Có nên giữ kín “nội dung làm việc” không?

0
8
Hình minh hoạ. Blogger Nguyễn Tường Thuỵ trong một lần trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do ở Washington DC vào năm 2014 RFA

Nguyễn Tường Thụy

Tại hầu hết các buổi “làm việc” ở đồn hay ở nhà, phía công an và an ninh (CA-AN) luôn căn dặn những người hoạt động không được tiết lộ nội dung làm việc cho người khác. Có khi còn hăm dọa: “Nếu để lộ ra sẽ không có lợi cho anh/chị”. Trong một số trường hợp, họ buộc người bị xách nhiễu phải ký bản thỏa thuận giữ kín nội dung làm việc.  

Đến cả gia đình những người hoạt động chưa vào tù, hay đã vào tù rồi, cũng nhận được các loại hăm dọa tương tự từ phía an ninh điều tra: “Không được tiết lộ với ai nội dung điều tra. Nếu không sẽ rất bất lợi cho chồng, cho con ông bà”.

Những người hoạt động xã hội dân sự (XHDS) dư biết hành động của mình hoàn toàn phù hợp với pháp luật nhưng cùng lúc những việc đó thường làm cho giới cầm quyền khó chịu. Họ khó chịu vì xã hội càng mạnh thì càng khó cho họ cai trị độc tài, độc đoán. Để đối phó, giới cầm quyền thường phải đạp lên luật pháp với các trò đàn áp, răn đe. 

Vậy giữ kín có lợi gì không? và lợi cho ai?

Hiển nhiên, giữ kín thì chắc chắn phía CA-AN có lợi. Chính vì thế họ mới dặn dò kỹ lưỡng và đặc biệt rất ngại bị quay phim, chụp ảnh, thu âm. Trong nhiều trường hợp không dám đưa cả bản sao biên bản, hay đọc rất to một bản quyết định “không có người ký”, v.v. Hai điểm lợi lớn nhất cho phía CA-AN là:

  • Họ biết rất nhiều việc họ đang làm là vi phạm từ hiến pháp, đến luật pháp, đến các ký kết nhân quyền quốc tế. Vì thế họ không muốn ai biết và đặc biệt không muốn ai có chứng cớ về việc họ làm.
  • Họ muốn các đòn phép hù họa, khủng bố tinh thần của họ tiếp tục có hiệu lực, tiếp tục tạo sợ hãi đối với những nạn nhân kế tiếp. Họ không muốn các vũ khí này bị nhàm đi nếu quá nhiều người biết trước khi họ ra tay.

Ngược lại, giữ kín chẳng đem lại lợi ích gì cho người đang “bị làm việc”, và cho giới hoạt động nói chung vì những lý do sau:

  • Im lặng, giấu diếm là vô tình đánh đồng những hành vi hợp pháp và những hành vi phạm pháp. Các việc chúng ta làm không có gì sai cả về lương tâm lẫn pháp luật trong khi các việc CA-AN làm vừa trái lương tâm vừa phạm pháp.

Hơn thế nữa, im lặng là vô tình khuyến khích CA-AN tiếp tục phạm pháp. Luật pháp có ghi rõ các qui định về giấy mời, giờ làm việc, thái độ làm việc … như Ls Lê Công Định liệt kê trong loạt bài Tù Chứ Không Tội kỳ 1. Nếu không phải trả giá gì cả thì chẳng có lý do gì khiến CA-AN ngưng xài luật rừng.

Vì vậy, nếu giữ kín, ta vô tình tiếp tay cho CA-AN tiếp tục phạm pháp, tiếp tục hại những người hoạt động kế tiếp.

Cần nói thêm, những người làm việc với chúng ta nhân danh chính quyền nhưng thực tế họ đều lồng ý chí cá nhân của họ khi làm việc. Vì vậy, tại buổi “làm việc”, trước mặt chúng ta chẳng có ông đảng, ông chế độ nào cả, kể cả mấy ông bà lãnh đạo cao nhất nước. Ta cứ dựa vào pháp luật của chính họ mà đối phó với họ chứ không nhân danh một cá nhân nào hết. Chỉ cần hỏi dựa trên điều khoản luật pháp nào là họ đã cứng họng rồi.

