Hội nghị cấp cao Bộ trưởng lần thứ IX của Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ họp tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn

0
75
Tiến sĩ Thomas Garrett, Tổng Thư ký Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ RFA
Ỷ Lan, phóng viên RFA
2017-09-25

Hội nghị cấp cao Bộ trưởng lần thứ IX của Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ vừa họp tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 9 năm nay.

Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ ra đời năm 2000 do sáng kiến của hai vị Ngoại trưởng Hoa Kỳ và Ba Lan, bà Madeleine Albright và ông Bronislav Geremek. Từ đó trở về sau, mỗi hai năm Hội nghị họp một lần để đánh giá tiến trình dân chủ cũng như vạch kế hoạch thăng tiến dân chủ trong toàn thế giới. Các hội nghị trước đây đã được tổ chức tại những quốc gia vừa bước sang con đường dân chủ, như Ba Lan, Nam Hàn, Mông Cổ, Chile, Mali, Bồ Đào Nha, Lithuania, San Salvador, và kỳ này tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ.

Khác với 8 kỳ trước, Hội nghị Cấp Bộ trưởng lần IX lần này chỉ họp ở cấp cao, gồm 30 Chính phủ thuộc 30 quốc gia thành viên Hội đồng Điều hành các Quốc gia Dân chủ, và 23 Uỷ viên Ban Thường vụ “Tổ chức Phi chính phủ thuộc Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ”.

Ba chủ đề chính của Hội nghị là: Không gian Dân sự bị thu hẹp – Dân chủ và Phát triển – và An ninh và Dân chủ .

Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Madeleine Albright nhận xét qua bản phúc trình về An ninh và Dân chủ rằng :

Madeleine Albright: “Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ có vai trò quan trọng là tập hợp mọi khuynh hướng dân chủ hiện nay và lâu trước, để chia sẻ kinh nghiệm thực hiện cùng giúp đỡ nhau giải quyết những thách thức chung. Nguyên tắc đoàn kết dân chủ là sức mạnh. Vòng quanh địa cầu, các chính phủ đến cùng nhau vì lý do địa lý, kinh tế, lịch sử và đức tin tôn giáo, nhưng chẳng có gì tốt đẹp hơn từ cơ bản, là hậu thuẫn nhau trong sự chia sẻ mối bận tâm cho tự do. Chính vì lý do này mà Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ xứng đáng tồn tại ở cấp cao cho mối bận tâm của giới lãnh đạo chúng ta. Không chỉ chớp nhoáng tại các Hội nghị thường kỳ, mà là thông qua các chính sách và hành động mỗi ngày”.

Tại lễ bế mạc Hội nghị tổ chức trong khuôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Rex Tillerson xác định : “Hội nghị Cấp Bộ trưởng Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ kỳ nầy tới đúng thời điểm trông chờ của nó. Đây là lý do cho sự có mặt của chúng ta hôm nay. Và vì sao cuộc tập họp tiếp tục hiện hữu. Là Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ, chúng ta biết rằng Dân chủ là hình thái lãnh đạo đem lại hoà bình, ổn định và thịnh vượng tại quốc gia mình hay khắp mọi nơi. Chúng ta biết rằng các chính phủ đeo đuổi những nguyên tắc và thực hành dân chủ đều hưởng sự an toàn, lành mạnh, an ninh tối đa, với thiên hướng tôn trọng nhân quyền cho công dân họ. Chúng ta cũng biết rằng thể chế dân chủi chưa hoàn mỹ. Nên thể chế dân chủ bắt chúng ta phải biết khó khăn chọn lọc, kiên trì thực hiện và luôn luôn cảnh giác. Nhưng chỉ có thể chế dân chủ là hệ thống chính trị bảo đảm cho người công dân quyền tham gia, bằng cách nào và với ai họ lãnh đạo. Đây chính là lý do chúng ta ủng hộ và phát triển tự do và dân chủ trên toàn thế giới”.

Nhân dịp Bà Maria Lessner, Bộ trưởng Dân chủ Thuỵ Điển mãn nhiệm kỳ Tổng Thư ký Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ, chúng tôi tìm gặp người kế nhiệm, Tiến sĩ Thomas Garrett, để hỏi cảm tưởng ông về Hội nghị Cấp cao Bộ trưởng lần thứ 9 này ?

