GIẢI PHÁP NÀO CHO VIỆC THI ĐẠI HỌC?

    0
    816
       

    I. Thực trạng

    – Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia tại Việt Nam được tổ chức bắt đầu vào năm 2015, là kỳ thi 2 trong 1, được gộp bởi hai kỳ thi là Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và Kì thi tuyển sinh đại học và cao đẳng, được sử dụng kết quả để xét tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng.
    – Tại kỳ thi này, Bộ giáo dục và Đào tạo phải chịu trách nhiệm toàn bộ các khâu ra đề, in sao, coi thi, chấm thi, mà thực chất cuối cùng vẫn phải phân quyền cho các Sở phụ trách và điều động cán bộ cơ sở thực hiện.
    * Qua 3 năm thực hiện, đặc biệt là năm 2018, những bất ổn của kỳ thi chung này từ chỗ tiềm ẩn nguy cơ gian dối, đến nay đã trở thành vô cùng nguy hiểm và cấu thành tội phạm hình sự (Hiện tượng Hà Giang)

    II. Kiến nghị:

    1. XÓA BỎ HẲN KỲ THI “2 TRONG 1”, GIAO QUYỀN TUYỂN SINH CHO CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG

    – Thực tế cho thấy kỳ thi này chỉ có 1 ưu điểm duy nhất là tiết kiệm chi phí, nhưng lại có quá nhiều kẽ hở để nảy sinh tiêu cực (việc coi thi với tinh thần “tỉnh nhà”, việc chấm thi dễ dàng bị can thiệp v.v…). Từ đó, kết quả bài thi gây tranh cãi và nghi ngờ trong dư luận, việc tuyển lựa đầu vào của các trường đại học sẽ không còn chính xác, nhiều sinh viên sẽ ngồi nhầm chỗ. Việc gian dối trong thi cử đã tước đi cơ hội của những học sinh có năng lực thực sự.
    – Giao quyền xét tốt nghiệp cho các Sở GD&ĐT trên cơ sở kết quả học tập và hạnh kiểm của 3 năm học THPT.
    – Chìa khóa cho phát triển ĐH Việt Nam là vấn đề được tự chủ, trong đó có tự chủ về tuyển sinh. Cần giao quyền tuyển sinh Đại học, Cao đẳng cho các trường tự chủ về phương án tuyển sinh, trình Bộ GD&ĐT duyệt (cụ thể hình thức thi, đề thi, điểm thi, các mốc thời gian cho việc tổ chức tuyển sinh, cán bộ coi thi, cán bộ chấm thi).
    – Điểm chuẩn đỗ Đại học, Cao đẳng do các trường tự quyết định, không dưới 15 điểm 3 môn (mỗi môn không dưới 5 điểm).
    – Phải coi tính trung thực là kim chỉ nam của mọi kỳ thi.

    2. TRỞ LẠI THI TỰ LUẬN

    – Thi trắc nghiệm kiểm tra được kiến thức diện rộng nhưng không kiểm tra được năng lực tư duy, lập luận sáng tạo của thí sinh.
    – Bởi vậy, với một số môn đặc thù (như Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lý), bài thi tự luận với cấu trúc đề thi hợp lý về thời gian làm bài, lưu lượng kiến thức mới có thể đánh giá được đầy đủ, đa diện và chính xác tư duy, trí tuệ của học sinh.

    3. PHÂN LUỒNG SAU THCS

    – Khâu trọng yếu nhất trong việc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT là chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của ĐH và dạy nghề.
    – Hiện nay ở Việt Nam, sau THPT, tất cả học sinh đều cố gắng thi vào Đại học, vì chỉ có bằng Đại học mới hy vọng xin được việc làm, còn trung cấp nếu xin được việc thì lương thấp (Trong khi đó, ở các nước châu Âu, học sinh học nghề khi ra trường, tay nghề cao vẫn có lương cao, cho nên học nghề thu hút rất nhiều học sinh). Đây là lỗi thiết kế cấu trúc nền giáo dục quốc dân, và trách nhiệm này thuộc về các cấp quản lý giáo dục. Bởi vậy, Chính phủ cần cải cách mạnh mẽ chương trình giáo dục tổng thể theo hướng phân hóa rõ ràng.
    – Cấp học THCS phải chuẩn bị cho học sinh những kiến thức cơ bản để sẵn sàng phân luồng, đồng thời trang bị kỹ năng để các em tự tin chọn, định hướng nghề nghiệp bên cạnh sự định hướng của gia đình. Phân luồng sớm thì học sinh tiết kiệm được thời gian và tiền bạc khi định hướng nghề rõ ràng, có cơ hội được làm nghề sớm để giúp đỡ gia đình.
    – Hết THCS nên tách thành 2 loại hình phù hợp với năng lực học sinh: Trường THPT trang bị kiến thức để thi Đại học và trường THPT đào tạo hướng nghiệp. Mỗi loại hình cần xây dựng đề án cụ thể về tài chính, nội dung giáo dục, các bước tiến hành. Phân luồng do nhà trường tư vấn và sự lựa chọn của phụ huynh.

    4. CẢI CÁCH TRƯỜNG NGHỀ

    Hệ thống trường nghề hiện nay chưa thu hút được người học do chưa mở ra được những nghề thiết thực, có chất lượng, cơ hội việc làm sau học nghề hạn chế, cơ chế tuyển dụng lao động không hợp lý khi ở đâu cũng đòi hỏi có bằng ĐH, trong khi yêu cầu công việc chỉ cần người có tay nghề tốt. Bởi vậy cần có sự thay đổi mạnh mẽ và đồng bộ về nội dung giảng dạy, cơ chế chính sách cho người học sau tốt nghiệp. Cụ thể là:
    – Quy hoạch lại hệ thống trường nghề với phương châm tinh lọc, chú trọng chất lượng hơn số lượng. Cần giải thể hoặc sáp nhập các trường kém, giao quyền tự chủ cho các trường chất lượng cao.
    – Nâng cao chất lượng đào tạo nghề để người học ra trường có việc làm tốt, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.
    – Gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, đào tạo nhân lực theo nhu cầu thực tế, tăng cường tổ chức cho học sinh, sinh viên đi thực tập, thực tế tại doanh nghiệp, thực hiện hiệu quả các giải pháp đào tạo gắn với doanh nghiệp.
    – Tăng cường các giải pháp thu hút học sinh vào học nghề như: Chính sách cho người học nghề; Hướng nghiệp; Thông tin tuyên truyền; Các hội nghị tuyển sinh; Ký cam kết có việc làm sau khi ra trường; Đào tạo theo địa chỉ, đặt hàng dạy nghề…
    v.v…

    III. Kết luận

    Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT không chỉ là việc của 1 ngành giáo dục, không chỉ là cải cách 1 kỳ thi, mà là công việc của các cấp, các ngành và toàn thể xã hội. Sẽ không thể đạt được mục tiêu “Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả” (Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI) nếu như còn tình trạng gian dối trong thi cử, luẩn quẩn trong đào tạo, bế tắc trong giải pháp như hiện nay.

    Quỳnh Trâm.

    Ảnh : Tác giả Quỳnh Trâm.
    Advertisement
       

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here