Hồ sơ thuế của Trump: Những tài liệu từ lâu bị che giấu cho thấy, lỗ lã triền miên và nhiều năm tránh né việc đóng thuế (Phần cuối)

0
85
Doug Mills/The New York Times

TIẾNG DÂN 04/10/2020

New York Times

Tác Giả: Russ Buettner, Susanne Craig và Mike McIntire

Dịch Giả: T.Vấn

3-10-2020

Tiếp theo phần 1 –phần 2 —phần 3phần 4phần 5—-Phần 6phần 7

Phần cuối: Tổng Thống và Doanh Nhân

Hồi tháng 5, chủ tịch của một nhóm thương mại đại diện cho quyền lợi của Thổ Nhĩ Kỳ đã viết thư gởi bộ trưởng thương mại Wilbur Ross, xin hỗ trợ cho những nỗ lực gia tăng các giao dịch thương mại giữa Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ. Mục đích tối hậu không gì khác hơn là “chuyển hướng nguồn cung cấp vật liệu cho Hoa Kỳ thóat khỏi tay Trung quốc”.

Bức thư gởi Wilbur Ross là một trong ba bức thư gửi đến các bộ trưởng trong nội các Trump, ký bởi Mehmet Ali Yalcindag, chủ tịch hội đồng thương mại Mỹ-Thổ. Một bản sao các bức thư nói trên cũng đã được Yalcindag gởi đến tổng thống Trump.

Với Trump, Yalcindag không phải là một người xa lạ: Thương nhân người Thổ này đã từng giúp Tổ Hợp Trump đạt được một thỏa thuận về bản quyền xây cất hai tòa tháp Trump ở Istanbul hồi năm 2008. Hồ sơ thuế cho biết, thỏa thuận này đã đem lại cho Trump 13 triệu đô la – con số lớn hơn rất nhiều so với các tiết lộ trước đó – bao gồm cả 1 triệu đô Trump nhận thêm lúc vừa nhậm chức tổng thống. Và giờ đây thì “người bạn làm ăn chỉ một thương vụ” ấy đang làm công việc một lobbyist (người vận động hành lang) cho quyền lợi của Thổ Nhĩ Kỳ.

Yalcindag tuyên bố ông ta vẫn “duy trì mối quan hệ thân thiện” với Trump kể từ dạo làm ăn chung nhiều năm trước, nhưng tất cả những liên lạc giữa nhóm thương mại do ông cầm đầu với chính phủ Trump đều “thông qua những băng tần chính thức và được công bố thích đáng”.

Mehmet Ali Yalcindag, chụp hình chung với hai cha con Trump, là người đã giúp Trump đạt được một thỏa thuận cấp phép bản quyền ở Istanbul, đem về cho Trump 13 triệu đô la. Hiện nay, Yalcindag đang làm công việc vận động hành lang ở quốc hội Hoa Kỳ, đại diện cho quyền lợi thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn: Trump Organization, via PR Newswire

Tình trạng rắc rối công tư lẫn lộn gây nên bởi quyết định của Trump vẫn duy trì các họat động doanh nghiệp của cá nhân trong lúc đang đảm nhận nhiệm vụ tổng thống đã được ghi nhận bằng văn kiện hẳn hoi. Nhưng để đánh giá toàn bộ khía cạnh tài chánh của các quyền lợi đan chéo nhau một cách khác thường – một tổng thống với cả chuỗi những hoạt động kinh doanh trong nước và vô số các điểm nóng địa chính trị hải ngoại – vẫn còn ngoài tầm nắm bắt của các giới chức thẩm quyền.

Các hồ sơ thuế của Trump và của hàng trăm công ty lớn nhỏ của ông ta đã cho biết một cách chính xác số lợi tức Trump kiếm được trong nhiều năm nay; đồng thời cũng chỉ ra sự lệ thuộc nặng nề của các hoạt động kinh doanh của Trump trên lực bẫy là nhãn hiệu Trump, bằng những thủ thuật hứa hẹn có thể sẽ có những xung đội về lợi ích (cá nhân Trump) bao lâu ông ta còn ở cương vị tổng thống Hoa Kỳ.

