EV-FTA: Nghị viên EU tham gia tổ chức có quan hệ mật thiết với đảng CSVN

0
5
Ông Jan Zahradil gặp Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Hà Nội, ngày 5/12/2017. Ảnh: ven.vn
LUẬT KHOA

Một nghị viên có vai trò quan trọng trong tiến trình đàm phán – thông qua Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA) vừa bị phát hiện có tham giamột tổ chức xã hội có quan hệ chặt chẽ với đảng Cộng sản Việt Nam.

Ông Jan Zahradil, nghị viên người Cộng hòa Séc của Quốc hội Liên minh Châu Âu (EU), nắm vai trò là Phó Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của cơ quan này, đồng thời là báo cáo viên của Quốc hội EU về EVFTA lẫn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) của EU với Việt Nam.

Tờ EU Observer, một trong những báo điện tử ở Bỉ đưa tin về EU, phát hiện ông Jan Zahradil được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn của Liên hiệp Hội người Việt Nam ở Châu Âu năm 2016, dựa trên hồ sơ công khai của tổ chức này tại CH Séc.

Tổ chức Liên hiệp hội này có mối quan hệ chặt chẽ với đảng Cộng sản Việt Nam và chính quyền Việt Nam.

Chủ tịch của tổ chức này, ông Hoàng Đình Thắng, hiện đang là Ủy viên Đoàn Chủ tịch của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một tổ chức chính trị do đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp lãnh đạo.

Năm 2015, Mặt trận Tổ quốc ra chỉ thị yêu cầu đảng viên thúc đẩy các lợi ích của Việt Nam ở nước ngoài. Một năm sau thì Liên hiệp hội ra đời và ông Jan Zahradil được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn.

Tháng 10/2019 vừa qua, ông Hoàng Đình Thắng được Chủ tịch nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho đóng góp của ông tại Hội Người Việt Nam ở Séc, một tổ chức thành viên của Liên hiệp hội. Hiện ông vẫn là chủ tịch danh dự của hội này. Đích thân Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam Trần Quốc Vượng trao huân chương này cho ông Thắng tại Praha, thủ đô của CH Séc.

Ông Hoàng Đình Thắng (trái) được Ủy viên Bộ Chính trị Trần Quốc Vượng trao  Huân chương Lao động hạng Nhì, tháng 10/2019. Ảnh: mattran.org.vn.
Ông Hoàng Đình Thắng (trái) được Ủy viên Bộ Chính trị Trần Quốc Vượng trao Huân chương Lao động hạng Nhì, tháng 10/2019. Ảnh: mattran.org.vn.

Một lãnh đạo cấp cao khác của Liên hiệp hội này là Lê Hồng Quang, cựu đại biện lâm thời của Đại sứ quán Slovakia tại Việt Nam, người được cho là có dính líu tới vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh năm 2017, tờ EU Observer cho hay.

Nghị viên Jan Zahradil cho biết, “tôi không có công việc được trả thù lao nào ở [tổ chức] đó, như tôi đã nói trước đây, đó là một vị trí danh dự và không hoạt động gì nhiều cho lắm”.

Tuy vậy, trong một phát biểu công khai, ông Hoàng Đình Thắng cho biết, với sự ủng hộ của nghị viên Jan Zahradil, Liên hiệp hội Người Việt ở Châu Âu dự kiến sẽ được tổ chức đại hội lần thứ hai của họ trong trụ sở Quốc hội Châu Âu vào năm 2020.

Theo quy định của Quốc hội EU, để phòng tránh xung đột lợi ích, các nghị viên phải khai báo bất kỳ công việc nào dù là được trả thù lao hay không. Trong khi đó, ông Jan Zahradil chưa khai báo vị trí của ông trong tổ chức Liên hiệp hội và nói rằng ông không phải khai báo. Ông xác nhận ông vẫn giữ vị trí trong Liên hiệp hội nhưng nói rằng “mọi thứ lâu nay không hoạt động gì nhiều cho lắm”.

Mối quan hệ giữa ông Jan Zahradil với chính quyền Việt Nam không dừng lại ở Liên hiệp hội. Ông còn là Chủ tịch Nhóm Hữu nghị EU – Việt Nam, một tổ chức không chính thức được ra mắt cách đây bốn năm tại Đại sứ quán Việt Nam ở Brussels (Bỉ).

Trong một bản tin vào tháng 9/2019, tờ Quân đội Nhân dân cho hay ông Zahradil đã phát biểu rằng ông hy vọng Nhóm Hữu nghị EU – Việt Nam sẽ tiếp tục giữ một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy EVTFA.

Trả lời tờ EU Observer, ông Zahradil cho biết nhóm hữu nghị này “chỉ là một nhóm không chính thức của một số nghị viên châu Âu quan tâm tới các vấn đề Việt Nam”.

Khi được hỏi về mối quan hệ của ông với đảng Cộng sản Việt Nam, ông Zahradil cho hay “mọi thứ và mọi người bạn đụng tới đều liên quan tới đảng Cộng sản Việt Nam theo một cách nào đó, bạn không thể tránh được, y như Trung Quốc thôi”.

Hiện Việt Nam và EU đã ký kết EVFTA nhưng hiệp định này vẫn chưa được Quốc hội EU thông qua. Dự kiến các nghị viên sẽ bỏ phiếu vào tháng Hai tới để quyết định vấn đề này.

Bạn có biết…

… Luật Khoa là một tạp chí độc lập và phi lợi nhuận. Với mong muốn mang lại trải nghiệm đọc báo tốt nhất cho bạn đọc, chúng tôi không đặt quảng cáo và do đó không có doanh thu. Luật Khoa chi trả mọi chi phí bằng các khoản đóng góp của bạn đọc.

Mỗi ngày, các phóng viên, biên tập viên và cộng tác viên của Luật Khoa đều tận tâm với từng con chữ và từng mối quan tâm của bạn đọc, nhằm mang lại cho bạn đọc cái nhìn mới mẻ và đa chiều về những vấn đề pháp luật, chính trị.

Nếu tất cả bạn đọc đều đóng góp cho Luật Khoa, dù là 20 nghìn đồng, tờ báo độc lập và khai phóng này của chúng ta sẽ hoạt động hiệu quả và bền vững hơn rất nhiều. Mỗi đồng bạn đóng góp đều giúp cho Việt Nam của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn, và bạn chỉ mất một phút để trở thành nhà tài trợ của Luật Khoa. Xin cảm ơn.