Đón năm mới ở Mỹ.

0
10

Bùi Thanh Hiếu

Sinh nhật Nhím vào ngày 30 tháng 12, cũng là vào dịp nghỉ lễ Noel và năm mới. 

Mọi năm thường tổ chức sinh nhật, mời mấy gia đình đến. Làm nồi lẩu mọi người ăn rồi thắp nến cắt bánh, Nhím sẽ được thổi nến cùng mấy bạn rồi nhận quà tặng.

Năm nay Nhím háo hức được tổ chức như thế, nhưng bố lại bảo đi Mỹ chơi, Nhím nghe đi chơi thì thích đi lắm. Đêm 20 tháng 12 hai bố con ra sân bay để bay chuyến Berlin – Frankfurt.  Nhưng chuyến bay đó chậm lại 2 tiếng, đến được nơi chạy hộc tốc thì biết chuyến Frankfurt đã bay rồi. Lúc đó cửa bên cạnh có chuyến đi Boston vừa hết khách, nhân viên hãng hàng không Lufthansa đang chuẩn bị rời quầy, vào đó chìa vé hỏi thì cô nhân viên ấy nói cấp vé cho mai bay chuyến khác, cô cũng cấp luôn phiếu ở khách sạn và ăn uống.

Hai bố con về khách sạn nằm, Nhím ốm từ hôm trước, đêm đó sốt và ho, bố thức cả đêm sấy tóc vì mồ hôi ướt đẫm, rồi cho uống thuốc ho và giảm sốt.

Chiều Nhím đòi ăn khoai tây chiên, cái khách sạn dành cho khách lỡ làng không có nhiều món. May sao chợt nhớ ra ở Frankfurt có chú Toàn, bố gọi điện hỏi thì chú ở cách đó không xa, nhờ chú mua khoai tây chiên đến cho Nhím.

Sáng dậy Nhím vẫn mệt, bố phải một tay bế Nhím, một tay xách đồ lỉnh kỉnh. Sân bay thì rộng, đi miết đến chỗ hải quan xuất cảnh, đặt Nhím xuống để lấy hộ chiếu thì Nhím phờ phạc nằm bệt dưới đất. Nhân viên hải quan nhìn nghi ngờ, hỏi về ngày sinh mẹ Nhím, anh Nhím rồi họ đóng dấu cho qua. Đến cửa soát lần cuối lên máy bay thì nhân viên soát vé nói vì có dấu SSSS trên vé, họ phải kiểm tra lại lần nữa. Thật chán vì lúc ấy bố bế Nhím và xách đồ đã rất mệt.

Kiểm tra lần cuối ở khu riêng biệt, không có vấn đề gì, bố lại bế Nhím và xách đồ đi một quãng dài nữa đến chỗ cửa lên máy bay.

Trên máy bay Nhím nằm ngủ, bố phải nâng cái chắn giữa hai ghế cho Nhím nằm, lúc Nhím gác chân lên người bố, sợ gác lâu dồn máu, bố ngồi mớm tí mép cho Nhím duỗi chân. Mười 12 tiếng như thế rồi cũng đến phi trường Houston. Xếp hàng nhập cảnh vào Mỹ dài dằng dặc, Nhím mệt không đứng được, bố phải tay ôm tay xách đồ, đổi tay liên tục rồi cũng đến lượt.

Nhân viên hải quan Mỹ lại nghi ngờ, bố chuẩn bị sẵn giấy tờ và thư cho họ đọc. Họ xem xong mất đến mười phút mới cho hai bố con qua. Ra đến khu lấy hành lý ký gửi nói với Nhím, giờ bố phải kéo cả hai valy nữa, con cố gắng đi , bố không bế được con nữa rồi.

Kéo hai valy vừa ngoái cổ nhìn Nhím lếch thếch bước sau, chốc lại dừng vì Nhím mệt. Vì chuyến bay này cũng trễ nên bác Hoàng đón sai cửa, mãi cũng tìm được bác. Từ phi trường về nhà bác mất một tiếng đi xe ô tô.

Nhà bác Hoàng khá rộng, ở tầng trên có đến mấy phòng để trống, có một phòng đồ chơi của con gái bác, chị Én giờ đã như thiếu nữ, nên phòng đó cho Nhím tha hồ chơi. Tuy mệt nhưng thấy cầut trượt trong phòng, Nhím ở trượt đi trượt lại mãi không chán. Rồi lệch múi giờ, hai bố con đi cũng mệt, đúng lúc thời tiết Houston xuống âm 10 độ, hai bố con chỉ ăn và ngủ miết mất mấy hôm. Nhím cũng đỡ sốt và ho ban đêm. Hôm Nolel theo vợ bác Hoàng đi nhà thờ, sáng ra mở quà dưới gốc cây thông. Các bác chu đáo đã chuẩn bị sẵn phần quà cho hai bố con. Quà của Nhím là đôi giày có cổ chân lông trắng và hộp bút màu. Nhím dùng bút màu tô phần lông trắng thành 7 sắc cầu vồng đầy vui thích.

