Dân Biểu Alan Lowenthal cùng 6 Dân Biểu gửi thư kêu gọi Đài Loan hỗ trợ công dân Việt Nam khởi kiện Formosa

1
5

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Dân Biểu Alan Lowenthal cùng 6 Dân Biểu gửi thư kêu gọi Đài Loan hỗ trợ công dân Việt Nam khởi kiện Formosa

(Little Saigon, Nam Cali) – Cuối tuần vừa qua, Dân Biểu Liên Bang Alan Lowenthal đã dẫn đầu một lá thư từ nhiều vị Dân Biểu Quốc Hội Hoa Kỳ gửi chính quyền Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) gồm Bộ Trưởng và Phát Ngôn Nhân nội các La Bỉnh Thành (Lo Ping-cheng), Bộ Trưởng Ngoại Giao Ngô Chiêu Nhiếp (Jaushieh Joseph Wu), Bộ Trưởng Kinh Tế Vương Mỹ Hoa (Mei-Hua Wang), Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Quyền Quốc Gia Trần Cúc (Chen Chu), và Đại sứ Đài Loan tại Hoa Kỳ Tiêu Mỹ Cầm (Bi-khim Hsiao), kêu gọi chính quyền Đài Loan quan tâm và hỗ trợ những công dân Việt Nam làn nạn nhân thảm họa môi trường Formosa đang nỗ lực tìm công lý và khởi kiện tập đoàn Formosa tại tòa án Đài Loan.  

Lá thư do ba vị Dân Biểu đồng chủ tịch Ủy Ban Quốc Hội về Việt Nam (Congressional Caucus on Vietnam) là Dân Biểu Alan Lowenthal (CA-47), Dân Biểu Chris Smith (NJ-4), và Dân Biểu Zoe Lofgren (CA-19) dẫn đầu và các vị Dân Biểu đồng ký tên gồm có Lou Correa (CA-46), Katie Porter (CA-45), Gerald Connolly (VA-11), và Ro Khanna (CA-17).

Năm 2016, Công ty Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã gây nên thảm họa môi trường lớn nhất từ trước đến nay khi nước thải xả ra từ công ty này đã dẫn đến nhiều vụ cá chết hàng loạt, dạt trắng khắp bờ biển Vũng Áng và lan rộng đến bờ biển của bốn tỉnh Miền Trung Việt Nam, gây thiệt hại tài sản và thu nhập lâu dài của người dân.  Cho đến nay, môi trường biển Miền Trung chưa hoàn toàn hồi phục và rất nhiều nạn nhân thảm họa Formosa chưa nhận được bồi thường hoặc số tiền nhận được không thỏa đáng so với thiệt hại. 

Qua sự hỗ trợ của nhiều hội đoàn như Hội Công Lý Cho Nạn Nhân Formosa, đã có 7,874 nạn nhân nộp đơn kiện Formosa tại tòa án Đài Loan vào tháng 6 năm 2019.  Ban đầu các đơn kiện đã bị tòa bác cho đến khi có sự can thiệp của Tối Cao Pháp Viện Đài Loan vào tháng 10 năm 2020, cho phép các nạn nhân là công dân nước ngoài có thể khởi kiện pháp lý tại Đài Loan nếu họ không thể tiến hành khởi kiện tại chính đất nước của họ.  Tuy nhiên, Tối Cao Pháp Viện Đài Loan cũng đòi hỏi các nạn nhân là công dân Việt Nam phải có giấy tờ ủy quyền được các cơ quan thẩm quyền Việt Nam, bao gồm Cục An Ninh Bộ Công An Việt Nam chấp thuận trước khi nộp đơn đến Văn Phòng Kinh Tế và Văn Hóa Đài Bắc tại Hà Nội hay Sài Gòn.

Trong lá thư gửi chính quyền Đài Loan, các vị Dân Biểu đã nói: “Trong khi chúng tôi rất tôn trọng sự độc lập của hệ thống dân chủ và tư pháp Đài Loan, chúng tôi muốn nêu lên vấn đề trên thực tế phán quyết của tòa án Đài Loan tạo ra những trở ngại không thể vượt qua cho các nạn nhân là nguyên đơn đang tìm công lý thông qua hệ thống pháp lý Đài Loan.”  Các Dân Biểu cũng nói thêm: “chính quyền Việt Nam đã thất bại trong việc giải quyết thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử nước này; vì vậy không thể tin tưởng rằng họ có thể tôn trọng quyền người dân Việt Nam đi tìm công lý.  Nhiều nạn nhân và gia đình của họ sẽ đối mặt với sự quấy rối, trả thù và bắt bớ từ chính quyền Việt Nam nếu họ nộp đơn xin ủy quyền để tìm giải pháp pháp lý tại tòa án Đài Loan.”

Lá thư cũng nhắc đến sự việc nhiều gia đình người dân Việt Nam khi khởi kiện Công ty Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh tại tòa án Việt Nam, các đơn kiện đã bị bác và nhiều gia đình nạn nhân đã bị bắt bớ, đánh đập dã man, và thậm chí bị tuyên án từ 5 đến 20 năm tù.  Hiện nay có trên 20 nạn nhân đang còn thọ án tù chỉ vì họ đi tìm công lý.

Kết thúc lá thư, các vị Dân Biểu Hoa Kỳ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Mỹ – Đài Loan và các giá trị nền tảng của hai nước như dân chủ, nhân quyền, và pháp trị.  Các Dân Biểu yêu cầu Bộ Ngoại Giao và chính quyền Đài Loan can thiệp và làm tất cả những gì pháp luật cho phép để hỗ trợ công dân Việt Nam là nạn nhân thảm họa Formosa tìm công lý tại tòa án Đài Loan cũng như đòi hỏi tập đoàn công ty Formosa phải chịu trách nhiệm cho thảm họa môi trường này.

Đính kèm là bản sao lá thư các vị Dân Biểu Hoa Kỳ gửi chính quyền Đài Loan.