CHUYỆN CÀ KÊ DÊ NGỖNG (Phần 3)

0
79
Tác giả Ngô Nhật Đăng
Vũ Tuân

Strasbourg, 12/11/2023
Chú thích của VT aka Kỳ Văn Cục: Anh NNĐ sau khi leo lên đỉnh thác rồi trở xuống để CÀ KÊ DÊ NGỖNG tiếp…
***

Ngô Nhật Đăng

Tôi kể với thằng em, nó nói:

– Em không ngạc nhiên nhưng em hỏi anh có tuyệt đối tin vào Chúa không?
Tôi trả lời:

– Đã từ lâu anh tin rằng có Chúa nhưng tin tưởng tuyệt đối thì chưa. Cách đây mấy cây số có một Nhà thờ nhỏ, chủ nhật này anh sẽ đến nghe Lễ.
Nó nói:

– Người như anh không cần đến Nhà thờ cũng như đến Chùa. Anh có tin là em cũng mới gặp Chúa không? Và ngay lần đầu tiên gặp Chúa em đã tuyệt đối tin tưởng nơi Ngài. Mà em là phật tử thuần thành ba đời.

Buổi tối, thằng em bên Pháp call video: “Em đang đi hành hương để trở về với Chúa. Không, chính xác là em trở về với Đức Mẹ!”.

Nó là phật tử đã quy y được mang chữ “Quảng”. Đây không phải là sự trùng hợp tình cờ nữa. Hôm sau, sáng sớm tôi lại vào rừng leo lên đỉnh thác và nói thành tiếng:

– Thưa Chúa, con xin được làm công cụ trong tay Người, thực hiện mọi điều mà Người sai khiến.Tự nguyện đón nhận mọi niềm vui lẫn nỗi buồn, nụ cười và nước mắt, hạnh phúc và đau khổ.

Sức khỏe của tôi phục hồi nhanh đến bất ngờ. Chỉ sau hơn 10 ngày đã gần được như trước. Một hôm người chủ đất nói:

– Không biết cái gì run rủi anh đến đây, em biết anh đã đi rất nhiều nơi, gặp rất nhiều người và biết rất nhiều chuyện đời. Anh có bao giờ nghĩ đến nơi mình sẽ dừng chân sống cho đến cuối đời không?

Rồi anh chỉ vào mảnh đất gần chân thác dưới bóng của một cây chò chỉ cổ thụ thẳng tắp cao vút, gốc cỡ hai người ôm nói:

– Anh mà cất một ngôi nhà ở đó thì tuyệt. Ngày mai em cho đánh mấy gốc ô môi rừng về trồng xung quanh. Hoa ô môi rừng đẹp lắm mà chỉ ở vùng này mới có.

Tôi cảm động nắm tay anh. Thực lòng tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện sẽ dừng chân ở một nơi nào. Rồi mọi chuyện xảy ra bắt đầu từ ly cafe. Một hôm tôi thèm một ly cafe chính hiệu, cách đây vài cây số cũng có một quán cafe nhưng pha trộn bằng những thứ quái quỷ gì đó, đắng nghét, uống xong thì tim đập thình thịch. Tôi nảy ra ý định đi Đà Lạt uống cafe và ngắm thiên hạ một thể, tôi “nhập thất” cũng lâu rồi.

Lên đến Đà Lạt loanh quanh phố vài vòng bỗng thấy chán ngán. Cà kê ghé vào một quán cafe, thấy trống vắng chả muổn nghỉ ngơi làm gì nữa. Thấm thoát mà đã tối, thằng em bỗng nhắn: “Anh lại đi ra khỏi chỗ đó phải không? Đêm nay anh không được ngủ ở bên ngoài, bằng mọi giá phải trở về “nhà” trước nửa đêm.

