Quy định về kiểm soát quyền lực vừa được Tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng ký ban hành.
Thời điểm ban hành quy định này trước Hội nghị Trung ương 11 (khóa XII) đặt ra câu hỏi về mục đích của nó, có phải để tiếp tục chỉnh đốn nội bộ.
Quy định 205 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền nêu ra một loạt nội dung:
“Không bố trí những người có quan hệ gia đình (vợ, chồng, bố, mẹ của vợ hoặc chồng, con, anh chị em ruột) cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan;”
Quy định cũng nêu khá cụ thể về những biểu hiện của hành vi chạy chức, chạy quyền.
Đáng chú ý, trong những quy định này, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành vi chạy chức, chạy quyền hoặc bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền thì bị xử lý kỷ luật theo quy định hiện hành; cũng như áp dụng các biện pháp xử lý khác tùy theo hình thức kỷ luật.
Muốn kiểm soát quyền lực
Vấn đề đặt ra là tại sao ý tưởng về kiểm soát quyền lực đã được đưa ra từ năm 2014, tức trước Đại hội XII, nhưng mãi tới nay, quy định này mới ra đời?
TS Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam độc lập, trả lời phỏng vấn BBC News Tiếng Việt hôm 25/9, nêu ý kiến riêng rằng Hội nghị Trung ương 11 sắp tới sẽ đưa ra danh sách đầu tiên các Ủy viên Bộ chính trị. Bởi vậy, vấn đề kiểm soát quyền lực chắc chắn sẽ gắn chặt với hội nghị này.
“Tuy nhiên, tôi e rằng nó sẽ gắn chủ yếu với vấn đề thanh trừng phe phái nhiều hơn là để làm trong sạch Đảng,” ông Dũng nói.
TS. Phạm Chí Dũng lý giải ý kiến trên bằng việc trở lại với thời điểm trước Đại hội XII:
“Năm 2014, 2015 là thời gian xảy ra cuộc tranh giành quyền lực quyết liệt giữa hai phe là Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng. Trong đó, phe Nguyễn Phú Trọng muốn nắm vấn đề kiểm soát quyền lực để không để cho ông Nguyễn Tấn Dũng khuynh đảo vì lúc đó, thế của Nguyễn Tấn Dũng rất mạnh.
Đại hội XII kết thúc, ông Nguyễn Tấn Dũng bị loại ra khỏi vũ đài chính trị, ông Trọng độc tôn. Vấn đề kiểm soát quyền lực không được đặt ra nữa, dẫu cho càng ngày vấn đề kiểm soát quyền lực càng trở nên cấp thiết hơn, bởi sự cát cứ của chính quyền các địa phương, rồi ở các bộ, ngành ngày càng nổi lên, nhất là trong năm 2017.”
Như vậy, “việc đưa ra quy định kiểm soát quyền lực không phải là vì cái chung để làm cho Đảng tốt hơn lên, mà chỉ để phục vụ cho những ý đồ cá nhân, mục đích cá nhân và đạt được quyền lực cá nhân trong các cuộc đấu đá phe phái,” ông Dũng nói.
Tuy nhiên, GS Carl Thayer, Giáo sư danh sự của Đại học New South Wales tại Học viện Quốc phòng Úc ở Canberra, thì nhận xét với BBC News Tiếng Việt qua thư điện tử hôm 26/9 rằng:
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn thực hiện một cách nhất quán và có phương pháp chiến lược, nhằm xây dựng được một đội ngũ cán bộ nòng cốt không dính đến tham nhũng sau Đại hội đảng thứ XIII, dự kiến sẽ tổ chức vào quý 1 năm 2021.
Chẳng hạn, trước đây, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua Quy định về những điều đảng viên không được làm. Quyết định 205 lần này được đưa ra cũng với mục tiêu hạn chế, nếu không nói là chấm dứt một thực tế khá phổ biến trong việc chạy chức, chạy quyền.”