Vợ bác Hoàng là bác Tường Minh làm ở đài Việt Houston, sáng hôm thứ ba trời ấm lại, Nhím theo bố lên đài để bố thực hiện cuộc nói chuyện về chính trị Việt Nam với bác Cơ, vất cho Nhím điện thoại xem hoạt hình để bố vào trong làm việc. Mấy năm bố viết bài cho đài bác Minh làm, một tuần 2 đến 3 bài, tính ra để được ra vài chục nghìn usd. Sau bác JB Nguyễn Hữu Vinh sang Mỹ chưa có việc làm, bố nhường cho bác Vinh viết vì lúc ấy bố cũng bận buôn bán. Số tiền mấy chục nghìn usd đó do để lâu không dùng, tài khoản không hoạt động nên ngân hàng theo luật phải chuyển cho nhà nước Mỹ giữ. Lần này bố sang cũng để làm thủ tục lấy lại số tiền ấy. Cùng với việc thiết lập cầu vận chuyển mua hàng từ bên Mỹ về Việt Nam bán, vì hàng hoá ở Đức giờ nhiều người buôn, cũng muốn tìm thêm lại tờ báo hoặc đài nào để viết bài có thêm thu nhập chuyển vào tài khoản cho đỡ bị đóng băng, có đi qua lại thì tiêu bằng tiền kiếm được từ Mỹ.

Nhím không hiểu bố làm việc gì, nên thường quấy rầy bố. Nhím bảo bố có làm việc gì đâu, bố toàn nói chuyện với các bạn cuả bố, con thấy chán òm. Ở đài Việt Houston ra, đến chỗ bác Nhất Nguyên, nhờ bác gọi liên hệ với bác H. Bác H là chủ một cơ sở lớn, có nhiều người làm, lịch làm việc của bác rất bận. Biết bố sang bác hẹn gặp luôn, đến nơi thư ký của bác hỏi tên bố rồi sắp cho gặp. Bác H và trợ lý ra tiếp, bác trợ lý biết ý dẫn Nhím đi chơi trong khu văn phòng cho bố nói chuyện, Nhím được thể đòi bánh ngọt, nước ngọt loạn xạ.

Lúc Tí Hớn bằng tuổi Nhím, Tí Hớn thường yên lặng không quấy như thế. Tí Hớn cũng không đòi hỏi gì, nếu bố bảo chờ thì Tí Hớn sẽ kiên nhẫn. Nhím thì ngược lại cứ lúc bố nói chuyện thì đòi, như kiểu không chiều tôi phá ông.

Bố nói bác H, hè này Tí Hớn sang Mỹ, muốn mượn căn nhà nghỉ của bác ngoài bãi biển. Bác H ok liền và bảo chỉ cần Tí Hớn đến Houston cần gì bác cũng lo cho hết.

Sang đến Nam Cali ở nhờ nhà bác K.H, bố bảo hôm nay bố phải đi làm việc. Nhím hỏi đi như hôm nọ nói chuyện à, thôi chán lắm. May các bác chủ nhà bảo trông hộ. Bố đi lên đài SBTN nói chuyện công việc với bác Trúc Hồ, đi về thì nghe các bác nói, khi bảo Nhím ngủ trưa thì Nhím bảo bác không quyết định được việc ấy, chỉ có bố cháu mới quyết định được. Các bác nghe xong chán luôn.

Ở Nam Cali đi đâu được bác Hải Điếu Cày đưa đón, bác dành hẳn mấy ngày làm tài xế. Nhím không biết bác và bố đã từng gặp nhau 15 năm trước ở Sài Gòn, hồi bác mới lập CLB Nhà báo tự do. Nhím chỉ biết là đi đến đâu bố cũng có bạn, và người bạn nào cũng săn sóc Nhím , chiều Nhím đủ thứ từ mua  khoai tây chiên, trà sữa, bánh kẹo. Có lúc bố bảo không mua thì Nhím chạy ra bám gấu áo các bác giọng ngọt ngào- Bác ơi mua cho em gói kẹo này được không, chỉ gói kẹo này nữa thôi.

Nhím vẻ sung sướng uống trà sữa bác Hải mua, món mà mẹ Nhím cấm không cho Nhím uống. Rồi Nhím buông câu.

– Bố có rất nhiều người ngưỡng mộ.

Ranh con, bố hỏi học đâu mà biết như thế. Nhím bảo.

– Con biết, có người mang trà đến nhà biếu bố, bác ấy bảo bố có nhiều người ngưỡng mộ, tức là yêu quý bố ấy.

