Trong hai ngày, một cơ quan lập pháp của nước Mỹ coi như không có mặt. Không có Hạ viện, vì tất cả các dân biểu, mới đắc cử hoặc được bầu lại, chưa ai chính thức nhậm chức. Họ phải chờ đợi, vì sau sáu lần bỏ phiếu, Hạ viện không bầu được vị chủ tịch để làm lễ tuyên thệ cho mọi người. Chưa ai hội đủ 218 phiếu, quá nửa trên 435 dân biểu. Trong 100 năm, đây là lần đầu tiên Hạ viện không bầu được chức chủ tịch sau cuộc bỏ phiếu lần đầu.
Trong cuộc bầu cử năm ngoái, đảng Cộng Hòa chiếm 222 ghế dân biểu, Dân Chủ được 212 ghế, một ghế còn trống. Trưởng khối Cộng Hòa Kevin McCarthy đáng lẽ phải lên thay bà Nancy Pelosi. Trong thực tế, ông đã vào ngồi trong văn phòng chủ tịch. Nhưng nhiều dân biểu cùng đảng đã bầu cho người khác. Nếu thiếu 5 trong 222 phiếu là không đủ 218, mà có 19 đến 20 người không chịu bầu McCarthy. Có người lúc đầu tín nhiệm ông, đến lần thứ ba lại thôi; lần thứ tư thì tự bỏ phiếu cho chính mình vì cũng được đề cử. Có người bỏ phiếu cho Dân biểu Jim Jordan trong khi ông Jordan ủng hộ ông McCarthy. Có người bỏ phiếu cho cựu Dân biểu Lee Zeldin, ông này đã về hưu nhưng hiến pháp không cấm, ai cũng có thể được bầu làm chủ tịch Hạ viện. Có lúc ông McCarthy chỉ được 201 phiếu, so với Dân biểu Hakeem Jeffries, lần nào cũng nhận được 212 phiếu của các đại biểu Dân Chủ.
Ông McCarthy đã biết trước nhiều người không tín nhiệm mình, vì họ coi là ông quá “ôn hòa,” không kiên định theo các lập trường bảo thủ cứng rắn. Trong mấy tháng trước, ông đã gặp nhiều dân biểu chống mình để tìm cách giải tỏa. McCarthy đã đồng ý với các dân biểu Cộng Hòa thuộc “nhóm Tự Do” (Freedom Caucus), thỏa hiệp với một số yêu cầu của họ, thí dụ, thay đổi thủ tục Hạ viện để các dân biểu tham dự quá trình soạn luật nhiều hơn, và có thể đề nghị truất phế vị chủ tịch dễ dàng hơn. Nhưng ông không chấp nhận các đề nghị khi nhóm này muốn phải cử một số dân biểu của họ vào những ủy ban quan trọng.
McCarthy đã trải qua kinh nghiệm một lần. Năm 2015 đảng Cộng Hòa chiếm đa số trong Hạ viện. Dân biểu John Boehner phải từ chức chủ tịch vì áp lực bất tín nhiệm trong đảng. Ông Kevin McCarthy, trưởng khối đa số, đáng lẽ sẽ được bầu lên thay, nhưng bị nhiều người chống đối. Ông rút lui, thú nhận rằng sẽ không thể nào góp lại được đủ 218 phiếu. Sau đó, ông Paul Ryan đã được 236 dân biểu bầu làm chủ tịch. Năm 2018, ông Ryan từ chức và rút lui khỏi chính trường vì bất đồng ý kiến với Tổng thống Donald Trump. Sau đó đảng Dân Chủ chiếm đa số và bà Nancy Pelosi lên làm chủ tịch trong bốn năm.
Những đại biểu Cộng Hòa nào chống ông McCarthy? Trong số 20 người “nổi loạn” có 18 người triệt để ủng hộ Tổng thống Donald Trump, coi ông Trump mới là người thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Ngày 6 tháng Giêng năm 2021, có 139 đại biểu Cộng Hòa không bỏ phiếu công nhận ông Biden đắc cử, nhiều người vẫn giữ lập trường. Trong Hạ viện hiện nay có 175 người coi ông Joe Biden làm tổng thống nhờ gian lận; trong đó vẫn có 157 người ủng hộ ông McCarthy làm chủ tịch Hạ viện.
Ngày Thứ Tư 4 tháng Giêng, cựu Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng kêu gọi các đại biểu Cộng Hòa hãy ủng hộ ông Kevin McCarthy. Nhưng nhóm chống đối vẫn không thay đổi, trong ba lần bỏ phiếu mới.
Họ không theo ý kiến của ông Trump vì phần lớn đã đắc cử dễ dàng tại những đơn vị luôn luôn bầu cho đảng Cộng Hòa, nhiều người đạt được 60% đến 70% số phiếu. Trong số 20 người, 16 người đã thắng đối thủ Dân Chủ hơn 10% số phiếu; trong 4 người còn lại, ba người được 8%. Gần một nửa số 20 người chống McCarthy đại diện cho ba tiểu bang Texas, Arizona và Florida, mỗi nơi có 3 người. Dân biểu Rep. Paul Gosar (C.H., Ariz.) đã thắng nhiều đối thủ trong đảng và khi tranh cử không có chính khách Dân Chủ nào đối đầu.