“Việc làm trong sạch đội ngũ cán bộ trước đại hội đảng toàn quốc như hướng đi hiện nay của ông Trọng thực ra là thông lệ tại Việt Nam. Nhưng chiến dịch của Tổng bí thư Trọng lại kỹ lưỡng hơn, thể hiện qua số các văn bản, quy định nhằm điều chỉnh các tiêu chuẩn đạo đức, cũng như số lượng các quan chức bị kỷ luật thời gian qua'” GS Carl Thayer nói.
Ông cho biết tiếp:
“Hiện tôi chưa thấy có dữ liệu nào cho thấy, việc ban hành Quy định 205 là do các hành vi vi phạm gia tăng một cách bất thường thời gian gần đây hay không. Thời điểm ban hành Quy định có thể là do có những thiếu sót đã được xác định và đòi hỏi phải có biện pháp chấn chỉnh.”
Liệu có “đánh trống bỏ dùi”?
Những nội dung được đưa ra trong Quy định về kiểm soát quyền lực, như ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền hay gia đình trị… thực ra ít hay nhiều đều đã được nêu ra trong các quy định hay chỉ thị của Đảng Cộng sản Việt Nam trước đây. Quy định này cụ thể hơn một số chế tài. Nhưng hiệu quả sẽ tới đâu?
Nhà báo Võ Văn Tạo, từ Nha Trang, cho BBC News Tiếng Việt biết hôm 25/9 rằng, ông không mấy lạc quan về hiệu quả của quy định mới này. Ông nói:
“Mỗi kỳ đại hội đảng là một kỳ rộn ràng chạy chức chạy quyền. Hiện tượng này đã trở nên quá phổ biến, không có mới là hiếm. Mãi đến giờ Đảng CSVN mới ra Quy định, theo tôi, như vậy là quá muộn, nên hiệu lực, nếu có, chắc chẳng được bao nhiêu.”
TS Phạm Chí Dũng cũng chia sẻ cùng quan điểm khi cho rằng: “Tôi e tính khả thi của Quy định này không cao, bởi một trong những nội dung Quy định là chống tích tụ tài sản quan chức. Nhưng vấn đề công khai tài sản lãnh đạo đã được nêu ra trong Quyết định 99 của Ban Bí thư hồi năm 2017, với khung hướng dẫn cụ thể về quy trình. Tuy nhiên, từ đó tới nay, quyết định này chết yểu.
Khi một quyết định như vậy thất bại, thì việc thực hiện quy định lần này sao có thể thành công, bởi không kiểm soát được tài sản cá nhân thì sao có thể kiểm soát được quyền lực? Cho nên, tôi cho rằng Quy định này cũng chỉ làm được một số việc ‘đầu voi đuôi chuột’mà thôi,” ông Dũng nhìn nhận.
Trả lời câu hỏi rằng, liệu những quy định mới này có đủ để kiểm soát quyền lực trong xã hội độc đảng như Việt Nam, GS Carl Thayer cho rằng, nhìn chung, nhà nước độc đảng thiếu một hệ thống độc lập để giám sát và cân bằng quyền lực.
“Việt Nam có nhiều cơ quan điều tra nội bộ, cũng như họ vẫn khuyến khích công dân viết đơn thư tố cáo. Tuy nhiên, cuối cùng, thì đảng vẫn nắm quyền kiểm soát và ỷ pháp trị quốc (tận dụng luật pháp để cai trị) hơn là hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Tóm lại, việc thực hiện các quyết định của đảng, cũng như các luật lệ và các quy định của nhà nước là một tiến trình chính trị.
Sẽ phải mất một khoảng thời gian đáng kể để thay đổi văn hóa tổ chức của Việt Nam, từ việc phải hối lộ cấp trên để được thăng tiến, chuyển sang thăng tiến dựa trên thành tích.”
Hội nghị Trung ương 11 sẽ có gì đáng chú ý?
