1. Chương trình đêm 30 tết Canh Tý năm nay Táo Quân quen thuộc được thay bằng Gặp nhau cuối năm (GNCN). Câu chuyện GNCN kể về cái làng Vũ Đại của những Chí Phèo Lão Hạc Thị Màu anh Nô Xuân tóc đỏ bà Phó Đoan… Và các lão làng tiên chỉ của cái làng ấy thì dốt nát, hãnh tiến, chỉ đạo lung tung… chỉ toàn nghe cấp dưới tư vấn vẽ chuyện tào lao bậy bạ nhố nhăng!
Tiếc là không có các nhân vật anh Pha mất đất, chị Dậu bán con bán chó, Tám Bính cùng đường trộm cướp… hay trí thức nửa mùa trùm chăn ngậm miệng trong tiểu thuyết của Nam Cao… Nếu có thêm các nhân vật ấy thì giá trị hiện thực sẽ cao hơn! Khi ấy thì việc GNCN thay thế màn Táo quân trước đây sẽ có ý nghĩa hơn.
Bởi vì, xem GNCN năm nay không thể không liên tưởng đến một cái làng to hơn về không gian nhưng vẫn đậm nét “truyền thống” như làng Vũ Đại xưa, vẫn những con người không khác gì ngày ấy!
Nói thêm, chương trình GNCN nói về du lịch và bảo tồn di sản văn hóa, nhưng là các mặt tiêu cực nhiều hơn tích cực!
***
2. Mấy tháng trước khi VTV tuyên bố không có chương trình Táo quân vào đêm 30 tết, nhiều người luyến tiếc và nhiều người lại thở phào vì càng ngày các táo càng phải cố để khỏi vô duyên… cố quá nên chương trình trở thành quá cố!
Vài năm sau này tôi không xem Táo Quân nữa vì thấy… thương các nghệ sĩ. Tôi nhận thấy họ phải đảm nhận “nhiệm vụ” như các vai hề trong tích chèo cổ diễn trên sân đình vào dịp lễ hội mùa xuân. Với nhân vật hề trong chèo cổ – thường do những nghệ sĩ giỏi đảm nhận – người dân thỏa mãn vì được xả ra những uất ức dồn nén trong cả năm trời vì bị ức hiếp, vì phải nhìn thấy điều chướng tai gai mắt của quan lại và cường hào làng xã, nhưng vì thấp cổ bé họng nên không thể, không dám phản ứng. May nhờ có anh hề “mạnh miệng” chửi thay, người xem thỏa mãn phần nào những ẩn ức. Tất nhiên, chỉ là “hề” nên có nói láo một chút thì vua quan cũng “không chấp” mà dân lại “sướng cái tai”… cứ thế, sau đêm hội chiếu chèo sân đình, dân lại mong chờ đến xuân năm sau để lại được nghe anh hề “chửi” đám vua quan.
Còn các Táo quân (trong chương trình) thời hiện đại phải đụng chạm đến nhiều việc tiêu cực như tham nhũng, hối lộ, phổ biến nhất là vô trách nhiệm và sự kém cỏi của quan chức. Không như hề chèo xưa còn có thể nói móc nói mỉa phơi bày các tật xấu của từ quan đến vua, các táo quân chỉ bóng gió ám chỉ vài sự việc hay câu nói hớ hênh của các “táo ngành”. Và mặc cho các táo moi móc mỉa mai bóc mẽ lẫn nhau thì cuối cùng Ngọc Hoàng – lãnh đạo cao nhất của các Táo – cũng chỉ xuê xoa ngọt nhạt vài câu chung chung, thế là hết chuyện!
Mấy năm đầu chương trình còn mang lại cho người xem ít giây phút thư giãn và thỏa mãn vì những câu nói châm biếm sâu cay hay vạch trần dí dỏm. Càng ngày mức độ tiêu cực của xã hội càng tăng lên, đa dạng và nguy hiểm hơn, có thể coi là “quốc nạn”. Vậy nhưng hình thức và mức độ phê phán của chương trình thì không thể khác hơn, “nặng” hơn. Kịch bản ngày càng nhạt, đi vào gây cười nhảm nhí, nghệ sĩ càng diễn càng không còn sự sắc sảo thẳng thắn mà nhiều lúc vô duyên. Nghe nói có bị cắt ít nhiều khi phát sóng nhưng khi xem chương trình nào cũng thấy rõ sự “vụng chèo” mà không “khéo chống”.
Vì thế, người xem không còn thích thú chờ đón chương trình Táo quân nữa, có phần “thất vọng” vì các nghệ sĩ đã không làm cho người xem “sướng cái tai” như trước. Sự thỏa mãn khi “người khác chửi thay mình” không còn nữa, một số người lại quay ra chê bai các nghệ sĩ mà lẽ ra cần thấy rằng, trong chương trình Táo quân họ chỉ có “chức năng” như những anh hề chèo ngày xưa. Nhưng ngày nay nghệ sĩ không có nhiệm vụ “chống tham nhũng, tiêu cực” thay cho người xem dù chỉ là trên truyền hình!
Vì vậy, dù Gặp nhau cuối năm là một format mới của chương trình Táo quân với những nghệ sĩ quen thuộc, nhưng rất tiếc GNCN vẫn không thoát khỏi bóng dáng hình hài của “Táo quân giai đoạn cuối”, càng không thể là những nhân vật hề chèo thông minh, hài hước nhưng sắc sảo và chính trực của sân khấu truyền thống.
27/1/2020 mùng Ba tết Canh Tý.