Đôi lời thưa lại cùng nhà văn Đỗ Hoàng Diệu

0
63
Ảnh: Chụp mũ đấu tố trong Cách mạng văn hóa ỏ TQ.

Thái Hạo

1 ngày trước, nhà văn Đỗ Hoàng Diệu (ĐHD) có viết bài đăng trên FB cá nhân, đại ý nói, chị không quan tâm đến vụ cô giáo Lê Thị Dung bị kết án 5 năm tù vì đó là người của tổ chức (đảng cs) và là người có chức có quyền; nếu cần đấu tranh thì chị sẽ đấu tranh cho người dân thôi (nhưng vì chị bận nấu cơm với dọn nhà, lại chán Fb rồi nên chị im lặng).

Đọc bài ấy, tôi không đồng tình và đã công khai nêu quan điểm của mình, như đối trước bất kỳ một vấn đề xã hội nào mà tôi quan tâm. Tất nhiên quan điểm của tôi có thể làm nhà văn ĐHD khó chịu, nhưng tiếc rằng thay vì tranh luận/trao đổi công khai và thẳng thắn với tôi để làm sáng tỏ hơn một vấn đề xã hội, thì chị lại viết một bài ám chỉ, trong đó kết luận “tôi biết bạn đang làm cho ai, phục vụ ai” (hình 1). Ám chỉ thì có thể chối bay, nhưng đọc các comments mà chị trao đổi với bạn đọc của chị khi họ viết tắt tên tôi là “TH” và được chị hưởng ứng, thì có thể xác nhận rằng, người mà chị đang nói đến chính là tôi/có tôi. Vả lại, dù có là nói đến ai đi nữa thì việc chịu trách nhiệm về lời mình nói của mình cũng là một đòi hỏi chính đáng.

Với tôi thì không sao, vì thực ra tôi không thấy có vấn đề gì với cá nhân mình, việc nói xấu hay bôi nhọ không làm tôi thấy bị mất mát gì cả. Vì “Không ai làm ta trong sạch, cũng không ai có thể làm ta ô uế”; vả lại cái thôi thúc tôi nói mọi thứ từ trước đến nay là các quan điểm liên quan đến xã hội, chứ không phải là chuyện của cái-tôi, nên ngay cả khi có người vào trang tôi chửi bới và vu vạ, tôi vẫn luôn bình thản và thường không nói lại, không xóa còm… Nếu chị ĐHD là một người thất học và vô danh tiểu tốt, chứ không phải một nhà văn, có lẽ tôi cũng sẽ chọn cách ấy với những gì chị đã vu khống tôi. 

Khi “nhà báo” Hoàng Nguyên Vũ vào đặt “câu hỏi tu từ” để xác nhận/nhấn mạnh rằng người đang được nói đến là “chim mồi”, thì nhà văn ĐHD trả lời rằng “tưởng chỉ mình chị và người trung ương biết, ai dè cũng không qua được mắt Vũ” (hình 2). Nghĩa là, ĐHD xác nhận rằng người đang được ám chỉ ấy (tức tôi) là “chim mồi”.

Tôi đề nghị và sẽ rất vui lòng nếu được nhà văn ĐHD cung cấp thông tin công khai cho thiên hạ biết rằng tôi là “chim mồi”. Xin cứ công bố tất cả “bằng chứng” mà chị có, càng thuyết phục và hùng hồn thì càng tốt. Bản thân tôi cũng đang rất nóng lòng muốn biết mình “đang làm cho ai, phục vụ ai”. Bằng không, tôi buộc phải nói rằng, chị đang vu khống và chụp mũ người khác một cách rất hạ tiện.

Việc vu khống, chụp mũ người khác là rất tệ hại. Trong khi bất bình và ghê tởm trước các thủ đoạn ấy của các cơ quan tuyên truyền dành cho những người đang thực hành quyền công dân của họ là “thù địch”, là “chống phá” là đủ thứ xấu xa khác, thì lẽ nào chính mình lại tự chứng minh rằng bản thân cũng không có bất kỳ sự khác biệt nào?

Xin chớ hiểu lầm, tôi không cần tự bảo vệ mình bằng cách đòi hỏi trách nhiệm chứng minh từ nhà văn ĐHD, mà ở đây tôi đang nói đến tâm lý xã hội nhân một trường hợp cụ thể. Và qua đó, mong muốn rằng, mỗi người Việt, dù là ai, cũng nên cố gắng gột rửa những cáu uế trong tâm hồn và tính cách của mình, khi không may phải sống quá lâu trong một xã hội hư hỏng mà dẫn đến bị nhiễm độc một cách thảm khốc.

Muốn tranh đấu hay kiến tạo những điều tốt đẹp cho một xã hội mơ ước, thì không thể vẫn giữ nguyên con người cũ của mình với các tính xấu mà chính mình từng căm ghét ở kẻ khác. Và tôi nghĩ, trước khi nói đến chuyện đấu tranh hay xây dựng một xã hội tử tế, điều đầu tiên là mỗi người phải tự gột rửa tâm hồn mình đã, mà điều nên làm ngay lúc này là bỏ tật vu khống, chụp mũ rất tồi tệ kia đi.

Xin chú thích, theo học giả An Chi trong sách Từ nguyên, từ “chụp mũ” là kết quả của sự vay mượn bằng hình thức sao phỏng (calque) từ tiếng Hán hiện đại “Khấu mạo tử”. “Khấu” có nghĩa là “đậy, úp, chụp”; “mạo tử” là “mũ, nón”. Vậy, “khấu mạo tử” là “chụp mũ”. Lối nói này ra đời trong các cuộc họp kiểm điểm, các cuộc chỉnh huấn, chỉnh quân ở vùng căn cứ cách mạng, rồi về sau là trên khắp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. 

Tiếc rằng, ở ta, hành vi “chụp mũ” này lại đang được chính một số “người dân”, tức các nạn nhân của sự chụp mũ, dành “tặng” cho nhau. Như thế để thấy, một lần nữa, sự nhiễm độc đã ghê gớm đến mức nào.

Thái Hạo

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here