Các hồ sơ thuế cũng cung cấp một lỗ hổng đáng tin cậy để nhìn vào toàn bộ tình hình tài chính của Trump trước năm 2014, năm đầu tiên trong danh mục thời gian mà ông ta bị buộc phải công bố những báo cáo hàng năm về tình hình tài chính cá nhân. Qua hồ sơ thuế này, mọi người được biết tổng số lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh bên ngoài nước Mỹ của Trump lớn hơn rất nhiều so với con số ông ta báo cáo trong bản tường trình hàng năm nói trên.

Trong bản tường trình tài chính bao gồm rộng khắp nhiều hoạt động khác nhau, lợi tức thu được từ hai tòa tháp Trump ở Istanbul có thể ít nhất là 3.2 triệu đô la. Ở Philippines, nơi ông ta cấp phép bản quyền cho một tòa tháp ở Manila gần 10 năm trước, phần lợi tức thấp nhất là 4.1 triệu đô la – chưa tới một nửa con số ông ta thực sự thu được là 9.3 triệu đô la. Ở Azerbaijan, Trump nhận được hơn 5 triệu đô la từ một dự án về khách sạn không thành, con số lớn gấp đôi con số ông ta ghi trong bản tường trình công khai.

Chẳng bao lâu sau khi Trump ra tranh cử và đắc cử tổng thống, những xung đột quyền lợi của ông ta đã bắt đầu xuất hiện. Nhà lãnh đạo độc tài của Philippines, Rodrigo Duterte, đã cử đến Washington viên thương gia đứng đằng sau dự án tòa tháp Trump ở Manila với tư cách đặc sứ thương mại của chính phủ Manila. Ở Argentina, một nhân vật chủ chốt đã từng dính líu đến một thỏa thuận cấp phép bản quyền của Trump ở Uruguay, thương vụ mà Trump bỏ túi 2.3 triệu đô la, đã được đề bạt vào một chức vụ trong nội các.

Những xung đột quyền lợi của tổng thống Trump nổi lên rõ nét nhất là ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đám thương gia và chính phủ độc tài chuyên chế của tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã không ngần ngại lợi dụng các hoạt động kinh doanh đa dạng của Trump để trục lợi. Khi mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ xuống đến mức tồi tệ nhất, một nhóm thương gia Thổ Nhĩ Kỳ đã hủy bỏ một hội nghị dự trù tổ chức ở khách sạn Trump International tại Washington; 6 tháng sau, khi mối quan hệ giữa hai quốc gia được cải thiện, hội nghị nói trên được tổ chức lại, lần này có sự tham dự của các viên chức trong chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, hãng hàng không Thổ (Turkish Airlines) cũng chọn Trump National Golf Club ở Virginia làm nơi tổ chức một cuộc sự kiện thể thao.

Hơn thế nữa, tài liệu thuế còn cho thấy một vài ảnh hưởng khác mà vai trò tổng thống của Trump đã giúp một số doanh nghiệp của ông ta thoát khỏi tình trạng bị sa lầy. Những tờ hóa đơn về thu nhập thương vụ được báo cáo về sở thuế hàng tháng của các công ty điều hành máy đọc thẻ tín dụng (credit card processing firms), cho thấy các khu giải trí, sân golf và khách sạn của Trump đã trở thành những địa điểm lý tưởng (nếu không nói là địa điểm chính) cho những thương vụ béo bở, bắt đầu từ năm 2015 cho đến khi ông ta chính thức bước chân vào tòa Bạch Ốc.

Những dữ liệu của các công ty điều hành máy đọc thẻ tín dụng không cho biết được tổng số những thu nhập, và chỉ có thể cho biết được chỉ số tiêu thụ của khách hàng lên hay xuống trong một khoảng thời gian ngắn nhất định. Trong lúc hai doanh nghiệp trong số những doanh nghiệp có bề mặt bề thế, lôi cuốn nhất của Trump – Khách sạn quốc tế ở Washington và khu giải trí sân golf Doral – chất đống những nợ nần và cứ tiếp tục lỗ lã, nhưng những dữ liệu từ công ty thẻ tín dụng cho thấy các thương vụ ngày một gia tăng đáng kể với sự thăng tiếng cá nhân của Trump.

