Đại biểu Quốc hội, các anh chị hãy trả lời đi.

0
970
Quốc hội Việt Nam!

60 triệu người Việt đang sống bằng nghề nông nghiệp. Trong mỗi chúng ta ở đây, ai cũng có ít nhiều liên quan đến những người nông dân chân lấm tay bùn. Tôi sinh ra bên những mảnh ruộng khô cằn. Còn các anh chị đang ăn bát cơm trắng từ những giọt mồ hôi mặn đắng của những người nông dân nghèo khổ. Vì sao tôi nói nghèo khổ, vì nông dân mình bao đời nay vẫn thế, chưa ráo mồ hôi đã hết tiền.

Gần 60.000 tỉ đồng là thiệt hại của ngành nông nghiệp mỗi năm vì phân bón giả. Những kẻ bất lương sản xuất phân bón giả, kém chất lượng làm ảnh hưởng đến cây trồng, nhẹ thì giảm năng suất, nặng thì chết cây, và lâu dài thì đất đai cằn cỗi, chúng đã gián tiếp cướp mất bữa cơm có thịt của người nông dân, cướp mất cơ hội được ở một mái nhà đủ che mưa tránh nắng, cướp mất cơ hội cho những đứa trẻ được đến trường, được vào đại học… Không biết bao nhiêu thân phận đã vì nghèo mà phải sống một cuộc đời lem nhem, nhếch nhác, vì họ không thể nào bước ra khỏi luỹ tre làng.

Các anh chị và tôi ngồi đây, chúng ta đã lên tiếng cho vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng. Nhưng lẽ nào, chỉ những con người nhỏ bé như chúng ta cất lên tiếng nói?

Vì sao?

Hãy nhìn câu chuyện phân bón giả ở Công ty Thuận Phong (Đồng Nai) để thấy, chừng nào công lý chưa được thực thi, chừng nào hành vi sản xuất phân bón giả theo kết luận của hàng loạt bộ ngành vẫn chưa được xử lý đúng người, đúng tội, chừng nào Đồng Nai còn cố bảo vệ, thì chừng đó vấn nạn phân bón giả vẫn tiếp tục hoành hành, những kẻ bất lương khác sẽ vẫn ăn chặn mồ hôi nước mắt của những người khốn khổ.

Đó là chưa kể, câu chuyện ở Công ty Thuận Phong không chỉ là câu chuyện ở một doanh nghiệp phân bón, mà nó là án lệ cho ngành này. Nếu không khởi tố hình sự thì đây là nỗi nhục của ngành tư pháp Việt Nam.

Quốc hội đang họp. Ở đó người ta bàn những chuyện quốc gia đại sự. Nhưng tại sao một vụ việc như sự bất thường trong xử lý vi phạm ở Công ty Thuận Phong và vấn nạn phân bón giả lại không được đem ra mổ xẻ. Tôi nhớ năm 2016, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đã từng chất vấn mạnh mẽ về vấn nạn phân bón giả nhìn từ câu chuyện Thuận Phong.

Quốc hội với 500 con người ngồi đó, các anh chị đang làm gì, đang cất lên tiếng nói cho ai, vì ai? Một vấn nạn liên quan đến cuộc sống của hơn 60 triệu con người, tại sao trong nghị trường chỉ có vài người lên tiếng? Trong kì họp này, liệu có ai còn nhớ nữa không?

Đại biểu Quốc hội, các anh chị hãy trả lời đi.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here