Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. mới ra lệnh cắt đứt đường dây “cáp” đeo phao nổi do Trung Quốc đặt để ngăn cản thuyền đánh cá của dân Philippines không thể vào vùng đảo Scarborough. Cộng Sản Trung Quốc phản đối nhưng cuối cùng phải nhượng bộ, rút các tàu hải giám đi và bỏ ý định lập một “hàng rào trên biển” cấm người Phi đánh cá.
Một ngày sau khi ông Marcos Jr. hành động, phát ngôn viên bộ ngoại giao Việt Nam cũng lên tiếng phản đối Trung Cộng về hai đài kiểm soát thiết lập trên đảo Phú Lâm. Chính quyền Hà Nội phản ứng chậm trễ hai tuần và chỉ nói mà không có khả năng hành động cụ thể; Bắc Kinh coi như không nghe, không biết.
Đảo Phú Lâm là trung tâm chỉ huy của thị xã Tam Sa do Trung Cộng thành lập năm 2012, ghép tên các quần đảo Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa, để cai quản 260 hòn đảo và các mỏm đá trong vùng quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc Biển Đông nước ta.
Trong lịch sử, từ năm 1932 chính quyền thuộc địa Pháp xác nhận đảo Phú Lâm thuộc Việt Nam, đặt tên là “ile Boisée” và đưa quân sĩ người Việt tới đóng từ năm 1938. Trong Đại chiến Thứ Hai, máy bay Mỹ đã tới bỏ bom trạm thông tin và đài khí tượng của quân Nhật đặt trên đảo, tên gọi quốc tế là Woody Island. Khi Nhật thua trận, quân Trung Hoa Dân Quốc tới thay thế từ năm 1946 đến 1950, đổi tên là Vĩnh Hưng Đảo. Sau sáu năm bỏ trống, quân Trung Cộng đã tới chiếm hòn đảo. Năm đó, chính quyền Hà Nội không phản đối, cũng như đã im lặng khi Trung Cộng đánh chiếm đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa năm 1974. Năm 1958, thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết một công hàm cho thủ tướng Chu Ân Lai chính thức công nhận bản tuyên bố về chủ quyền lãnh hải của Bắc Kinh. Tới nay Trung Cộng đã xây dựng nhà cửa, đường xá, phi trường, và trên đảo, diện tích khoảng 2 km vuông, đã có 1,500 dân với các cơ sở thương mại và ngân hàng.
Cộng Sản Trung Quốc mới lập hai đài kiểm soát hải hành trên đảo Phú Lâm buộc tất cả thuyền, tàu đi qua phải báo hiệu để theo dõi, tăng cường cho Hệ thống Nhận diện Tự động (AIS, Automatic Identification System) nối với các vệ tinh Bắc Đẩu (BeiDou), theo bản tin The Maritime Executive. Hai tuần lễ sau Hà Nội mới lên tiếng phản đối sau khi Philippines cắt đường dây phao nổi của Trung Cộng.
Chính phủ Phi Luật Tân đã phản ứng nhanh chóng khi Trung Cộng xâm phạm chủ quyền trong vùng Scarborough Shoal. Nhiều quốc gia, kể cả Đài Loan, Malaysia và Brunei đang tranh chấp chủ quyền trên các hòn đảo trong vùng Biển Đông vì các mỏ dầu lửa và khí đốt lớn chưa khai thác và nguồn lợi đánh cá. Hơn một nửa số thuyền đánh cá của thế giới hoạt động trong vùng biển này. Thương thuyền quốc tế qua lại trong vùng, mỗi năm chuyên chở hàng hóa trị giá $3.4 ngàn tỷ mỹ kim.
Scarborough Shoal do người Anh đặt tên, kỷ niệm thương thuyền bị đắm ngày 12 tháng Chín năm 1748, theo bản tin Al Jazeera. Năm 2012, Trung Cộng đưa hải quân tới chiếm một số bãi đá ngầm, đổi tên là Hoàng Nham (Đá Vàng). Bắc Kinh tuyên bố có quyền trên tất cả hải phận bên trong “Đường Chín Đoạn” họ vẽ ra, cấm thuyền đánh cá Philippine qua lại. Năm 2016, Tòa án Trọng Tài Quốc tế ở Den Haag (Hague) đã bác bỏ lập trường của Trung Cộng, dựa trên Công Ước Luật Hàng Hải của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) mà họ đã ký kết năm 1996. Bãi cạn Scarborough, cách đảo Luzon 222 km và cách xa đảo Hải Nam 1,100 km, thuộc chủ quyền Philippines vì nằm trong giới hạn 370 km theo định nghĩa “vùng đặc quyền kinh tế” (EZZ, exclusive economic zone) của các nước ven biển.
Dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte thân thiện với Bắc Kinh và chống Mỹ, từ năm 2016 đến 2022 dân Philippines được phép tới gần Bãi cạn Scarborough. Các thuyền của họ quá nhỏ so với những tàu đánh cá lớn của người Trung Hoa. Tổng thống Ferdinand E. Marcos Jr. nối lại các quan hệ giữa Manila và Washington, dựa trên Hiệp ước Hỗ tương Quốc phòng năm 1951, theo đó Mỹ phải tiếp cứu Philippines nếu bị nước khác tấn công.
