Hạ viện Mỹ điều trần về nhân quyền VN trước chuyến thăm của TT Phúc

0
97
Buổi điều trần tại Hạ viện Mỹ hôm 25/5, nhằm mục đích kêu gọi sự chú ý của hành pháp trước những tiêu cực về tôn giáo và nhân quyền ở Việt Nam trong thời gian qua.
   

Trước chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Mỹ vào ngày 31 tháng 5 tới, một buổi điều trần đã diễn ra tại Hạ viện Mỹ hôm thứ Năm, 25 tháng Năm, nhằm mục đích kêu gọi sự chú ý của hành pháp trước những tiêu cực về tôn giáo và nhân quyền ở Việt Nam trong thời gian qua.

Kêu gọi đề cập vấn đề nhân quyền tại Việt Nam

Các dân biểu Mỹ và đại diện các tổ chức nhân quyền quốc tế và Việt Nam có mặt tại buổi điều trần kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump phải đề cập đến những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam trong cuộc gặp sắp tới với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, coi đây là một lợi ích của nước Mỹ.

Buổi điều trần đặt dưới sự chủ tọa của dân biểu Christopher Smith, chủ tịch nhóm đại diện dân cử về nhân quyền toàn cầu, thành viên cao cấp Ủy Ban Đối Ngoại Hạ Viện và Tiểu Ban Y Tế, Nhân Quyền Toàn Cầu Và Các Tổ Chức Quốc Tế trong hạ viện Hoa Kỳ.

Hiện diện trong buổi điều trần do ông Chtis Smith triệu tập hôm thứ Năm 25 còn có chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại hạ viện Ed Royce và đồng viện Alan Lowenthal.

Thượng đỉnh APEC sắp tới tại Việt Nam mà ông Trump sẽ tham dự, Ân Xá Quốc Tế mong tổng thống Mỹ yêu cầu Việt Nam ít nhất phải trả tự do cho các tù nhân lương tâm trước khi ông đến.
-Ông T Kumar

Những người trong đoàn thuyết trình về tự do tôn giáo và nhân quyền của Việt Nam gồm ông T Kumar, giám đốc quốc tế vận của Amnesty International, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc điều hành Tổ chức Cứu người vượt biển (BPSOS), và đại diện Cao Trào Nhân Bản Cho Việt Nam.

Tuy nhiên điểm đặc biệt nhất và được chú ý nhiều nhất là sự xuất hiện của cô Nguyễn Thị Mỹ Phượng đến từ tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ. Cô Mỹ Phượng là chị ruột của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo Nguyễn Hữu Tấn, được cho là tự cắt cổ chết khi đang bị hỏi cung trong đồn công an tỉnh Vĩnh Long hồi đầu tháng Năm vừa qua. Cô Mỹ Phương nói cô được gia đình bên Việt Nam ủy quyền đi đòi công lý cho em trai Nguyễn Hữu Tấn vì gia đình cho rằng em trai cô bị cứa đứt cổ đến chết chứ không phải tự tử bằng con dao rọc giấy như lời công an nói:

Em đến đây trước hết là em cám ơn tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, ông Chris Smith, ông bà cô bác xa gần đã cùng đồng hành với gia đình của em. Gia đình rất khủng hoảng, lo lắng và sợ sệt, không biết đến lúc nào chuyện gì xảy ra cho nên ba của em không dám nói gì hết. Gia đình ủy quyền hết cho em để em mọi sự kêu oan cho em của em là Nguyễn Hữu Tần chết oan tại đồn công an, bị người ta đập đầu cắt cổ. Em muốn minh oan cho em của em, nó không làm gì tội hết.

Theo nhận định của ông T Kumar, Ân Xá Quốc Tế, thì nhân quyền ở Việt Nam ngày càng xuống dốc mấy năm qua, không một biểu hiện đáng kể nào để gọi là có sự cải thiện, và Ân Xá Quốc Tế cho rằng lúc này là thời gian tốt nhất để tổng thống Trump nêu vấn đề với lãnh đạo Việt Nam:

Thứ nhất, thượng đỉnh APEC sắp tới tại Việt Nam mà ông Trump sẽ tham dự, Ân Xá Quốc Tế mong tổng thống Mỹ yêu cầu Việt Nam ít nhất phải trả tự do cho các tù nhân lương tâm trước khi ông đến. Thứ hai, khi gặp thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng tuần tới, yêu cầu tổng thống Mỹ manh mẽ nêu bật vấn đề quyền con người đồng thời bày tỏ sự thất vọng của ông trước thực trạng nhân quyền không hề được cải thiện, yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam để cho tôn giáo được tự do phát triển, bởi khi người dân được quyền thờ phượng theo đức tin của mình, được hưởng mọi quyền căn bản của con người thì đất nước đó mới được gọi là một đất nước tự do.

Vì sao nhân quyền Việt Nam quan trong đối với Mỹ?

Về câu hỏi tại sao tự do tôn giáo và nhân quyền của Việt Nam lại quan trong đối với lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ và quan trọng đến nhường nào, dân biểu Chris Smith khẳng định:

Việt Nam có thể trở thành một đồng minh hữu nghị của Mỹ, dân tộc Việt Nam là một trong những người bạn người đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ. Vấn đề ở đây là chính phủ của đất nước này. Lẽ ra người dân phải được hưởng những điều tốt lành hơn nhưng nhà cầm quyền lại tiếp tục vi phạm tự do tôn giáo, bắt bố đàn áp người bất đồng chính kiến, những nhà hoạt động xã hội, các giáo hội lớn nhỏ như Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Thiên Chúa Giáo vẫn bị sách nhiễu, người theo đạo Tin Lành thì bị đe dọa, thậm chí bị đánh đập và bị buộc chối đạo.

