Strasbourg, 10/11/2023…
Anh ấy bị tịch thu hết các phương tiện để có thể viết lên Facebook. Ừ thì anh viết tay, vẫn còn hơn cụ Phùng Quán dùng dao viết văn lên đá mà. Kỳ Văn Cục tui sẽ gom lại giới thiệu đến với quý bà con nhé.
Ngô Nhật Đăng
Khúc dạo đầu:
“Mỗi số phận của một cá nhân cũng là số phận của một tổ quốc. Vì vậy, khi bạn yêu một số phận là bạn yêu một tổ quốc.Và khi bạn yêu một chế độ là bạn yêu một quyền lợi.”.
Tôi quên tên tác giả, chỉ nhớ ông là một nhà thơ kiêm triết gia người Hungary sống ở thế kỷ 18. Tác phẩm của ông đã được một người Hungary gốc Việt dịch ra tiếng Việt. Một sự tình cờ kỳ lạ đã khiến tôi gặp được cuốn sách ấy vào một hồi trưa chủ nhật trong một tòa lâu đài cổ có tuổi đời hơn trăm năm được dùng làm nhà tắm công cộng kiểu Thổ Nhĩ Kỳ ở thủ đô Budapest.
Tôi bước lên từ cái bể tắm lớn ngoài trời chứa đầy nước suối khoáng nóng 37 độ C, khoác cái khăn tắm lên người tới quầy phục vụ gọi một ly beer lớn và bước đến cái bàn kê dưới gốc cây du cổ thụ ở góc sân thì nhìn thấy cuốn sách. Nó nằm bơ vơ ở một góc bàn, một cuốn sách tiếng Việt. Tôi cầm lên mở ra và đoạn văn trên lập tức đóng đinh vào trí nhớ. Đâu cần đến số phận một con người, một cuốn sách tiếng Việt lưu lạc cách xa quê nhà hàng vạn dặm làm tâm hồn ta mang lên tình yêu đất nước.
Vài năm sau tôi lại được gặp lại cảm giác này cũng là một buổi trưa chủ nhật ở Washington DC trong một thư viện công cộng mang tên Luther King, tôi sững sờ khi nhìn thấy ở góc gian phòng lớn kê những kệ sách chạy dài mang tấm bảng “Sách Tiếng Việt”. Tôi ngồi đồng cho đến khi thư viện đóng cửa, đọc hết 2 tập hồi ký của những người vợ đi nuôi chồng trong trại tù cải tạo sau năm 75.
Ôi! Những người vợ Miền Bắc sau năm 54 nuôi chồng, những người vợ Miền Nam sau 1975… Số phận của các bà các chị không phải là số phận của Tổ quốc tôi hay sao? Những cuốn sách xếp dài như hàng phím của một cây dương cầm, khi một trang sách được mở ra – ngón tay của người nghệ sỹ tài hoa rơi xuống – làm ngân lên một âm thanh run rẩy, nốt nhạc đầu tiên của một bản Sonat làm chấn động không gian đang im lìm, trầm tư mặc tưởng. Ban đầu lẻ loi ngập ngừng rồi hóa thành những cơn sóng mạnh mẽ làm say đắm hồn người. Bây giờ, nhờ internet những tâm hồn đồng điệu còn có thể tìm được nhau trên “Một không gian được ẩn giấu” – theo định nghĩa của Havel, nó chứng minh cho một trong những luật tắc cơ bản của vũ trụ đã được Kinh Dịch chép lại từ thời thượng cổ: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.
Khi Facebook xuất hiện tôi đã cho rằng đây là một trong những phát minh nhân bản nhất trong lịch sử nhân loại dù sau này có sinh ra những điều kỳ quặc như: thao túng thông tin, kiểm duyệt nội dung bịt miệng người dùng …vv… thì Facebook vẫn là công cụ hữu hiệu để kết nối tình bằng hữu trên trái đất.
Nghe tôi nói sẽ bỏ Facebook, người cán bộ an ninh khuyên:
– Đây là những phát minh công nghệ làm cho đời sống con người dễ dàng và phong phú hơn.Theo tôi anh vẫn chơi Facebook nhưng đừng động đến những vấn đề “A,B,C,D” nữa. Chúng tôi không yêu cầu cũng như ép buộc anh phải cam kết. Vả lại anh cam kết đến N lần rồi và cũng N lần lại tái phạm. Đây là ý kiến của cá nhân tôi, một người có cảm tình với anh.
Tôi và anh quen biết nhau ngót nghét đã 10 năm từ khi anh còn là một điều tra viên mang quân hàm thiếu tá trực tiếp làm việc với tôi ghi biên bản và lời khai cho đến nay đã là Thượng Tá Phó Trưởng phòng An ninh nội địa của công an Tỉnh phụ trách những người mới lên làm công việc như xưa của mình.Từ đây tôi sẽ gọi anh là “Người Phụ Trách” để tiện theo dõi.
