Thách thức đầu tiên sau khi dự án sân bay Long Thành được thông qua và triển khai, té ra lại là tiền đâu.
18 ngàn tỷ còn không có, tìm đâu ra $18 tỷ?
Kinh phí giải phóng mặt bằng cho sân bay Long Thành ban đầu dự kiến 18.000 tỷ đồng, nhưng đến giờ số tiền lên đến 23.000 tỷ. So với nhu cầu vốn đặt ra, ngân sách mới đáp ứng được 5.000 tỷ, tức mới được trên 25%, số còn thiếu đến 18.000 tỷ đồng. Mà đó thực ra cũng mới chỉ là con số dự toán sơ khởi…
Bây giờ mới là nỗi tréo ngoe của một nền kinh tế đã quá quen in tiền để bù đắp lạm phát nhưng cũng đồng thời thúc đẩy lạm phát: tiền bạc ngân khố đã trở nên khan hiếm đến mức sẽ là điên loạn nếu cứ trơ mặt phô trương dự toán làm sân bay Long Thành lên đến 18 tỷ USD mà Bộ Giao thông Vận tải “vẽ” ra thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để kịp trình cho Quốc hội “gật sớm”.
Nhưng lại cần nhắc lại câu chuyện Bộ trưởng giao thông vận tải thời đó là Đinh La Thăng – đã từng tuyên bố “sân bay Long Thành là món nợ với nhân dân”.
Tính toán sai thời điểm… vay ODA?
Chẳng hiểu nhân dân đã làm gì nên tội để bị nhóm lợi ích ODA bắt gánh nợ công đến vài ba ngàn USD mỗi đầu người và còn âm mưu chất đống cao hơn, chỉ biết rằng không bao lâu sau một tuyên bố khác “Vì dân và hành động”, ông Thăng đã bị truất phế khỏi chức ủy viên bộ chính trị và cương vị bí thư thành ủy TP.HCM vào năm 2017.
2017 cũng là thời gian mà dự án sân bay Long Thành bắt đầu được triển khai, thậm chí còn bị xem là triển khai quá chậm. Nguyên nhân chính yếu lại thuộc về tài chính.
Trước đây, trong mọi tính toán khôn lanh và khá trót lọt của mình, nhóm lợi ích ODA đã “lobby” được các bộ ngành, lãnh đạo chính phủ và gần hết trong số 500 mái đầu gục gặc nghị sĩ. Nhưng có lẽ vẫn có một li sai lệch mà đã tới thảm cảnh sai lầm chiến lược về tài chính như ngày hôm nay.
Có thể, đó chính là sai lệch trong tính toán về bối cảnh và thời điểm đi vay.
Theo “truyền thống”, các dự án “khủng” như Sân bay Long Thành, Cao tốc đường bộ Bắc – Nam, Điện hạt nhân Ninh Thuận… đều phải đi vay quốc tế tới 80% tổng dự toán. Trong dĩ vãng, đã có nhiều dự án vay ODA đầu xuôi đuôi lọt, “vẽ” được và vay được, làm giàu khủng khiếp cho các nhóm lợi ích, để từ đó những nhân vật này cứ tưởng sẽ mãi “nhân điển hình tiên tiến”.
Thời điểm chốt con số cuối cùng cho dự án sân bay Long Thành là vào cuối năm 2015, tức cuối đời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Vào lúc đó, những nguồn vốn ODA “gối đầu” từ năm trước và cả năm trước nữa vẫn còn, do vậy nhóm lợi ích ODA không thể tránh khỏi ảo tưởng tình hình vẫn tiếp tục triển vọng vào những năm sau đó.
Nhưng đến tháng 12/2015, Trưởng đại diện Ngân hàng thế giới ở Việt Nam là bà Victoria Kwa Kwa bất ngờ thông báo với Chính phủ Việt Nam là kể từ tháng 7/2017, Việt Nam sẽ không còn được vay vốn ưu đãi nữa. Quả thật, sau đó đã dồn dập tin tức về không chỉ Ngân hàng thế giới mà cả Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng phát triển Á châu đều khẳng định từ tháng 7/2017, Việt Nam sẽ phải vay vốn ODA của quốc tế với mặt bằng lãi suất tăng gấp ba lần trong lúc thời gian ân hạn giảm đi một nửa.
Cánh cửa ODA dành cho các dự án ‘khủng” bỗng dưng sập lại. Một trong những “nạn nhân” đầu tiên là dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận với số “vẽ” lên đến 20 tỷ USD, rốt cuộc đã bị Chính phủ của tân thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “dũng cảm” tuyên bố ngừng thực hiện.
Dự án sân bay Long Thành dĩ nhiên cũng không thoát khỏi số kiếp hẩm hiu…
Ngân sách vô vọng
Kênh ODA đã cám cảnh như thế. Còn ngân sách thì thế nào?
Ngân sách – bầu sữa ngọt ngào thường nuôi dưỡng các nhóm lợi ích vào thời “ăn của dân không chừa thứ gì” và “phá chưa từng có”, đang có nhiều dấu hiệu trở về cảnh trạng hoang tàn như thời “giá – lương – tiền” những năm 1985 – 1986.
