Hai anh em nhìn thấy nhau, nghẹn ngào, không nói được câu gì, cứ im lặng mãi, dễ đến cả chục phút.
-Em có tin là anh và anh em trong ấy biết tin gia đình em đi từ sớm rồi không? Ai ra đi anh không nói, nhưng riêng gia đình em thì anh ủng hộ. Lúc nhận được tin, anh còn hát mừng em bài hát về Hải Phòng trong buồng giam của “Basao City” đấy.
Má ơi ông ấy gọi nhà tù Ba Sao là “Basao City”. Nhưng quả thực cảm động đến ứa nước mắt.
– “Basao city” mùa này chắc là nóng như Hoả Diệm Sơn ấy anh nhỉ? “Cộng hòa liên bang Trại 5 Thanh Hoá” và “Hợp Chủng cuốc Trại 6 Nghệ An” chắc cũng như chảo lửa còn gì. Các anh chị em nhà mình trong ấy không biết ra sao.
Bảy, tám năm không gặp rồi. Và chắc gì đã có cơ hội để anh em gặp lại nhau, xa những nửa vòng trái đất cơ mà.
Hai lần bị tống vào Trại Tâm thần. Lần thứ ba thì vừa bị tống vào tù, vừa bị nhốt trong trại Tâm thần chỉ vì đấu tranh cho nhân quyền, dân chủ. Lê Anh Hùng có lẽ là một nhà báo tự do, một blogger, một nhà bảo vệ nhân quyền có số phận đặc biệt nhất mà tôi biết. Và kiên cường đến mức độ khó tin.
Trong 5 năm tù, ông Hùng bị tạm giam đến 4 năm mới được đưa ra tòa. Một kỷ lục mà những năm trở về đây không một tù nhân chính trị nào phải trải qua. Trong thời gian 4 năm ấy, hơn 3 năm ông phải ở Trại Tâm thần mặc dù ông là người minh mẫn, một cộng tác viên, một cây bút chính luận được nhiều người chú ý trên diễn đàn của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA).
Sau mấy năm bị đày đọa, con người ấy vẫn giữ được nét hài hước. Ừ, hài hước là cách tốt nhất để người ta đối mặt và chiến thắng nghịch cảnh mà. Nhưng sức khỏe chắc chắn giảm đi nhiều phần vì bị đày đọa, bị tàn phá đến khủng khiếp. Sức chịu đựng của con người, nhất là một người mang khát vọng tự do, dám sống cho tha nhân và sẵn sàng hy sinh cho những giá trị tốt đẹp, quả là phi thường.
-Già hết với nhau rồi em nhỉ?
-Dạ, anh em mình già hết với nhau rồi.
Một nụ cười buồn nở trên những gương mặt già nua, trước khi cúp máy.