Quả thật tôi đã viết cam kết đến N lần cũng ngay lập tức vi phạm. Bởi tôi cho rằng những thứ được đọc cho viết hay viết cho đọc dưới áp lực trong trụ sở công an là không có giá trị để biết đâu vào một ngày nào đó những lời “ăn năn, thành khẩn, hối hận” hay hình ảnh tôi đang đọc “lời nhận tội” xuất hiện thì mọi người biết đó chỉ là một nửa sự thật.
Những vấn đề “A, B, C” ấy là gì?
Sau một tuần “nghiên cứu” Facebook gần 100 GB trong Google drive và 29.617 Emai lưu trữ trong laptop và điện thoại của tôi, biên bản ghi: “Cơ quan điều tra phát hiện: thông tin sai lạc, xuyên tạc, xúc phạm lãnh tụ. Phủ nhận thành quả cách mạng và công lao của Đảng. Bóp méo cuộc chiến tranh giải phóng Miền Nam, tôn vinh chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Đánh giá lại lịch sử, cổ vũ các hoạt động xã hội dân sự nhằm tiến hành một cuộc “cách mạng Màu” để lật đổ chế độ…
Trời, cái quái gì thế này? Tôi suýt nữa phá lên cười. Điên rồ, hoang tưởng và tức cười. Tôi mà lại làm được cách mạng để lật đổ chế độ ư? Nhảm nhí.
Bình tĩnh lại một chút thì tôi giật mình. Đây không còn là trò đùa. Theo phép duy vật biện chứng mà các “nhà lý luận” Marxist rất ưa dùng thì cá nhân tôi không thể làm nổi những việc tày trời thế này, logic sẽ là phải có một đảng phái hoặc tổ chức nào đó đứng sau lưng tôi và cơ quan điều tra sẽ chứng minh điều này. Một tam đoạn luận hoàn hảo kiểu Plato.
Tôi thì khẳng định rằng không có điều trên nhưng làm sao bác bỏ. Một vấn đề cũng rất logic được đặt ra: Đây là một vụ được dàn dựng và tôi bị lôi ra làm món nhắm khai vị hoặc tệ hơn là biến thành con chim mồi.
Tôi nhớ lần đến thăm một ngôi nhà ở Budapest. Trước năm 1945 nó là trụ sở của cơ quan Mật vụ, lúc này Hungary là đồng minh của nước Đức Quốc xã và đi theo chủ nghĩa phát xít, sau năm 1945 nó là trụ sở cơ quan An ninh của nhà nước Hungary Cộng sản. Bây giờ được dùng làm nhà Bảo tàng mang tên “Bảo tàng chứng tích những tội ác của chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa Cộng sản”, gọi tắt là “Nhà tội ác”. Trong nhà tội ác có trưng bày một số hồ sơ trong kho lưu trữ có tên “Hồ sơ của những vụ án được dàn dựng”. Đáng chú ý có một vụ án gồm một Linh mục và dăm người khác bị kết tội: “Âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân”, có nhân chứng và vật chứng (súng đạn,chất nổ) đầy đủ. Điều bất bình thường là vị Linh mục chủ mưu bị tuyên án 11 năm tù còn 8 người kia có 7 án tử hình và một án chung thân. Khi hồ sơ được giải mật thì người ta mới biết họ đều là cộng tác viên hoặc chỉ điểm của chế độ.
Tôi không quan tâm đến an toàn cá nhân, bị bắt hay bị giết cũng không làm tôi nhíu mày bởi từ lâu tôi đã phó thác tính mạng mình vào tay thượng đế và nó luôn ứng nghiệm. Nhưng trong lúc “làm việc” lỡ tôi buột miệng nhắc đến ai đó và vì thế mang lại hệ lụy cho họ thì sao?
Làm sao tôi gánh nổi trách nhiệm này và nhất là rũ được nỗi oan là một tên chỉ điểm mặt hạng.
Tôi nhớ đến một ông anh trên Facebook, anh có biệt tài kể những câu chuyện dài lê thê mà anh gọi là “Chuyện cái nồi ngồi trên cái cốc”. Tôi không bỏ sót một câu chuyện nào của anh và kiên nhẫn đọc, sẽ học được rất nhiều.