Bố càng chán hơn, ở Việt Nam lúc Tí Hớn bằng tuổi Nhím, đi cùng bố đến đâu cũng bao người đón tiếp niềm nở, nhưng Tí Hớn không bao giờ đòi hỏi gì cả, Nhím thì trái lại cứ nhè lúc có người là đòi.

Lúc ở Houston do lạnh không ra ngoài, bố nói bố không có tiền Mỹ, sang thành phố khác bố sẽ có, mua gì bố sẽ mua cho. Sang Cali thì có bác mừng tuổi Nhím và Tí Hớn, Nhím bảo bố đưa tiền của con đây, tiền của con là của con. Người bán hàng nói 10 đồng con sẽ lấy 10 đồng ra trả.

 Lúc bố lấy tiền nhuận bút từ báo Người Việt về. Nhím gật gù.

– Con nhớ là bố nói sang đến thành phố này bố có tiền Mỹ. Con không quên gì đâu bố ạ.

Nhím theo bố đi gặp người vận chuyển hàng từ Mỹ về Việt Nam, nghe loáng thoáng lúc về hỏi.

– Bố làm việc là bố mua hàng ở đây, rồi bán chỗ khác, người ta đưa tiền cho bố, để bố có tiền mua đồ cho con ạ?

Tối 30/12 hai bố con đến một nhà hàng sang trọng,  ở ngoài những siêu xe các loại như G63, Maybach, Rolls Royce đậu kín. Chị Hann và bạn trai người Mỹ đã đặt sẵn bàn làm tiệc sinh nhật Nhím, nhưng Nhím tỏ vẻ chán nản vì ít người quá, vả lại nhà hàng lại bê cho Nhím cái bánh sinh nhật bé tí. Nhím bảo.

– Bố phải mua cái bánh to, gọi tất cả bạn của bố đến mới vui.

Bố giải thích cho Nhím là chị Hann và bạn chị là người Mỹ, họ không tổ chức sinh nhật như người Việt Nam mình, họ mừng sinh nhật là đi chơi chứ không phải mời đông người đến ăn nhậu rồi cắt bánh ầm ĩ .

Ăn xong đã muộn, Nhím buồn ngủ, anh chị đưa về khách sạn đã đặt trước, hai bố con ngủ đến sáng dậy được hai anh chị đưa đi Holyowd chơi. Đến nơi mới thấy Nhím phấn khích, được chơi mọi trò, Nhím bảo thích quá, sinh nhật được đi chơi như này còn thích hơn là đông người cắt bánh. Có những trò chơi 3D như thật, khủng long phá xe nọ kia, rồi trò trượt từ trên cao bất ngờ lao xuống và cá mập, khỉ đột, bọn sát nhân…và màn diễn cướp biển súng ống bắn như thật. Chẳng trò nào Nhím sợ, trái lại càng người lớn sợ thì trái lại Nhím càng khoái trí.

Lúc về khách sạn, anh chị Hann lại ghé tiệm bánh cho Nhím chọn bánh sinh nhật, Nhím chọn cái rõ to mang về khách sạn thì nói mệt ngủ, mai gọi anh chị sang phòng mình cắt bánh sau bố ạ.

Sáng ra Nhím đòi thắp nến cho Nhím thổi, rồi hăm hở cắt bánh ăn luôn. Nói ăn luôn để còn đi chơi tiếp bố ạ.

Hai bố con được anh chị Hann đưa đi chơi tiếp ở Disneyland. Nhím lại được phen chơi thoả thích với những màn đi thuyền vào hang ổ bọn cướp biển, vào nhà ma, nhà hoạt hình và trò chơi chiến tranh giữa các vì sao. Nhím còn đòi mua đồ chơi các kiểu, anh chị cũng chiều Nhím. Mua được súng bắn bong bóng thì cứ nhằm anh mà bắn. Tối về Nhím vẫn còn lâng lâng, bảo lần sau sinh nhật lại đi chơi như này thích hơn bố ạ.

Hôm sau anh chị đưa ra phi trường để bay đến San Jose, chia tay bảo Nhím cám ơn anh chị thì Nhím tảng lờ , bảo không nói thì lần sau anh chị không cho đi chơi đâu. Nhím bảo lúc con 18 tuổi, con sẽ đi một mình được.

Anh chị tiễn đến lúc hai bố con qua trạm kiểm soát đồ, lúc ấy anh chị vẫy bên ngoài. Nhím bên trong mới vẫy lại lia lịa và nói.

– Em cám ơn anh chị, em đi sang nước khác đây.

Nhưng mà anh chị có nghe được đâu. Sau hỏi thì Nhím bảo lúc đó Nhím ngại không dám nói cảm ơn. Híc, lúc đòi anh chị mua gì không ngại, đòi bằng được. Bảo cảm ơn thì ngại.

