Góp phần giải mã vụ Bắc Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 6

    0
    85
    Một vụ thử bom nguyên tử Ảnh : pixabay
    RFI

    Hôm qua, Chủ nhật, 03/09/2017, Bắc Triều Tiên thử bom nguyên tử lần thứ sáu, với độ công phá chưa từng thấy. Việc chính quyền Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công bom H., tức bom nhiệt hạch – mà nhiều thông số cho thấy đây là sự thực – buộc cộng đồng quốc tế phải xem xét nghiêm túc các lời đe dọa. Báo Libération, ngày 04/09, đặt ra sáu câu hỏi để giải mã các thách thức Bắc Triều Tiên.

    Câu hỏi thứ nhất : Thực chất của mối đe dọa là gì ? Theo các chuyên gia, chỉ cần so sánh tần số các vụ thử là có thể thấy nguy cơ ngày càng lớn.

    Kể từ đầu năm đến nay, chế độ Bình Nhưỡng đã 17 lần bắn thử hỏa tiễn tầm trung và tầm xa, và bây giờ là vụ thử hạt nhân lần thứ sáu. Năm ngoái, cũng tương tự, hơn 20 vụ thử hỏa tiễn và hai vụ thử bom.

    Chương trình hạt nhân tăng tốc, sẽ còn « những bất ngờ »

    Chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên, được khởi sự ngay từ cuối những năm 1950, nhưng đang được tiến hành gấp rút dưới thời Kim Jong Un. Lãnh đạo trẻ này, ngay khi lên nắm quyền năm 2011, đã tuyên bố đẩy nhanh các vụ thử. Thực tế đã diễn ra đúng như vậy.

    Nhớ lại lời hứa hẹn của Kim Jong Un hồi đầu năm, là Bắc Triều Tiên đang ở giai đoạn trước khi bắn thử một hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa (ICBM). Lúc đó, tổng thống Mỹ vừa đắc cử Donald Trump tung ra một thông điệp trên Twitter : « Điều đó sẽ không xảy ra » (xem thêm : Diễn viên hài mở triển lãm ‘‘Thư viện twitter’’ của tổng thống Trump).

    Tuy nhiên, trong tháng Bảy vừa qua, lãnh đạo đời thứ ba nhà Kim đã cho bắn thử hai hỏa tiễn, có tầm xa gần 10.000 km, có thể tấn công một phần lãnh thổ Hoa Kỳ. Và cách đây ít hôm, lần đầu tiên kể từ năm 2009, Bình Nhưỡng bắn một tên lửa vượt qua không phận Nhật Bản, như để chứng minh là quốc gia này hoàn toàn có khả năng sử dụng tên lửa ở góc bắn thấp, một khi chiến tranh nổ ra.

    Nhà nghiên cứu Young Keun Chang, chuyên gia không gian Đại học Korea Aerospace, Seoul, ngạc nhiên về tốc độ phát triển của chương trình hạt nhân quân sự Bắc Triều Tiên. Sau một loạt thất bại năm 2016, Bình Nhưỡng đã hoàn thiện được các động cơ tên lửa, đưa vào sử dụng hệ thống nhiên liệu rắn, và phát triển các bệ phóng di động. Theo chuyên gia Boris Toucas viện tư vấn Mỹ CSIS (Center for Strategic and International Studies), rất có thể sẽ còn có « những điều gây bất ngờ khác ».

    Dù sao, trong hiện tại, theo chuyên gia Hàn Quốc, Bình Nhưỡng chưa làm chủ được giai đoạn hỏa tiễn quay trở lại bầu khí quyển trong môi trường hàng ngàn độ C và công nghệ thu nhỏ đầu đạt hạt nhân.

    Bom H. dễ thu nhỏ hơn bom nguyên tử thông thường

    Sức công phá của trái bom nhiệt hạch vừa được thử hôm qua là vấn đề thứ hai được đặt ra. Rất có thể đây là vụ thử bom H. lần thứ nhất, bởi chưa có bằng chứng nào khẳng định vụ thử hồi tháng Giêng năm ngoái là bom nhiệt hạch.

    Tổ chức NORSA của Na Uy, nêu khả năng vụ thử vừa qua tương đương 120 kilotonne (tức 120 nghìn tấn thuốc nổ TNT), gấp 8 lần so với quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima năm 1945. Sức công phá của bom nhiệt hạch khủng khiếp hơn nhiều. Trái bom nhiệt hạch đầu tiên của Pháp ước tính 26.000 kilotonne.

    Điều đáng sợ là, về lý thuyết, bom nhiệt hạch có sức công phá mạnh hơn, do chiếm ít thể tích hơn, có thể dễ dàng được thu nhỏ hơn.

    Mục tiêu và cách hành xử của Kim Jong Un ?

    Libération đặt câu hỏi : Đằng sau nỗ lực nhanh chóng hoàn thiện vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên là gì ?

    Tờ báo nhấn mạnh đến quan điểm của lãnh đạo Bắc Triều Tiên, dùng vũ khí này như một «phương tiện tốt nhất » để bảo vệ sự sống còn của chế độ độc tài. Kim Jong Un không tin tưởng vào phương Tây, và đã có dịp rút ra được các bài học từ sự sụp đổ của các chế độ độc tài Kadhafi ở Libya và Saddam Hussein, ở Irak.

