Hợp tác xã kiểu mới cho người nghèo, con đường còn xa

    0
    9
    Một trận lụt vào tháng 10, năm 2016, tại Hương Khê, Hà Tĩnh. AFP
    Kính Hòa RFA
    2017-09-08

    Ngày 7 tháng 9 năm 2017, Chính phủ Việt Nam chính thức cho ra mắt Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển kinh tế tập thể. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ban này là thúc đẩy thành lập các hợp tác xã kiểu mới để xây dựng nông thôn.

    Hợp tác xã kiểu mới là gì? Người dân đang quan tâm đến nó như thế nào?

    Hợp tác xã kiểu mới trên cơ sở tự nguyện.

    Theo trang web của Trung tâm hỗ trợ phát triển hợp tác xã thì những hợp tác xã gọi là kiểu mới được thành lập theo luật hợp tác xã năm 2012 có đặc điểm là trên cơ sở tự nguyện của các thành viên, và quyền sở hữu tài sản của các thành viên được công nhận. Điều này hoàn toàn khác với những hợp tác xã theo mô hình bao cấp trước đây, có tính chất bắt buộc, đã hầu như chấm dứt hoạt động khi Việt Nam bắt đầu cải cách kinh tế vào năm 1986.

    Tiến sĩ Dương Văn Ni, một chuyên gia về môi trường tại vùng đồng bằng sông Cửu Long cho biết là theo quan sát của ông, có những tổ chức có đặc điểm tương tự hợp tác xã kiểu mới được thành lập một cách rất tự nhiên, không cần sự vận động hành chánh nào:

    Thường thì có một người nào đó làm ăn giỏi, có thể ông ta không phải là nông dân, nhưng những người nông dân xung quanh nghe là làm theo ông ta để công việc giao dịch làm ăn được dễ dàng hơn.”

    Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế ở Hà Nội thì sự thúc đẩy phát triển hợp tác xã của chính phủ là việc nên làm, vì nó giúp đỡ những người nghèo của xã hội:

    “Kinh tế tập thể là một hình thức tổ chức thích hợp đối với những người lao động nghèo, không có vốn để mở rộng đầu tư sản xuất. Đó là một mô hình đối nhân, không phải đối vốn. Những người lao động ấy kết hợp sức lao động của mình lại với nhau, để cùng hợp tác và phát triển.”

    Như vậy sự hợp tác làm ăn với nhau là một hành động rất tự nhiên, và việc đó lại càng nên khuyến khích đối với tầng lớp người lao động nghèo.

    Một chương trình mới như thế này thì tôi không biết là họ có kềm chế mình hay không.
    -Linh mục Cao Đình Hải.

    Đồng ý nhưng nghi ngờ

    Chúng tôi tìm đến một trong những vùng nông nghiệp nghèo nhất Việt Nam là tỉnh Hà Tĩnh để tìm hiểu về sự tham gia thành lập hợp tác xã ở đây.

    Theo Linh mục Cao Đình Hải, ở giáo xứ Xuân Sơn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, nông dân ở đây hiện nay không còn làm lúa như ngày trước mà chuyển sang trồng cây keo để bán cho một số doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng ông nói rằng họ vẫn hoạt động riêng lẻ chứ không thành lập những hợp tác xã.

    Khi chúng tôi cho ông biết về ý muốn của chính phủ về việc thúc đẩy phát triển hợp tác xã kiểu mới, ông nói:

    “Hợp tác xã lúc trước không có chất lượng, như vậy không thể tồn tại được. Một chương trình mới như thế này thì tôi không biết là họ có kềm chế mình hay không, hay là chỉ ủng hộ tiền của cho mình để giúp mình thì chắc chắn là sẽ tốt hơn. Không biết họ có kềm chế bằng cách nào đó hay không, tôi chưa tìm hiểu được.”

    Hợp tác xã lúc trước mà Linh mục Hải đề cập chính là các hợp tác xã nông nghiệp có tính chất bắt buộc đối với nông dân trước khi Việt Nam cải cách kinh tế vào năm 1986. Trong thời gian hoạt động của các hợp tác xã này, nông nghiệp Việt Nam bị đình đốn nghiêm trọng, nông dân bỏ ruộng đất, lương thực phải nhập khẩu.

    Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói về mô hình sản xuất của hợp tác xã kiểu cũ, trước năm 1986:

    “Trước kia mô hình hợp tác xã cũ không thành công vì người ta có câu là mỗi người làm việc bằng hai để cho chủ nhiệm mua đài mua xe, người dân cảm thấy bị bóc lột. Đó không phải là mô hình hợp tác xã thực thụ, đem lại lợi ích cho họ.”