Mặc dù khách sạn quốc tế của Trump ở Washington lỗ lã chỏng gọng và nợ nần chồng chất, nhưng những thương vụ được ghi nhận qua lưu trữ của các công ty điều hành máy đọc thẻ tín dụng đã gia tăng cùng với sự thăng tiến của tổng thống Trump. Nguồn: Al Drago/ NYT

Ở khách sạn quốc tế, khoản thu hàng tháng (căn cứ vào hóa đơn từ các máy đọc thẻ tín dụng) gia tăng từ 3.7 triệu đô la trong tháng 12 năm 2016 chỉ một khoảng thời gian ngắn sau khi khai trương, lến đến 5.4 triệu đô la vào tháng 1 năm 2017 và 6 triệu đô la tính đến tháng 5 năm 2018. Ở khu giải trí Doral, sau khi Trump tuyên bố sẽ ra tranh cử tổng thống tháng 6 năm 2015, thu nhập tính qua thẻ tín dụng tăng lên gấp đôi, lên tới 13 triệu đô la trong khoảng thời gian 3 tháng, tính đến cuối tháng 8 cùng năm – so sánh với thu nhập của cùng thời kỳ năm trước.

Một doanh nghiệp khác của Trump vốn là nơi thường xuyên đem về lợi nhuận, và cũng là nguồn gốc cho rất nhiều những xung đột quyền lợi mang tính chuẩn mực đạo đức (ethical conflicts) và cả những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia – đó là câu lạc bộ Mar-a-Lago ở Florida. Lợi nhuận từ doanh nghiệp này tăng vọt sau khi Trump tuyên bố ra tranh cử. Các hội viên mới tranh nhau ghi tên gia nhập, khiến số thu phí gia nhập tăng gấp 10 lần – từ con số $664,000 trong năm 2014 đến xấp xỉ 6 triệu đô la trong năm 2016, trước cả khi Trump nâng phí gia nhập lên gấp đôi vào tháng 1 năm 2017. Cơn lũ tân hội viên câu lạc bộ Mar-a-Lago đã giúp Trump thu lãi 26 triệu đô la từ doanh nghiệp này từ năm 2015 đến năm 2018, hầu như gấp 3 lần số tiền Trump tự trả cho chính mình trong 2 năm trước đó.

Hồ sơ thuế chỉ ra rõ ràng: Một số doanh thu lớn nhất đến từ các nhóm kinh doanh tổ chức các buổi hội họp, gặp mặt tại Mar-a-Lago và một số địa điểm Trump khác, phát sinh sau khi Trump đắc cử tổng thống.

Tại Doral, Trump thu về con số ít nhất là 7 triệu đô la trong năm 2015 và 2016 từ Bank of America, và ít nhất 1.2 triệu đô la trong hai năm 2017 và 2018 từ một hiệp hội thương mại đại diện cho các công ty bán sỉ và bán lẻ thực phẩm. Năm 2018, Phòng thương mại Hoa Kỳ trả cho Doral ít nhất là $406,599.

Ngoài việc phải trả tiền mướn (một lần – one time payment) khi tổ chức sự kiện hay tiền phí hội viên (hàng năm), các công ty lớn còn trả tiền thuê mặt bằng (space lease) cho một số tòa nhà thương mại do Trump thật sự làm chủ. Walgreen, tổ hợp bán thuốc tây khổng lồ – vừa giải quyết xong một vụ án chống độc quyền trước tòa án liên bang năm 2017 – đã trả 3.4 triệu đô la tiền thuê mặt bằng tại số 40 Wall Street, một tòa nhà cao tầng do Trump làm chủ ở thành phố Manhattan.

