng mắc và cơ bản vẫn là hướng dẫn và nhắc nhở.
Đại diện Sở này đồng tình với quan điểm cần siết chặt việc cấp phép mới cho tạp chí điện tử và không đổi cấp phép cho những tạp chí điện tử đã hết hạn giấy phép nhưng thường xuyên bị nhắc nhở.
Góp ý kiến vào buổi tọa đàm, PGS,TS. Đỗ Thị Thu Hằng (Viện trưởng Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, luật của chúng ta thể hiện nhiều điều lạc hậu.
Trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay, Luật bị chậm so với đời sống thực tế. Nếu chờ thay đổi luật thì không kịp, nên trong thời gian chờ thay đổi luật, cần có dự thảo nghị định của Chính phủ, quy định của Bộ TT&TT về vấn đề này.
T.Nhung