Tôi nhìn đồng hồ mới 8 giờ tối mà đường chỉ có hơn 150km. Chuyện vặt. Tôi trả tiền rồi ra về. Đi tới chân đèo Prenn thì thấy tấm biển “Cấm đường để sửa chữa” – Lúc trưa tôi đi lên đâu thấy có gì?! Đành phải quay lại, loanh quanh một hồi mới thấy đường về. Ra đèo Mimosa chưa đến 22 giờ mà vắng tanh, không một bóng xe và người qua lại. Vừa đổ hết đèo thì có một cái xe máy từ đằng sau phóng lên, người đi xe máy ghé gần sát xe tôi giơ tay ra đằng trước ra hiệu cho tôi dừng lại rồi vọt đi. Anh ta cởi trần, mặc quần đùi dù trời khá lạnh và lất phất mưa. Có chuyện rồi – tôi thầm nghỉ rồi dừng xe xuống kiểm tra lại bốn bánh, kiểm tra phanh thắng, tay lái, đèn, chỉnh cho ghế cao lên gần vô lăng hơn rồi lấy cây búa nhỏ (dùng để đập vỡ kính thoát hiểm khi xe bị lật, không mở được cửa) để cạnh chổ ngồi, rồi nổ máy chạy tiếp. Mấy cây số vẫn không thấy gì khác lạ, tôi vừa thở phào thì nhìn thấy anh ta cách vài trăm mét. Anh ta dựng xe máy giữa đường vẫn cởi trần tay giơ cao nắm chặt cái nón bảo hiểm nhắm về phía tôi ngồi, tôi đạp phanh đánh mạnh sang bên trái rồi ngoặc tay lái trở lại. Chiếc xe lao ra tận ngoài lề đường rồi lại chồm lên chạy tiếp hơn chục cây số không thấy gì tôi mới giảm tốc độ nhìn gương chiếu hậu không còn thấy ai đuổi theo. Chưa kịp mừng thì cái xe máy đuổi kịp, vọt lên trước nhưng không dừng lại mà cứ lượn lờ trước mũi xe. Tôi buột miệng: “Gặp phải thằng ngáo đá rồi”. Nhưng thâm tâm không tin, chuyện này có vẻ ma quái thế nào ấy. Bỗng có ánh đèn pha trước mặt, nhìn độ sáng và hàng đèn nhấp nháy trước nóc cabin tôi đoán đó là chiếc container tôi thầm khấn: “Cầu trời chỉ là một chiếc chứ đừng là một đoàn. Tên đi xe máy cũng chạy nép về bên phải đường, tôi hạ đèn “cốt”, bật xi nhan bên trái, nháy nháy cần đèn xin phép lấn đường rồi đạp mạnh ga. Cái xe nặng hơn hai tấn động cơ V6 mà khi chạy sát chiếc container vẫn hơi chao đảo. Thoát khỏi nguy hiểm tôi hạ tốc độ xuống 80km/h mà vẫn thấy tên xe máy bám đằng sau. Lúc này tôi hoảng hồn thật sự nhấn cho xe chạy hơn 100km/h bất chấp chuyện gì có thể xảy ra. Đến một thị trấn ngang đường, dù không thấy ai nhưng đèn đuốc sáng trưng tôi dừng xe trước nhà “Bưu điện” và chờ không thấy tên đó xuất hiện nữa.

Qua khỏi thị trấn là con đường về “nhà” chỉ còn hơn 20km.Tôi nhìn đồng hồ, đã quá nửa đêm. Tôi lái xe thật chậm rãi, bỗng ở đâu sương mù xuất hiện, đặc quánh và nhanh chóng bao phủ xung quanh, ánh đèn chỉ chiếu được quãng ngắn. Con đường đã lâu không được tu sửa nên các vạch sơn bị mờ hết, không có gì để “căn”. Tôi đành phải dừng xe chờ sương tan.

Rồi sương cũng tan, tôi vừa chạy xe vừa chăm chú quan sát. “Nhà” tôi ở ngay cạnh một cây cầu bê tông lớn bắc qua suối. Đi một hồi lâu mà vẫn chưa thấy cây cầu, tôi hơi thắc mắc thì nhìn thấy cái quán ăn, ánh đèn soi sáng cái bảng hiệu. Thế là tôi đã đi lố khỏi nhà khoảng 10km.Tôi quay xe, vừa đi vừa liếc nhìn công-tơ mét để xác định khoảng cách. Được 10km cũng không thấy cây cầu, đi thêm mấy cây số nữa vẫn không thấy, lại quay đầu xe. Đúng lúc tuyệt vọng nhất, định dừng lại ngủ luôn trên xe thì cây cầu xuất hiện. Tôi ghé vào đậu trong bãi đất trống, phải đi bộ khoảng 200m nữa mới về đến lán. Tôi nhìn đồng hồ đã 3 giờ sáng. Thú thực là hoảng, giờ mà về lán lại thấy tên đi xe máy đứng trước cửa chờ chắc tè ra quần. Tôi ngả ghế, kéo cái chăn để ở hàng ghế sau trùm kín đầu rồi mê mệt ngủ.