Đến San Jose bác Vũ Thuỷ đón về nhà bác ở. Mọi thủ tục lấy lại tiền từ nhà nước Mỹ bố đã uỷ quyền cho bác Thuỷ, lúc hai bố con đến thì cũng đúng hôm trước bác nhận được tờ séc. Bố phải ra ngân hàng để mở tài khoản mới và đưa tờ séc cho họ. Đến ngân hàng thì Nhím nhảy nhót trên bàn ghế, chạy ngược xuôi, bố phải đưa điện thoại thì Nhím mới yên. Nhưng Nhím nằm ệch giữa ngân hàng xem điện thoại, còn bố làm thủ tục với ngân hàng. May là bên ngoài có bác Thuỷ trông, vì nhân viên ngân hàng là người Việt nên không cần phiên dịch.

Nhoằng cái đã mười mấy ngày từ khi hai bố con rời Đức, công việc cũng suôn sẻ, đạt được việc đòi tiền và thiết lập được chuyện làm việc với đài báo, việc mua bán vận chuyển hàng từ Mỹ.

Nhưng chuyến bay từ San Jose về đến Paris lại chậm 3 tiếng, lỡ mất chuyến tiếp nối ở phi trường Ory. Có một chuyến khác từ phi trường Sác Lơ Đờ Gôn (Charles de Gaulle) 2 tiếng nữa, nhờ người mua vé xong hai bố con gọi taxi đi gần một tiếng mới đến. Vội vã kéo hai valy và balo thúc Nhím đi nhanh, Nhím kêu đói, bảo bố không có tiền. Nhím nói.

– Bố có tiền mà, tiền bố bảo lấy ở thành phố khác vẫn còn, mọi thứ các bác và anh chị trả tiền, bố có trả đâu, con biết hết đấy.

Bố bảo thực sự là mình đã trễ một chuyến bay, phải đi nhanh không hết thời gian thì đêm nay không có chỗ ngủ.

Lúc chờ lên máy bay, Nhím nhòm thùng rác bảo.

– Có gói khoai tây chiên còn mới lắm mà người ta bỏ này.

Bố bảo thôi con cố chịu, chuyến này bay ngắn thôi là về đến Berlin, bố có tiền Đức sẽ mua cho con.

Nhím bảo.

– Bố lấy cho con đi, còn mới lắm mà.

Ối trời ơi, con gái tôi tội quá, tính chuyện nhặt đồ ăn trong thùng rác. Năn nỉ mãi mới chịu theo bố lên máy bay. May chuyến này lại ngồi sát cửa sổ, Nhím cũng quên đói. Đến lúc tiếp viên mang đồ ăn, Nhím ăn khen ngon, rồi nói như bà cụ.

– Đói thì ăn gì cũng ngon bố ạ.

Về đến Berlin dù đã 12 giờ đêm, nhưng chú Thành vẫn chờ đón dù trễ mấy tiếng do chuyến trước lỡ. Nhím bảo giá mà được đi chơi tiếp bố nhỉ, con tưởng lúc về thì mình phải qua nhà bác Hoàng đã chứ, vì mình đi đường nào phải về đường đó mà, sao lại về Đức mà không qua nhà bác ấy. 

Phải dỗ thôi về đi học, sinh nhật sau bố lại cho đi.

Về đến nhà đã 1 giờ đêm. Tí Hớn sinh ra lúc khó khăn,  công an theo dõi, bố bị bắt bớ triền miên. Tí Hớn chẳng đòi hỏi gì, lặng lẽ cam chịu. Nhím sinh ra ở Đức, mọi thứ đầy đủ, đi học mẫu giáo lại được giáo dục về quyền lợi. Chẳng biết thông cảm với bố như anh.

Nghĩ thương tuổi thơ của Tí Hớn, lúc bố đi biểu tình gửi Tí Hớn ở nhà chú Công Hùng, bố về chú Hùng kể Hớn ngoan lắm, nhưng rất lo cho bố,  cứ bảo chú lên mạnh xem biểu tình đã xong chưa, có thấy bố cháu không?

Tí Hớn giờ đã có bạn gái, nhưng chẳng bao giờ xin tiền bố, cho đồng nào nhận nói con cám ơn bố. Mong sau này Nhím đi học, sẽ ảnh hưởng giáo dục của Đức, điềm đạm và kiên nhẫn như anh.

Cuối cùng xin gửi lời cám ơn đến các bác và anh chị đã lo chu đáo cho hai bố con. Nếu không có sự chăm sóc, giúp đỡ thì một người đàn ông dẫu đảm đang, khéo léo đến mấy cũng khó có thể đưa con gái nhỏ đi xa tít tắp qua bao nhiêu nơi, chẳng biết một câu tiếng Anh nào.

Chúc các bạn đọc và các bạn khách hành một năm mới nhiều may mắn.