On the streets, again

0
36
Dân Mỹ dễ nổi khùng. Xuống đường là thói quen sinh hoạt chính trị của họ. Gần như nguyên năm 2024, nước Mỹ đã chứng kiến loạt cuộc biểu tình kinh khủng chống chính sách Israel của Tổng thống Joe Biden. Không khí các trường đại học thậm chí hỗn loạn cực độ. Ngay đêm bầu cử 5-11-2024, khi đến Lafayette Square sát Nhà Trắng để theo dõi kết quả, tôi vẫn còn thấy một nhóm người Mỹ ủng hộ Palestine la ó chửi rủa Biden và Kamala Harris. Quanh khu vực, tại nhiều bức tường và cột điện, họ dán những mảnh giấy ghi “Kamala giết trẻ em”…
Từ ngày Trump vào Nhà Trắng lần hai, nhiều cuộc biểu tình anti-Trump đã nổ ra khắp nước Mỹ. Hai cuộc biểu tình toàn quốc lớn nhất xảy ra vào ngày 5-2-2025 và ngày 17-2-2025 (President’s Day). Chiến dịch biểu tình #buildtheresistance và #50501 (50 cuộc biểu tình, 50 tiểu bang và trong một ngày) nổ ra gần như trên mọi tiểu bang, kể cả tại những cứ địa mà Trump từng giành chiến thắng áp đảo chẳng hạn Philadelphia. Đó là chưa kể những cuộc xuống đường lẻ tẻ ở các thành phố.
Chính quyền Mỹ có ngán dân biểu tình? Nước Mỹ sống với nền chính trị tiểu bang. Lá phiếu người dân ảnh hưởng trực tiếp đến ghế của các dân biểu và thượng nghị sĩ liên bang đại diện cho người dân ở tiểu bang họ. Đó là chưa kể ghế thống đốc. Tác động của quyền lực chính phủ liên bang (tức chính phủ trung ương) không phải không nhỏ nhưng tiếng nói người dân địa phương gần như luôn có giá trị nhất định. Sự gào thét của người dân không hoàn toàn vô nghĩa.
Trump đang cố chặn lại điều đó – từng phần và từng bước. Sáng sớm hôm nay, 4-3-2025, Trump dọa ngừng tất cả nguồn quỹ liên bang trợ cấp cho các đại học nếu trường nào cho phép xảy ra “các cuộc biểu tình bất hợp pháp”. Trump thậm chí dọa bỏ tù “những kẻ quá khích”. Trump chưa từng có “ý kiến” tương tự trước các cuộc biểu tình hỗn loạn lên án Biden trong suốt năm 2024…
Cho đến thời điểm này, chưa có cuộc biểu tình nào – dù quy mô và dữ dội – trở thành bạo động. Dù vậy, nếu xảy ra đổ máu hoặc trấn áp tàn bạo, sự phẫn nộ chắc chắn không dừng lại ở những tiếng gào thét. Hình ảnh cả nước Mỹ bị đốt phá sau vụ George Floyd vào giữa năm 2020 vẫn còn nằm trong ký ức dân Mỹ.
Chiều nay, 4-3-2025, tôi đón Uber ra địa điểm biểu tình (đi xe riêng vào trung tâm DC là một ác mộng vì rất khó tìm chỗ đậu). Cuộc biểu tình hôm nay được tổ chức trước Thượng viện (Russell Senate Office Building) vào đúng giờ tan sở với mục đích để giới lập pháp chứng kiến. Trên xe, tôi bắt chuyện với tài xế về Trump.
“Chọc” ngay đúng một Trumpist (da trắng, trung niên), tôi nghe ông ấy khen Trump hết lời. Tuy nhiên, tiếng nói của khoảng 1.000 người biểu tình không như vậy. Chỉ trong một buổi chiều, tôi nghe “hai người Mỹ” có ý kiến trái ngược về Trump. Sự chia rẽ không chỉ đang tồn tại. Chiến tuyến hai bên đã vạch rõ. Khi cuộc biểu tình kết thúc, một diễn giả nhắc rằng sẽ tổ chức nhiều cuộc biểu tình nữa. “Be on the streets again and again!”
Hơn 77 triệu người Mỹ bỏ phiếu cho Trump 2024 không phải không có lý do. Trong cuộc bầu cử 2020, hơn 81,2 triệu người Mỹ bỏ phiếu cho Biden hẳn nhiên cũng không “ngu”. Dù vậy, điều đó vẫn không giúp Biden ở lại Nhà Trắng thêm bốn năm. Bây giờ, nước Mỹ một lần nữa nhìn lại chính họ. Ít nhất một nửa nước Mỹ sẽ “on the streets again, again and again!”. Với người dân xứ này, im lặng không là một thái độ đúng.
_______
Một số hình ảnh cuộc biểu tình chiều nay, 4-3-2025, tại Washington DC (ảnh: MK)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here