Một khách thuê mặt bằng khác tại số 40 Wall Street, trả mỗi năm 2.5 triệu đô la là Atane Engineers. Công ty này đã đổi tên mới hồi năm 2018 vì một cáo buộc tham nhũng, khiến hai cựu viên chức điều hành của công ty phải nhận tội đã hối lộ để có được các hợp đồng cải tiến hạ tầng cơ sở của thành phố. Bất kể việc đã bị buộc tội trong một vụ án hình sự (criminal case) – công ty bị liệt kê trong danh sách những doanh nghiệp vô trách nhiệm của tiểu bang New York, và để có được những hợp đồng với tiểu bang, các doanh nghiệp nằm trong danh sách phải được cấp phép đặc biệt – công ty Atane với cái tên mới toanh này vẫn hợp lệ với tư cách một nhà thầu liên bang mà không bị một giới hạn nào.

Thu nhập cho thuê của Trump tại địa chỉ số 40 Wall Street đã gia tăng đáng kể, từ 30.5 triệu đô la trong năm 2014 lên tới 43.2 triệu đô la trong năm 2018. Hồ sơ thuế cho thấy, tiền thuê mặt bằng cho những người hiện đang thuê đã tăng lên, và ít nhất đã có 4 công ty luật mới dọn vào đây kể từ khi Trump ra tranh cử.

Trump có 30% cổ phần trong 2 tòa nhà cho mướn, chung với công ty Vornado và do công ty này trực tiếp quản lý, bao gồm một tòa ở khu Midtown Manhattan. Nguồn: Dave Sanders/ NYT
Tòa tháp thứ hai, ở San Francisco, cũng đồng sở hữu với Vornado, mà viên CEO của Vornado, đồng thời cũng là một đồng minh của Trump. Trong số những công ty thuê mặt bằng ở đây, có cả những công ty thuộc nhóm lobby các quy định liên bang. Nguồn: Jim Wilson/ NYT

Thêm vào những tòa nhà mà Trump trực tiếp và sở hữu một mình, ông ta còn có phần hùn với đối tác Vornado trong hai tòa tháp cao tầng khác – 1290 Sixth Avenue ở thành phố Manhattan và 555 California Street ở thành phố San Francisco. Steven Roth, viên CEO của Vornado, là một đồng minh thân cận của Trump; mới đây, Roth được tòa Bạch Ốc giao cho một chân trong hội đồng phục hồi kinh tế (Economy Recovery Council). Năm ngoái, Trump đã chọn vợ của Roth, bà Daryl Roth, vào làm một thành viên trong Hội đồng Tín thác (Board of Trustees) của Trung tâm nghệ thuật trình diễn Kenedy (John F. Kennedy Center for the Performing Arts).

Những cư dân của Vornado gồm có một chuỗi những công ty mua bán cổ phần, trả hàng triệu đô la tiền thuê mặt bằng mỗi năm; rất nhiều người trong số họ thường xuyên có những giao dịch với các nhóm lobbyists hoặc chính công ty của họ là đối tượng của những quy định từ luật lệ của liên bang. Theo số lượng từ hồ sơ thuế của Trump, những tên tuổi trả tiền thuê mặt bằng ở đây cho năm 2018, có Goldman Sachs trả 5.8 triệu đô la; Microsoft trả 3.1 triệu đô la; Neuberger Berman, một công ty đầu tư, trả 32.7 triệu đô la; và công ty luật Kirkland & Ellis trả 8.8 triệu đô la.

Bão tố đang tích tụ

Những mối đe dọa đang lần lượt tuôn về: doanh nghiệp lỗ lã chồng chất, các truy vấn về thuế đang đến hồi chung cuộc và những món nợ cá nhân sắp sửa tới kỳ đáo hạn.

Khi Trump trượt nhẹ nhàng trên chiếc cầu thang mạ vàng trong tòa tháp Trump Tower để đến tham dự cuộc họp báo hồi tháng 6 năm 2015, công bố ý định tranh cử tổng thống, tình hình tài chính cá nhân của ông ta đang rất cần một cú hích ra trò.

Những khu vực kinh doanh chủ yếu của ông ta đang bị lỗ lã chỏng gọng – hơn 100 triệu đô la trong vòng 2 năm. Dòng suối ngọt ngào những thu nhập đến từ vị trí người nổi tiếng, từ lâu là chiếc phao cứu đỡ cho doanh nghiệp lụn bại, đang mỗi ngày một cạn dần.

