CỔ GIA TRANG TỰ LỰC VĂN ĐOÀN DU KÝ

0
47
   

Nguyễn Xuân Nghĩa

 Năm nay tôi du xuân hơi bị nhiều. Bến Tắm-Chí Linh-Sao Đỏ; đền thờ cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và hôm qua- một cổ trang ở huyện Cầm Giàng, tỉnh Hải Dương; nơi nào cả đi, cả về cũng gần 200 cây số, kể cả số Km đi lạc bằng xe máy

Cả 3 lộ hành đầu xuân tôi chỉ đi với nhà thơ Phạm Xuân Trường, Nói đảo lại, nhà thơ Phạm Xuân Trường, có chuyến đi nào liên quan đến văn chương, không thuộc tổ chức/ hội hè, ở các tỉnh thành lân cận Hải Phòng cũng chỉ đi với tôi. Tôi trộm nghĩ bạn bè văn chương ở Hải Phòng của ông khá nhiều; tuy nhiên hoặc là pê-đê hoặc là xôi thịt. Tôi tuy tài thấp, đời văn ngắn nhưng nhìn nhận giá trị văn chương hợp cạ với ông.

Một khi ông đã rủ là tôi OK. Bây giờ ở Hải Phòng, bạn văn chương của tôi tôi chỉ còn ông. Cặp đôi nhà thơ Trịnh Hoài Giang và Dư Thị Hoàn đã vào ẩn cư tại Lâm Đồng 15-17 năm nay. Tuy  quý nhau ( nếu tôi nhận vơ mong cặp đôi nhà thơ thể tất) nhưng tôi và cặp đôi nhà thơ Họ Dư và họ Trịnh ít gặp nhau. Quan hệ giữa nhà thơ Phạm Xuân Trường và cặp nhà thơ Trịnh & Dư không êm ả; mà tôi lại “ bắt cá hai tay” khiến nhiều lúc tôi khó nghĩ. Nhưng biết làm sao bây giờ ngoài việc mong hai bên làm lành với nhau vì văn chương chính đạo. 

Từ nội thành Hải Phòng lên Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương  chỉ suýt soát 65 Km. Tuy nhiên vì chuyến du hành , giống như các dự án kinh tế ở Việt Nam luôn đội đường, đội vốn, đội thời gian nên, ngoài stt của nhà thơ Phạm Xuân Trường đã đăng lên chiều qua, tôi vẫn có chuyện ngoài lề lan man để kể. 

  Sáu hoặc bảy tháng trước, Nhà thơ PXT đã hẹn tôi tìm dịp đi thăm Cổ Gia Trang Tự Lực Văn Đoàn. Ông nói địa danh kia ở huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, một địa danh cách điểm xuất phát của chúng tôi ở Hải Phòng khoảng 65Km. 

Sáng qua, tôi đến đón ông, ông cải chính “ Ở Phú Thái, không phải Cẩm Giàng.” Phú Thái còn thuộc Hải Phòng, chỉ đi 30Km là tới. Tôi không hỏi lại. Du Xuân mà! Cùng trên một tuyến đường. Đến Phú Thái mà trật thì phóng tiếp lên Cẩm Giàng.  

Chúng tôi lên xe lúc gần 8 giờ sáng. Vặn nhỏ ga 40 phút đã đến Phú Thái. Tôi dừng xe, nhà thơ PXT rút điện thoại gọi nhà văn Đặng Văn Sinh ( Nhà văn ĐVS ở Bến Tắm, Chí Linh, Hải Dương). Gọi xong ông nhảy lên xe bảo: “ Không phải đây,! Ở Cẩm Giàng” Phóng tiếp! 

Trời bắt đầu mưa, tuy mưa xuân nhưng khá nặng hạt. Chỉ vài phút mưa kính bảo hiểm đã lóa mờ, vạt áo phía trước của tôi bị ướt. Đường 5 cũ xe công phóng bạt mạng ( có thể cánh xế lợi dụng trời mưa, CSGT không ra đường)  Nhà thơ nói dừng lại mua cho tôi chiếc áo mưa. Tôi nói cơ thể tôi rất lười bị ốm.

Đến Lai Cách, cái lạnh đã ngấm vào người. Tôi  dừng xe. Cả hai  vào một quán vắng. Tôi lái xe, được ưu tiên dùng cà – phê để lái cho tỉnh táo. Nhà thơ PXT dùng trà. Cà phê, trà nóng và khói thuốc lá từ hai đôi môi thâm tím bay lên khiến dăm phút sau hai cặp môi đỏ hồng trở lại như hai đôi môi của quý bà đại gia. Tôi hỏi cậu chủ quán:

– Trên cái cầu vượt kia, năm 2008 có một nhóm phản động treo biểu ngữ phản động, không biết bây giờ ở đây còn ai nhớ không?*

Cậu trả lời:

– Lúc ấy cháu còn bé. Không biết!

Cười tự đùa “ Phải đến treo lần thứ 2 may ra”.

Trời vẫn mưa, nhưng phải đi tiếp. Đến Cầm Giàng, dừng xe. Nhà thơ bước vào một mái hiên, hỏi hai người đàn ông đứng tuổi đang chơi cờ tướng. Cạnh bàn cờ là một bao thuốc lá và bộ ấm trà.  Mới vỡ lẽ rằng ga Cẩm Giàng ở giữa huyện Cẩm Giàng, bên phải đường.  Đây là cuối huyện. Chúng tôi đã đi quá 6, 7 cây số. Nhà thơ hỏi câu thứ 2: Các anh có biết khu di tích TLVĐ ở đâu không?. Trả lời: Không biết!

