Elon Musk là một người giỏi tạo ra đổi mới một cách đột phá, nhưng khi sự đột phá đó trở thành một thứ quyền lực vô hạn, không bị kiểm soát, thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Trong tháng đầu của nhiệm kỳ thứ hai của Trump, chúng ta thấy Musk không chỉ là một ông chủ của nhiều công ty công nghệ hoặc một kẻ chuyên gây rối trên mạng xã hội mà ông ta còn là mối đe dọa đến thể chế dân chủ của nước Mỹ. Musk không còn hài lòng với công việc cách mạng hóa các ngành công nghiệp, giờ đây ông ta còn muốn tái thiết kế chính quyền của Mỹ, bất chấp mọi hậu quả.
Chúng ta cần nhận thấy rằng sự gia tăng quyền lực của Musk trong chính phủ Mỹ không chỉ đơn thuần là trường hợp một tỷ phú lập dị muốn thử nghiệm với chính trị, mà đó là một sự thay đổi có chủ đích và đầy rủi ro, nguy hiểm. Trump đã trao cho Musk nhiều quyền lực to lớn, mặc dù ông ta vốn có khuynh hướng công khai coi thường quy tắc, luật lệ và trách nhiệm. Ảnh hưởng của Musk không chỉ giới hạn trong các doanh nghiệp do ông ta sở hữu mà nó còn lan rộng, với tham vọng không bị kiểm soát, đe dọa đến nền tảng của chính nền dân chủ.
Hỗn loạn là một chiến lược chính trị
Musk không chỉ thách thức mà ông ta xóa bỏ luôn các luật lệ. Trong phương diện kinh doanh, điều này đã dẫn đến những thay đổi đột phá nhưng cũng không ít hậu quả tàn phá. Ví dụ như sau khi mua và đổi tên Twitter thành X, công ty này đã bị mất uy tín và thua lỗ cả hàng tỷ đo la. Với sự lãnh đạo của Musk, hãng xe Tesla đã bị phạt vì vi phạm luật an toàn lao động và bị mất uy tín vì lừa dối công chúng về khả năng tự lái của xe.
Bây giờ, Musk đang áp dụng cách làm việc liều lĩnh này vào hệ thống chính phủ của Mỹ.
Qua nhiều chiến dịch thanh trừng và cài đặt những người trung thành với Trump vào các vị trí quan trọng, Musk đang làm suy yếu các cơ chế đã được lập ra để bảo vệ sự công bằng và giám sát tầng lớp quản trị của các cơ quan. Niềm tin của Musk rằng chính phủ chỉ là một bộ máy quan liêu, gây ra trở ngại, đã dẫn đến sự phá hủy chưa từng có của thể chế dân chủ.
Biện pháp của Musk là phá vỡ mọi thứ để xem điều gì sẽ xảy ra
Hãy xem lại những việc Musk đã là làm sau khi mua Twitter. Ông ta đã moi ruột công ty, bịt miệng những nhân viên bất đồng chính kiến và biến Twitter thành một cái loa cho chủ nghĩa cực đoan cánh hữu và các thuyết âm mưu.
Từ là một nơi công cộng dùng để đưa thông tin và tranh luận, X (tên mới của Twitter) đã trở thành một cái loa phóng thanh cá nhân của Musk; ông ta dùng nó để củng cố quyền kiểm soát mọi thảo luận. Musk đã gia tăng việc kiểm duyệt nội dung và cho đăng nhiều thông tin sai lạc với ngôn ngữ kích động thù hằn.
Giờ đây Musk đang áp dụng những chiến lược đó lên các cơ quan chính phủ. Ông ta sa thải hàng loạt các nhân viên và thay thế họ bằng những kẻ trung thành với Trump. Musk phớt lờ mọi mối lo ngại về đạo đức. Chính phủ liên bang Mỹ giờ đây chẳng khác nào là một phiên bản Twitter mới dưới tay Musk, và nền dân chủ có vẻ là mục tiêu tiếp theo mà hắn muốn nhắm đến.
