Chúng ta cần một Tổ Chức Y Tế Thế Giới tốt hơn

0
57

Người Thông Dịch

Translated from The Economist article The world needs a better World Health Organisation

WHO đã ứng phó tốt với Covid-19 nhưng vẫn cần thêm nguồn tài chính và năng lực điều phối hiệu quả hơn.

Ngày 12 tháng 9, 2020

Trụ sở ánh ghi xám từ kính và kim loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hoàn toàn tương phản với phông nền nông thôn núi đồi ở Geneva. Tại đây, chỉ có những mảng màu toát lên từ cờ của 194 quốc gia thành viên. Trong thời điểm này, lá cờ Hoa Kỳ vẫn đang bay phấp phới cùng với các nước khác. Tuy vậy, nếu Tổng thống Trump thành công trong kế hoạch của ông, nước Mỹ sẽ hạ cờ vào tháng 7 năm sau. Hoa Kỳ là nhà tài trợ lớn nhất của WHO, với 10% nhân viên tổ chức này là người Mỹ. Sẽ không phải là phóng đại nếu ta nói rằng nước Mỹ có tầm ảnh hưởng lớn với WHO, từ chính sách vĩ mô đến bánh kẹo cho nhân viên.

Khi đại dịch vẫn đang hoành hành toàn cầu, cắt đứt quan hệ với cơ quan y tế đứng đầu thế giới là một việc hết sức kỳ lạ ở thời điểm hiện tại. Mara Pillinger, nghiên cứu viên chính sách y tế Đại học Georgetown tại thủ đô Washington DC cho biết thêm về WHO. Theo bà, tổ chức này đã “thành công khá xuất sắc” khi đối phó với Covid-19, bất chấp nhiều cơ chế ràng buộc trong chính tổ chức của họ. Tuy nhiên, đại dịch Covid và chủ nghĩa Trump đã phơi bày điểm yếu cũng như điểm mạnh, và đặt ra nhiều câu hỏi cho tương lai của tổ chức này. 

WHO hoạt động khẩn cấp theo khung pháp lý của Quy định Y tế Quốc tế (International Health Regulations). Có hiệu lực từ năm 2005, quy định này nêu rõ cách xử lý các trường hợp y tế khẩn cấp trên quy mô lớn. Đây cũng là công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế trong việc phòng chống và báo cáo dịch bệnh. Tuy vậy, khi một quốc gia ngừng hoặc trì hoãn báo cáo dịch bệnh như Trung Quốc đã làm với Covid-19, WHO vẫn không có khả năng ngăn chặn họ. 

Luật chơi trước năm 2005 hoàn toàn khác. Tổng giám đốc WHO đương nhiệm vào thời điểm đó, cựu Thủ tướng Na Uy Harlem Brundtland, đã chỉ trích Trung Quốc vì không báo cáo kịp thời về dịch SARS năm 2003. Bà cho biết, những tháng ngày WHO có thể hành xử như vậy đã qua. Giờ đây, các nước thành viên có thể giới hạn những gì lãnh đạo WHO có thể nói và làm. Tổng giám đốc đương nhiệm Tedros Adhanom đến giờ vẫn chưa công khai chỉ trích Trung Quốc. Tuy nhiên, theo lời ông Jeremy Hunt, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Anh, ông Adhanom cũng không hề phê phán Hoa Kỳ. Vì Liên Hợp Quốc hoạt động dựa trên sự thống nhất tập thể, tế nhị như vậy là cần thiết. Theo ông Hunt: “Đây là cái giá phải trả để có thể làm việc chung với tất cả các quốc gia trên thế giới”.