Trong cảnh trạng tàn phá đến thế, nhưng bội chi ngân sách năm 2015 và năm 2016 vẫn không hề giảm, thậm chí còn có chiều hướng tăng. Nếu năm 2013 được xem là “đỉnh” của bội chi ngân sách với 6,6% GDP, thì những năm gần đây tỷ lệ bội chi cũng tròm trèm 6% GDP.
Nếu đầu năm 2017, người thay Nguyễn Tấn Dũng là Nguyễn Xuân Phúc bất chợt phải bật lên cảnh báo về “sụp đổ tài khóa quốc gia”, thì đến giữa năm 2017, thậm chí Quốc hội còn phải “đạp lên đầu dân” mà bàn đến chuyện tăng thuế xăng dầu, bắt dân đóng thuế bán hàng qua mạng, thậm chí còn tìm cách thu thuế bằng cách bán… số đẹp.
Vậy thì lấy tiền đâu để trám vào cái lỗ trống toác đến 18 ngàn tỷ dùng cho giải phóng mặt bằng ở dự án sân bay Long Thành? Mà 18 ngàn tỷ đồng còn tìm không ra thì lấy đâu ra 18 tỷ USD – nhiều gấp hai chục lần – để xây dựng “một trong những sân bay hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á”?
Nếu không có tiền, tương lai của sân bay Long Thành vẫn chỉ là… bản vẽ. Có chăng năm thì mười họa mới có một đợt xôn xao của giới cò đất để “đánh lên” bất động sản quanh khu vực dự án sân bay này để “lượm bạc cắc”.
Kỳ họp quốc hội tháng 5 – 6 năm 2017 rốt cuộc đã chẳng thể tìm ra phương cách nào để kiếm ra 18 ngàn tỷ đồng còn thiếu, bất chấp vài dấu hiệu rất đáng nghi ngờ của một cuộc vận động nội bộ để “rút rỉa” tiền ngân sách trám vào cái lỗ trống toác kinh phí giải phóng mặt bằng kia.
Ngân sách thời hết tiền. Sân bay Long Thành càng chậm triển khai chừng nào, kẻ lắm thất vọng sẽ không chỉ là là nhóm lợi ích ODA mà cả nhóm lợi ích quân đội.
Ông Lịch và ông Trọng đâu mất rồi?
Đã từ mấy năm qua, một bàn tay bí ẩn và ma quái đã tung ra chiến dịch “dìm hàng” sân bay Tân Sơn Nhất. “Một trong 10 sân bay tệ nhất thế giới”, “sự cố mất điện đe dọa an toàn hàng không”, “quá tải trầm trọng”… là những lý do được một số tờ báo – trong mối quan hệ không khác gì “đi đêm” với nhóm lợi ích quân đội – dồn dập tung hê lên mặt truyền thông, để luôn đi đến “giải pháp” cuối cùng là phải chuyển Tân Sơn Nhất về Long Thành.
Nhưng ở đời tham quá hóa thâm, không phải cái gì muốn đều được. Sau nhiều phản đối dữ dội trên mạng xã hội đối với sân golf Tân Sơn Nhất, không biết vô tình hay hữu ý, kỳ họp quốc hội giữa năm 2017 đã dậy lên con sóng đòi thu hồi sân golf này – có diện tích đến 157 ha do Tập đoàn Him Lam và vài doanh nghiệp mang danh “Bộ Quốc phòng” chiếm dụng của sân bay Tân Sơn Nhất từ hàng chục năm qua, nhất là trong khung cảnh không chỉ nội vi sân bay các ngả đường đường dẫn vào sân bay này đã trở nên kẹt cứng đến mức chỉ biết bay mới thoát.
Kể từ thời bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh với quá nhiều ân huệ “dưới gầm bàn”, chưa bao giờ nhóm lợi ích quân đội phải đối mặt với sức ép công luận sôi sục như hiện nay.
Phản ứng từ nhiều tầng lớp xã hội lại đang kéo theo phản bác của chính giới quân nhân và cựu quân nhân. “Quân ủy trung ương cần có ý kiến” là một yêu cầu của Trung tá Lê Trọng Sành – Nguyên Cục phó Cục tác chiến Quân chủng Phòng không không quân.
“Quân ủy trung ương” ở đây không ai khác là Bí thư quân ủy Nguyễn Phú Trọng và Phó bí thư quân ủy kiêm bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch – những nhân vật chưa bao giờ dám lộ diện để hồi âm trước đòi hỏi “trả sân golf về sân bay” của công luận.
Chỉ cần sức ép công luận được duy trì đủ mạnh trong một thời gian nữa trong khi sân bay Long Thành vẫn vô vọng nguồn kinh phí giải tỏa và triển khai, không chừng cả hai ông Ngô Xuân Lịch và Nguyễn Phú Trọng sẽ phải ra mặt để xóa đi cái bất công khủng kiếp ấy.
Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh ‘Anh hùng thông tin’.