Viễn tượng của Musk: Tương lai của một chủ nghĩa công nghệ độc đoán
Musk tự xem mình là người có tầm nhìn xa, nhưng tầm nhìn của ông ta càng ngày càng trở nên đen tối. Musk không còn ủng hộ sự tiến bộ cho tất cả mọi người nữa— ông ta đang tìm cách tạo lợi ích cho một số ít. Musk xem dân chủ là kém hiệu quả và lỗi thời. Thay vào đó, ông ta đang dựng lên một mô hình quản trị mới, ưu tiên cho nhu cầu của các tỷ phú chớ không phải là cho dân hay vì dân.
Liên minh Musk-Trump: thao túng quyền lực dưới dạng cải cách
Mối quan hệ giữa Musk và Trump không đơn thuần thuộc về chủ nghĩa hay chính sách mà nó là một chiến lược củng cố quyền lực. Trump xem Musk như một công cụ để dỡ bỏ các cơ chế giám sát của chính phủ, trong khi Musk coi Trump là một phương tiện để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình. Sự kết hợp này có mục đích là chiếm được quyền lực tuyệt đối vì những rào cản chủ nghĩa độc tài dần dần sẽ bị gạt bỏ.
Tuy nhiên, liên minh Musk-Trump sẽ không bền vững. Trump lúc nào cũng đòi hỏi lòng trung thành tuyệt đối của nhân viên và ghét những ai được nổi tiếng hơn hoặc thách thức quyền lực của mình. Musk, với bản chất ích kỷ và tự cao nên không muốn bị kiểm soát. Sớm muộn gì thì liên minh này cũng sẽ tan rả; nhưng trước khi điều đó xảy ra, họ có thể gây ra những tổn hại nghiêm trọng và lâu dài cho nền dân chủ của nước Mỹ.
Mối đe dọa thực sự: Một chính phủ không thể cứu vãn
Cách lãnh đạo của Musk dựa trên sự triệt tiêu và tái cấu trúc hệ thống làm việc một cách cực đoan. Tại Tesla và Twitter, Musk có thể dễ dàng sa thải nhân viên, cắt giảm chi phí mà hai công ty ấy vẫn có thể tiếp tục làm việc. Nhưng nền chính phủ Mỹ không hoạt động như một công ty—một khi hạ tần bị phá hủy, nó không thể đơn giản tái sinh. Việc phá huỷ các cơ chế bảo vệ công chức và giải thể các cơ quan quản lý đã làm đánh mất lòng tin từ công chúng và tình trạng này có thể kéo dài qua nhiều thế hệ.
Thật sự thì Musk cũng không có hứng thú với việc quản lý nhà nước. Điều mà Musk muốn là quyền lực tuyệt đối. Ông ta muốn có nhiều ảnh hưởng với các chính sách, cơ sở hạ tầng và dư luận quần chúng là vì ông ta muốn nắm quyền lực chứ không phải để canh tân chúng. Musk muốn tạo ra sự hỗn loạn để thiết lập một mô hình chính quyền mà trong đó, những hành động liều lĩnh được khen thưởng, trong khi những nỗ lực duy trì ổn định lại bị trừng phạt.
Trận chiến vì dân chủ
Musk không chỉ là một doanh nhân vô tình bước vào chính trường mà ông ta là một nhân tố tích cực thúc đẩy sự suy thoái của nền dân chủ. Việc sẵn sàng vượt qua các ranh giới pháp lý và đạo đức, chấp nhận những tư tưởng độc đoán và “cái tôi” không bị kiểm soát khiến ông ta trở thành một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với nền quản trị dân chủ hiện nay.
Đây không còn là câu chuyện về đổi mới hay cải cách nữa—đây là cuộc chiến giành quyền lực. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có cho phép một tỷ phú độc quyền uốn nắn chính phủ theo ý muốn của ông ta hay không.
Nếu chúng ta không có biện pháp để ngăn chặn Musk thì thí nghiệm chính trị của ông ta có thể kéo theo sự sụp đổ của nền dân chủ Hoa Kỳ.
– SQT –