Chợ phiên Bắc Hà, nét chấm phá Tây Bắc

0
46
Người H'Mong ở chợ phiên Bắc Hà TTVN
RFA

Đến thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai, đi theo quốc lộ 70, dọc theo bờ sông Nậm Thi, con sông nhỏ làm ranh giới giữa Việt nam và Trung Quốc, nhìn từ Việt Nam, Trung Quốc chỉ cách chưa đầy 200 mét, bên kia nhà cửa lô nhô, bên này lều trại lụp xụp… Đi chừng 70 km, qua mấy con đèo nhỏ đầy mây, sương mù và rừng thông thì đến thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà, nơi mệnh danh còn một chợ phiên đậm chất núi rừng nhất Tây Bắc. Chợ phiên Bắc Hà cũng là thành trì cuối cùng mà các thương nhân Trung Quốc đang cố gắng phá vỡ.

Hàng Trung Quốc lăm le đe dọa

Ông Sùng Seo Chỉnh, một thương nhân H’Mong lâu năm ở chợ phiên Bắc Hà, Lào Cai, chia sẻ: “Hàng tháng có 4 tuần, bán 4 ngày, thu nhập một tuần của nó là từ 800 ngàn đồng đến 1 triệu hai trăm ngàn đồng…”

Theo ông Chỉnh, chợ phiên Bắc Hà có từ mấy trăm năm nay, đông đúc vào thời thuộc Pháp và vãn dần vào thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, đến thời sau 1975 cũng chỉ là một chợ phiên nhỏ. Mãi cho đến khi du lịch phát triển, chợ phiên Bắc Hà mới được phục hồi và tân trang thêm kiểu cách, điệu đàng. Nhưng cho dù phục hồi hay tân trang kiểu gì thì chợ phiên Bắc Hà cũng giữ một nguyên tắc: Không để hàng Trung Quốc xâm nhập.

Ông Chỉnh nói rằng sở dĩ có được điều này, một phần cũng nhờ vào chính sách của nhà cầm quyền huyện Bắc Hà, họ dù không nói ra bằng văn bản nhưng tất cả các phiên họp hay các buổi giao lưu giữa cán bộ huyện với giới kinh doanh ở đây, họ đều nhấn mạnh đến vấn đề làm sao để chống lại trận gió hàng Trung Quốc. Bởi trận gió này không có lợi và gây nguy hiểm cho du lịch Bắc Hà. Và đây cũng là mấu chốt để cho đến hôm nay, hàng Trung Quốc khó có vé bước vào chợ phiên Bắc Hà.

Hàng tháng có 4 tuần, bán 4 ngày, thu nhập một tuần của nó là từ 800 ngàn đồng đến 1 triệu hai trăm ngàn đồng… – Ông Sùng Seo Chỉnh

Tuy nhiên, chơi với Trung Quốc không dễ một chút nào, ông Chỉnh nói rằng hiện tại mặc dù người dân và chính quyền Bắc Hà đã hết sức phòng tránh trận gió hàng Trung Quốc nhưng vẫn có một số mặt hàng của Trung Quốc đã xuất hiện tại chợ phiên. Điểm đáng sợ ở đậy là món hàng độc đáo nhất, mang đặc trưng, hồn vía của Bắc Hà và người H’Mong nhất lại là hàng Trung Quốc, đó là thổ cẩm H’Mong.

Cũng xin nói thêm về chợ phiên Bắc Hà, đây là một phiên chợ mở cửa vào lúc tờ mờ sáng ngày Chủ Nhật và vãng dần vào lúc 11h trưa, cho đến 12h trưa thì chợ chính thức vãng. Mọi thức quà Tây Bắc từ quả lê, quả mận, quả kiwi Bắc Hà cho đến các món ăn như thắng cố ngựa, phở lợn, phở trâu, mằng thắn ngô, bánh chưng đen, xôi bảy màu, các loại rau rừng, củ rừng, mật ong rừng, trâu bò, lợn gà, chó mèo… Dường như người H’Mong có thứ gì thì mang xuống chợ phiên bán thứ ấy. Duy chỉ riêng hàng thổ cẩm, dường như các thợ dệt thổ câm người H’Mong ở Bắc Hà, mà cũng là những thợ dệt thổ cẩm ít ỏi còn sót lại của người H’Mong Tây Bắc đã thúc thủ trước trận gió Trung Quốc.

