Bạch Hoàn
Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong vừa trình Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề án thu phí giao thông vào trung tâm TP.HCM.
Theo đó, công ty này sẽ đầu tư 1.600 tỉ đồng để xây dựng 36 cổng thu phí.
Việc thu phí này nhằm hạn chế lượng xe đi vào khu vực nội đô, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, chống ùn tắc. Vì thế, phí này thu song song với phí giao thông đường bộ.
Mức phí thu từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng/lượt tùy loại xe.
Có một điểm đáng lưu ý là theo đề án, taxi truyền thống sẽ được giảm phí.
Chưa bàn về vấn đề thu phí vào nội đô, nhưng riêng với đề xuất giảm phí cho taxi truyền thống, tôi có vài thắc mắc như sau:
1. Taxi truyền thống là dịch vụ của các doanh nghiệp tư nhân. Nó là một đối tượng bình thường và bình đẳng trong quan hệ kinh tế và xã hội. Vậy thì tại sao xe của người dân, xe của các doanh nghiệp khác lại phải trả phí cao hơn taxi?
2. Mục đích cuối cùng của đề án là giảm lượng xe vào trung tâm thành phố. Vậy, taxi truyền thống không phải xe ô tô hay sao? Việc thu phí để giảm ùn tắc, taxi có gây ùn tắc không mà lại được hưởng đặc quyền đặc lợi?
3. Việc đề xuất cho taxi được hưởng cơ chế riêng có vi phạm nguyên tắc thị trường hay không, khi các loại xe hợp đồng điện tử khác phải trả phí cao hơn?
4. Việc cho taxi truyền thống được hưởng mức phí thấp hơn, có lẽ là vì các hãng taxi đang tỏ ra yếu kém trong cuộc cạnh tranh với taxi công nghệ như uber, grab… Nhưng, nguyên tắc kinh tế thị trường ở những lĩnh vực đã không còn sự độc quyền là phải để các bên tham gia thị trường tự do cạnh tranh, bình đẳng và đúng pháp luật.
Phải có cạnh tranh bình đẳng thì các bên tham gia mới buộc phải tăng cường chất lượng dịch vụ, đưa ra mức giá hợp lý nhất. Doanh nghiệp nào yếu kém sẽ dần bị đào thải. Quá trình cạnh tranh ấy thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Vậy, ưu ái cho một bên trong cuộc cạnh tranh ấy, liệu có bóng dáng của lợi ích nhóm hay không?
Việc thu phí giao thông vào nội đô chưa có quy định trong luật. Vì thế, TP.HCM đã xin cơ chế đặc thù. Nhưng, đừng dùng cái phao đặc thù – tức chưa có luật để giám sát ở mức độ cao nhất trong quản trị xã hội và được tự quyết đối tượng thu, mức thu phí, để tận dụng thực hiện những việc có bóng dáng của nhóm lợi ích.
Van Hai Nguyen : Tởm với “cơ chế đặc thù” của HCM. Tốt hơn hết là đấu tranh ngăn chặn việc thực hiện thu phí vào nội đô chứ không nên tranh cãi về ưu đãi cho taxi. Chặt ngay từ gốc những ý tưởng thối tha này của các quan chức tp. Đừng để chúng biến nội đô SG thành một BOT rồi bóp nặn dân.