Mới 6 giờ sáng mà cậu em đã gọi điện, nó hỏi “Lần đầu tiên nghe giọng em anh thấy sao?”
Tôi đáp:

– Nghe như dân xứ “Nẫu”
Nó kêu trời:

– Em sanh ở nhà thương Từ Dũ đó nha. Má em dân Sài Gòn gốc.
Tôi kể chuyện đêm qua, nó trách:

– Em biết ngay thế nào anh cũng sanh chuyện, bao nhiêu việc đã làm giờ đổ xuống sông xuống biển hết. Rồi anh sẽ gặp nhiều chuyện, thử thách sẽ kéo dài thêm, có thể anh sẽ không còn ở được nơi đó nữa. Em thấy chỗ ấy bắt đầu “lạnh” rồi.

Hơn tuần sau thì bà xã bắt tôi về Sài Gòn. Nàng nói:

– Em nói với chủ nhà là anh sắp về rồi. Công việc cũng tạm ổn, anh ở trên đó một mình lỡ có bề gì thì ai lo. Mai về liền.

Tôi không nhớ mình đã ở đây trong bao nhiêu lâu nhưng cơ quan An ninh thì biết rõ, họ bảo:

-Anh ở từ ngày…đến ngày …
Có lần, một cán bộ điều tra nói với tôi:

– Anh có tin là anh đi đâu, làm gì chúng tôi điều biết hết không?
Tôi đáp:

– Tôi tin chứ. Thậm chí vợ chồng tôi ngủ với nhau như thế nào các anh cũng có thể biết.
Anh ta trả lời:

– Nếu muốn thì chúng tôi cũng biết!

Tôi về Sài Gòn và bao nhiêu chuyện xảy ra, sức khỏe lại suy sụp. Người chủ nhà đi đăng ký tạm trú cho tôi, cô nói:

– Hóa ra anh cùng họ với ông xã em, em khai anh là bà con. Anh ở đây đừng ngần ngại, đi về giờ nào cũng được.

Được hơn mười ngày thì cô lại nói:

-Anh chị thông cảm đi mướn chỗ khác…

Vừa dọn đến nơi ở mới thì được mời đi cafe và làm việc, chung quy là tại cafe…

***

Có 8 người, anh phụ trách nói:

– Ngoài anh em với tỉnh mà anh đã biết. Hôm nay còn có các đồng chí an ninh ở thành phố xuống .
Tôi im lặng, anh tiếp:

– Chắc anh có xài laptop, phiền anh về lấy mang lên. Được không anh Đăng?

Thật khéo nói đùa, thử từ chối coi. Tôi đứng lên:

– Cho tôi 10 phút tôi về mang laptop lên.
Người phụ trách nói:

– Để mấy đồng chí đưa anh về cho nhanh.

Một người là “an ninh thành phố” đứng lên:

– Để con đưa chú về.

Ra đến cửa, một người mặc sắc phục cảnh sát hỏi chàng an ninh:

– Có cần tôi đi cùng không ?
Chàng trai trả lời:

– Để tôi đi một mình, ông mặc sắc phục xuống đó bà con xung quanh nhìn thấy sau này khó cho chú ấy.

Thầm nghĩ: “Chàng trai này thật tế nhị”.
Người cảnh sát nói với tôi:

– Con là cảnh sát khu vực, chiều nay làm việc xong chú gặp con để làm thủ tục đăng ký tạm trú.

Tôi cảm ơn rồi trèo lên xe máy chàng an ninh. Về đến nhà, tôi lấy laptop đưa cho chàng trai,cậu ta nói:

– Chú tự cầm tiện hơn.