Theo tục lệ, người phụ nữ H’Mong được bên nhà chồng dành cho một khoản đất trống trước sân để trồng cây lanh và cây đay mà dệt thổ cẩm. Một tấm vải thổ cẩm phải tốn rất nhiều công phu và đương nhiên múi dệt không thể nhuyễn và mịn bằng dệt kim hiện đại. Nhưng nó chất chứa tấm lòng, sự kiên trì chịu đựng và nghệ thuật của người H’Mong. Nhưng hiện tại, chỉ cần bỏ ra chưa được 20% số tiền của một tấm vải thổ cẩm dệt tay, người ta đã mua được một tấm thổ cẩm dệt máy có múi dệt mịn và nhuyễn do Trung Quốc sản xuất. Và dường như hàng thổ cẩm thật bị hàng thổ cẩm Trung Quốc đạp ngã ở bất kì phiên chợ nào trên đất Tây bắc.

Cuối cùng, người phụ nữ H’Mong chấp nhận một luật chơi mới là mua vải thổ cẩm Trung Quốc về tự tay thêu, dệt bằng sợi lanh của mình lên đó những đường nét hoa văn, sau đó mang ra chợ bán. Những mảnh đất trồng lanh, đay bỏ cỏ mọc, người phụ nữ H’Monbg miệt mài với việc buôn bán thời thổ cẩm Trung Quốc bành trướng Tây Bắc. Và có thể nói đây là đòn nặng và độc nhất của Trung Quốc khi xâm chiếm thị trường Việt Nam. Bởi họ đã đánh gục được mặt hàng truyền thống, mang hồn vía của người H’Mong, và một khi đánh được tử huyệt này, những mặt hàng khác của người H’Mong bị hạ gục ở chợ Bắc Hà chỉ còn là vấn đề thời gian.

Ai mua món độc H’Mong nhiều nhất?

Chị Yang Thị Liễu Liễu, người H’Mong, bán thổ cẩm ở chợ phiên Bắc Hà, chia sẻ:“Cũng có đủ hàng nhưng khó thêu lắm, tất cả thổ cẩm đều là của người Mèo (tức H’Mong xanh. Người H’Mông có H’Mong xanh và H’Mong đỏ, H’Mong đen, H’Mong trắng). Nhập chỗ khác về thì họ dệt bằng máy, đây là toàn hàng của người Mèo mình (thêu) thôi.”

amthuc.jpg
Gian hàng ẩm thực ở chợ phiên Bắc Hà TTVN

Chị Liễu Liễu cho biết thêm là hiện nay, chợ phiên Bắc Hà trở thành điểm du lịch hấp dẫn nhất Tây Bắc, mỗi cuối tuần có đến vài chục ngàn khách đến đây tham dự chơ phiên, người miền Nam ưa các loại đậu phụng da đỏ rang, bánh chưng đen, trái cây và thịt lợn quay cắp nách của người H”Mong, người Hà Nội thích các món liên quan đến rừng, trong đó có thắng cố, thịt lợn cắp nách, cơm lam, gà bản và cá suối. Và các người miền Nam, miền Bắc cũng như khách du lịch phương Tây đều rất thích mua một món hàng lưu niệm thổ cẩm mang về. Nhưng ít ai biết phân biệt được hàng thật, hàng giả. Bởi hàng thật trở nên quá hiếm.

Thường thì khách du lịch Trung Quốc sang chợ phiên Bắc Hà tìm mọi cách tìm cho được hàng thổ cẩm thật để mua về bán bên các chợ Trung Quốc. Dường như các món hàng mang hồn vía của người dân bản Hoàng Thu Phố và Bản Phố đều được người Trung Quốc săn lùng với giá cao. Điều này tạo ra một trận sóng ngầm trong chợ phiên Bắc Hà, những người dân H’Mong nghèo khổ, khốn khó kinh niên, nếu đào được một củ sâm rừng hay còn tấm thổ cẩm gia bảo nào cũng mang ra chợ phiên, đợi một khách du lịch Trung Quốc nào đó đến mua, nếu bán được, họ có thể mua lương thực cho cả năm.

Có lẽ chính vì nghèo khổ, chưa có chính sách nhất quán trong việc ngăn ngừa hàng Trung Quốc tấn công vào Việt Nam nên chợ phiên Bắc Hà mặc dù đã cố gắng giữ bản sắc H’Mong, Thái, Dao, Việt… Nhưng vẫn khó bề thoát khỏi bàn tay lông lá của các thương nhân Trung Quốc. Và chợ phiên Bắc Hà còn trụ được bao lâu nữa trước cơn giá hàng Trung Quốc rẻ tiền, có lẽ câu trả lời là một điều gì đó thật tế nhị, khó nói!

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here