Nhiệm vụ thường lệ của WHO là xác định các biện pháp y tế cộng đồng tối ưu nhất và chia sẻ chúng với các quốc gia thành viên. Tổ chức này là diễn đàn chính, nơi các quốc gia có thể hợp tác trong các vấn đề y tế. Hoạt động y tế công thực địa không phải là trách nhiệm của tổ chức này. Tuy nhiên, khi các quốc gia thất bại, WHO sẽ can thiệp. Tổ chức này đã hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Syria cũng như cấp cứu bằng máy bay tại Iraq. WHO cũng đã thất bại trong việc phản ứng với Đại dịch Ebola tại Tây Phi năm 2014, khi đại dịch này gây ra hơn 11,000 ca tử vong. Năm 2018, khi dịch Ebola tấn công Cộng hòa Dân chủ Congo, WHO đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và tiêu diệt đại dịch này. Khi các tổ chức khác coi việc cử chuyên gia tới hiện trường là quá nguy hiểm, WHO vẫn ở lại. Hai nhân viên của tổ chức này đã hy sinh dưới tay bọn phiến quân thường xuyên tấn công các phòng khám y tế. Ông Tedros đã đến thăm Congo 14 lần trong bối cảnh đó, một hành động hiếm có với người ở địa vị như ông.

WHO là ai?

WHO đóng vai trò chính trong việc tiêu diệt bệnh đậu mùa, một căn bệnh đã giết gần 300 triệu người vào thế kỷ 20. Họ cũng đã giúp diệt gần sạch bệnh bại liệt, một căn bệnh đã ảnh hưởng 350,000 người mỗi năm ở khắp 125 quốc gia vào những năm 80s. Bệnh bại liệt giờ đây chỉ còn tồn tại ở 3 quốc gia. WHO thường tiếp nhận thông tin từ các quốc gia thành viên, tổ chức các trương trình vaccine, và thường đóng vai trò như một cơ quan phê duyệt vaccine.

Bà Pillinger cho rằng một vấn đề của WHO là việc tổ chức này thường hoạt động một cách thầm lặng. WHO hợp tác chặt chẽ với các chính phủ và còn cho phép họ nhận lấy công trạng từ những thành quả của tổ chức này. Tuy nhiên, khi có sai lầm xảy, WHO lại là một vật thế thân dễ dàng, như cách mà ông Trump đã tận dụng. 

Phản ứng của WHO đối với dịch Covid-19 đã được giám sát chặt chẽ, cũng như được phê phán xác đáng. Bà Brundtland cho rằng nguyên nhân WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp quá muộn là do Trung Quốc tiếp tục giấu diếm thông tin về đợt bùng phát mới. Bà nói, “[Trung Quốc] lại che giấu và ém thông tin thay vì tuân thủ Quy định Y tế Quốc tế (IHR)”.

Một số người chỉ trích cho rằng WHO đã quá chậm trễ trong việc ban hành hướng dẫn sử dụng Dexamethasone, loại thuốc có khả năng chữa trị cho các bệnh nhân trong tình trạng nặng nhất. Một lời phê bình lớn nữa đối với tổ chức này là khi họ chậm chạp trong việc khuyến khích đeo khẩu trang. Theo Tiến sĩ dịch tễ học Maria Van Kerkhove, nghiên cứu ban đầu cho thấy không có đủ bằng chứng về độ hiệu quả của khẩu trang vải, và WHO cũng lo ngại về nguồn cung của khẩu trang. Để trả lời câu hỏi này, WHO đã yêu cầu điều tra thêm từ Đại học Stanford. Đến tháng 6, tổ chức này đã cập nhật khuyến cáo đeo khẩu trang vải nơi công cộng. 

Tuy nhiên nhìn chung, tổ chức này đã phản ứng với Covid-19 khá nhanh chóng. Khi dịch bắt đầu bùng phát, các quan chức đã làm việc với nhiều công ty công nghệ và truyền thông mạng xã hội để khuyến khích họ quảng bá thông tin chính xác. Việc này đã cho ra đời cụm từ “infodemic” (“đại dịch tin vịt”) để mô tả sự lan truyền nhanh chóng của thông tin sai lệch về loại virus mới này.

WHO đã và đang góp sức điều phối nỗ lực chung toàn cầu để tìm kiếm phương pháp và vaccine đặc trị. Họ đang làm việc với các công ty dược phẩm để đảm bảo nguồn cung cấp thuốc. Hiện nay họ cũng là thành phần chủ chốt trong chương trình covax, một kế hoạch phân phát 2 tỷ liều vaccine đặc trị Covid-19 trong năm 2021. WHO vẫn gấp rút xem xét và giải nghĩa các kết quả nghiên cứu cấp tốc. Sau hậu trường, các quốc gia thành viên thường được WHO nhắc nhở khi các biện pháp của nước họ không đủ nghiêm ngặt hoặc toàn diện.

