Gửi tiền ngân hàng lấy lãi cũng là kinh doanh, đã kinh doanh phải có rủi ro

0
25
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng - Ảnh Trung tâm thông tin Quốc hội.
Theo luật sư Đức, do ham lãi suất, bỏ qua cảnh báo dẫn đến gửi nhầm niềm tin vào ngân hàng yếu kém thì người gửi phải chịu trách nhiệm. Gửi tiền ngân hàng lấy lãi cũng là kinh doanh, đã kinh doanh phải có rủi ro.

Sáng nay 26/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã đọc báo cáo trước phiên thảo luận về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, trong đó phá sản ngân hàng là một trong những vấn đề rất đáng chú ý.

Theo đó, UBTVQH cho rằng, tổ chức tín dụng (TCTD) là 1 doanh nghiệp đặc thù, huy động tiền gửi từ người gửi tiền để cấp tín dụng. Việc phá sản TCTD có thể dẫn đến đổ vỡ dây chuyền, ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng.

“Tuy nhiên, việc cơ cấu lại TCTD bằng hình thức phá sản cũng là một hình thức răn đe, động lực để các TCTD nâng cao chất lượng quản trị điều hành và trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn tiền huy động, từ đó nâng cao ý thức người gửi tiền và khách hàng lựa chọn TCTD có uy tín, chất lượng dịch vụ tốt”, UBTVQH nhấn mạnh.

Theo dự thảo Luật, việc phá sản chỉ áp dụng sau khi đã thực hiện các biện pháp khác nhưng không thành công và tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản (không thanh toán được các nghĩa vụ nợ đến hạn), thuộc 3 trường hợp.

Thứ nhất, TCTD được kiểm soát đặc biệt không hoàn thành việc xây dựng phương án phục hồi TCTD được kiểm soát đặc biệt hoặc phương án không được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc thực hiện không thành công phương án phục hồi.

Thứ hai, TCTD không hoàn thành việc xây dựng phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp hoặc phương án không được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thứ ba, TCTD không xây dựng được phương án chuyển giao bắt buộc hoặc Chính phủ không phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc. Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định rõ việc quyết định thực hiện phương án phá sản TCTD thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Có ý kiến cho rằng, cần bổ sung mở rộng thêm đối tượng có quyền nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là các chủ nợ lớn, công đoàn, cổ đông hoặc các nhóm cổ đông sở hữu cổ phần lớn của TCTD.

UBTVQH báo cáo rằng, khi phương án phá sản đã được phê duyệt, để bảo đảm xử lý kịp thời TCTD yếu kém, không có khả năng phục hồi, dự thảo Luật bổ sung quy định về quyền của Ban kiểm soát đặc biệt yêu cầu TCTD nộp đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản. Quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của các đối tượng khác thực hiện theo quy định của Luật Phá sản.

Cũng liên quan vấn đề phá sản tổ chức tín dụng yếu kém trao đổi với PV Luật sư Trương Thanh Đức – Chuyên gia pháp lý Tài chính – Ngân hàng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) khẳng định: “Cho phá sản ngân hàng yếu kém là hết sức đúng đắn, cần thiết”.

luat-su-truong-thanh-duc
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, nên cho thí điểm phá sản ngân hàng thay vì để nhà nước mua lại giá 0 đồng như hiện nay – Ảnh MaritimeBank

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, vấn đề cho phá sản ngân hàng quá yếu kém được bàn đến từ nhiều năm trước nhưng chưa thực hiện do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan. Cũng chính vì việc chưa có ngân hàng nào phải phá sản nên dẫn đến tâm lý ỷ lại Nhà nước theo kiểu cứ yếu kém là được nhà nước mua lại 0 đồng.

“Chúng ta là nền kinh tế thị trường, đã kinh tế thị trường cho thị trường quyết định, anh yếu kém thì phải phá sản để làm trong sạch hệ thống. Không thể để người ốm nặng với người lành, dẫn đến người dân không biết đâu ngân hàng mạnh, đâu là ngân hàng đang yếu kém. Vì vậy việc phá sản ngân hàng thực sự quá yếu kém là cần thiết”, Luật sư Đức cho hay.

Đặt vấn đề, nếu phá sản ngân hàng yếu kém vậy quyền lợi khách hàng gửi tín dụng sẽ sao? Luật sư Trương Thanh Đức phân tích: Người gửi tiền cũng phải tự chịu hậu quả, đó là phần trong rủi ro mà người gửi tín dụng phải chấp nhận trong nền kinh tế.

Theo Luật sư Đức, cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia khuyến cáo rất nhiều về việc khách hàng gửi tín dụng cần thận trọng không nên ham lãi suất cao, cần tìm hiểu thông tin về ngân hàng. Tuy nhiên, do việc ham lãi suất, bỏ qua cảnh báo dẫn đến gửi nhầm niềm tin vào ngân hàng yếu kém thì người gửi phải chịu trách nhiệm. Gửi tiền ngân hàng lấy lãi cũng là kinh doanh, đã kinh doanh phải có rủi ro.

Chung quan điểm TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng cũng cho biết, theo nguyên tắc tự nhiên của nền kinh tế thị trường thì ngân hàng, doanh nghiệp yếu kém sẽ bị đào thải.

Theo TS. Hiếu, để thực hiện phá sản ngân hàng, chúng ta phải xây dựng Luật Phá sản ngân hàng, dựa vào đó thực hiện các bước thẩm định, đánh giá tiến tới quyết định phá sản một ngân hàng yếu kém nào đó.

Về quyền lợi của các bên trong trường hợp ngân hàng bị phá sản, theo TS. Hiếu sau khi ngân hàng phá sản, tài sản của ngân hàng sẽ được định giá để trả lại các bên, trong đó có cả khách hàng gửi tín dụng theo tỷ lệ tiền gửi.

 

Ngân hàng 2017: ‘Ăn trông nồi, ngồi trông hướng’

Ước tính đến cuối tháng 9/2017, toàn hệ thống đã tiếp tục gia tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tăng khoảng 22% so với cuối năm 2016, với số dư khoảng 110 nghìn tỷ đồng.

 

Cựu giám đốc bị bắt: Ngân hàng Agribank đang bộc lộ nhiều yếu kém

Mặc dù đang giữ chức vụ giám đốc chi nhánh Ngân hàng LienVietPostBank tại Đắk Lắk nhưng những hành vi vi phạm pháp luật của ông Đỗ Thái Vũ (37 tuổi) thời còn làm việc tại Agribank vẫn bị phát hiện.

 

Truy tố cựu Chủ tịch HĐQT ngân hàng MHB Huỳnh Nam Dũng gây thiệt hại hơn 450 tỷ

Cựu Chủ tịch HĐQT ngân hàng MHB Huỳnh Nam Dũng cùng cấp dưới bị cáo buộc làm trái quy định trong việc mua bán trái phiếu chính phủ gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Mai Anh/Tạp chí SHTT

Theo Tin tức Việt Nam