Theo GS Carl Thayer, chương trình nghị sự Hội nghị BCH Trung ương Đảng CSVN lần thứ 11 (khóa XII) sắp diễn ra có thể sẽ tập trung vào ít nhất ba chủ đề. Thứ nhất là tiếp tục các công tác chuẩn bị cho Đại hội toàn quốc của đảng này lần thứ XIII, trong đó có việc chuẩn bị các văn kiện với các chính sách quan trọng và lựa chọn nhân sự; chống tham nhũng; và chính sách đối ngoại, gồm cả vấn đề Biển Đông, cũng như mối quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ.
TS Phạm Chí Dũng cho rằng, “cuộc đối đầu về quyền lực tại Hội nghị Trung ương 11 sắp tới sẽ rất gay gắt.”
Ông chứng minh điều này bằng cách viện dẫn việc các đơn thư tố cáo, các bài viết trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều gần đây, nhất là trong tháng Chín này.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, điểm khác biệt giữa thời tiền Đại hội XIII so với Đại hội XIII là ở chỗ, hiện nay ông Trọng không có đối thủ chính trị. Nhưng thay vào đó, ông phải đối mặt với tình trạng ‘sứ quân địa phương’ và cát cứ quyền lực nổi lên.
“Tuy không có đối thủ, nhưng ông phải đối mặt với việc nhiều quan chức đang nhắm vào thay thế ông ta, thậm chí sẽ hất đổ ông nếu có thể, đặc biệt dựa vào hau vấn đề sức khỏe và tuổi tác. Trước Đại hội XIII này, các nhóm quyền lực nổi lên đa dang và trải rộng nhiều hơn, ở nhiều khu vực, nhiều bộ ngành, giữa các nhóm lợi ích. Nên tôi cho đặc thù của thời kỳ tiền Đại hội XIII là đa trung tâm quyền lực,” ông Dũng nói.
Nhưng GS Carl Thayer lại cho rằng, sẽ không có cuộc đấu tranh quyền lực như vậy tại Hội nghị Trung ương 11 sắp tới. Ông nói:
“Đấu tranh quyền lực là một thuật ngữ gây nhiều tranh cãi, bởi nó không được minh định rõ ràng. Nếu đấu tranh quyền lực có nghĩa là một nỗ lực phối hợp của một phe trong đảng để đảo ngược vị thế chính trị hiện tại của Việt Nam dưới thời Tổng bí thư Trọng, thì tôi cho rằng, không có dấu hiệu nào cho thấy một cuộc đấu tranh quyền lực sẽ diễn ra tại Hội nghị Trung ương lần thứ 11 sắp tới này cả.”
Ông nói thêm: “Theo tôi, những gì chúng ta đã chứng kiến cho đến nay không phải là cuộc đấu tranh quyền lực mà là hành vi bình thường của con người, thúc đẩy bởi các cá nhân để có được nhiều quyền lực và ảnh hưởng hơn trong hệ thống chính trị. Có lẽ, hãy còn quá sớm để các liên minh hình thành nhằm hỗ trợ các nhà lãnh đạo cụ thể, trong quá trình lựa chọn lãnh đạo cho nhiệm kỳ tới cũng như để đấu với các phe khác.”
Thay vào đó, theo GS Carl Thayer, có một vấn đề lớn chưa được giải quyết là “liệu có tiếp tục hợp nhất chức danh Tổng Bí thư và chủ tịch nước như hiện nay, hay tách ra. Điều này sẽ phụ thuộc phần lớn vào sức khỏe của ông Trọng – người đang nắm cả hai vị trí này. Còn thì tôi nghĩ, rất ít khả năng sẽ có những thay đổi trong các chức vụ đứng đầu khác.”
Ông Thayer cũng đề cập đến khả năng, từ nay đến trước Đại hội XIII, có thể sẽ có những nhân vật được bầu vào Bộ Chính trị, bổ khuyết cho hai vị trí vẫn trống (thực ra là ba nếu bao gồm cả trường hợp ông Đinh Thế Huynh).