WHO vì ai?

Nỗ lực của WHO sẽ được phân tích thêm. Vào tháng 5, Hội đồng Y tế Thế giới (World Health Assembly), hội thảo ra quyết định của WHO, đã yêu cầu đánh giá độc lập toàn diện về phản ứng của WHO và các nước trước đại dịch. Đánh giá này sẽ được công bố vào năm sau. Điểm yếu của WHO cũng đã rõ ràng dù kết luận có ra sao. Tháng trước, các quan chức Bộ Y tế Pháp và Đức đã lưu hành một bài báo cho rằng cơ quan này thiếu trợ cấp trầm trọng, đảm nhận quá nhiều việc từ các nước thành viên, và yếu kém từ trong cơ chế hiện hành. 

Tài chính là vấn đề lớn nhất hiện nay. Ngân sách của WHO chỉ vỏn vẹn 2,5 tỷ USD/năm (khoản tiền Mỹ thường tiêu cho chương trình chăm sóc y tế của một thành phố nhỏ). Howard Koh, giáo sư tại Trường Y tế Công cộng T.H. Chan của Đại học Harvard và cựu trợ lý bộ trưởng y tế trong chính quyền Obama cho biết: “Đó là một con số đáng buồn”. Với ngân sách này, “ta lại kỳ vọng họ phải giải quyết xong đại dịch trên toàn thế giới”. Trong những trường hợp khẩn cấp, WHO thường phải ngửa tay xin tiền đóng góp từ các nước tài trợ như Mỹ. Dịch Ebola bùng phát ở Congo năm 2018-19 đã từng làm cạn kiệt ngân sách của tổ chức này.

Công việc của họ còn khó khăn hơn vì chỉ có 20% trong số 2.5 tỷ USD ngân sách được đảm bảo và đóng góp vô điều kiện. Phần lớn ngân sách đến từ một nhóm tài trợ lớn (xem biểu đồ). Tiến sĩ Tedros so sánh WHO như một quốc gia lệ thuộc vào dầu mỏ, quá dựa dẫm vào nguồn thu nhập duy nhất từ Mỹ. Các quốc gia lớn khác, chẳng hạn như Trung Quốc và Pháp, đóng góp quá ít ỏi. 80% phần còn lại là từ gần 3.000 khoản đóng góp tự nguyện và thất thường chỉ dành riêng cho các dự án cụ thể. Hơn nữa, các đóng góp này đều ít hơn 500.000 USD. Lãnh đạo của WHO cho biết ngân sách của họ còn nhiều rối rắm, khó quản lý và gây phân hóa tổ chức này.

(Graph) Top 20 nguồn đóng góp ngân sách cho WHO trong 2 năm 2018-19 (triệu USD). Nguồn: WHO

Kể từ khi nhậm chức năm 2017, Tiến sĩ Tedros đã cố gắng đảm bảo tài chính cho cơ quan mình. Ông thành lập Quỹ WHO (WHO Foundation) nhằm tạo ra một nguồn quỹ vững chắc hơn. Ông muốn thuyết phục các quốc gia thành viên gia tăng đóng góp vô điều kiện. Ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, ông đã đưa vấn đề y tế vào chương trình nghị sự chính trị. Nhân viên của một tổ chức từ thiện y tế lớn nói rằng, dưới sự kiểm soát của ông, WHO đã đi từ thảo luận công việc chỉ với các bộ trưởng y tế lên đến trao đổi trực tiếp với giới nguyên thủ quốc gia.

