Bùi Giáng mất ngày 7 tháng 10 năm 1998. Cách đây mấy ngày, nhân ngày giỗ của ông, tôi muốn viết cái gì đó nhưng cuối cùng, viết không được. Hôm nay facebook nhắc một bài viết ngắn về một sự kiện tôi nghĩ khá quan trọng: đường Bùi Giáng. Tôi nhìn thấy tên đường này khá lâu rồi. Tôi không nhớ trong lịch sử có ai trùng tên với nhà thơ ở Sài Gòn hay không. Nếu không, tôi nghĩ đó là một trong những bảng đường đẹp nhất ở Việt Nam. Rất hoan nghênh người nào đó có sáng kiến dùng tên Bùi Giáng (1926-98), một nhà thơ điên nhưng rất mực tài hoa, để đặt thành tên đường. Tìm trên Google, thấy đường ấy nằm ở phường Hoà An, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng. Tôi không biết ở Sài Gòn có tên đường ấy không. Nếu chưa, nên bổ sung: Dù sinh ra ở Quảng Nam, Bùi Giáng sống và sáng tác chủ yếu ở Sài Gòn. Suốt cả hơn nửa thế kỷ. Cho đến lúc mất. Hơn nữa, ông hoàn toàn xứng đáng: Đó là một tài năng mang tầm vóc quốc gia, một trong những cây bút đa dạng và xuất sắc nhất trong cả nước, chứ không phải chỉ là một nhà thơ ở một địa phương.

Nhắc đến Bùi Giáng, tự dưng tôi nhớ hai câu thơ hàm súc này:
Hoàng hôn cơn mộng tháp tùng
Từng vô duyên gọi bóng nùng diễm qua
Hoặc hai câu thơ dí dỏm:
Bây giờ em ở nơi đâu?
Cỏ trong mình mẩy em sầu ra sao?
Và mấy câu này trong tập “Mưa Nguồn”:
Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa
Bỏ người yêu bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con
Câu cuối gợi hứng cho Trịnh Công Sơn sáng tác bài hát “Con mắt còn lại”.