Tôi lại thầm cảm ơn một lần nữa. Đột nhiên cậu ta hỏi:

– Hôm nào con có thể mời chú một buổi cafe được không?

Tôi chưa kịp trả lời thì cậu ta tiếp:

-Không có gì đâu, chỉ là con cũng rất ham mê lịch sử.

Ra vậy, chắc là cậu ấy đã đọc facebook của tôi. Về đến phường, trước khi vào thì chú ấy hỏi:

– Con nghe nói chú từng bị phạt hành chính một lần rồi. Vụ gì vậy?
Tôi trả lời:

– Vì mình gọi ông Nguyễn Phú Trọng bằng “thằng”.
Cậu ta lắc đầu, chép miệng:

– Chú thật là…

Trong khi làm việc, một lần cậu ta đứng dậy đi ra ngoài khi quay lại kín đáo đặt trước mặt tôi gói thuốc lá, đúng thứ tôi đang hút. Thì ra cậu ấy để ý thấy gói thuốc của tôi chỉ còn vài điếu.

Mở đầu người phụ trách nói:

– Hôm nay chúng tôi gặp anh vì nhận được đơn tố cáo anh và chị Kiều lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác rồi trốn khỏi nơi cư trú.

Rành sáu câu vọng cổ nên tôi gạt ngay:

– Có gì xin anh cứ nói thẳng ra, không cần vòng vo.
Anh trả lời:

– Anh nói vậy thì chúng ta chơi bài ngửa. Hôm nay chúng tôi gặp anh vì 5 vấn đề:

1- Thông tin sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm nhân phẩm chủ tịch Hồ Chí Minh.

2- Cơ sở nào để anh viết sự lãnh đạo của đảng là cha truyền con nối, dẫn đến sự ù lỳ và trơ mòn?

3- Tại sao anh nói cuộc bạo loạn Tây Nguyên là do đồng bào quá tuyệt vọng và căm thù, cần phải xem lại các chủ trương chính sách của nhà nước với đồng bào dân tộc?

4- Sự ủng hộ và tham gia hoạt động của anh với các tổ chức phản động ở nước ngoài để chống đảng và nhà nước, âm mưu lật đổ chế độ.

5- Từ tháng 10 năm 2022 đến tháng 9 năm 2023 anh rời nơi cư trú đi đâu? Làm gì? Và gặp những ai?

Vì “chơi bài ngửa” nên tôi cũng nêu những yêu cầu của mình:

1- Về thái độ: Tôi không chống đảng phái và nhà nước, không chống người cộng sản mà chống lại tư tưởng ngoại lai, đó là ý thức hệ cộng sản. Bởi ý thức hệ cộng sản là nguyên nhân gây ra mọi đau thương trong quá khứ và hiện tại, nó kìm hãm sự phát triển của đất nước.

2- Vì tư pháp Việt Nam theo nguyên tắc: Một người là tội phạm cho đến khi anh ta chứng minh được sự vô tội của mình. Do đó, tôi phải được dùng mọi lý lẽ và các phương thức cần thiết để tự biện hộ cho mình.

3- Tôi sẽ “khai báo thành khẩn” mọi suy nghĩ cũng như việc làm của cá nhân tôi. Chỉ là cá nhân và chịu trách nhiệm cá nhân, không có bên thứ ba .

4- Vì vậy tôi yêu cầu đây không phải là những buổi hỏi cung chỉ có “hỏi” và “đáp” hoặc chỉ trả lời “có” và “không”. Nếu không được đáp ứng tôi sẽ áp dụng điều được ghi trong bộ luật hình sự: “Công dân được quyền im lặng, không khai báo”.

Người phụ trách đồng ý và nói thêm:

– Chúng tôi dự định dành ra ít nhất hai ngày để trao đổi và tranh luận với anh.Tuy nhiên những buổi này sẽ không được ghi biên bản.

Trước mắt, được như vậy cũng đã là tốt. Tôi muốn chấm dứt chuyện này, hơn 10 năm (bị quấy nhiễu – VT/KVC thêm) là quá đủ. Tôi sẽ cố hết sức để chứng minh sự trong sạch của mình, cơ quan an ninh cũng phải có kết luận rõ ràng: hoặc không phiền đến tôi nữa hoặc phải bắt giam tôi. Không có con đường thứ ba.

