CREDIT SUISSE & HƠN THẾ NỮA…

1
66

Lý Xuân Hải

(Bài viết không để tư vấn đầu tư, kêu gọi mua hay bán chứng khoán hàng hoá bất động sản. Chỉ là câu chuyện vỉa hè, các thông tin, nhận định cá nhân viết cho bản thân. Các bạn FB đọc cho vui thôi. Để đầu tư hãy nghiên cứu và tự quyết định cũng như tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình).

1.

Credit Suisse (CS) là ngân hàng Thuỵ Sỹ toàn cầu mang tính hệ thống: rủi ro của nó là rủi ro hệ thống ngân hàng – toàn cầu, tất nhiên.

Mấy ngày hôm nay CS đang gặp khó khăn. Giới đầu tư lo ngại hiện tượng đá lở sụp đổ dây chuyền.

Tôi để ý theo dõi và có đôi dịp hợp tác cùng CS từ lâu. Ngân hàng Đầu tư (NHĐT) này hoạt động khá mạnh mẽ ở Việt Nam và có công thu xếp được nhiều phi vụ đình đám. CS đầu tư mạnh tay, sản phẩm phong phú, đội ngũ kinh doanh rất “cá mập” và đeo bám, chấp nhận “Rủi ro cao, Lợi nhuận cao” nên tham gia nhiểu deals khá mong manh cấu trúc phức tạp. Hoạt động Quản lý Tài sản (Wealth Management) rất mạnh, có lẽ nhất thế giới.

Sự việc bắt đầu gây ấn tượng với tôi là vụ việc giữa Tidjane Thiam – CEO của CS từ 2015-2020 và Iqbal Khan – GĐ mảng Quản lý Tài sản của CS. Hai người cùng là dân nhập cư nhưng rất khác nhau về địa vị gia đình.

Khan sinh ra ở Pakistan ở một gia đình trung lưu, đến châu Âu năm 12 tuổi và năm 31 tuổi trở thành Partner trẻ nhất của Ernst & Young Thuỵ Sỹ. Khan gia nhập CS năm 2013 và trở thành một trong những ngôi sao: từ năm 2016 đến 2018 Khan huy động được thêm $46 tỷ tài sản mới và lợi nhuận ròng tăng 80%.

Thiam sinh ra ở Bờ Biển Ngà trong một trong những gia đình danh gia vọng tộc:  mẹ là cháu của người sáng lập Bờ Biển Ngà độc ​​lập và là người lãnh đạo đất nước trong 30 năm, cha là một thành viên của chính phủ, chú là người đứng đầu Quốc hội. Thiam đã từng làm bộ trưởng tại quê nhà, sau đó là lãnh đạo một số công ty bảo hiểm lớn ở Pháp và Anh.

Họ rất thân nhau. Thiam đã từng có ý định dắt ngôi sao đang lên Khan ngồi vào ghế của mình. Tham vọng và tính cách thủ lĩnh của Khan vì thế lớn lên cũng nhanh, nhanh đến mức Khan đã tưởng mình đang ngồi ở vị trí của Thiam rồi. Thế là mâu thuẫn sâu sắc. Như kho thuốc súng chỉ cần tia lửa nhỏ là bùng. Tia lửa lãng xẹt: bởi hai phụ nữ.

Số là năm 2017 Khan mua nhà cạnh Thiam ven hồ Gold Coast là vị trí sang trọng và đắt bậc nhất Thuỵ Sỹ. Vợ Khan trồng cây che khuất tầm nhìn ra hồ của nhà Thiam. Trong một buổi ăn tối tại nhà Thiam tháng 1/2019 vợ Khan và bạn gái Thiam cãi cọ to tiếng về việc này. Kết quả là hai gã đàn ông lao vào đánh nhau tay bo. 

Sự việc được nêu ra thảo luận ở cấp HĐQT của CS. Không còn gì để làm chung. Khan buộc phải ra đi thật nhanh theo thủ tục rút gọn: Có 6 tháng bàn giao để nghỉ từ 1/7/2019. Sau 3 tháng Khan có thể đi làm ở nơi khác. Đó là quyết định nóng vội và sai lầm của CS.

Ngay lập tức Khan được ngân hàng đối thủ UBS mời làm việc (Link 1).

Cần phải nói thông thường cần 12 tháng cho những lãnh đạo cấp cao như Khan bàn giao. Trong 12 tháng ấy người ra đi không làm việc vẫn hưởng lương và không tiếp cận hồ sơ, khách hàng hay thông tin mới để bảo mật và tránh rò rỉ thông tin chiến lược cập nhật, đồng thời không mời chào nhân viên khác của tổ chức đi theo.