    Một nông dân là ông Phúc, tại huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, từng làm công an xã và tham gia vào việc điều hành các hợp tác xã kiểu cũ nói là ông đồng ý những hợp tác xã kiểu mới:

    Thành lập hợp tác xã kiểu tự nguyện, ăn chia rõ ràng, sòng phẳng hơn. Có được qui chế của nhà nước nữa thì tốt. Cái thứ hai nữa là họ cảm thấy lợi, lợi cho gia đình, lợi cho tổ hợp.”

    Tuy nhiên ông lại nói là vùng đất nghèo của xã ông không có hợp tác xã kiểu mới vì quá nghèo, điều ngược lại với nguyên tắc mô hình sản xuất hợp tác xã là thích hợp cho người nghèo như Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đề cập.

    Những người dân mà chúng tôi tiếp xúc được ở Hà Tĩnh đều nói rằng việc thành lập các hợp tác xã kiểu mới trên cơ sở tự nguyện là việc nên làm. Linh Mục Cao Đình Hải nói:

    Nếu tự nguyện góp sức làm ở một vùng quê, thì chắc là có thể tốt. Nếu vấn đề đóng góp tự nguyện đó không liên quan đến chính phủ, dân tự làm, chính phủ giúp cho họ thì đó là việc nên làm.”

    Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, vai trò của nhà nước trong việc thúc đẩy những hợp tác xã của người nghèo phát triển là giúp cho họ về vốn, cũng như giảm bớt thuế khóa cho những vùng bị thiên tai, những vùng đất thường là nghèo khó, cần thúc đẩy sự thành lập các hợp tác xã kiểu mới.

    Một người tàn phá kinh tế của đất nước, của người dân như thế, làm một người lãnh đạo phát triển knh tế thì nó có hài hước không?
    -Linh mục Đặng Hữu Nam.

    Cả ông Phúc cựu cán bộ công an ở huyện Hương Khê, và Linh mục Cao Đình Hải ở huyện Kỳ Anh đều nói rằng dân chúng ở địa phương các ông vẫn không được giảm thuế mặc dù vừa bị lũ lụt.

    Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết là chính phủ đã có chính sách giảm thuế nông nghiệp cho những vùng bị thiên tai, nếu như có phản ảnh của người dân như vừa nêu thì phải xem lại sự thực hiện chính sách ở địa phương.

    Trong một bài viết trên trang web của Liên minh hợp tác xã Việt Nam vào năm 2016 có liệt kê tỉnh Hà Tĩnh là một trong những địa phương xây dựng nhiều hợp tác xã kiểu mới. Tuy nhiên bài viết này cũng nói rằng có một sự nghi ngờ về cái tên, về ký ức của những hợp tác xã bắt buộc ngày trước, làm cho dân chúng không tham gia vào các hợp tác xã hiện nay.

    Ngay trong ngày công bố chính sách thúc đẩy việc phát triển các hợp tác xã kiểu mới, một thông tin làm cho những người quan tâm đến thời sự thất vọng. Linh mục Đặng Hữu Nam, quản xứ Phú Yên, giáo phận Vinh, tỉnh Nghệ An cho biết:

    Anh có thể thấy một cái tin ngày hôm nay là chính phủ thành lập ban chỉ đạo kinh tế đó, nhưng người lãnh đạo là ai? Trong đó có Võ Kim Cự, là một người là nguyên nhân gây ra thảm họa Formosa. Một người tàn phá kinh tế của đất nước, của người dân như thế, làm một người lãnh đạo phát triển knh tế thì nó có hài hước không? Vậy đây là một điều mà dù một con người lạc quan bao nhiêu thì người ta cũng không thể dám tin tưởng vào sự phát triển kinh tế theo sự chỉ đạo này.”

    Ông Võ Kim Cự từng là Bí thư tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh, sau đó làm đại biểu quốc hội. Trước đây không lâu ông đã chính thức bị kỷ luật, mất ghế đại biểu quốc hội, vì trách nhiệm của ông trong việc để xảy ra thảm họa môi trường biển Formosa vào năm 2016. Ngày 7 tháng 9 năm 2017, ông Võ Kim Cự lại được giao trọng trách làm Phó Ban chỉ đạo chỉ đạo và phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

    Đáp lại sự nghi ngờ của Linh Mục Đặng Hữu Nam, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng trong tình hình kinh tế xã hội Việt Nam hiện nay với yếu tố kinh tế thị trường phát triển mạnh, nhà nước Việt Nam không thể trở lại với kiểu quản lý hợp tác xã như xưa.

    Tuy nhiên việc áp dụng mô hình hợp tác xã để giúp đỡ những người nghèo vẫn là con đường nhiều khó khăn. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ Trưởng Ban chỉ đạo và phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, cũng nói rằng nhiều địa phương vẫn không phân biệt được hợp tác xã kiểu mới khác với kiểu cũ như thế nào.