CHUYỆN CÀ KÊ DÊ NGỖNG (Phần 4)

0
35
Tác giả Ngô Nhật Đăng
   
Vũ Tuân

Strasbourg, 14/11/2023…
Phía ANVN khép anh Ngô Nhật Đăng 5 tội, tội đầu tiên là “Thông tin sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm nhân phẩm CT HCM”. Phía AN đồng ý “chơi bài ngửa” và vì thế ảnh tiếp tục bài CÀ KÊ DÊ NGỖNG…
VT (aka Kỳ Văn Cục) kính mời quý bà con pha nước trà…

***

Ngô Nhật Đăng

Trong quá khứ đảng cộng sản Việt Nam cũng đã từng mở các cuộc tranh luận công khai để mọi tầng lớp xã hội góp ý cho đảng ở Miền Bắc vào năm 1956 sau các đợt “chỉnh huấn”, “chỉnh quân” và “cải cách ruộng đất” theo mô hình Mao đã gây biến động sâu sắc trong đời sống xã hội. Phong trào được gọi là “Trăm hoa đua nở” đã được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng rộng rãi và đóng góp nhiều ý kiến có giá trị cho đảng cộng sản lúc đó lấy tên là đảng lao động Việt Nam. Đáng chú ý là bản tham luận của luật sư Nguyễn Mạnh Tường, đại diện cho trí thức thủ đô, đọc tại đại hội của mặt trận tổ quốc Việt Nam ngày 30/10/1956. Đây là một bản tham luận có giá trị thể hiện tinh thần công dân đầy trách nhiệm của một trí thức yêu nước.

Sau khi chỉ ra những hậu quả do sai lầm của các cuộc “cải cách xã hội” cũng như nguyên nhân sâu xa của nó, luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã đề ra 3 giải pháp để xây dựng một chế độ dân chủ thật sự. Thế nào là dân chủ thực sự? Luật sư Nguyễn Mạnh Tường nói:

– Quần chúng có đòi hỏi cái gì quá đáng đâu. Chỉ yêu cầu có một điều thôi, là được đàm thoại với cấp lãnh đạo ý kiến của mình về các chính sách do cấp lãnh đạo xây dựng”.

Và 3 giải pháp ấy là gì ? trích tham luận:
(trích)
1- Một cơ chế báo cáo của cán bộ lên cấp lãnh đạo .
2- Một cơ chế cho các đoàn thể nhân dân được quyền mạnh dạn nói lên ý kiến của quần chúng mà họ tập hợp.
3- Một cơ chế cho tự do ngôn luận, tự do xuất bản báo chí.
(hết trích).

Thật là quá đơn giản. Tiếc thay những tiếng nói đó đã bị chìm vào vô vọng, những người lên tiếng bị đàn áp, bị bỏ tù, những ai không bị bắt thì bị xã hội sợ hãi, xa lánh, ghẻ lạnh. Họ bị “cô đơn hóa” bên rìa đời sống vật vờ, vất vưởng sống không bằng chết. Triết học cũng đã chứng minh “cô đơn hóa” là một vũ khí hữu hiệu của toàn trị.

Đến đây, một câu hỏi còn bỏ ngỏ cần lịch sử trả lời: Những cải cách xã hội đó là chủ trương nhất quán của ông Hồ Chí Minh hay những ý kiến của quần chúng không đến được tay ông bởi tầng lớp trung gian?

Ông Trường Chinh bị mất chức tổng bí thư, ông Hồ khóc trong đại hội đảng phải chăng là do thực tế đã bị bóp méo qua các báo cáo từ dưới lên hay là màn “hình nhân thế mạng”?