Từ cuộc họp Hạ viện đầu tiên năm 1789, chỉ có 14 lần chức chủ tịch không được bầu ngay vì có tranh chấp như năm nay. Năm 1855, các cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện kéo dài từ tháng 12 qua tháng Giêng năm sau mới bầu được chức chủ tịch sau 133 lần bỏ phiếu. Sau đó quốc hội đã thay đổi điều lệ để chức vụ này có thể được bầu với đa số tương đối. Lần chót, năm 1923, đã phải bỏ phiếu 9 lần mới bầu được chủ tịch. Năm đó, đảng Cộng Hòa chiếm đa số, hơn đảng đối lập 18 ghế, nhưng bất đồng ý kiến. Phải đến ngày thứ ba Dân biểu Frederick Gillett (C.H.-Mass) mới đắc cử sau khi giàn xếp và thỏa hiệp.
Hiện nay chưa biết ông McCarthy vận động thế nào để được 20 đại biểu Cộng Hòa thay đổi ý kiến. Có đại biểu Cộng Hòa đã gọi họ là “nhóm 20 Taliban!” Ông McCarthy có thể thành chủ tịch Hạ viện nếu được các đại biểu đảng Dân Chủ bỏ phiếu. Nhưng trong tình trạng hiện nay, đảng Dân Chủ không muốn giúp; Dân biểu Henry Cuellar (D.C, Texas) cho biết đã có người đề nghị ông đổi sang đảng Cộng Hòa và bỏ phiếu cho ông McCarthy, nhưng ông đã từ chối.
Một giải pháp khác là một số đại biểu Dân Chủ vắng mặt không dự cuộc bỏ phiếu, hoặc tuyên bố “không có ý kiến.” Khi đó, tổng số đại biểu tham dự cuộc bầu cử giảm xuống, không cần 218 phiếu mới được đa số. Nhưng chính ông McCarthy cũng không muốn được đảng Dân Chủ giúp, vì khi đó số người chống ông trong đảng Cộng Hòa sẽ tăng lên và mạnh hơn nữa.
Các đại biểu thuộc hai đảng tại Hạ viện có thể theo gương nghị viện tiểu bang Pennsylvania, khi họ tìm cách thỏa hiệp với nhau, giữ hòa khí, bầu được chức chủ tịch. Báo Philadelphia Inquirer cho thấy câu chuyện như sau:
Tháng 11 vừa qua, đảng Dân Chủ thay thế đảng Cộng Hòa, thắng ở Hạ viện tiểu bang với tỷ số rất nhỏ, 102-101. Ngay sau đó, một đại biểu Dân Chủ qua đời và hai người rút lui vì đắc cử các chức vụ khác. Mọi người biết rằng khi bầu điền khuyết cho ba vị trên, đa số cử tri chắc vẫn bỏ phiếu cho ứng cử viên Dân Chủ. Nhưng đảng Cộng Hòa muốn bầu ngay chức chủ tịch Hạ viện tiểu bang, vì họ đang chiếm đa số 101-99. Đảng Dân Chủ tất nhiên phản đối, yêu cầu trì hoãn, nhưng không thành công.
Đảng Dân Chủ đề cử Đại biểu Joanna McClinton vào chức chủ tịch. Khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, ứng viên của hai đảng được số phiếu bằng nhau, 100-100. Sau đó, Đại biểu Jim Gregory, Cộng Hòa, đã đứng ra, đề cử Đại biểu Mark Rozzi, Dân Chủ, và bà McClinton cũng ủng hộ. Cuối cùng, ông Rozzi thắng với tỷ số 115-85, nhờ 16 phiếu của các đại biểu Cộng Hòa; trong đó, có phiếu của ông Bryan Cutler, cựu chủ tịch Hạ viện tiểu bang khi đảng Cộng Hòa còn chiếm đa số.
Đắc cử rồi, ông Mark Rozzi tuyên bố sẽ trở thành độc lập, không đảng phái.
Một vụ thỏa hiệp khác ở Tiểu bang Ohio cũng đáng noi gương. Đảng Cộng Hòa chiếm đa số tại Hạ viện tiểu bang, và đề cử Dân biểu Derek Merrin làm chủ tịch. Nhưng nhiều người thấy ông Merrin quá bảo thủ. Đảng Dân Chủ đã tìm cách thỏa hiệp để chọn một ứng viên ôn hòa hơn. Sau cùng, ông Jason Stephens (Cộng Hòa-Kitts Hill) đã đánh bại ông Merrin, tỷ số, 54-43; với 32 phiếu Dân Chủ và 22 phiếu Cộng Hòa.
Liệu các dân biểu Hạ viện liên bang có thể đạt được những thỏa hiệp như ở các tiểu bang Ohio và Pennsylvania hay không? Ông Kevin McCarthy sẽ phải cầu phép lạ!
Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?
Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.
Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.
Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.