Đầu tháng 9/2019 Khan nhận thấy mình bị 3 người theo dõi. Đã có va chạm của Khan với 3 người này. Khan báo cảnh sát. Cảnh sát lập tức khởi tố, bắt giữ cả ba. Té ra đó là các thám tử tư từ văn phòng Investigo do CS thuê. CS thừa nhận đã thuê thám tử giám sát Khan để xác định những người Khan gặp vì sợ Khan dụ dỗ nhân viên giỏi của CS đến UBS và tránh rò rỉ thông tin nhạy cảm cho đối thủ cạnh tranh.

Vụ bê bối bùng nổ xôn xao toàn bộ Thuỵ Sỹ. Phần lớn cho rằng hành vi đó là không xứng đáng với một ngân hàng lớn của Thụy Sĩ. 

Một cuộc điều tra độc lập được thực hiện đã không tìm ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Thiam biết về việc này mà COO của CS là Pierre-Olivier Bouée tự mình thực hiện. Tháng 1/10/2019 Buée nộp đơn từ chức (Link 2).

Điều tồi tệ hơn xảy ra: vào ngày tuyên bố từ chức của Buée, người trung gian giấu tên (viết tắt là T.) giúp CS thuê thám tử đã tự tử không rõ lý do (Link 3).

Tháng 2/2020 đến lượt Thiam từ chức dù được các cổ đông ủng hộ.

Sự việc này đã làm hoen ố phần nào tên tuổi Credit Suisse. Hệ thống ngân hàng Thuỵ Sỹ vốn khép kín cũng rúng động.

Tuy sự việc dường như đã kết thúc ở đó nhưng dư âm của nó cùng với nhiều vụ bê bối khác của CS đã ảnh hưởng rất xấu đến NHĐT này.

Đầu năm 2021, CS là trung tâm của hai vụ việc lớn cùng một lúc. Đầu tiên là vụ phá sản của công ty khởi nghiệp Fintech Bao thanh toán Greensill, nơi CS đầu tư $10 tỷ bằng tiền của khách hàng (Link 4). Tiếp theo là sự sụp đổ của quỹ đầu cơ Archegos, khiến CS lỗ ròng $5,5 tỷ (Link 5).

Rồi CS bị phạt vì rửa tiền cho các quan chức Mozambique ((Link 6) và trùm cocaine Bulgaria (Link 7), Chủ tịch HĐQT từ chức do vi phạm quy định cách ly Covid (Link 8 ). Tháng 2/2022 một nhóm các nhà báo điều tra với vụ Hồ sơ Panama nổi tiếng OCCRP đã công bố một lượng lớn các tài liệu nội bộ của CS tiết lộ các cơ chế tạo điều kiện và rửa tiền cho các nhà độc tài, tội phạm và quan chức tham nhũng tại CS (Link 9).

Vì lý do đó từ đầu năm 2021 đến nay mức vốn hóa của CS đã giảm cỡ ba lần và hiện chỉ còn hơn $10 tỷ.

Dầu được đổ vào lửa khi ngày thứ Sáu vừa qua 30/09 Ulrich Körner, CEO hiện tại của CS, gửi một bức thư trấn an cho nhân viên. Trong thư ông khuyên nhân viên không nên chú ý quá nhiều đến biến động hàng ngày của cổ phiếu CS cũng như thông tin truyền thông, rằng ngân hàng đang hoạt động tốt mạnh về thanh khoản và vốn. Kêu gọi nhân viên “phải kỷ luật hơn bao giờ hết” vì những tuần tới sẽ rất quan trọng: ngày 27/10 này Credit Suisse sẽ công bố một kế hoạch tái cơ cấu để thoát khỏi cuộc khủng hoảng.

Bức thư đã gây tác dụng ngược bởi hiệu ứng Streisand (hiện tượng càng nỗ lực chặn, xóa thông tin nhất định khỏi quyền truy cập của công chúng lại dẫn đến việc thông tin lan truyền rộng rãi hơn). 

Người ta liên tưởng đến Lehman Brothers năm 2008 khi ông chủ cũng gửi bức thư tương tự cho nhân viên. Sự hoảng loạn theo kiểu “Chúng ta có thể đang chứng kiến một Lehman Brothers mới xuất hiện” đã gây phản ứng dữ dội.

