ĐÀ LẠT DU KÝ 3

0
33

Nguyễn Xuân Nghĩa cùng với Tụ Tinh Thần 

Sau ngày nghe tin tiến sĩ Hà Sĩ Phu đột quỵ tôi và vợ quyết định vào Đà Lạt thăm ông, kết hợp với việc thăm cặp đôi nhà thơ Hải Phòng vào Đà Lạt ẩn cư là Dư Thị Hoàn & Trịnh Hoài Giang và nhà thơ Bùi Minh Quốc.

 Tôi có cơ duyên với Ts Hà Sĩ Phu từ những năm đầu thập niên 2000. Những năm đó đã nhiều lần tôi ao ước vào thăm ông, tuy vậy lần nào cũng phải hoãn. Hoãn vì bị ngăn chặn, vì khoảng cách địa lý và bị tù. 

Lần này, biết ông đã từ Sài Gòn về Đà Lạt dưỡng bệnh, hai vợ chồng quyết định vào.

Ngày 9/9 (Trước ngày đi 1 ngày) nhà thơ Dư Thị Hoàn chat trong mess. 

“Tuần trước, chương trình của anh chị là xuống Sài Gòn đúng ngày mai (ngày hai vợ chồng tôi vào) nhưng vì biết vợ chồng Nghĩa vào thăm nên trong này lùi chuyến đi Sài Gòn 2 ngày. Bởi vậy vợ chồng Nghĩa vào nhà bọn mình trước, vào anh Hà Sĩ Phu, anh Bùi Minh Quốc sau, để Hoàn và anh Giang còn xuống Sài Gòn.”

Chị dặn vợ chồng tôi không phải mang theo áo ấm phòng lạnh làm gì cho cồng kềnh. Trong này anh chị có nhiều. Chị cho số máy hãng taxi uy tín để di chuyển từ sân bay về nhà chị ở nội thành Đà Lạt. 

Tất nhiên, vợ chồng tôi nghe theo kịch bản thời gian hợp lý của chị Hoàn.

Chiều tối ngày 10/9, vợ chồng tôi đến tư gia của anh chị Hoàn & Giang tại một con hẻm khá dốc ở đường Nguyễn Đình Quân lúc trời bắt đầu mưa phùn. Ra khỏi taxi, chúng tôi được cảm nhận cái lạnh mùa thu của Đà Lạt giống cái lạnh đầu đông ngoài Bắc.. 

Nhà thơ Dư Thị Hoàn đã 76 tuổi. Chị là người Việt gốc Hoa, hậu duệ của dòng họ Vương gia cao sang trên cao nguyên Hoàng Thổ. Cao nguyên Hoàng Thổ chiếm phần lớn các tỉnh Sơn Tây, Thiểm Tây, và nhiều phần của Cam Túc, Ninh Hạ, và Nội Mông theo địa chính hiện đại, là vùng đất cổ và giữ dằn trong lịch sử Trung Quốc. Tên, họ gốc của chị là Vương Oanh Nhi. Cái tên họ Vương Oanh Nhi khiến cuộc sống của chị bị bầm dập một thời gian dài trong quá khứ dù chị đã chắc rễ trên đất Việt, kết hôn với một nhà thơ người Việt.

Cuộc hôn nhân của chị với người đàn ông Việt đồng nghĩa với cuộc hôn nhân của chị với văn học nước Việt. Thời tiền hôn nhân của hai người, chị học cấp 3 trường Kiều Trung, một trường dành cho nữ sinh Hoa kiều ở Hải Phòng. Anh là giáo viên dạy văn của trường. Chị mê mẩn những bài giảng môn văn Việt của thầy giáo người Việt, trong đó có Truyện Kiều của tác giả Nguyễn Du, tác phẩm trường ca lấy tích từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh tâm tài nhân (tên thật là Từ Văn Trường) đồng hương Trung Hoa của chị. Hòa trộn trong tâm hồn chị giữa không gian Trung Hoa cổ và văn học Việt bởi những áng thơ lục bát Việt  “ Thanh Minh trong tiết tháng Ba/ Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”, “ Thâm nghiêm kín cống cao tường/ Tuyệt dòng lá thắm dứt đường chim xanh”.  