Nếu ông ta hy vọng rằng cuộc tranh cử đầy bấp bênh ấy sẽ giúp đánh bóng lại hình ảnh của nhãn hiệu Trump, thì những lời tuyên bố đầy xúc phạm đến các di dân đã nhanh chóng tước đi của ông ta hai trong số những nguồn lợi tức quan trọng và là những nguồn tiền mặt đáng kể – thỏa thuận cấp phép bản quyền với các công ty sản xuất quần áo và chăn nệm đem lại một khoản không nhỏ 30 triệu đô la. Và hãng truyền hình NBC, một đối tác của Trump trong thương vụ tổ chức Hoa Hậu Hoàn Vũ hàng năm – nguồn của khoản thu nhập gần 20 triệu đô la lợi nhuận – thông báo rằng, họ sẽ không phát sóng các chương trình thi hoa hậu hoàn vũ nữa.  Sau đó ít lâu, Trump phủi tay với chương trình thi này.

Giờ đây, dữ liệu từ các hồ sơ thuế của Trump tiết lộ rõ ràng rằng ông ta đang phải trực diện với làn sóng hung bạo của các mối đe dọa đến với hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính của riêng cá nhân ông ta.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, có vẻ như ông ta đã lấp đầy các lỗ hổng tiền mặt bằng những biện pháp chỉ có thể sử dụng một lần trong đời và nay không có gì hứa hẹn ông ta có thể dùng đến chúng được nữa.

Năm 2012, Trump thế chấp tòa tháp thương mại Trump Tower để rút ra 100 triệu đô la tiền mặt. Số tiền này hầu như vừa bằng số tiền trị giá của tòa nhà. Công ty của Trump đã trả 15 triệu tiền lời, nhưng vốn thì vẫn còn nguyên. Toàn bộ số nợ 100 triệu đô la sẽ đáo hạn vào năm 2022.

Năm 2013, Trump rút ra 95.8 triệu đô la từ tài khoản đối tác với Vornado.

Và đến tháng 1 năm 2014, Trump bán đi 95 triệu đô la chứng khoán (stocks) và trái phiếu (bonds), thương vụ lớn nhất của một tháng trong vòng 20 năm. Ông ta còn tiếp tục bán đi thêm 54 triệu đô la chứng khoán và trái phiếu vào năm 2015, cộng thêm 68.2 triệu đô la nữa vào năm 2016. Bản tường trình tài chính công khai của tổng thống vào tháng 7 năm nay cho biết, Trump hiện chỉ còn lại khoảng $873,000 trị giá của chứng khoán.

Các doanh nghiệp của Trump báo cáo, có trong tay 34.7 triệu đô la tiền mặt vào năm 2018, giảm 40 phần trăm so với 5 năm trước đây.

Hơn nữa, hồ sơ thuế cho thấy, một lần nữa Trump mắc phải lỗi lầm mà ông ta đã có lần bộc lộ sự hối tiếc khi nhìn lại thất bại hồi thập niên 1990s, đó là việc ông ta đích thân đứng ra bảo lãnh những món nợ lớn hàng trăm triệu đô la, một quyết định có thể khiến cho các chủ nợ buộc ông ta phải tuyên bố phá sản cá nhân (personal bankcruptcy).

Lần này, Trump đích thân chịu trách nhiệm cá nhân cho những khoản vay và nợ nần khác lên đến tổng số 421 triệu đô la, mà phần lớn sẽ đáo hạn trong vòng 4 năm tới. Nếu Trump tái đắc cử, các ngân hàng cho vay có thể sẽ phải ở trong một vị thế chưa hề có tiền lệ trong lịch sử: Xiết nợ một vị tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm.

Tình trạng này, mặt khác, có thể sẽ đem lại cho Trump những quyền lợi về thuế. Trong khi các doanh nghiệp có thể khai lỗ để tránh không phải trả thuế, họ lại chỉ có thể khai lỗ con số không lớn hơn số đầu tư của họ trong doanh nghiệp. Nhưng bằng việc lấy cá nhân bảo lãnh cho số nợ 421 triệu đô la, Trump có thể khai khấu trừ trọn vẹn số tiền đó vào những năm thuế tương lai.