Thứ Hai 03/10, sau khi mở cửa giao dịch cổ phiếu của CS bị bán tháo và lập tức giảm 12%. Các khoản CDS tăng giá nhiều lần: đã tăng thêm 105 điểm và chào bán ở mức 355 điểm. Báo giá CDS của các ngân hàng vào buổi sáng thứ Hai đã chính thức thể hiện 23% khả năng CS vỡ nợ trong 5 năm tới – mức cao bất thường đối với một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới.

Đến tối thứ Hai cơn hoảng loạn đã giảm bớt phần nào sau khi các báo cáo từ các nhà phân tích có uy tín tại một số NHĐT được phát hành với các nhận định trấn an rằng về cơ bản, Credit Suisse hoàn toàn không ở bên bờ vực phá sản, bức tranh tài chính của CS không hề tệ như Lehman Brothers năm 2008, và tốt hơn đáng kể so với Deutsche Bank năm 2015-2016. 

Cụ thể (Link 10): 

– TTS $733 tỷ, tiền mặt và tiền gửi đến hạn từ các ngân hàng $160 tỷ, $102 tỷ là đầu tư ngắn hạn.

– Các nhà phân tích của JPMorgan cho rằng vốn và thanh khoản của Credit Suisse là “lành mạnh”.

– Các nhà phân tích của Deutsche Bank ước tính CS cần gọi thêm vốn khoảng $4 tỷ để thực hiện tái cơ cấu thành công.

Nói chung các nhà phân tích cho rằng ban lãnh đạo CS có khả năng dẫn dắt ngân hàng vượt qua khủng hoảng.

Kết quả cuối phiên giao dịch ngày 3/09, cổ phiếu của CS đã tăng trở lại ở mức cuối ngày thứ Sáu.

Nhưng rõ ràng cuộc khủng hoảng ở Credit Suisse, vốn đã âm ỉ trong vài năm, không thể giải quyết được chỉ bằng các báo cáo xoa dịu của các nhà phân tích. Nó chỉ tạm dịu lại mà thôi.

Vào ngày 27/10 này, ban lãnh đạo Credit Suisse sẽ trình bày kế hoạch tái cấu trúc hoạt động của CS, bao gồm cắt giảm chi phí và nhân viên, bán một số tài sản và cải tổ hoạt động kinh doanh ngân hàng đầu tư bị thua lỗ.

Có lẽ còn sớm để kết thúc câu chuyện với Credit Suisse và quá vội để kết luận CS là Lehman Brothers thứ hai. 

Vấn đề nằm ở chỗ khác: việc bùng phát khủng hoảng vào lúc này mà không phải trước đó chỉ ra những vấn đề không chỉ ở CS mà ở cả hệ thống.

(2019-2022)

2.

Vấn đề hệ thống sinh ra bởi đồng tiền dễ dãi!

a. Thời đại tiền tệ dễ dãi đã tạo ra những cơ hội làm ăn thành công với rủi ro rất cao. Việc các NHTW đột ngột chuyển sang chính sách tiền tệ thắt chặt, tiền trở nên khó khăn hơn, trong bối cảnh dự báo suy thoái gần như không thể tránh khỏi ở châu Âu và Mỹ đã tạo cơn sốc mạnh đối với một thị trường quen sống trong điều kiện tiền tệ dễ dãi, giá rẻ. 

Tiền nhiều thế cái gì chả lạm phát: hàng hoá, dịch vụ, cổ phiếu, start up, BĐS và cả lòng tham. Lạm phát hàng hoá dịch vụ thì lo nhưng lạm phát giá cổ phiếu và BĐS – hiện tượng phổ biến khi bơm tiền – thì sướng, thì vui: kinh doanh cổ phiếu và BĐS kiểu gì cũng lãi, ai cũng thiên tài kinh doanh vì sóng tiền sau đè sóng tiền trước, che hết rủi ro (Link 11)

b. Phản ứng của thị trường chỉ ra rằng giới đầu tư không còn chỉ lo sợ về chính sách tiền tệ thắt chặt hay các sai sót của các NHTW hay lạm phát kèm nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, mà bắt đầu chuyển sang lo sợ về sức khỏe của chính thị trường trong điều kiện mới sau nhiều chục năm được nuôi dưỡng bởi đồng tiền dễ dãi.

c. Lạm phát là hiện tượng tiền tệ, nhưng không duy nhất mà còn là một hiện tượng tâm lý. Một thời gian dài lạm phát thấp đã ảnh hưởng đến các nguyên tắc ra quyết định của các nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao trong kỷ nguyên tiền tệ dễ dãi. Những rủi ro cao mà các nhà đầu tư trước đây sẵn sàng chấp nhận vì sợ bị mất lợi nhuận đang bị đánh giá lại, danh mục tương ứng bị cắt khỏi danh mục làm thị trường sụt giảm sâu hơn trong chu kỳ mới.