Trên nguyên tắc, chính phủ Mỹ đứng trung lập trước các cuộc tranh chấp chủ quyền trong vùng biển Đông Nam Á, nhưng cho máy bay và chiến thuyền qua lại vùng này thường xuyên với mục đích biểu dương “quyền tự do hàng hải.”
Tháng Tám vừa qua Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin mới xác định rằng theo hiệp ước năm 1951 quân Mỹ có nhiệm vụ bảo vệ “tất cả các các tàu, thuyền cũng như các máy bay, quân đội, kể cả quân Hải Vệ canh phòng bờ biển của Philippines.” Ông Austin nhấn mạnh “ở bất cứ nơi nào” trong vùng biển Nam Hải.
Năm nay, Tổng thống Marcos Jr. cho phép quân đội Mỹ được sử dụng bốn căn cứ quân sự trên các hòn đảo phía Bắc. Bắc Kinh đã lên án Mỹ thiết lập một “vòng đai trên biển,” kéo dài từ Nhật Bản, Nam Hàn, qua Philippines tới Australia, nhằm bao vây Trung Quốc.
Thứ Sáu tuần trước, nhân viên Ngư nghiệp và đội Hải Vệ (quân bảo vệ biển) Philippines khám phá ra đường phao nổi dài 300 mét cản trở tàu đánh cá trong vùng Scarborough, với các tàu hải giám của Trung Cộng thả neo gần đó. Một đoạn video của chính phủ Manila, công bố ngày Chủ Nhật, đã trình bày trước thế giới các hình ảnh này. Ngày Thứ Hai, lính Hải Vệ cải trang làm ngư phủ, dùng thuyền máy tiến đến để phá hủy các dây phao nổi.
Khi họ tới nơi, các chiến thuyền Hải Giám Trung Cộng vẫn đang đặt thêm những phao nổi mới. Họ còn gửi 15 tín hiệu radio buộc tội các thuyền đánh cá Phi đang vi phạm hải phận Trung Quốc và ra lệnh cấm đi qua. Người nhái của Hải quân Phi đã lặn xuống, dùng kiềm cắt các đoạn dây cáp đeo các phao nổi và tháo bỏ những cây neo giữ đường dây. Khi nhìn thấy có nhiều phóng viên truyền thông trên các tàu Philippines, quân Trung Cộng đã rút đi, mang theo các dây cáp và phao nổi.
Quân đội Phi xác nhận chính ông Ferdinand E. Marcos Jr. ra lệnh cắt gỡ các dây phao nổi. Quyết định can đảm này được dân chúng hoan nghênh vì ai cũng biết rằng tàu hải giám Trung Quốc trang bị mạnh hơn gấp nhiều so với hải quân Philippines. Ông Marcos Jr. dám hành động bảo vệ các nguồn lợi kinh tế và danh dự của nước mình có thể vì theo gương chính phủ hai nước Malaysia và Indonesia. Họ đã cho hải quân tiến vào tuần thám trong những vùng biển mà Trung Cộng vẫn tự coi nắm chủ quyền, từng đe dọa không nước nào được xâm phảm. Khác Philippines, cả hai nước Malaysia và Indonesia đều không có những hiệp ước an ninh với Mỹ.
Bắc Kinh có thể đã nhượng bộ vì chính phủ Mỹ mới xác định lại các cam kết hỗ tương bảo vệ Philippines nếu có chiến tranh, dù chỉ liên quan đến các tàu bảo vệ bờ biển. Ông Tập Cận Bình có lý do muốn tránh một cuộc đối đầu quân sự với Mỹ trong thời gian này. Vì cuộc chiến có thể sẽ lôi cuốn những đồng minh của Mỹ, từ Nhật Bản đến Australia, chưa kể các nước Anh, Pháp và Ấn Độ, vì những hiệp ước an ninh họ đã ký kết với các nước trong vùng. Ngoài ra, Tập Cận Bình còn đang lo nền kinh tế đang trì trệ, khủng hoảng thị trường địa ốc và số thanh niên thất nghiệp lên cao.
Hành động cương quyết bảo vệ chủ quyền đất nước của Tổng thống Ferdinand E. Marcos Jr. cũng như của các chính phủ Malaysia và Indonesia có thể là tấm gương cho chính quyền Cộng sản Việt Nam khi tiếp tục phải đương đầu với Trung Cộng ở Biển Đông. Dù cả hai vẫn cùng tôn thờ chủ nghĩa Mác – Lê Nin và Tư tưởng Mao Trạch Đông, nhưng quyền lợi trên biển của hai nước hoàn toàn đối nghịch. Đã tới lúc Hà Nội phải rửa mối nhục của dân tộc vì bức công hàm của Phạm Văn Đồng năm 1958.
Nguồn : https://www.voatiengviet.com/a/ferdinand-marcos-khong-so-tap-can-binh-/7291576.html