Đến cuối năm 2018, số nợ nói trên vẫn còn nguyên. Và những doanh nghiệp phát sinh nợ nhiều nhất trong số đó – khu giải trí Doral với 125 triệu và khách sạn quốc tế Washington với 160 triệu – đang gặp nhiều khó khăn, điều đó có nghĩa sẽ không dễ tìm ra những chủ cho vay sẵn sàng đứng ra tái tài trợ cho chúng.

Khoản tiền refund 72.9 triệu đô la, mũi dùi chỉa vào trong các cuộc truy vấn (audits) của IRS, đang như thanh gươm treo trên đầu Donald Trump.

Nói chung, kinh tế hiện nay hứa hẹn rất ít triển vọng. Khắp nơi, các cửa hàng bán lẻ, dịch vụ cứ mỗi ngày một suy thoái, mà những cửa hàng loại này rất quan trọng với dịch vụ của Trump Tower, và Trump Tower có vai trò sống còn với cá nhân Trump. Nike, trước đây chọn một tòa nhà nằm ngay bên cạnh Trump Tower để trưng bày cửa hàng chính (flagship store) của mình; Nike trả 195.1 triệu đô la tiền thuê mặt bằng từ thập niên1990s. Nike rời đi năm 2018.

Bản tường trình tài chính mới nhất của tổng thống Trump cho thấy, có một chút lợi nhuận khiêm nhường trong năm 2019. Nhưng đó là trước khi có trận đại dịch. Một số doanh nghiệp của Trump, vốn đã bấp bênh, lại phải đóng cửa nhiều tháng từ hồi đầu năm. Khu giải trí Doral yêu cầu Deutsche Bank cho phép được hoãn trả tiền nợ vay. Các con số phân tích cho thấy, các dịch vụ về khách sạn sẽ không thể phục hồi hoàn toàn cho đến năm 2023.

Tuy nhiên, Trump vẫn còn tài sản (assets) để bán. Nhưng làm như vậy sẽ gặp nhiều điều không hay khác, cả về khía cạnh tài chính lẫn tính cách riêng con người Trump lúc nào cũng muốn được người khác nhìn như kẻ không bao giờ biết đến thất bại. Năm ngoái, gia đình Trump cho biết họ đang xem xét việc bán đi khách sạn quốc tế ở Washington, lý do không phải là vì họ bị thua lỗ trong doanh nghiệp này.

Theo như lời của Trump, tất cả những khó khăn về tài chính mà ông ta gặp phải đều do ông ta đã hy sinh cho công việc hiện tại của mình.

Trump tuyên bố trong một buổi vận động tái tranh cử ở Minneapolis hồi tháng 10 năm ngoái: “Họ nói tôi làm giàu nhờ vào địa vị của mình. Tôi mất cả tỉ đô la khi làm tổng thống. Nhưng tôi chẳng quan tâm. Là người giàu có thì cũng khoái. Tôi nghĩ thế. Nhưng tôi mất hàng tỉ đô la”.

Hết

Ghi chú của người dịch: Trên đây mới chỉ là một phần trong bản điều tra về hồ sơ thuế của tổng thống Donald Trump. Ban biên tập New York Times cho biết, họ sẽ lần lượt công bố những dữ kiện tiếp theo mà họ phát hiện được trong lúc xem xét một núi tài liệu mà họ có được từ một nguồn sở hữu hợp pháp các văn kiện thuế nói trên.

Do đó, để phục vụ độc giả Việt Nam, chúng tôi sẽ cố gắng tiếp tục làm công việc chuyển ngữ những bản báo cáo tiếp theo mà New York Times công bố. Chúng tôi không dám hứa sẽ theo cho đến cùng, vì khả năng và thời giới hạn, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng.

T.Vấn

Nguồn : https://baotiengdan.com/2020/10/04/ho-so-thue-cua-trump-nhung-tai-lieu-tu-lau-bi-che-giau-cho-thay-lo-la-trien-mien-va-nhieu-nam-tranh-ne-viec-dong-thue-phan-cuoi/