Thomas Garrett: “Hội nghị Cấp Bộ trưởng kỳ này có chút khác biệt với các kỳ Hội nghị trước, vì chỉ là cuộc họp của Hội đồng Chính phủ của 30 quốc gia trong Cộng đồng Các Quốc gia Dân chủ, là những quốc gia từng dứt khoát gắn bó với nền dân chủ trên thế giới, từ Hoa Kỳ và Canada đến Châu Âu, Châu Á, Châu Mỹ La tinh và Châu Phi. Tất cả 30 quốc gia này mang lời hứa trịnh trọng bảo vệ không gian cho các xã hội dân sự, hoạt động một cách dân chủ trong bất cứ tình huống nào, và mang lại kinh nghiệm của họ để giúp đỡ các quốc gia đang chuyển hướng sang dân chủ.”

Ỷ Lan: Ông vừa được bầu vào ghế Tổng thư ký Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ. Vì sao phong trào này trọng thiết đối với ông, và ông hy vọng gì để hoàn tất nhiệm vụ ?

Thomas Garrett: “Khi nhìn lại Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ, tôi nghĩ rằng đây là một tổ chức liên chính phủ rất quan trọng, lập thành từ những quốc gia tận tuỵ với các nguyên tắc dân chủ. Thế giới ngày nay thực sự cần thiết có một tổ chức như thế. Tôi hy vọng rằng tôi có thể cáng đáng, có thể là theo một hướng mới, và tôi thấy kích thích xông    vào việc để đấy mạnh dân chủ trên toàn thê giới.”

Ỷ Lan: Cuộc phỏng vấn này sẽ được phát về Việt Nam. Ông có đôi lời gì gửi tới giới bạn trẻ ở Việt Nam hiện đang hoạt động với hy vọng tiến sang một thể chế dân chủ ?

Thomas Garrett: “Tôi muốn nói với các bạn trẻ ở Việt Nam rằng, các bạn không là Tương lai, các bạn là Hiện tại đương thời. Chúng ta nghe được thông điệp cất lên tại Hội nghị Cấp Bộ trưởng hôm nay của giới hoạt động trẻ, kể cả một thanh niên Bắc Triều Tiên. Xin chớ giới hạn trong biên giới một quốc gia, các bạn đang có trong tay Internet, các bạn đang có mạng truyền thông xã hội, các bạn đang có nhiều bạn bè trẻ tuổi khác đang tím cách nối kết với các bạn. Tôi mời gọi các bạn hãy nối kết với bạn bè khắp nơi, cùng nhau học hỏi và tìm mọi cách thực hiện các bài học này tại quốc gia Việt Nam của bạn. Trong lịch sử chưa bao giờ thế giới đầy ắp giới trẻ như ngày nay, và chẳng có lý do gì giới trẻ không chuyển thay nghịch cảnh.”

Tham gia Hội nghị với tư cách Ủy viên Ban Thường vụ “Tổ chức Phi chính phủ thuộc Cộng đồng các Quốc gia Dân chủ” đại diện Cơ sở Quê Mẹ: Hành động cho Dân chủ Việt Nam, ông Võ Văn Ái được bầu vào Ban Cố vấn Ban Thường vụ Quốc tế, cho biết cảm tưởng như sau:

Võ Văn Ái: “Sau sự sụp đổ của chế độ Cộng sản ở Liên Xô và các nước Đông Âu thập niên 90 thế kỷ trước, có thể nói phong trào Dân chủ nổi lên như thuỷ triều khắp thế giới. Nhưng vào năm 2017 này, do nhiều lý do, phải nói rằng cao trào Dân chủ đang bị thối lui. Đây là lý do bó buộc các nhà hoạt động dân chủ tại Việt Nam phải suy nghĩ để rút bài học, và đề xuất mô thức dân chủ châu Á. Thiển ý tôi, cuộc khủng hoảng trong phong trào dân chủ ngày nay đến từ sự thiếu vắng một Niểm Tin mới. Các quốc gia thì bị lăn trôi theo nạn khủng bố toàn cầu, và lún chìm vô vọng trong xã hội tiêu thụ, làm đánh mất lý tưởng. Tôi tin rằng người Châu Á sống trong đức tin thương người cứu đời, từ nhiều nghìn năm qua, có thể xúc tác cho sự bùng dậy cơn thuỷ triều dân chủ mới. Dù sao tôi cũng rất mừng, vì tại Hội nghị này các nước dân chủ về tham dự đã nhìn thấy một sự thực, là các quốc gia độc tài đang bóp chết không gian sinh hoạt dành cho các các xã hội dân sự, vốn là nên móng cho tiến trình dân chủ. Đặc biệt tại Việt Nam”.