Sau đại hội lần thứ 20 của Đảng cộng sản Liên xô, tổng bí thư Krushchev “xét lại” các chính sách trước đây của Đảng. Đặc phái viên Mikoyan của Moscow được phái sang Hà Nội yêu cầu dừng các cuộc cải cách ruộng đất thì ông Hồ nói “Như thế là dội một gáo nước lạnh lên đầu cán bộ”. Ông bất lực trước sự lộng hành của cấp dưới “nhất Đội nhì Trời” hay vì lý do nào khác?

Tuy nhiên chiến dịch cải cách ruộng đất mang tên “Điện Biên Phủ” vẫn bị kéo dài đến cuối tháng 7/1956 mới chấm dứt, đây là đợt tàn khốc nhất, bà nội tôi cũng bị đấu tố trong đợt này và tự sát. Hàng trăm ngàn người chết oan trong đó trong đó có hàng chục ngàn đảng viên ưu tú có công lao trong kháng chiến. Chỉ cần vài số liệu nhỏ nhoi được công bố cũng hình dung ra mức độ khủng khiếp của nó như ông Võ Nguyên Giáp công bố với tờ báo Figaro rằng trong đợt “sửa sai” đảng đã thả 12 ngàn đảng viên bị kết án tử hình. Báo nhân dân ngày 27/3/1957 cho biết chỉ riêng ở Nghệ An đã có 63% đảng viên cũ bị tử hình oan.

Đó là sai lầm hay tội ác? Nhưng dù có là tội ác thì cũng đã là quá khứ, lùi một giai đoạn của lịch sử. Tội ác được nhắc lại và phải luôn luôn nhắc lại hàng ngày không phải để đòi hỏi được đền bù hay trả thù mà để nhắc nhở hậu thế đừng bao giờ mắc phải điều tương tự. Một cách triết học, các câu hỏi quá khứ phải được trả lời trong hiện tại thì mới có thể hướng tới tương lai.

Mấy tháng trước có người nhắn cho tôi: “Tôi có mấy lời chân tình, anh nghe cũng được mà không cũng được, anh mang ông Hồ ra “mổ xẻ” sâu quá làm một số người sẽ cho là anh khiêu khích, không an toàn cho anh. Những kẻ ghét anh, chống phá anh suy cho cùng cũng không làm gì được anh. Những người quý mến anh, ủng hộ anh thậm chí tung hô anh khi gặp chuyện họ sẽ lãng ra hết. Nhưng những kẻ cơ hội sẽ nhân dịp này mang anh ra làm món nhắm”.

Tôi cám ơn anh những điều này. Tôi cũng từng nghĩ đến và cũng có những lời nhắc nhở tương tự nhưng thời gian tôi dành cho bạn bè, những người mà tôi quý mến còn không đủ, hơn đâu mà để ý đến kẻ ghét mình. Những người quý mến tôi thì đều ở bên tôi ủng hộ tôi khi “gặp chuyện” họ có thể lên tiếng, có thể âm thầm “Tôi chỉ biết cầu nguyện cho bạn”, thậm chí ủng hộ trong tâm tưởng thì vẫn là ủng hộ. Thậm chí lại làm cho tôi thấy ấm lòng hơn. Còn mang tôi ra làm món nhắm thì chưa chắc đã ngon miệng. Tôi là bát canh gân gà của Tào Tháo nuốt vào không được mà nhổ ra cũng không xong.

Vấn đề về ông Hồ Chí Minh được cơ quan An ninh đặt ra đầu tiên trong buổi cafe và lần làm việc tiếp theo, các bài tôi viết về ông trên facebook nhiều năm qua được in ra một tập dày, tôi phải xác nhận những từ như “ông Hồ”, “bác Hồ” – bác không viết hoa – “ông ấy” …vv… là chỉ “Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Tạp chí Times đã tôn vinh ông Hồ Chí Minh là 1 trong 100 người có ảnh hưởng đến lịch sử của thế kỷ 20. Ở Việt Nam thì khỏi nói, cái bóng khổng lồ của ông vẫn trùm lên lịch sử dân tộc cho đến nay. Vì vậy, làm sáng tỏ những vấn đề còn khuất lấp trong cuộc đời thân thế, sự nghiệp của ông cũng là trả lại công bằng cho sự đánh giá về ông khi vẫn còn hai luồng quá trái ngược nhau. Một bên cho ông là vĩ đại, là “cha già dân tộc”, một bên cho ông là tay sai của Quốc tế cộng sản, là tội đồ của dân tộc. Đó là luận cứ của tôi đưa ra để tranh luận với bên an ninh về ông Hồ.