Tiến sĩ Tedros khen ngợi nhân viên của mình vì đã cho ông những ý tưởng hay, chẳng hạn như việc thành lập Học viện WHO để hỗ trợ đào tạo nhân viên y tế khắp thế giới. Ông cũng lập nên vai trò giám đốc khoa học. Ông đồng thời tiếp cận khu vực tư nhân, điều mà trước đây WHO đã không dám thực hiện vì lo sợ xung đột lợi ích. Ông nói rằng mình sẵn sàng làm việc với ngành công nghiệp thực phẩm để cắt bỏ chất béo chuyển hóa (trans fat), một loại chất béo đặc biệt có hại sức khỏe, khỏi thực phẩm vào năm 2023. WHO cũng đang xem xét hợp tác với các công ty công nghệ lớn về mảng công nghệ sức khỏe kỹ thuật số.

Tiến sĩ Tedros là tổng giám đốc đầu tiên được bầu chọn thông qua phiếu kín của tất cả các quốc gia thành viên — khiến ông có tính độc lập cao hơn, theo ông. Là ban điều hành của WHO, một nhóm nhỏ các quốc gia đã từng kiểm soát các cuộc bầu chọn này. Các cải cách mà ông thực hiện cho đến nay đầy tham vọng, nhưng các quốc gia thành viên cần phải đi xa hơn nữa.

Ngoài ứng phó các đại dịch, việc thúc đẩy chính sách dựa trên khoa học, tăng cường hệ thống y tế và mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc ý thường không phải là những công việc có nhiều ánh hào quang. Nhưng chúng vô cùng thiết yếu. Thành tích ứng phó với Covid-19 của WHO không hề hoàn hảo, nhưng từ lâu họ đã cảnh báo về khả năng đại dịch xảy ra ở quy mô hiện tại. Vào năm 2018, WHO đã đề cập đến viễn cảnh “Bệnh X”, căn bệnh do một tác nhân mà nhân loại chưa từng biết đến sẽ gây ra đại dịch với sức tàn phá khủng khiếp. Tiến sĩ Tedros đã thành lập một bộ phận mới để chuẩn bị cho căn bệnh này nhưng nhiều quốc gia đã bỏ ngoài tai. 

Sau 1 năm, thế giới vẫn không hề biết liệu một đại dịch tồi tệ như Covid-19 có phải là sự kiện trăm năm có một hay sẽ lại tái diễn vào ngày mai. Trong khi đó, WHO vẫn đang đối diện với nhiều thử thách mới nổi. Chẳng hạn như đợt bùng phát Ebola mới ở Congo. Các nước nghèo hơn sẽ cần hỗ trợ để đối phó với Covid-19 cùng với các bệnh hiện có như tiểu đường và sởi. WHO sẽ phải chia nhỏ thêm các nguồn tài lực vốn đã hạn chế và ít ỏi.

Tiến sĩ Tedros đã cố gắng thuyết phục chính quyền Trump rằng Mỹ vẫn nên là một phần của WHO. Tuy nhiên ông cũng cho biết Mỹ đặt ra các điều kiện “hoàn toàn không thể chấp nhận được” để thực hiện điều này (ông không nói rõ chúng là gì). Trong khi đó, Joe Biden cam kết Mỹ sẽ lập tức liên kết lại với WHO nếu ông đắc cử tổng thống. Dù là thế nào, khả năng một nước có đóng góp chính như Mỹ rời khỏi WHO đã khiến các quốc gia khác nhận ra họ nên làm nhiều hơn để củng cố tổ chức này. Một hội đồng nội bộ đang xem xét các cải cách đối với Quy định Y tế Quốc tế. WHO có thể cần thêm quyền hạn để điều tra độc lập các đợt bùng phát và thiết lập một hệ thống có thể đưa ra cảnh báo sớm hơn cho những trường hợp khẩn cấp liên quan đến sức khỏe cộng đồng. Một năm trước, chúng ta khó tính được rủi ro của một hệ thống y tế toàn cầu yếu kém. Đến hôm nay, cái giá của sự thất bại này trước Covid-19 lên đến hàng nghìn tỷ USD và hơn 900.000 sinh mạng.

Người dịch: Linh Hoang, Que Do 

Người biên tập: Derek P.

Nguồn : https://www.the-interpreter.org/post/chung-ta-can-mot-to-chuc-y-te-the-gioi-tot-hon

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here