Vụ ở Tây Nguyên, vì chưa có thông tin nào rõ ràng về nguyên nhân bạo lực nên tôi không muốn đưa ra nhận định gì cả, chỉ nói một điều mà từ lâu tôi vẫn thường lặp lại.
Khi còn đi dạy, tôi vẫn hay nói với học trò về những dân tộc thiểu số trên đất nước ta, nhằm phá vỡ đi trong các em cái ý niệm/ấn tượng không đúng về những cộng đồng ấy. Giáo dục và truyền thông từ lâu đã gieo vào nhận thức và hình thành thái độ coi thường “người dân tộc”, như một kiểu đẳng cấp, bề trên…, hay ít nhất vì đã không làm tròn trách nhiệm nên mới dẫn đến tình trạng ấy. Khiến cho trong họ luôn sẵn não trạng mình là văn minh, là hiện đại, còn những dân tộc thiểu số là mọi rợ, mông muội, lạc hậu…
Nhưng người ta quên mất rằng, người Kinh không có chữ viết, chữ Nôm là sản phẩm muộn màng và phái sinh từ chữ Hán, chữ Quốc ngữ thì do các giáo sĩ phương Tây làm ra. Ngược lại, nhiều dân tộc ít người ở Việt Nam có chữ viết riêng từ xa xưa. Đó là một bằng chứng vật chất về trình độ văn minh không thể phủ nhận.
Văn học, người Kinh có thơ ca hò vè và những mẩu chuyện kể dân gian be bé, tuyệt nhiên không có sử thi/anh hùng ca. Tây Nguyên thì có những pho sử thi đồ sộ mà ai đã học qua phổ thông thì đều biết. Sử thi là viên đá tảng của văn học, là đỉnh cao của sáng tạo nghệ thuật ngôn từ, chúng ta không có. Đó là chưa nói về nghệ thuật tạo hình, về âm nhạc, về tôn giáo tín ngưỡng… Và đặc biệt là tinh thần tôn trọng thiên nhiên. Tôi nói “tôn trọng” chứ không phải “yêu” – vốn là một từ nay đã mang sắc thái trịch thượng ít nhiều. Thiên nhiên là Mẹ, và con người thấy mình thuộc về thiên nhiên, đó là một sự minh triết và tinh thần quảng bác.
Điểm tí chút như thế để thấy rằng, các dân tộc thiểu số có một nền văn hóa dày dặn, phong phú và đáng nể, chứ không giống như hình dung và thái độ ở nhiều người. Nói vậy không phải để phân biệt, mà chủ đích là “biết mình biết ta” để mà tôn trọng nhau. Tôn trọng chứ không phải là ban ơn, ban phát.
Mối quan hệ giữa các dân tộc trên đất nước Việt Nam cũng giống như giữa người với người trong thế giới hiện đại vậy, cần được tôn trọng và phải biết để tôn trọng nhau. Lịch sử có những lối đi tình cờ, đặt một nhóm người vào vị trí cao hơn bởi số lượng hay sức mạnh vật chất, còn cộng đồng khác thì hẩm hiu phải chịu số phận nhỏ bé và phụ thuộc. Nhưng đó là những cái khách quan, và nó không nên được lấy làm lý do để quên đi trình độ văn hóa của mình cũng như của người.
Mọi sự tốt đẹp bền vững có lẽ chỉ đến khi mỗi người biết cúi đầu trước một nền văn hóa khác, việc “giúp đỡ” hay “chăm lo” có thể đến sau, thậm chí không đến, nếu “người đa số” đã biết đến sự tôn trọng.
Là người Việt Nam, chúng ta luôn cầu mong hòa bình và thịnh vượng, nhưng chỉ khi nào từ chính quyền đến người dân đều học được cách tôn trọng, đặc biệt là tôn trọng những người yếu thế, khi đó mới có thể nói chuyện được với nhau. Và một khi đã nói chuyện được thì không còn bạo lực nữa. Mà muốn tôn trọng thì phải hiểu nhau; muốn thương nhau cũng phải hiểu nhau. Phải tìm để mà hiểu nhau…
Thái Hạo