Tôi cũng không ngờ vấn đề “gai góc” này lại được giải quyết rất nhanh, có lẽ bởi họ thấy là “nguy hiểm”. Người phụ trách nói:

– Đây là vấn đề to lớn và phức tạp, có lẽ chúng ta nên dừng lại để cho hậu thế phán xét.

Đúng là nên như thế. Nhân vật Hồ Hồ Chí Minh nên được đưa vào hồ sơ của “một giai đoạn lịch sử”, tạm xếp lại để dành cho việc khác cấp bách hơn để đất nước đi ra khỏi khủng hoảng. Nhưng “xếp lại” thế nào khi mà “tư tưởng Hồ Chí Minh” vẫn được tung hô, khi phong trào “học tập và làm theo” vô cùng tốn kém vẫn đang được phát động, các tượng đài “ngàn tỷ” – một dự án béo bở vẫn được các địa phương đua nhau xây dựng?…v.v….

Đã có nhiều ý kiến kể cả trong đảng cho rằng nên thực hiện di chúc của ông, hỏa táng cái thi hài đang nằm trong lăng, chia ba hũ xương cốt đặt ở 3 miền Bắc, Trung, Nam. Tôi cho rằng đây là một giải pháp hợp lý.

Giải quyết vấn đề này được chuyển sang cho phòng “An ninh mạng” và “Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao”. Biên bản ghi:

“Tôi (Ngô Nhật Đăng) vì đã lớn tuổi, trí nhớ không còn minh mẫn, lại được nghe thông tin từ những nguồn sai lạc như bố đẻ …vv… nên tôi đã viết sai về Hồ Chủ Tịch ….vv…”

Tôi phản đối, đây không chỉ là “gắn chữ vào miệng người khác” mà còn hoàn toàn sai sự thật. Động tới ông Hồ không phải là chuyện nói đùa, thời phong kiến kiểu Tàu thì “tru di cửu tộc” là cái chắc, thời bây giờ dù khoan dung hơn thì cũng rất dễ “rũ tù”. Vì vậy tôi rất cẩn thận với các nguồn thông tin. Tôi lấy từ những nguồn gần gũi với ông từ năm 1945 đến năm 1969 – khi ông mất – như bác Nguyễn Hữu Đang, cha tôi và nhiều bạn bè của ông, từ những nghiên cứu về ông của các sử gia nước ngoài, từ tài liệu “chính thống” của Đảng cộng sản như bộ “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử” đồ sộ 8 tập, hàng ngàn trang của nhà xuất bản Sự Thật – Hà Nội. Nếu không bị thu giữ hộ chiếu thì tôi còn có kế hoạch đến Pháp, lục lọi hồ sơ Mật thám của tình báo Hải quân và Bộ Thuộc Địa đã hết thời hiệu bảo mật, hiện được Bộ văn hóa Pháp quản lý, nếu có lý do thuyết phục thì còn được phép sao chép, chụp toàn bộ (hiện nay đang quy định mỗi lần đọc chỉ được chụp lại 10 trang làm tư liệu riêng). Đã có những nhà nghiên cứu lịch sử người Việt đến đây nhưng họ tìm kiếm tư liệu về cụ Phan Bội Châu. Một phần hơn 800 trang biên bản lời khai của cụ Phan với mật thám Pháp năm 1925 đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam. Cả một thời sôi động đầu thế kỷ 20 của lịch sử Việt Nam nhưng chưa từng thấy “chính sử” chép các sự kiện lớn, những nhân vật lỗi lạc được nhắc đến và tất nhiên có cả Nguyễn Tất Thành.

