DÂN TỘC – DÂN SINH – DÂN ĐẠO

2
108
Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do tổ chức diễn đàn ngay công viên trước Dinh Độc Lập.
   

Huỳnh Thị Tố Nga

Dân tộc, như đã nói, hình thành từ một cộng đồng trải qua bề dày lịch sử, có chung nguồn gốc chủng tộc, văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết và tập trung ở một lãnh thổ nhất định, những cá thể sống trong cộng đồng đó gọi chung là dân tộc, từ đó cũng hình thành nên quốc gia. 

Trước khi con người có khái niệm về luật pháp, về bộ máy sử dụng luật pháp để duy trì ổn định xã hội thì con người dùng cái gì để duy trì trật tự xã hội? 

Con người sinh ra đều có bản tính và ý thức bẩm sinh. Bản tính bẩm sinh là sự kết hợp nam nữ để duy trì nòi giống, kết nối với nhau thành cộng đồng, cùng nhau tìm ra sinh kế để duy trì sự sống. Ý thức bẩm sinh là nguyên tắc, đạo lý dựa vào sự hòa hợp với tự nhiên và trong quá trình sống. Luật tắc và đạo lý cơ bản này được con người nhìn nhận và dùng nó áp dụng vào cộng đồng để duy trì sự ổn định về sinh kế và phát triển nòi giống, ta gọi đó là cương thường, là cái gốc của cái gọi là luật pháp của người văn minh sau này. Nói như vậy để thấy rằng, luật pháp là cái ngọn của cương thường, một dân tộc và nói chung là thế giới loài người, muốn duy trì một hệ thống luật pháp có hiệu quả và để bảo vệ được sự sống con người thì phải hiểu cương thường là gì, cái gốc của luật pháp dựa vào đặc định gì và tại sao phải duy trì luật pháp. (Cương thường ở đây không phải tam cương, ngũ thường của Nho giáo, mà nó là cái gốc nguyên tắc tự nhiên của loài người).

Tác giả Huỳnh Thị Tố Nga

Dân sinh, là các điều kiện dùng để phát triển sự sống và duy trì ổn định nòi giống con người, bao gồm lãnh thổ quốc gia được phân định rạch ròi và được quốc tế công nhận. Các điều kiện về kinh tế, giáo dục, điều kiện về tự nhiên và tất nhiên thành phần quan trọng nhất là công dân trong quốc gia với trí tuệ và nhận thức cùng nhau phát triển đất nước. 

Dân đạo, là đạo lý được con người thấu hiểu từ cương thường, từ sự giáo dục nhân cách, con người đi dần từng bước trong nhận thức, từ sự nhìn nhận sơ khai, đến sửa chữa, chuyển hóa dần rồi thẩm thấu được đạo lý dựa trên nền tảng văn hóa dân tộc từ đó có ý thức rõ ràng về dân tộc và mong muốn giữ gìn nó. 

Nhân quyền là sự thấu hiểu từ đạo lý. Hiểu được tính đặc định bẩm sinh của loài người, từ đó mới hiểu được nhân quyền là đạo lý của con người đối với chính mình, của người đối với người và của con người đối với vạn vật. Nếu không hiểu được rõ ràng, thì nhân quyền chỉ được nói và thực thi trên vỏ bọc khi nó đã không còn đạo lý, luật tắc tự nhiên. 

Một quốc gia với chủ nghĩa chân chính sẽ làm nền tảng cho một thế giới chân chính và sáng suốt, ngược lại, một thế giới với hệ thống luật tắc chân chính sẽ làm nền tảng cho các quốc gia phát triển bền vững. 

Khi quốc gia khống chế luật tắc quốc tế thì xảy ra chiến tranh xâm lược. Trong một quốc gia, khi giai cấp khống chế quốc gia thì xảy ra tình trạng giai cấp thống trị, khi gia tộc khống chế quốc gia thì trở thành chế độ quân chủ, khi đảng phái khống chế quốc gia thì trở thành độc tài, đảng trị. Tất cả các vấn nạn này đều do bất chấp đạo lý và luật tắc mà gây nên vậy. 

Dân tộc, dân sinh, dân đạo sẽ như một vòng tròn kết nối, cùng sinh, cùng diệt với nhau. Thiếu một trong ba yếu tố này, sẽ không còn quốc gia. Dân tộc là tinh thần, dân sinh, dân đạo là “khí”, là năng lượng cung cấp cho lực lượng tinh thần đó duy trì và phát triển, và quan trọng là phát triển theo con đường chân chính sáng suốt, không chỉ cho quốc gia, mà cũng là nền tảng phát triển của loài người nói chung. 

Ngày nay, có khái niệm “hòa giải dân tộc”, xin thưa rằng, không có khái niệm đó, vì dân tộc vốn đã cùng một thể của một quốc gia mà sinh ra, vậy thì trong một quốc gia, lấy dân tộc nào hòa giải với dân tộc nào? Nói cho chính xác, chỉ có chăng là có khái niệm “hòa giải giữa các đảng phái” hoặc giữa “nhân dân và bộ máy cầm quyền” chứ không nên dùng từ dân tộc, nó sai về bản chất. Dân tộc là quốc gia, không có đảng phái nào có thể nhân danh cả dân tộc để gây bất hòa hay hòa giải cả, đó là điên rồ, là phá hoại trật tự kỷ cương của quốc gia. Mà đã là khái niệm đảng phái, thì cũng không gọi là hòa giải, đảng phái nào không làm được việc cho đất nước thì sẽ bị giải thể, thay thế và cạnh tranh với đảng phái khác mà thôi, đó là tính đa nguyên trong bộ máy vận hành đất nước. 

Thiện và ác, chiến tranh hay hòa bình cũng chỉ là thuộc tính của vòng tròn Dân tộc – Dân sinh – Dân đạo mà ra. Việc thông hiểu và điều hướng cái gốc này vô cùng quan trọng cho sự phát triển của quốc gia và con người.

HUỲNH THỊ TỐ NGA

Dec 22, 2023

Advertisement
   

2 COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here