  • Nội dung làm việc với công an không phải là bí mật quốc gia vì khi người dân bình thường như chúng ta cũng biết thì sao gọi là bí mật quốc gia được. Do đó, chuyện yêu cầu giữ kín chỉ mang ý đồ cá nhân không tốt chứ không thiệt hại gì đến quốc gia. Và ta chẳng vi phạm điều luật nào cả khi công khai hóa các nội dung làm việc với CA-AN.
  • Ngược lại, nếu giữ kín, ta vô tình tạo hình ảnh chính mình đang làm việc thì thụt với CA-AN trong mắt các anh chị em hoạt động khác và trong mắt quần chúng nói chung một khi bí mật bị bật mí. Có khi chính CA-AN cho rò rỉ ra để tạo chia rẽ và hạ uy tín của ta. 

Riêng đối với các gia đình Tù Nhân Lương Tâm (TNLT), việc lo cho chồng, vợ, con mình là đương nhiên. Nhưng lo thế nào để tốt cho người thân của mình lại là chuyện khác. Chồng, vợ, con đã bị bắt rồi còn gì nữa để mà sợ. Không phải vì “biết điều” mà người thân được nhẹ án. Đã có quá nhiều gia đình TNLT bị lừa bởi những lời hứa suông đó nhưng vẫn còn một số gia đình chúng ta nhẹ dạ cả tin; phía an ninh điều tra, viện kiểm sát dặn thế nào họ vâng theo y như vậy.

Còn khi luật sư dặn phải giữ kín thì sao?

Các nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy, Phạm Chí Dũng và Lê Hữu Minh Tuấn tại phiên tòa ngày 5/1/2021 tại Tp. Hồ Chí Minh. Photo Tiền Phong

Khi chồng, vợ, con bị bắt, việc đầu tiên gia đình nghĩ đến là thuê luật sư (LS). Khi ký hợp đồng với LS rồi thì thường LS nói gì ta cũng theo, kể cả khi LS dặn không được nói với ai. Có trường hợp LS giành cho mình quyền phát ngôn duy nhất bằng câu: “Cần gì thì hỏi LS”. 

Trong khi đó, phải thừa nhận không phải LS nào cũng giỏi chuyên môn và nhiều kinh nghiệm. Có LS còn nhầm lẫn giữa chức năng báo chí (truyền thông) với chức năng tư pháp. Lại có những LS đầy toan tính cá nhân, muốn giữ quan hệ lâu dài với phía cầm quyền, và vì thế phải dung hòa giữa được việc cho thân chủ và lợi ích cho bản thân. Vì vậy, không phải LS nào cũng can đảm vạch ra tất cả sự thật để bảo vệ thân chủ.  

Ý thức bảo vệ cho công lý và lẽ phải trong các vụ án chính trị lại còn hạn chế hơn nữa. Có LS không dám đi cùng với người hoạt động XHDS, sợ an ninh … trông thấy. Có LS khuyên thân chủ nhận tội để được khoan hồng hoặc khuyên từ chối LS này, LS khác v.v…

Do đó, khi LS đề nghị gia đình giữ kín sự việc, ta cần hỏi ngược lại tại sao. LS luôn có trách nhiệm phải giải thích cho thân chủ, tức là người đang thuê mướn mình. Sau đó, gia đình nên tham khảo thêm ý kiến từ người khác nữa trước khi quyết định, chứ không nên răm rắp nghe theo. 

Một điểm cần nói thêm, tôi lấy làm lạ là gần đây các kết luận điều tra của công an hay cáo trạng của viện kiểm sát rất ít được công khai. Trong mọi hệ thống pháp luật dù là loại làm cảnh, một khi đã xếp vào loại vụ án công khai thì các văn kiện đó đều không phải là tài liệu mật, và bắt buộc phải công khai không chỉ cho gia đình mà cho cả công luận biết.

Bản cáo trạng vụ án chị Thêu và Trịnh Bá Tư.

Đặc biệt, LS chắc chắn phải có bản cáo trạng trong tay vì cáo trạng mà bí mật thì ai biết bị cáo phạm tội gì mà bào chữa, ai biết các cơ quan điều tra dựa vào chứng cớ nào mà chụp tội? Do đó, các gia đình nên yêu cầu có được ít là cáo trạng để đưa lên công luận. Nếu LS cho biết tòa án không cung cấp thì càng rất nên cho công luận biết ai đã từ chối.

Kết luận:

Hãy vì lợi ích của chính mình, người thân của mình và lợi ích của anh chị em hoạt động nói chung mà đưa công khai lên mạng nội dung các buổi “làm việc”, các kết luận điều tra, các cáo trạng, và mọi giấy tờ liên hệ. 

Sự im lặng của ta chỉ đem lại lợi ích cho một nhóm duy nhất. Đó là những kẻ đang xách nhiễu, chà đạp lên nhân phẩm và quyền con người của tất cả chúng ta.