Dạ Thảo Phương-Báo Văn Nghệ
Đại học, tôi học khoa ngữ văn, ngành văn hoá và ngôn ngữ Nhật. Ra trường, tôi nghĩ đi làm đâu đó 1 năm để có kinh nghiệm và tự lập kinh tế, rồi vừa đi làm vừa quay lại trường học tiếp, theo đuổi việc nghiên cứu. Tôi yêu thích việc đọc, suy nghĩ, viết, lại không giao tiếp giỏi, không thích ồn ào, vì vậy công việc nghiên cứu có vẻ phù hợp.
Khi báo Văn nghệ mời tôi về làm việc, bố mẹ tôi mừng lắm. Với các cụ, báo Văn nghệ là cơ quan nhà nước, việc làm ổn định, xung quanh toàn các nhà văn nhà thơ tuổi chú tuổi bác của con mình, tài cao đức trọng, cả xã hội tin tưởng. Tuy lương thấp, nhưng con gái cần gì kiếm nhiều tiền đâu, hai chữ bình an là quan trọng nhất. Ai ngờ, những bão giông tăm tối nhất của cuộc đời một con người chỉ muốn bình yên đã bắt đầu từ nơi tưởng như an toàn nhất ấy. Trước khi kiếp nạn xảy ra, chẳng một nạn nhân bị tấn công tình dục nào cũng như người thân của họ có thể tưởng tượng được một ngày chuyện tày trời như thế sẽ xảy ra với họ, mà nếu không được xử lý đúng đắn thì sự kiện ấy sẽ đeo đuổi cuộc đời họ vĩnh viễn. Khi ở VN, tôi làm chính thức ở hai toà soạn báo hồi đó là uy tín hàng đầu VN, một ở lĩnh vực văn chương nghệ thuật, một ở lĩnh vực chính trị xã hội. Đa số những người tôi giao tiếp đều là những trí thức, văn nghệ sĩ tên tuổi, được xã hội kính trọng. Nhưng ở cả hai toà soạn, tôi đều từng bị tấn công tình dục, ở những mức độ khác nhau, bởi những người tôi không ngờ nhất.
Câu chuyện ở toà soạn thứ hai: Hôm đó toà soạn tôi có khách- một nhà văn, nhà báo ở văn phòng thường trú thành phố khác, rất được kính trọng vì văn chương tài hoa, hành xử “hảo hán”. Cả ban đón tiếp anh trọng vọng như người nhà, cũng như khách quý. Sáng hôm đó, anh rủ bọn tôi đi ăn sáng ở vỉa hè gần toà soạn. “Bọn tôi” là hai bạn nữ trẻ trung, xinh đẹp, duyên dáng hàng nhất cơ quan, còn tôi, chắc vì cũng ở đó nên được mời theo thôi. Ăn sáng xong, 4 anh em dung dăng dung dẻ về toà soạn, 2 bạn gái trẻ vui vẻ líu lo đi hai bên anh, tôi đi ngoài cùng. Bỗng nhiên, tôi cảm thấy có một bàn tay nam giới đang xoa nắn mỗi lúc càng mạnh mẽ hơn phía dưới eo lưng mình khoảng 10 cm. Tôi kêu to tên anh ta và hét lên: “Cái tay anh đang làm gì em vậy?”, rồi bỏ chạy về cơ quan. Tôi đóng cửa toilet, tuôn mấy xô nước mắt, người run lên không biết vì sợ hay kinh tởm hay đau đớn, chỉ thấy ruột cứ quặn lên từng đợt. Đầu giờ chiều, một người sếp gọi tôi vào phòng làm việc, hỏi: “Sáng hôm nay mấy anh em đi ăn sáng có việc gì vậy? Anh nghe bọn nó bảo em bị trêu đùa gì rồi khóc suốt là sao? Em gái kể anh nghe”. Vừa được hỏi đến, tôi lại run rẩy nức nở một hồi không nói được gì. Sếp ân cần: “Thôi con gái lớn đến tuổi lấy chồng rồi, ai lại khóc lóc thế này ở cơ quan nữa. Nói anh nghe, nó làm gì em rồi”. “Anh ấy… anh ấy… xoa em ở phía dưới, sau lưng…”. “Xong rồi sao?”