Dân Đồng Tâm vẫn muốn tin vào đảng và chính quyền Hà Nội

0
181
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung về xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội đối thoại với dân ngày 22 tháng 4 năm 2017. AFP photo
RFA

Cụ Lê Đình Kình, người đại diện dân chúng xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội cho biết ông mong muốn chính quyền Hà Nội giải quyết vụ tranh chấp đất giữa người dân với chính quyền địa phương trước khi tiến hành khởi tố điều tra người dân xã Đồng Tâm. Ông đồng thời cũng cho biết bất chấp quyết định khởi tố mới đây của công an Hà Nội, người dân xã Đồng Tâm vẫn tin vào đảng và Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Giải quyết đất đai trước

“Tôi muốn nói với đồng chí Nguyễn Đức Chung là có kết luận thanh tra trước, xong rồi khởi tố vụ án sau. Bởi vì khi khởi tố vụ án thì đầu tiên phải tìm hiểu nguyên nhân, chứ không bao giờ lại khởi tố vụ án lưng chừng hoặc phần cuối.”

Lời chia sẻ vừa rồi không chỉ là mong muốn của riêng cụ Lê Đình Kình, người đại diện người dân xã Đồng Tâm, sau khi Cơ quan Cảnh sát Điều Tra thuộc Công an Hà Nội ra thông báo khởi tố vụ án hình sự “bắt giữ người trái pháp luật và hủy hoại tài sản” ở xã Đồng Tâm.

Qua cuộc trao đổi giữa cụ Lê Đình Kình với facebooker Hồng Thái Hoàng được chia sẻ trực tiếp trên trang mạng xã hội vào ngày 16/6, cụ Kình, 82 tuổi, nói rõ:

“Chúng tôi rất thông hiểu rằng việc ‘khởi tố vụ án’ còn cách xa với việc ‘khởi tố bị can’. Sự việc này xảy ra rất nghiêm trọng. Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức làm rất nhiều việc trái chiều, đi ngược lại quan điểm, đường lối chống tham nhũng của Đảng và thậm chí tập trung vào trù dập những anh em chúng tôi là những người tố cáo. Thế nên, tôi có đầy đủ bằng chứng để nói lên việc này.”

Tôi muốn nói với đồng chí Nguyễn Đức Chung là có kết luận thanh tra trước, xong rồi khởi tố vụ án sau.
– Cụ Lê Đình Kình

Trong nội dung cuộc trò chuyện giữa cụ Kình với facebooker Hồng Thái Hoàng, mà Đài Á Châu Tự Do được sự đồng ý của facebooker này để trích dẫn lại, nhiều người quan tâm vụ việc Đồng Tâm hiểu rõ ngọn ngành vì sao những người nông dân ở đây luôn thượng tôn pháp luật nhưng buộc phải bắt giữ 38 cán bộ, công an và cảnh sát cơ động hồi trung tuần tháng 4 để được đối thoại với chính quyền Hà Nội.

Câu chuyện liên quan đất đai của người dân Đồng Tâm khởi nguồn từ năm đầu tiên của thập niên 60 hồi thế kỷ 20, nhà nước ra quyết định thu hồi 300 héc-ta đất để xây dựng trường học và dân chúng vui lòng cống hiến vì lợi ích chung cho cộng đồng và xã hội. Đất của gười dân Đồng Tâm bị thu hồi 47, 36 héc-ta lần thứ hai để phục vụ cho việc xây dựng sân bay Miếu Môn có tổng diện tích 208 héc-ta, do Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười ký vào tháng 4/1980,

Vì dự án xây sân bay Miếu Môn bị treo trong gần bốn thập niên qua, Bộ Tổng Tham mưu, hồi cuối tháng 3 năm 2015, ra Quyết định 551TM lấy 50, 3 héc-ta đất trong tổng diện tích 208 héc-ta của sân bay Miếu Môn giao cho Viettel. Đến đầu năm 2016, chính quyền huyện Mỹ Đức lại lấy thêm 59 héc-ta đất canh tác nông nghiệp của người dân ở Đồng Tâm để thực hiện Quyết định 551TM mà theo cụ Kình là hoàn toàn sai.

“Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức ra quyết định lấy 59 héc-ta đất ở xã Đồng Tâm để giao cho Viettel. Số đất này là hoàn toàn không có quyết định thu hồi và nhân dân Đồng Tâm từ xưa đến nay vẫn lao động trên mảnh đất này. Ngược lại, cán bộ tham nhũng của xã phân thành 56 lô để bán. Cho nên nhân dân xã Đồng Tâm kiên quyết giữ lại đất nông nghiệp của mình. Bởi vì nó là tư liệu sản xuất để làm ra của cải vật chất nuôi sống con người.”

Cụ Kình cũng cho biết người dân Đồng Tâm tốn rất nhiều tiền của đi khiếu nại quyết định thu hồi đất phi lý của chính quyền huyện Mỹ Đức. Tuy nhiên:

“Tất cả huyện Mỹ Đức và một số cơ quan thông tin cứ đưa trái chiều. Nghĩa là, nhân dân Đồng Tâm vào tranh chấp đất quốc phòng trong khu vực 47, 36 héc-ta là không đúng sự thật.”

le-dinh-kinh-nguyen-phu-trong-400.jpg
Cụ Lê Đình Kình. Ảnh chụp lại từ video clip

Vào đầu tháng 4/2017, ba cán bộ của Bộ Quốc Phòng đến xã Đồng Tâm để điều tra vụ việc. Trong lúc tiến hành đo đạc, chiếu chụp mốc giới phần đất nào thuộc quốc phòng và phần đất nào là đất nông nghiệp với sự chứng kiến của đại diện chính quyền địa phương và dân chúng Đồng Tâm, cụ Kình khẳng định với nhân viên của Bộ Quốc Phòng:

“Đây là đất nông nghiệp Đồng Tâm. Các anh có đưa máy chém để chém ngay đầu tôi rơi xuống đất thì tôi vẫn giữ quan điểm rằng đây là đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm.”