Vì vậy, khi “làm việc” về mỗi vấn đề cụ thể, tôi đều làm rõ hơn những yêu cầu của mình nhằm làm sáng tỏ những vấn đề đó.

Thứ nhất về thái độ: Trong gia đình tôi có truyền thống giáo dục cho đàn ông phải biết quan tâm đến lịch sử và chính trị. Tôi là con trai trưởng nên càng được chú ý. Từ bé tôi đã được nghe các bậc cha chú bàn về chính trị, khi lớn hơn thì được tham gia. Trong nhà tôi luôn được nghe các buổi phát thanh tiếng Việt của các hãng thông tấn nước ngoài như: BBC, AFP hay đài tiếng nói Hoa Kỳ… Tôi cũng được đọc “ké” các bản tin thời sự in ronéo của Việt Nam thông tấn xã đóng dấu “mật” hay các tài liệu có in dòng chữ “lưu hành nội bộ” mà bố tôi được gửi.
Do đó, từ trẻ tôi đã có một thái độ chính trị rõ ràng: “Không chống đảng phái kể cả đảng cộng sản hay đảng nào khác. Không chống lại hình thái nhà nước. Không chống người cộng sản theo định nghĩa phổ quát (bố tôi cũng là cộng sản từ năm 17 tuổi). Chống lại ý thức hệ cộng sản có nghĩa là theo con mắt triết học: Tức là đề nghị (yêu cầu) đảng cộng sản Việt Nam tự nhận thức lại về mặt trí tuệ một cách cụ thể, nghĩa là xét lại tính chính danh của các luận cứ lịch sử: Lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Tiến hành cuộc chiến tranh “giải phóng miền Nam” để thống nhất đất nước. Thiết lập một cơ chế kiểm soát đời sống xã hội một cách hà khắc nhằm “giữ ổn định chính trị”, ưu tiên cho việc phát triển kinh tế. Đây là những lý do cơ bản để đảng cộng sản biện minh cho việc độc quyền về quyền lực của mình.

Mặc khác đã nửa thế kỷ mà đảng cộng sản nắm quyền lực tuyệt đối trên toàn quốc. 50 năm là cái chớp mắt của lịch sử nhưng là cả một đời người, nó cũng đủ độ lùi cần thiết để đánh giá lại lịch sử. 50 năm là thời gian không quá dài nhưng cũng không quá ngắn cho sự tồn vong của một chế độ hay một đảng phái. Hơn nữa, lần đầu tiên đảng đã phải đi tìm câu trả lời cho câu hỏi về sự tồn vong của mình thể hiện qua chủ trương “hòa hợp hòa giải dân tộc” được đưa thành nghị quyết. Vấn đề là hòa giải như thế nào? Nói một cách khác là phải tìm ra một cơ chế để lãnh đạo (giai cấp thống trị) có thể đối thoại trực tiếp với dân chúng (giai cấp bị trị). Một cách khác, hình ảnh các cuộc đối thoại rộng rãi và công khai chính là cây cầu nối hai bờ ngăn cách giữa hệ thống chính trị và đời sống xã hội đã xuất hiện ngay từ khi nhân loại tìm ra hình thái nhà nước.

Quá trình nhận thức lại về mặt trí tuệ sẽ chậm rãi và đau đớn nhưng cái giá là không đổ máu. Nó cũng không dẫn đến hiện tượng “tự sát tập thể về mặt chính trị” như ông cựu chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết từng lo ngại “bỏ điều 4 hiến pháp là tự sát”, nó cũng không làm xuất hiện một “Gorbachev Việt Nam” mà người ta gắn cho ông Nguyễn Tấn Dũng.

Tóm lại, nó sẽ giúp đảng cộng sản Việt Nam thay đổi chương trình nghị sự, tìm ra các chính sách để đất nước phát triển, như vậy thì không ai có thể đe dọa vị trí của Đảng.

(VT/KVC đang tiếp tục rị mọ chép bài…)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here