Thời còn làm thơ, chị có những bài thơ rất mới, rất lạ và rất mạnh.Tỉ như bài Tan vỡ

Tất cả rồi sẽ qua đi, qua đi

Chúng mình sẽ thành vợ thành chồng. 

Nếu không có một lần

Một lần như đêm nay

Sau phút giây êm đềm trên ghế đá

Anh không cài lại khuy áo ngực cho em. 

Dáng người chị nhỏ nhắn, cử động nhanh nhẹn, hoạt bát; chị luôn chân, luôn tay, lúc lau bàn, lúc lau nhà, lúc tưới cây hoặc ngắt một lá cây cảnh đã héo vàng, chị tỉ mẩn, cẩn trọng và tinh tế, khiến người quan sát nhận biết chị không có thời gian nhàn rỗi. 

Bữa tối kết thúc mở ra thời gian cho những câu chuyện giữa chúng tôi không còn bị chia cắt bởi các công việc của gia chủ. Nhà thơ Trịnh Hoài Giang, đang bước sang tuổi 85. Đã nhiều lần tôi được hầu chuyện ông. Tôi chưa nghe một ai nói chuyện có duyên như ông. Uyên và thâm, sôi sục và sâu sắc với các ngôn từ lúc dịu như nước, lúc bùng lên như lửa. Đôi lúc nhà thơ không nề hà sử dụng các ngôn từ khá thô do thôi thúc của cảm xúc. Đề tài bàn luận của ông không chỉ hạn hẹp trong văn chương, nghệ thuật. Nhà thơ họ Trịnh có một bài thơ tặng vợ rất hay, nhiều đôi tình nhân lấy bài thơ để vượt qua thử thách:

CÁNH BUỒM

( Tặng Dư Thị Hoàn)

Trên bàn là trang giấy

Gió ào qua lan can

Cây xà cừ run rẩy 

Gió lao xao mặt đường

Nỗi khổ lớn như biển

Em là con thuyền con

Cứ bồng bềnh như thế

Cánh buồm ơi cánh buồm

Có phải nỗi cô đơn

Hay là niềm hy vọng

Con vạc nào kêu đêm

Thắp lên vài giọt sáng

Rồi lẫn vào im lặng

Gió ào qua lan can

Đột nhiên trang giấy trắng

Bay lên một cánh buồm

Cánh buồm gần như thể

Ôm được trong vòng tay

Cánh buồm xa đến nỗi

Một chấm từ chân mây

Nỗi khổ lớn như biển

Tan đi dưới mạn thuyền

Chỉ còn bài thơ ấy

Gõ sáng vào bóng đêm

Tôi có một kỉ niệm không thể quên với nhà thơ họ Trịnh. Lần nọ tôi trích dẫn một khổ bài thơ trên vào một truyện ngắn của tôi. Tôi ghi rõ “ Trích thơ Trịnh Hoài Giang “. Khi báo Văn nghệ  in ra bỗng thành: “Trích thơ của … người khác”. Nhà thơ họ Trịnh phản ứng: “Dù thơ tớ là hoa cứt lợn, nhưng đã trích dẫn thì phải đúng tên tác giả. Cậu nhầm tên tác giả là nguy hại cho nhà thơ nọ vô cùng. Người đọc không nghĩ cậu nhầm. Người đọc nghĩ nhà thơ nọ đạo văn của tớ”.

Sự cố văn chương dù nho nhỏ trên chứng minh nhân cách lớn của nhà thơ họ Trịnh. Ông phản ứng  không phải vì bản quyền. Ông phản ứng vì sợ bạn đọc hiểu nhầm nhà thơ nọ đạo thơ của ông. Sự cố trên khiến tôi quý trọng ông hơn trước.

 Khi tôi ra tù ( tôi bị tù 6 năm vì chính trị), ông cùng phu nhân và nhà thơ Phạm Xuân Trường là ba người sớm nhất và cũng là duy nhất trong giới văn chương đến nhà úy lạo tôi vào thời điểm nhạy cảm nhất.

Chúng tôi dừng câu chuyện. Đã quá giờ phải ngủ  của tất cả. Vợ chồng tôi lên tầng trên.Tôi ngắm nhìn phòng ngủ chủ nhà bố trí cho khách. Phòng ngủ sang trọng. Sang trọng không phải vì đồ đạc sang trọng mà vì phong cách tạo cho một vật, dù bình thường cũng trở nên sang trọng.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here