Tôi sẵn sàng kể những câu chuyện về ông Hồ vẫn được gọi là “thâm cung bí sử” và nhiều nhân vật chính trong chuyện hiện nay vẫn còn sống, dễ dàng kiểm chứng, nhưng người phụ trách gạt đi.

Để tôi “cà kê dê ngỗng” thì không biết đến bao giờ mới xong, có khi cháy hết áo mà không biết. Biên bản được ghi thành “Vì số lượng tư liệu về chủ tịch Hồ Chí Minh quá nhiều, tôi ( Ngô Nhật Đăng) vẫn còn phải tiếp tục kiểm chứng nên chưa có kết luật cuối cùng”.
Người cán bộ của phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm xử dụng công nghệ cao nói:

– Hành vi này của anh vi phạm nghị định 14 và 15 của chính phủ. Mức xử phạt dành cho cá nhân là 7,5 triệu đồng.
Anh nói thêm:

– Anh từng bị xử phạt một lần nhưng không nạp, đã quá thời hiệu mà anh không tái phạm nên xí xóa coi như anh không có tiền sự. Nhưng lần này em khuyên anh nên nộp nếu không sẽ rất bất lợi đấy. Nếu không có khả năng thì anh nhờ anh em phòng an ninh nội địa góp với anh bằng lương.
Tất cả cười vui vẻ. Người phụ trách nói:

– Có 7,5 triệu, ông Đăng thừa sức đóng ấy mà.
Tôi nói:

– Từ ngày covid đến nay tôi thất nghiệp lại đi chơi dài dài nên 7,5 triệu cũng là món tiền lớn nhưng tôi đồng ý đóng phạt và sẽ cố gắng.
Người phụ trách lại nói:

– Anh có thể xin bạn bè mà.
Tất nhiên là có thể, thậm chí tôi có thể xin trên facebook, tôi có hơn 10 ngàn người theo dõi, xin mỗi người 100 ngàn, việc có 75 người cho thì chắc là có khả năng nhưng tôi không muốn bị “kẻ xấu” xuyên tạc rằng an ninh làm việc mà như “tiệm cầm đồ” vậy.

Lần trước tôi không nộp phạt vì nhiều lý do các nghị định này (NĐ14,15) mập mờ về việc định nghĩa khái niệm thế nào là “xúc phạm nhân phẩm và danh dự của tổ chức, cá nhân” cụ thể như trường hợp của tôi. Các tư liệu mà tôi trích ra đâu phải là tôi bịa đặt, cũng không phải là câu chuyện vĩa hè tin đồn, phần lớn là giấy trắng mực đen từ nhiều nguồn kể cả từ nguồn của nhà nước Việt Nam. Nhưng đây là quan hệ giữa cơ quan hành pháp và tư pháp với công dân, đầu tiên là anh hãy chấp hành, việc thắc mắc kiến nghị là đối với nơi làm ra ra luật, là hành pháp, là Quốc Hội. Tôi không nộp vì cho rằng hành pháp “chơi không đẹp”. An ninh tỉnh làm việc vì phạt tôi mà biên bản lại ghi là của ủy ban nhân dân Thị Xã Gò Công. Ủy ban đâu có làm việc với tôi? Giang hồ gọi đây là chiêu “ném đá giấu tay”.Tôi cũng được ủy ban”xóa án” quy định: “Sau một năm không tái phạm thì quyết định hết thời hiệu”. Đây là cách mà đời sống điều chỉnh những khía cạnh “bất cận nhân tình” của luật khi áp dụng vào thực tế, tuy nhiên nó sẽ có độ trễ có thể là rất dài cho đến khi luật được sửa.

(sẽ tiếp tục gõ bài…)

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here