Bởi tin tưởng vào chính quyền địa phương và đại diện của Bộ Quốc Phòng, cụ Kình nói với bà con đang có mặt rằng ai về nhà nấy, theo như yêu cầu của họ và ngay sau đó cụ Kình đã bị cán bộ huyện Mỹ Đức đá gãy xương đùi:

“Lúc bây giờ họ không chiếu chụp ngay mốc nữa mà Trần Thanh Tùng đá tôi gãy xương đùi. Họ mở xe lên. Hai anh đứng hai bên, mỗi anh cầm một chân một tay thảy tôi lên ô tô như một con vật. Khi bị thảy lên xe, tôi đã nói ‘các anh đánh đá tôi gãy chân rồi’ nhưng họ phớt lờ. Họ lấy còng số 8 ra còng tay tôi lại và đút giẻ vào mồm tôi. Mục đích của họ là bịt đầu mối và thủ tiêu tôi. Bởi vì tôi là người đứng đầu ký tên trong đơn tố cáo, khiếu nại việc này.”

Mặc dù cụ Kình được đưa vào bệnh việc chữa trị và được đích thân Chủ tịch thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung tận tình thăm hỏi, nhưng cán bộ của chính quyền địa phương huyện Mỹ Đức luôn miệng gọi cụ là “thành phần gây rối trật tự công cộng”.

Vững tin vào công lý

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung vào chiều 22/4 đã đến thôn Hoành, xã Đồng Tâm để đối thoại với người dân Đồng Tâm. Ông Nguyễn Đức Chung ký giấy cam kết thực hiện 3 điều theo nguyện vọng của người dân ở đây, bao gồm: trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo đoàn thanh tra đất đai ở Đồng Tâm và thông báo kết quả sau 45 ngày, không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm, tiến hành xác minh và xử lý vụ việc bắt và gây thương tích cho cụ Lê Đình Kình.

Mục đích của họ là bịt đầu mối và thủ tiêu tôi. Bởi vì tôi là người đứng đầu ký tên trong đơn tố cáo, khiếu nại việc này.
– Cụ Lê Đình Kình

Bản cam kết được thiết lập trước sự chứng kiến của dân chúng Đồng Tâm, chính quyền địa phương, ba Đại biểu Quốc Quốc hội Đỗ Văn Đương, Dương Trung Quốc và Lưu Bình Nhưỡng và luật sư đại diện của bà con xã Đồng Tâm với tư cách làm chứng. Cụ Kình nói:

“Có một điều là từ trước đến nay chưa từng có Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã lại được ký xác nhận chữ ký của đồng chí Chủ tịch thành phố.”

Tuy nhiên sau quyết định khởi tố của công an Hà Nội vào hôm 13 tháng 6 đã có nhiều lo ngại cho rằng Chủ tịch Hà nội đã bội ước và người dân Đồng Tâm có thể mất lòng tin vào chính quyền.

Thế nhưng, trong đoạn video mới nhất, cụ Kình khẳng định rằng dân chúng Đồng Tâm vẫn luôn tin vào thiện chí của ông Nguyễn Đức Chung, đồng thời cũng cảm thông cho việc ông Nguyễn Đức Chung không giữ được cam kết “không truy tố” người dân Đồng Tâm trong vụ việc bắt giữ người hồi đầu tháng 4 vì theo họ có thể một cá nhân ông không đủ thẩm quyền để quyết định.

Và với thông báo của Chính quyền Hà Nội kéo dài thời gian thanh tra 59 héc-ta đất nông nghiệp đến ngày 23/7 thay vì thời hạn công bố vào ngày 23/6, theo như cam kết của ông Nguyễn Đức Chung, cụ Kình xác nhận người dân Đồng Tâm tin tưởng vụ việc Đồng Tâm sẽ được thanh tra tận tường và giải quyết một cách công minh.

Dân oan ở Dương Nội, anh Trịnh Bá Phương, lên tiếng với RFA sau khi nghe chia sẻ của cụ Lê Đình Kình, người đại diện của bà con xã Đồng Tâm:

“Lực lượng Cơ động của Hà Nội đã về để đàn áp người dân và cả người trong Quân đội cùng Công an huyện Mỹ Đức đánh cụ Kình gãy xương đùi. Những đối tượng đó mới là những kẻ vi phạm pháp luật và những kẻ đó cần phải được đưa ra để khởi tố thì mới đảm bảo được công bằng.”

Một nhóm luật sư hỗ trợ cho người dân xã Đồng Tâm hôm 19 tháng 6 công bố Kiến nghị số 01 với Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Chánh Thanh tra thành phố Hà Nội đề nghị cùng hợp tác nhằm giải quyết khiếu nại đất đai ở Đồng Tâm theo đúng pháp luật để bà con nơi đây được nhanh chóng ổn định cuộc sống.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here