. “Xong em chạy về cơ quan”. Sếp thở hắt ra: “Có thế thôi hả?! Ôi giời, anh lại tưởng là gì ghê gớm lắm cơ. Thôi, nín đi”. Ngay lập tức, tôi cảm thấy mình lố bịch. Mình có phản ứng quá khích không? Sao mình lại có thể khóc lóc sướt mướt ở nơi làm việc nhỉ? Có bị cho là quá drama, không chuyên nghiệp ở nơi làm việc, làm mất quan hệ hữu hảo với cộng tác viên và đồng nghiệp không? Hàng chục câu hỏi lo âu bắn qua bắn lại trong đầu óc tôi trong giây ấy. Tôi ngượng nghịu nín khóc và ấp úng tìm cách tự bào chữa: “Em xin lỗi… Có lẽ vì em quá nhạy cảm”. “Đúng rồi, các cô nhà thơ các em là chúa nhạy cảm đấy. Không có gì đâu, em nhé”. “Vâng ạ, nhưng em cảm thấy kinh khủng thế này, chắc là vì trước đây, hồi ở Văn nghệ, em cũng từng bị tấn công tình dục, có lẽ vì thế mà ở vấn đề này em rất dễ sợ hãi, dễ bị tổn thương chăng…”. “À, chuyện ở Văn nghệ, với thằng cu gì tay chân ruột của ông Tuấn ông Tiếc gì ấy hả, anh có nghe loáng thoáng nhưng cũng chưa có dịp hỏi em. Thế chuyện xảy ra bao giờ?”. “Dạ, 5 năm trước”. “Hả? 5 năm rồi ấy hả. Ôi, tưởng gì, lâu vậy rồi thì quên đi chứ còn nhớ làm gì lâu thế. Các cô nhà thơ các cô là cứ cả nghĩ quá. Thôi, em quay về làm nốt việc đi, bài vở xong chưa? Chuyện sáng nay, để anh mắng cho thằng kia một trận và bắt nó xin lỗi em, vậy thôi nhé”. Chiều hôm đó, “tội đồ” lũn tũn lên phòng sếp, sếp gọi tôi vào phòng, nghe anh ta xin lỗi lí nhí, tôi lặng lẽ gật đầu. Tôi không giận anh ta nữa thật, nhưng chúng tôi không bao giờ làm việc trực tiếp với nhau nữa.
Sau này, khi đã sống nhiều nơi trên thế giới, trưởng thành cứng cáp hơn, tôi thường nghĩ lại chuyện này với cách nhìn nhận khác. Tôi không nghĩ nhiều về anh ta, anh ta đã xin lỗi, tôi thực sự đã tha thứ cho anh ta, thậm chí vẫn dành cho những phần tốt đẹp của anh ta sự tôn trọng, quý mến. Tôi nghĩ về sếp tôi, người sếp tài giỏi chuyên môn và rất tốt bụng nhưng có lẽ chưa được tiếp xúc nhiều với các kiến thức về lĩnh vực quấy rối tình dục nơi công sở. Tôi nghĩ nhiều nhất là về chính tôi của thời điểm đó, ngồi co rúm trên chiếc ghế thấp trước mặt sếp, run rẩy, sợ hãi, thấy mình sai trái vì đã khóc khi bị đồng nghiệp quấy rối ngay giữa đường, giữa sáng sớm bạch nhật… Sợ cả đời mình sẽ mang tiếng là người phụ nữ rắc rối không ai muốn làm việc cùng, ai đùa một tí là đã khóc ầm lên… Tôi không giận người đồng nghiệp ấy, không giận người sếp ấy, mà nổi giận trước sự ngu dốt và yếu đuối của tôi khi đó. Tôi cũng giận chưa nguôi được cô gái là tôi, 25 năm trước, khi bị Lương Ngọc An trơ trẽn kéo tay vào nhà nghỉ để “nghỉ cho anh đỡ đau đầu rồi về”, “gớm, tao không thèm làm gì mày đâu”, đã vì sợ hãi bị ai đó ngoài đường để ý đứng trước cửa nhà nghỉ với nam giới, mà không kêu cứu to lên. Để sau đó, tất cả trở thành quá muộn và tuyệt vọng trước sức nặng của một tảng thịt giống