    Theo chuyên gia Hajime Izumi, thuộc một trung tâm nghiên cứu về Triều Tiên, Đại học Shizuoka, Nhật Bản, với « thành công » của vụ thử này, kể từ giờ trở đi chế độ Bắc Triều Tiên có thể sẵn sàng thương lượng trên thế mạnh. Tham vọng của lãnh đạo Bình Nhưỡng là, nếu không chính thức được thừa nhận là một cường quốc nguyên tử, ít nhất cũng đạt được một thỏa thuận hòa bình (với Hoa Kỳ – người viết).

    Chuyên gia Boris Toucas của CSIS dự đoán Kim Jong Un sẽ còn cho bắn thêm một hỏa tiễn nữa, sát gần lãnh thổ của một quốc gia khác để thách thức Washington và Tokyo, buộc Mỹ Nhật phải bắn chặn, và nhân đó mà lên án đối phương leo thang căng thẳng. Tuy nhiên, chuyên gia viện tư vấn Mỹ cũng lưu ý là « cho đến nay, chưa bao giờ Kim Jong Un » có những hành xử « vượt qua lằn ranh đỏ ».

    Đảo lộn thế cân bằng khu vực ?

    Một câu hỏi khác cũng được đặt ra là : Liệu vụ thử bom hạt nhân hôm qua có làm « đảo lộn thế cân bằng vốn đã mong manh của khu vực » ? Libération trả lời là có.

    Chuyên gia Pháp Valérie Niquet giải thích : Hành động này là « một tín hiệu trực tiếp gửi đến toàn khu vực, cho thấy Hoa Kỳ bất lực ». Hàng loạt trừng phạt và áp lực tỏ ra không còn hiệu quả, Washington ngày càng khó khăn trong việc đảm nhiệm vị trí của một người bảo đảm an ninh toàn cầu, trước một « Trung Quốc bá quyền » và « nước Nga không nhân nhượng ».

    Trong lúc tổng thống Mỹ Donald Trump ngày càng lộ rõ thế yếu, với hàng loạt « thông điệp huênh hoang » trên Twitter, và « chính sách xoay như chong chóng », thì chính quyền Hàn Quốc « gần như » bị hạ nhục. Các đề nghị đối thoại của tổng thống Moon Jae In « không nhận được bất cứ hồi đáp nào » từ Bình Nhưỡng.

    Tại Hàn Quốc và Nhật Bản, người ta ngày càng nói nhiều hơn đến việc tự trang bị vũ khí hạt nhân để tự vệ.

    Tình hình có tệ hơn ?

    Libération nhắc lại những thời điểm chiến tranh tưởng như cận kề mà bán đảo Triều Tiên từng trải qua gần đây. Ví dụ như năm 2010, từng được coi là « năm nguy hiểm nhất trên bán đảo Triều Tiên kể từ Chiến tranh Triều Tiên », kết thúc năm 1953. Mở đầu với vụ tàu chiến Cheonan bị bắn chìm, rất có thể do tàu ngầm Bắc Triều Tiên.

    Năm 1994, tổng thống Mỹ Clinton từng định không kích địa điểm hạt nhân Yongbyon của chế độ Bình Nhưỡng, nơi làm giàu nhiên liệu Uranium. Năm 1968, một đội biệt kích Bắc Triều Tiên mưu sát tổng thống Park Chung Hee…

    Chiến tranh rốt cuộc đã không xảy ra. Tuy nhiên, sức mạnh quân sự của Bắc Triều Tiên hiện giờ là rất khác.

    Vai trò bí ẩn của Bắc Kinh

    Libération kết thúc bài phân tích với nhận định về vai trò của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên nói chung.

    Chính quyền Kim Jong Un chọn ngày thử bom đúng vào hôm khai mạc thượng đỉnh khối BRICS, do Trung Quốc chủ trì. Hội nghị của các cường quốc kinh tế đang trỗi dậy chiếm tới 40% GDP toàn cầu, lẽ ra là một dịp để tăng thêm gấp bội vầng hào quang cho ông Tập Cận Bình.

    Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Kim Jong Un « phá hoại » một sự kiện quan trọng của Trung Quốc. Hồi tháng 2/2013, tức một tháng trước khi Tập Cận Bình chính thức nhậm chức chủ tịch nước, Bắc Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ ba, vào đúng dịp Tết nguyên đán. Vào thời điểm đó, cho dù toàn khu vực biên giới rung chuyển, Bắc Kinh cũng chỉ phản ứng một cách chiếu lệ.

    Trên thực tế, đồng minh số một của chế độ độc tài Bắc Triều Tiên đang ở trong một thế ứng xử nước đôi. Không đứng hoàn toàn về phía người anh em cứng đầu, nhưng Bắc Kinh cũng không thực sự chủ trương các biện pháp khiến Bắc Triều Tiên phải khuất phục.

    Tình trạng bất ổn gia tăng ở phía bên kia biên giới đông bắc, có nguy cơ vượt tầm kiểm soát, đang buộc Bắc Kinh phải thay đổi thái độ. Hồi tháng 2, Trung Quốc đình chỉ nhập than, và đầu tháng 8, thông qua loạt trừng phạt mới. Nhưng nhìn chung, nhiều chuyên gia phỏng đoán dường như Trung Quốc đã « mất các kênh » gây ảnh hưởng đến Bình Nhưỡng.

    —-

    Tin bài liên quan :

    Vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên có đáng sợ hay không ?

    Các cường quốc chạy đua, tương lai thế giới không hạt nhân xa vời 

    Tên lửa Bắc Triều Tiên khiến Mỹ bớt chú ý Biển Đông