Ô-kê-ra ! Tôi sẽ bắt chước anh kể câu chuyện “Cà kê dê ngỗng” mà ông bà mình thường nói “kể chuyện phải có đầu có đuôi”, ví dụ: “Con tằm ăn lá dâu nhả ra tơ, người ta lấy tơ dệt thành lụa mang ra chợ bán. Bà mua lụa về may áo cho ông. Ông mặc cái áo mới ngồi hút thuốc lào, cái tàn đóm rơi vào vạt áo…
Mới nghe người ta thấy tức cười vì cái đần độn, ngu ngốc cà kê dê ngỗng của anh đầy tớ. Nhưng ngẫm lại mới thấy đây là câu chuyện có kết thúc mở, ông chủ có thể trừng phạt anh đầy tớ, thậm chí tống cổ anh ta ra khỏi cửa nhưng cũng có thể ban thưởng cho anh ta vì nhìn thấy điều gì đó sau cái vẻ đần độn ngu ngốc kia.
Người phụ trách viết vào một mảnh giấy đưa cho người cán bộ điều tra:
– Đây là định hướng, anh căn cứ theo đó rồi hướng dẫn cho ông ấy tường thuật lại trong gần một năm qua kể từ tháng 10/2022 đến tháng 9 /2023 ông ấy bỏ nơi cư trú đi đâu làm gì, gặp ai…vv… Càng cụ thể càng tốt.
Rồi quay sang phía tôi anh nói:
– Nếu là người khác thì chúng tôi mặc kệ không quan tâm họ đi đâu làm gì nhưng anh là người “đặc biệt” và đây là việc chúng tôi phải làm. Mong anh hết sức thông cảm.
Thông cảm thì chưa chắc nhưng phải chấp nhận thì chắc như bắp. Tôi biết ngay là mình phải làm gì, nhờ Trời tôi được phú cho một trí nhớ không đến nỗi nên tôi cầm bút cắm cúi viết, mỏi tay thì dừng lại nhấp một ngụm cà phê, châm một điếu thuốc rồi đọc lại coi còn bỏ sót chi tiết nào không. Chỉ hơn tiếng đồng hồ tôi đã viết kín gần 10 trang giấy nhưng quãng đường thì mới đi được từ Gò Công đến Phú Yên. Người phụ trách quay trở lại cầm tập giấy tôi đã viết lên đọc, chưa hết một nửa anh đã vứt mạnh tập giấy xuống bàn quát điều tra viên.
– Đây là cơ quan An ninh chứ không phải là sở quản lý du lịch. Anh để ông ấy ngồi đếm một ngày ăn hết bao nhiêu hột cơm, uống hết bao nhiêu giọt nước thì 3 tháng cũng không xong cái biên bản.
Anh ấy nói quá. Các sự việc diễn ra trong một năm khi kể lại có cà kê dê ngỗng thì cũng chỉ mất một tháng là cùng. Ví dụ, khi đi qua một khu rừng chợt thấy một bụi hoa dại tưng bừng khoe sắc bên vệ đường tôi sẽ không ngần ngại dừng xe lại, về số “mo”, kéo phanh tay rồi mở cửa xe bước tới bẻ một bó. Rồi vòng qua phía bên kia cho bà xã xuống, tặng nàng bó hoa rồi châm một điếu thuốc, rồi ngữa cổ lên trời nhìn mây bay, rồi cúi xuống dòng suối trông nước chảy, lắng nghe ve kêu chim hót, rồi ngắm nàng chạy tung tăng như đứa trẻ đưa điện thoại lên chụp lia lịa để post lên facebook gọi là “chếch-kin”… Nó có thể lấy của chúng tôi mất nửa ngày nhưng khi kể lại cũng không đầy một trang giấy. Mà thế đã ăn nhằm gì một ông nhạc sĩ kể chuyện anh lính trẻ trên đường hành quân “rũ bụi đường phương xa, hái bông hoa dại lẻ loi bên đường” mà thành một bài hát. Trong bài hát lại lòi ra câu chuyện “Xưa thật là xưa, nhớ mấy cho vừa” rồi xuất hiện một ông vua, rồi một giai nhân thiếu nữ, rồi ông vua biến nàng thành Hoàng hậu. Cà kê dê ngỗng từ lính tới vua từ nay đến xưa mà làm cho bao nhiêu người say mê yêu thích thậm chí còn man mác buồn. Có điều chuyện cà kê dê ngỗng của tôi thì chỉ gây ra chuyện bực mình nhưng tôi có lý do của mình.
Quả nhiên , người phụ trách quay sang tôi nói:
– Chúng ta đã quá biết nhau, anh cũng quá hiểu cách làm việc của tôi. Vì vậy chúng ta đi thẳng vào vấn đề và anh chỉ việc trả lời là “có” hay “không”. Trong chuyến xuyên Việt vừa rồi anh đi qua những tỉnh thành nào? Tỉnh nào có biên giới? Trên biên giới nơi nào có cửa khẩu, là cửa khẩu quốc gia hay quốc tế? Anh ghé vào những cửa khẩu nào? Gặp ai? Nói chuyện gì? Trong thời gian bao lâu? Anh đã rõ chưa?
Quá rõ, chưa đầy 20 dòng chữ !… (sẽ còn tiếp)