Đừng đổ tội cho các nhà phát hành: họ phát hành vì có nhiều người mua vô tội vạ. 

Cũng đừng đổ lỗi hết cho quản lý thị trường: họ in tiền dễ dãi vì không còn công cụ nào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Các nhà đầu tư chúng ta hãy cố nhìn lại mình: Thói quen xài đồng tiền dễ dãi ăn sâu đến đâu trong chúng ta rồi? Để đừng chui xuống hố lần 3. Hai lần rồi: hãy nhớ năm 2007 và lần này 2022.

3.

Làm gì?

Từ các đánh giá trong vài năm qua và các nhận định rất cá nhân trong bối cảnh lạm phát bất an, địa chính trị bất ổn như hiện nay không loại trừ vừa khủng hoảng kinh tế vừa khủng hoảng tài chính vừa khủng hoảng địa chính trị (khủng hoảng 3 trong 1), có thể tìm cách cơ cấu danh mục đầu tư bền vững và dẻo dai theo một số tiêu chí chủ quan:

a. Giảm đòn bẩy, trữ thanh khoản cho 2 năm – cẩn thận hơn là 3 năm – với các kịch bản Stress Test mạnh. Mạnh dạn cắt lỗ vì thanh khoản;

b. Chuyển một phần đáng kể đầu tư tài sản tài chính sang các tài sản thực hay gắn với tài sản thực: hàng hoá cơ sở và phái sinh hàng hoá, bất động sản hay quỹ BĐS và phái sinh của nó (nếu được phép);

c. Nếu đầu tư vào cổ phiếu hãy chọn các loại cổ phiếu có Pricing Power tức nó có thể chuyển gánh nặng tăng giá lên vai người tiêu dùng: sản xuất hàng hoá hay dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, ít đối thủ cạnh tranh và ít mặt hàng thay thế, giá trị gia tăng cao. Một cách “tán lực” xuống dưới.

d. Chọn cổ phiếu có P/E/G thấp (G: Growth) chứ không chỉ P/E. (G bình quân tối thiểu 5 năm).

e. Nếu cược lạm phát là ngắn hạn (dưới 12 tháng) có thể mua các loại cổ phiếu tăng trưởng cao;

f. Cần nghiên cứu đánh giá các lĩnh vực tăng trưởng và hiệu quả tốt của mọi nền kinh tế khi GDP per Capita tăng từ $2.500 đến $5.500. Nên nhớ GDP per Capita của Việt Nam chắc chắn sẽ đạt mức này 10-15 năm nữa dù điều gì có xảy ra chăng nữa. Bẫy thu nhập trung bình, nếu bị, chỉ xảy ra sau khi đạt con số này.

Tuy nhiên chỉ tập trung vừa đủ vào các yếu tố vĩ mô hay lĩnh vực ở trên, tập trung nhiều hơn vào hiệu quả hoạt động của chính doanh nghiệp, khả năng cạnh tranh và khả năng thích ứng với xu hướng số hóa và đáp ứng Green Transformation, ESG.

Cũng đừng cố bắt đáy – chỉ có thầy bói mới dám phán đáy ở đâu và Chúa Trời mới bắt đáy được. Chúng ta đều người phàm không là cả hai. 

Tính toán, lượng hoá chiến lược vào ra tiền và tuân thủ kỷ luật tài chính. Không lượng hoá được rủi ro và mức lợi nhuận chấp nhận được để vào ra thì tìm tư vấn chứ đừng đầu tư mù – thói quen của thời đại đồng tiền dễ dãi.

Khả năng khủng hoảng 3 trong 1 thấp nhưng không loại trừ: 30%. 

Kịch bản chính (69%) vẫn dự rằng nếu không xảy ra chiến tranh hạt nhân, khủng hoảng chỉ kéo dài khoảng 2 năm và sau đó vài năm đồng tiền dễ dãi sẽ quay trở lại. Tất cả sẽ lại vui vẻ.

https://www.reuters.com/article/brief-iqbal-khan-will-start-new-job-at-u/brief-iqbal-khan-will-start-new-job-at-ubs-on-oct-1-finanz-und-wirtschaft-idUSS8N26B01B

https://edition.cnn.com/2019/10/01/business/credit-suisse-coo-resigns-iqbal-khan/index.html

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here