RFA
Sáng ngày 15 tháng 11 năm 2019, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An xét xử sơ thẩm đối với giảng viên âm nhạc trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An – Nguyễn Năng Tĩnh và tuyên ông này với mức án 11 năm tù giam và 5 năm quản chế với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 117, Bộ luật Hình sự.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng, một trong ba người bào chữa cho ông Tĩnh ngay sau khi kết thúc phiên tòa bình luận với phóng viên Đài Á Châu Tự Do như sau:
“Bản án này rất là khắc nghiệt bởi khung hình phạt từ 5 đến 12 năm, Viện kiểm sát đề nghị từ 11-12 năm thì tòa đã tuyên 11 năm.
Vì không có hồ sơ vụ án trong tay, chúng tôi chỉ được đọc và ghi chép lại. Tất cả các luật sư đều căn cứ vào, thứ nhất là quyền của bị cáo là được tự do ngôn luận và quyền trong Công ước Quốc tế về Quyền chính trị và dân sự, mỗi con người được biểu lộ quan điểm riêng của mình.
Bản án này căn cứ vào bản Giám định tư tưởng trích xuất tất cả các tài liệu trên Facebook anh Tĩnh và họ kết luận những bài trên đó, kể cả những bài anh tự viết và những bài anh chia sẻ lại của người khác.”
Báo Công an Nghệ An hôm 15/11 cũng dẫn thông tin từ Cơ quan An ninh điều tra Công an Nghệ An xác định, ông Nguyễn Năng Tĩnh lập trang Facebook mang tên mình từ tháng 6/2011.
Từ khi thành lập đến ngày 17/6/2018, ông Nguyễn Năng Tĩnh đã sử dụng trang Facebook này để đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết, hình ảnh, video có nội dung vi phạm pháp luật.
Theo đó, Hội đồng giám định tập thể Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Nghệ An kết luận:
“Các tài liệu trên có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phỉ báng chính quyền nhân dân; Xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh tụ, xâm phạm chính quyền nhân dân và chế độ chủ nghĩa xã hội, nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Tuy nhiên, cả ba luật sư gồm Đặng Đình Mạnh, Trịnh Vĩnh Phúc và Nguyễn Văn Miếng đều cho rằng những giám định đó là không có căn cứ, việc thu thập chứng cứ tài liệu không đúng với trình tự pháp luật.
Cơ quan an ninh điều tra đã tự sao chép lại, tự giám định và tự ra kết luận ông Tĩnh vi phạm pháp luật, trong đó có nêu ra 2 video ông dạy cho học sinh các bài hát “Việt Nam tôi đâu” và “Trả lại cho dân”.
Bài viết ký tên “Nhóm Phóng Viên” của báo Công an Nghệ An cho rằng, “Hành vi phạm tội của Nguyễn Năng Tĩnh không những đi ngược với lợi ích của nhân dân, của dân tộc mà còn làm giảm lòng tin của nhân dân với chính quyền, với Nhà nước; kích động người dân chống đối chính quyền; hành vi đó còn bị các cá nhân, tổ chức phản động lợi dụng để tuyên truyền chống chính quyền Nhà nước, làm ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Nhà nước ta.”
Bài báo cũng cho rằng “đây là bản án vừa nghiêm khắc, đúng đối tượng, đúng tội, vừa thể hiện sự khoan hồng của pháp luật, là lời cảnh tỉnh cho những ai có tư tưởng chống đối Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đi ngược lại lợi ích với nhân dân, dân tộc.”
Ngay sau phiên xử, người đại diện của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (Human Rights Watch), ông Phil Robertson, phó giám đốc phân ban Châu Á có tuyên bố nêu rõ: “ Việt Nam hoàn toàn xem thường tiến trình xét xử công bằng và tự do được phô ra trong cách gói gọn toàn bộ vụ xử chỉ trong vài tiếng đồng hồ trước khi đọc bản án 11 năm đã định trước đối với ông Nguyễn Năng Tĩnh, một giảng viên âm nhạc có những bài viết trên Facebook mà chính phủ không ưa. Việt Nam từ chối không cho phép ông này được tiếp cận luật sư tư vấn nhiều tháng trời mà chỉ để luật sư bào chữa tiếp cận 100 hồ sơ trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Bản án tù dài đối với ông Tĩnh và phiên xử mang tính trình diễn đưa ra bản án đó cho thấy chính xác tại sao tòa án Việt Nam là trò hề nhất tại các nước ASEAN khi đem những người bị cáo buộc ra xét xử.”
Ông Nguyễn Năng Tĩnh, năm nay 43 tuổi, từng là giảng viên âm nhạc ở Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Nghệ An.
Trên Facebook, ông thường xuyên lên tiếng ủng hộ các tù nhân chính trị và đăng tải hình ảnh các cuộc biểu tình phản đối dự thảo luật về đặc khu kinh tế, và biểu tình phản đối công ty Thép Formosa Hà Tĩnh, công ty Đài Loan đã thải độc xuống biển gây ra tình trạng khủng hoảng môi trường dọc bờ biển miền Trung Việt nam hồi tháng Tư năm 2016.
Các đoạn video trên trang Youtube cho thấy hình ảnh ông dạy trẻ em một bài hát về nhân quyền do cựu tù nhân chính trị Võ Minh Trí (bút danh Việt Khang) sáng tác.
Ông hỗ trợ Quỹ Phát triển Con người Vinh, một tổ chức từ thiện Công giáo, và gây quỹ giúp người nghèo.
Ông Nguyễn Năng Tĩnh bị côn an Nghệ An bắt giữ hôm 29/5.
Từ đầu năm 2019, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ và bỏ tù hàng chục người hoạt động ôn hòa với các cáo buộc liên quan đến an ninh quốc gia.