ĐÀ LẠT DU KÝ 4.

0
110
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa và TS Hà Sĩ Phu

Nguyễn Xuân Nghĩa cùng với Giaquoc Nguyen 

Căn nhà nhỏ số 112-đường Phạm Ngọc Thạch – Tp Đà Lạt là một căn nhà không đặc biệt. Tuy nhiên ai đó nhìn vào nó mà nói câu ” Bần cư trung thị vô nhân vấn…” là sai. Bề ngoài và trong căn nhà không biểu hiện cái “phú”. Đối lập với Phú là Bần. Căn nhà Bần, nhưng hữu khách tầm, đa khách tầm, thì nó lại là căn nhà đặc biệt, khác hẳn góc nhìn ban đầu.

Mặc dù bị ngăn chặn nhưng nhiều người bình dân và nhiều nhân vật quan trọng đã đến đây. Loại thứ 1 đến vì mến mộ, yêu kính chủ nhân của ngôi nhà. Loại người này bị ngăn chặn nhiều vòng, nhiều lớp và nhiều cách. Loại thứ 2-ta gọi là Nhân vật quan trọng để phóng sinh tinh thần lịch lãm. Họ đến hoặc vì lo sợ hoặc vì căm ghét chủ nhân ngôi nhà. Loại người này được đến tự do, được khuyến khích đến. Ở đây ta chỉ nói về loại người thứ 2.

Họ đến trên tinh thần cởi mở và đề nghị chủ nhân ngôi nhà cũng cởi mở trong đối thoại như họ. Họ nghe chủ nhân ngôi nhà cởi mở hết những suy tư, ước vọng, đề nghị rồi ra về. Đừng nghĩ họ về mà không làm gì. Về đến công sở họ lệnh cho cấp dưới, cấp dưới lệnh cho cấp dưới nữa, cấp dưới nữa lệnh cho cấp dưới tiếp bao vây căn nhà chặt hơn nữa, bám theo chủ nhân ngôi nhà sát hơn nữa, tìm cơ hội đụng xe vào chủ nhân ngôi nhà, cuối cùng bắt chủ nhân ngôi nhà vào tù…

Chuyện đó đã từng xảy ra 2, 3 năm trở về trước. Vài năm nay họ đã nới lỏng. Chủ nhân căn nhà đã ngoài 80 tuổi. Sau 1 lần đi tù, một lần bị đụng xe gãy chân, gần đây là đột quỵ , sức khỏe chủ nhân căn nhà đã xuống cấp trầm trọng… vả lại những tư tưởng của ông ông đã viết ra, đã nói hết ra cho họ biết, cho bàn dân thiên hạ biết, cho thế giới biết. Ông không còn giữ lại gì. Bao vây, đụng xe, bắt đi tù lần nữa cũng vô hiệu.

Chủ nhân căn nhà là Ts Hà Sĩ Phu, tên thật là Nguyễn Xuân Tụ, tác giả của hai tác phẩm triết học – “Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ “ và “Chia tay ý thức hệ”. – vạch ra con đường để quốc gia đi đến dân chủ và thịnh vượng, hòa nhập vào trào lưu nhân loại.  

Như tôi đã tâm sự ở bài trước. “Tôi có cơ duyên với Ts Hà Sĩ Phu từ những năm đầu thập niên 2000. Những năm đó đã nhiều lần tôi ao ước vào thăm ông, tuy vậy lần nào cũng phải hoãn. Hoãn vì bị ngăn chặn, vì khoảng cách địa lý và bị tù. 

Lần này, biết ông đã từ Sài Gòn về Đà Lạt dưỡng bệnh, hai vợ chồng quyết định vào” .

Vợ chồng tôi đã vào căn nhà đặc biệt như tôi đã điểm qua ở phần đầu bài viết vào chiều ngày 11/9 và trở lại, dùng cơm trưa cùng ông và phu nhân Lâm Ái vào  trưa ngày 12/9. Ông và phu nhân Lâm Ái đón tiếp chúng tôi niềm nở, thân ái như người nhà. Sau 2 tháng luyện tập dưới sự nhắc nhở, động viên của bà Lâm Ái, ông đi lại đã gần như bình thường, trí tuệ đã điều khiển được ngôn ngữ, âm thanh, cánh tay phải đã cầm được thìa, đũa khi ăn tuy chưa chính xác. Chúng tôi mừng cho ông. Tuy nhiên, với ông như thế chưa đủ. Cánh tay, ngón tay ông vẫn chưa gõ được bàn phím máy latop để giải tỏa những suy tư đang dồn nén trong đầu, thứ mà ai cũng nghĩ nó đã được khai thác cạn kiệt. Ông đau khổ vì cánh tay bất lực của ông, nổi khùng lên vì nó và khóc như một đứa trẻ không được rong chơi vì nó…

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here