đực. Người ta thường bảo, trong công việc tôi sắc sảo và quyết liệt, thuộc loại phụ nữ hơi quá thông minh và bất cần so với mặt bằng chung của phụ nữ Việt Nam. Người ta không thể tưởng tượng được trong những người phụ nữ như tôi cũng có một phần không sắc sảo, không thông minh, không quyết liệt, không bất cần. Khi không được bảo bọc trong môi trường chuyên môn mà trí óc chúng tôi đã quen được lặn ngụp bên trong, khi phải đối mặt với những khủng hoảng đời thường, tôi và những người như tôi cũng có thể trở nên ngu dốt, hoảng hốt, chợt thấy mình đang bị săn đuổi bởi cả một đám đông, một nền văn hoá, một nếp nghĩ đã già nhưng chưa bao giờ yếu, chợt thấy mình đã bị sập bẫy rồi, bị cầm tù rồi, sắp bị giết thịt rồi, chúng tôi nghe thấy tiếng hú hét man rợ, tiếng giậm chân, thấy những giáo mác ở rất gần, và những lời thì thầm về công bằng, chính trực, về lòng tử tế rất yếu ớt, rất xa xăm… Khi tôi đưa câu chuyện bị cưỡng bức ở báo Văn nghệ của mình ra công luận, không ít người đã đào bới cái FB nhỏ chỉ dành cho bạn bè của tôi, đào bới những tấm ảnh bị chụp hỏng, thiếu sáng, chụp trong thời gian tôi bị trầm cảm, khi vừa thất thểu chạy bộ về… Họ cố chứng minh với cả thế giới là trông xấu xí như tôi thì “có cho cũng không ai muốn hiếp”. Tôi đã bị ám ảnh cả năm trời sau đó với câu hỏi: “Tại sao xấu xí như mình mà vẫn bị tấn công tình dục? Mình sai ở đâu?”. Tôi nhìn vào gương, thấy một đứa cả thế giới thấy xấu xí và ngu xuẩn, và nếu ai đó nói tôi không xấu xí và ngu xuẩn, tôi sẽ nghĩ tôi xấu xí và ngu xuẩn đến nỗi họ phải nói vậy để an ủi tôi.
Vâng, một người phụ nữ xấu xí như tôi còn không ít lần bị tấn công tình dục. Một người phụ nữ từng được nhìn nhận là thông minh, sắc sảo, bất cần, quyết liệt như tôi còn không ít lần bị tấn công tình dục. Một người như tôi, từng làm việc ở những nơi được cho là môi trường trí thức hàng đầu của Việt Nam, tiếp xúc với những văn nhân trí thức được coi là hàng đầu của Việt Nam, mà còn không ít lần bị tấn công tình dục, bị cô lập và đơn độc ngay giữa môi trường ấy. Thì, với những người phụ nữ khác, ở những môi trường khác, còn thế nào?
Vậy thì, khi ngôi sao “quả tạ” tên tấn công tình dục nhè vào đầu mình hoặc người thân mình mà đập, thì ta nên ứng xử ra sao? CSAGA đang có một chương trình thảo luận online cung cấp những kỹ năng để chúng ta tự trả lời được những câu hỏi này, hoàn toàn miễn phí và có thể đăng ký giấu tên. Tôi sẽ dự. Vì cô gái dại dột là tôi năm xưa vẫn đang ở đó, đợi chờ. Đợi sự thay đổi nhiều hơn nữa ở tôi. Đợi sự thay đổi nhiều hơn nữa ở xã hội mà cô ấy đã gửi tôi sống tiếp, còn cô ấy thì ở lại ở một nơi, một thời điểm mà chẳng phép màu nào có thể giải thoát được cô ấy nữa. Thông tin về chương trình của CSAGA ở dưới cmt.
– Link đăng ký tham gia các thảo luận trực tuyến: https://forms.gle/up6cMrLeDmGVKa1f8