Nhà thơ rút điện thoại, gọi nhà văn Tạ Duy Anh ( Trong năm Lao Ta đã đến đây) LaoTa trả lời: “ Nằm ngay trong ga Cẩm Giàng”

Phóng tiếp lên 2 Km nữa mới có cầu vượt sang đường. Sau đó phóng trở lại 6, 7 Km. Lại đi tiếp 2 Km đường làng… 

Một ngã 3 cổ chai lởm khởm hiện ra. Đầu con đường cũng lởm khởm như thế bên tay phải có tấm biển nho nhỏ: “ Đường Thạch Lam”. Đây rồi! Hai người mừng quýnh lên. Rẽ, đi theo khoảng 50m, dừng xe bên này đường tàu. Nhìn theo hai đường ray. Mắt chạm vào sân ga cách đường bộ chỉ  200 đến 300. Câu nghi ngờ lại xuất hiện: Tại sao khu di tích văn chương TLVD nằm trong đất của nhà ga được cơ chứ? 

Nhìn thấy cuối đường là một cái làng, phóng vào làng, nhìn xung quanh tìm người để hỏi. Buổi trưa, ngày tết hai bên đường lặng như tờ. Quyết định quay trở lại khu vực ga. Hỏi một người. Được giải thích. Đúng rồi, Di tích nằm trong khu vực nhà ga.  Thì ra trước đây cổ trang TLVĐ tọa lạc bên cạnh nhà ga, nay nhà ga mở rộng vượt qua, bọc lấy cả Cổ Trang. Tuy nhiên Cổ Trang vẫn là đất tư, giống như tòa thánh Vatican nằm lọt trong nước Ý.

Nói thật chính xác, Cổ trang là nơi chôn rau cắt rốn của nhà văn Thạch Lam (1910-1942) Tên thật của Nhà văn là Nguyễn Tường Vinh. Vì hậu duệ các văn nhân trong Tự lực Văn Đoàn không bảo tồn được di tích nên người nay lấy Cổ trang làm di tích chung cho tất cả.  

Chúng tôi bước vào Cổ trang. Gần đến nơi, nghe lao xao tiếng người. Vào sân, vào nhà biết Cổ Trang có khách quý. Khách là giáo sư Trần Văn Thọ, người Nhật gốc Việt. Ông quê Quảng Nam, rời Việt Nam thời Miền Nam vẫn thuộc Việt Nam cộng Hòa. Ông là người gốc Việt nổi tiếng ở Nhật và Quốc Nội. Ông dạy kinh tế trong một trường đại học của Nhật. Tuy xa Việt Nam đã 50 năm nhưng ông vẫn gắn bó với Việt Nam trên lĩnh vực xã hội và với văn học Việt Nam, đặc biệt với giai đoạn xuất hiện TLVD.

Bây giờ trong Cổ Trang có 9 người, 3 vị  khách là Giáo sư Trần Văn Thọ, nhà thơ Phạm Xuân Trường và tôi. Sáu vị đóng vai chủ nhà là ông chủ tịch MTTQ xã địa phương, ba văn nghệ sĩ thuộc hội văn học nghệ thuật Hải Dương và hai phóng viên đài truyền hình Hải Dương.

( Các bạn đọc stt của nhà thơ Phạm Xuân Trường post chiều qua để biết chi tiết hơn.)

Chúng tôi có mặt được 30 phút thì đến giờ hai phóng viên đài truyền hình Hải Dương tác nghiệp. Giáo sư Trần Văn Thọ được mời trả lời phỏng vấn đầu tiên. Tiếp đến là nhà thơ Phạm Xuân Trường. Trong kịch bản của hai PV tại hiện trường có cả phóng vấn tôi. Nhưng tôi từ chối. “Thật đáng tiếc. Tôi là nhân vật nhạy cảm. Tôi e gây phiền cho các bạn” Tôi trả lời chỉ có vậy. Dù biết  hai PV ngỡ ngàng, không hiểu.

Đêm qua, tôi nghĩ lan man. Nằm trên giường mà người bềnh bềnh như còn ngồi trên yên xe máy. Tôi đặt Tự Lực Văn Đoàn xuất hiện trước cách mạng tháng 8 bên cạnh Nhân Văn Giai Phẩm xuất hiện khi đất nước xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, để khẳng định chắc hơn nhận xét của các nhà văn hiện tại: “ Ở Việt Nam biên độ của tự do sáng tác thời thực dân đế quốc rộng hơn nhiều lần thời Xã Hội chủ Nghĩa./. 

* Đầu tháng 9/2008 tôi và các bạn hoạt động dân chủ treo biểu ngữ đòi dân chủ tại đây.

   Đường dẫn dùng cho bạn nào muốn tìm hiểu đại cương về Tự Lực Văn Đoàn.

https://vi.wikipedia.org/…/T%E1%BB%B1_L%E1%BB%B1c_v%C4….

Hình 1: Cùng nhà thơ Phạm Xuân Trường.

Hình 2: Trao đổi cùng giáo sư Trần Văn Thọ

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here