Việt Nam phải là một quốc gia cần đặc biệt quan tâm vì thiếu tự do tôn giáo. Những điểm tôi vừa nêu ra ở đây là nhắm đến chính phủ chứ không phải người dân Việt Nam. Là người đặc biệt quí trọng nhân dân Việt Nam, tôi thực lòng mong mỏi người dân Việt Nam có cuộc sống xứng đáng hơn.

Vẫn theo lời dân biểu Chris Smith, nhân quyền là một giá trị phổ quát và toàn cầu mà Việt Nam đã ký kết nhưng không hề tôn trọng. Việt Nam có những con người quả cảm như luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và những nhà tranh đấu khác, dân biểu Chris Smith nói tiếp, tiếc rằng những người ấy không được cơ may phục vụ đất nước mà lại bị tù đày, bị sách nhiễu, bị ngược đãi trong tù.

Việt Nam phải là một quốc gia cần đặc biệt quan tâm vì thiếu tự do tôn giáo. Những điểm tôi vừa nêu ra ở đây là nhắm đến chính phủ chứ không phải người dân Việt Nam.
-DB Chris Smith

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, một trong 3 thuyết trình viên, nhấn mạnh những ý chính mà ông tin là có sức thuyết phục trong buổi điều trần:

Tôi muốn chỉ ra rằng trong 12 tháng qua với giới lãnh đạo mới trong đảng cộng sản cũng như trong nhà nước Việt Nam thì không có gì tốt hơn mà nó lại tệ hơn đối với những tôn giáo độc lập với nhà nước. Ví dụ của sự tệ hại hơn đó là trường hợp anh Nguyễn Hữu Tấn bên Phật Giáo Hòa Hảo chết trong đồn công an mới đây.

Chúng tôi đưa ra một số đề nghị cụ thể, đó là tuần tới khi tổng thống Trump gặp ông Nguyễn Xuân Phúc thì hãy yêu cầu dời hội nghị thượng đỉnh APEC khỏi Đà Nẵng bởi Đà Nẵng là nơi đã xảy ra vụ đàn áp Giáo xứ Cồn Dầu cách đây mấy năm. Và hiện nay chính quyền Đà Nẵng cũng đang muốn lấy luôn chùa An Cư của Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất.

Điểm thứ hai chúng tôi yêu cầu Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phải thực thi các luật mới trong đó đặc biệt có luật Magnitsky toàn cầu nhắm vào khoảng 200 giới chức chính quyền mà chúng tôi đã thu thập và chuyển cho Bộ Ngoại Giao để có biện pháp chế tài.

Thứ ba là chúng tôi đề nghị những vị dân biểu quan tâm hãy có thể thức truyền thông trực tiếp với phía chính quyền Việt Nam nhằm nêu quan ngại đối với những vụ đàn áp nhân quyền ngay khi nó xảy rat hay vì chờ đến những cuộc điều trần thì mới nêu lên.

Tại buổi điều trần lần lượt tên tuổi của những tù nhân lương tâm như Nguyễn Văn Đài, Trần Huỳnh Duy Thức, mục sư Nguyễn Công Chính và vợ ông ta, bà Trần Thị Hồng, Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vân vân… đã được hai vị dân biểu Ed Royce và Alan Lowenthal nhắc đến trong phần trình bày của mình.

Đối với dân biểu Ed Royce, đó là lý do khiến ông đến và lên tiếng hôm nay:

Vấn đề chúng tôi nêu lên hôm nay và vấn đề chúng tôi dùng để thúc đẩy hành pháp quan tâm đến là trong cuộc gặp với thủ tướng Việt Nam xin tổng thống nên yêu cầu ông ta tôn trọng nhân quyền và quyền tự do tín ngưỡng của người dân.

Tôi hài lòng về mối quan hệ nồng ấm giữa Việt Nam với Hoa Kỳ cũng như hy vọng về một tương quan bền vững xây dựng hơn nữa trong những ngày tới. Thế nhưng mối quan hệ tốt đẹp phải được củng cố bằng sự hợp tác liên tục hầu cải thiện dị biệt trong tinh thần tương kính và tôn trọng nhân quyền và thượng tôn luật pháp. Đó là quan điểm của chúng tôi, còn tất cả tùy thuộc vào thiện chí của Việt Nam.

Buổi điều trần hôm thứ Năm kết thúc bằng những phút cảm động khi dân biểu Chris Smith đến bắt tay, trò chuyện và an ủi chị ruột của người quá cố Nguyễn Hữu Tấn.

Dịp này, cô Mỹ Phượng đã trình bày về hoàn cảnh khó khăn gần như bị cô lập mà ba mẹ cô cũng như vợ con anh Nguyễn Hữu Tấn phải gánh chịu sau cái chết tức tưởi của anh.

Dân biểu Chris Smith tỏ ra rất quan tâm đến trường hợp cô Mỹ Phương vừa trình bày. Những ý kiến đề đạt và nghe được hôm nay, ông cam kết, sẽ chuyển những ý kiến này qua hanh pháp để một lần nữa tạo thêm áp lực buộc Việt Nam cải thiện chính sách tôn giáo và nhân quyền đang xuống cấp nghiêm trọng bao năm qua.

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here